Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
15:28 (GMT +7)

Một cá tính, một phong cách Duy Sơn

VNTN - Là người chuyên vẽ tranh biếm họa được công chúng quen mặt từ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, với bút pháp, phong cách riêng độc đáo, họa sĩ Duy Sơn đã đem đến cho người xem những phút giây thư giãn, nụ cười hồn nhiên, sảng khoái và đôi khi cười ra nước mắt. 


Đã mấy năm nay sức khỏe của họa sĩ Duy Sơn không được tốt, dù vậy vẫn thấy anh đau đáu tìm tòi và sáng tạo, không vì những hạn chế thể lực mà bó hẹp mình trong khuôn khổ chật chội, lối tư duy cũ mòn. Tranh biếm họa là thế mạnh nổi bật, nhưng một trong những nỗ lực sáng tác thời gian gần đây nhất, là việc anh âm thầm thử nghiệm thực hiện một loạt tranh trổ giấy - khắc họa chân dung các văn nghệ sỹ và hàng loạt tranh đồ họa tạo hình với chất liệu bút bi nước vẽ trên giấy. Dù vẫn còn đang ở mức thử nghiệm, song cũng mang đến những cảm nhận mới mẻ, thú vị cho người xem.

Gặp Duy Sơn những ngày này, dù sức khỏe yếu nhiều, song vẫn thấy anh trong phong cách quen thuộc, nhấc ly rượu nhấp môi và thũng thẵng, dông dài về đời và sự đời. Anh sinh năm 1958 tại Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên), trong một gia đình nghèo, bố anh đi theo cách mạng từ nhỏ, năm 1946, ông là một trong mười sáu đảng viên đầu tiên được kết nạp ở Chợ Chu, Định Hóa. Duy Sơn là con thứ mười trong nhà, là con út nên anh được gần gũi với bố nhiều hơn, vì thế mà ảnh hưởng khiếu cầm - kỳ - thi - họa, đặc biệt tài năng của người cha khiến Duy Sơn mê mẩn là trang trí nhà táng, trổ giấy trên sáp ong tạo hình trang trí đèn kéo quân rất tài tình. Anh ham thích vẽ từ nhỏ, nhưng đôi tay khéo léo ấy cũng không ít lần bị cô giáo tiểu học phạt vì tội vẽ bậy lên bàn ghế, sách vở. Nhưng sau những lần chịu phạt, thì niềm đam mê hội họa lại càng bùng lên mạnh mẽ hơn, khiến cậu học trò tinh nghịch vẫn “chứng nào tật ấy”. Khi không có bút thì Duy Sơn dùng than củi để vẽ, không có giấy thì vẽ lên tường, sàn nhà, đến khi không còn chỗ nào trống nữa mới thôi.

Tác phẩm “Cây đàn hỏng”

Khi vào học ở trường Sư phạm 10+2 Bắc Cạn, anh vẫn vẽ tự do. Thời đó giấy viết rất khan hiếm, không còn kiểu vẽ “nhỏ lẻ” như hồi nhỏ, Duy Sơn vẽ thẳng lên mặt bàn, mặt ghế, đến nỗi mặt bàn nào ở các phòng học cũng có nét vẽ của anh. Bị thầy giáo chủ nhiệm lớp và bạn bè nhắc nhở, phê bình, nhưng như cái nghiệp đã vận vào người, đam mê vẽ đã ngấm sâu vào máu Duy Sơn không thể bỏ được. Ngày ấy có trào lưu vẽ hình hoa lá hay đôi chim lên vải phin trắng cho chị em thêu làm mặt gối hay khăn tay, đặc biệt là vẽ trang trí sổ tay ca hát, thế là Duy Sơn được dịp bận rộn “luyện tay” và thể hiện tài năng của mình. Cũng nhờ vốn kiến thức mỹ thuật cơ bản được học trong trường nên nét vẽ của Duy Sơn ngày càng chắc chắn, rắn rỏi. Tờ báo tường của lớp anh bao giờ cũng đứng hàng đầu. “Tiếng lành đồn xa”, anh “nổi đình nổi đám” trong trường Sư phạm về tay nghề vẽ, ngày ra trường bạn nào cũng muốn trong cuốn sổ lưu bút có nét vẽ của anh.

