Một chuyến xe buýt
VNTN - Loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt công cộng phát triển ở Thái Nguyên có đến chục năm rồi nhưng tôi chưa có cơ hội đi xe buýt lần nào. Cách đây mấy ngày, chị cả tôi ở Hà Nội lên chơi, chúng tôi rủ nhau làm chuyến “du lịch mi-ni” bằng xe buýt. Lịch trình của chị em tôi rất đơn giản: Lên thắp hương Đền Đuổm (Phú Lương), đi bộ chơi mấy điểm quanh đấy rồi lại trở về thành phố bằng xe buýt.
Ảnh minh họa
Gần nhà tôi có điểm xe buýt. Chờ không lâu đã có xe đến đón. Trên xe vắng khách khiến chị tôi, một “chuyên gia” đi xe buýt Hà Nội xuýt xoa: “Đi xe buýt Thái Nguyên sướng nhỉ, chả đông như ở Hà Nội”. Xe di chuyển tốc độ chậm, các điểm dừng khá lâu. Nhiều hành khách lạ lắm, thấy xe đợi vẫn đi rất đủng đỉnh, người trên xe sốt ruột vì phải chờ. Chị tôi lại xuýt xoa: “Hành khách Thái Nguyên sướng thật, xe Hà Nội ý à, họ chả chờ đâu, chỉ cách vài bước chân “nó” cũng cho đón chuyến khác luôn”. Nghe chị khen, tôi có chút tự hào nho nhỏ. Ừ, người Thái Nguyên đủng đỉnh thảnh thơi thế đấy, thế nên mới có câu “Muốn bình yên lên Thái Nguyên mà sống”.
Ảnh minh họa
Trên xe, hành khách nói chuyện ồn ào. Một nhóm ba bốn bà mẹ bỉm sữa bồng bồng bế bế xô về cửa trước để xuống xe, va vào nhóm người đi lên, con nhỏ khóc ré. Chị tôi thắc mắc: “Sao họ lại xuống cửa trước thể?”. Một cô gái trẻ gọi video facebook cho bạn như ở phòng riêng: “A nô, mày hôm nay vẫn đi nàm á? nàm nàm đ. gì. Thế nương tháng bao nhiêu? Mày sợ tao vay à mà không nói? Tao á, tao bỏ chỗ cũ rồi, giờ chả nàm gì, ở nhà chơi thôi, hí hí…”. Chị tôi ngạc nhiên ghé tai tôi: “Đi xe buýt Hà Nội mà nói to thế nhà xe họ nhắc ngay”. Rồi chị tôi nhìn quanh nhìn quẩn, bảo: Trên xe không có dòng chữ nào nhắc nhở về văn hóa đi xe buýt nhỉ? Ví dụ như “Lên cửa trước, xuống cửa sau”; “Nhường ghế cho người già, trẻ em”; “Không nói to” .v.v. Tôi cũng thấy chiếc xe buýt này thiếu thiếu cái gì đó. Ngoại trừ một số móc tay cầm (dành cho người đứng) treo lủng lẳng trên cao thì xe hoàn toàn như một chiếc ô tô ca chở khách đường dài.
Nhớ lần dự Trại sáng tác ở thành phố biển Nha Trang, tôi thường xuyên đi chơi bằng xe buýt. Có lẽ là thành phố du lịch nên xe buýt Nha Trang rất nhiều và rất đúng giờ. Tất cả các xe đều có chung “ma két” về hình thức: Ngay cạnh cửa trước của xe, có dòng chữ: “Cửa lên” và bảng giá tiền các chặng đi. Trong xe có dán các câu nhắc nhở: Không hút thuốc lá; Không nói to; mật khẩu wifi; số điện thoại nóng khi hành khách cần phản ánh…
Trở lại chuyến du lịch mi-ni của chúng tôi, do chạy đủng đỉnh như vậy nên xe đi từ Gia Sàng (Thành phố Thái Nguyên) lên Đền Đuổm (Phú Lương) hết gần 50 phút. Xuống xe, chị tôi cẩn thận: “Cảm ơn các bác nhà xe nhé!!!”. Cả phụ xe và lái xe đều không đáp lời, khiến tôi thấy ngượng. Lúc này tôi không thấy tự hào mình là hành khách Thái Nguyên nữa.
Lần đầu tôi đi xe buýt Thái Nguyên, nên mới nhìn thấy hiện tượng đơn lẻ, vẫn chưa thể kết luận về chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng này. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn xe buýt Thái Nguyên phải chuyên nghiệp hơn, ở cả phương tiện, con người và hành khách, để chúng ta hình thành “văn hóa xe buýt” như ở các thành phố văn minh khác trong cả nước.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...