Năm 1979 Duy Sơn tốt nghiệp ra trường, trở về quê dạy học. Một năm sau anh được tổ chức điều động lên làm cán bộ Phòng Giáo dục huyện Phú Lương. Trong khoảng thời gian công tác tại đây (9 năm), anh có cơ duyên gặp gỡ và kết hôn với một cô giáo mầm non là cán bộ Văn phòng ủy ban huyện. Sau này, anh lại được tổ chức điều động làm công tác thống kê, rồi sang làm quản lý tại Phòng Văn hóa - thông tin huyện Phú lương cho đến năm 2014 thì về nghỉ chế độ. May mắn lớn nhất của người nghệ sĩ là nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ người thân trong gia đình, Duy Sơn là người có được điều đó khá tròn vẹn. Anh tâm sự: “được gia đình, vợ con luôn ủng hộ khiến tôi có thêm nghị lực và cảm hứng sáng tạo trong nét vẽ của mình. Nhiều hôm vẽ đến gần sáng, mệt quá nằm thiếp đi, khi thức giấc đã thấy mọi thứ được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, vợ tôi vẫn lặng lẽ một mình làm tất cả những điều ấy suốt nhiều năm mà không một lời ca thán”.

Dù công tác ở bộ phận nào, Duy Sơn cũng không bao giờ bỏ quên niềm đam mê của mình. Những ai quan tâm đến hội họa, và gần gũi với Duy Sơn, hẳn sẽ thấy quá trình tư duy sáng tác của anh từ thập niên tám mươi đến nay có nhiều thay đổi. Giai đoạn đầu tranh của anh thường vẽ trực diện đối tượng là mặt trái của xã hội. Thời kỳ này chủ yếu là tranh châm biếm, nội dung tập trung phê phán thói hư tật xấu ở đời, như thói đua đòi kệch cỡm, quan tham nhũng nhiễu dân lành, khinh nhờn luật pháp, thói bàng quan vô trách nhiệm, lừa lọc biếng hèn..., tạo nên những tiếng cười sâu cay. Sau này chủ yếu anh vẽ tranh vui - phê bình, hình tượng chính trong tranh thường là con vật được nhân cách hóa như truyện ngụ ngôn, hoặc là nhân vật dân gian chú Tễu. Với cách thể hiện sắc sảo, độc đáo, người xem được thả hồn vào thế giới biếm họa, chứng kiến nhiều cảnh khóc, cười, thăng trầm của nhân vật. Đằng sau mỗi nét vẽ, mỗi tác phẩm của Duy Sơn đều khiến người xem phải giật mình, suy tư về nhân tình thế thái, về những ý nghĩa mang tính triết lý sâu xa…

Nhìn lại chặng đường phát triển mỹ thuật Thái Nguyên, có thể nói Duy Sơn là họa sỹ biếm họa duy nhất, đồng thời cũng là người triển lãm tranh biếm họa đầu tiên trong tỉnh. Từ năm 1993 đến năm 2010, họa sĩ Duy Sơn đã có 3 triển lãm cá nhân ở thể loại biếm họa, đề tài đa dạng, phản ánh nhiều góc cạnh ngoài xã hội. Triển lãm năm 2010 với chủ đề “Trước mắt chúng ta”, ngoài thể loại biếm họa quen thuộc còn có thêm tranh trổ giấy. Với góc nhìn đa chiều, anh luôn phát hiện được những nét tinh tế trong cuộc sống đời thường bằng cảm xúc khác biệt, không trộn lẫn với ai khác, tạo nên một phong cách, một cá tính rất riêng.

Với niềm say mê hội họa vô điều kiện, với những nỗ lực hết mình trong sáng tạo nghệ thuật, trong sự nghiệp sáng tác của mình họa sỹ Duy Sơn đã dành được nhiều giải thưởng do các ngành, cơ quan từ Trung ương đến địa phương trao tặng: giải Xuất sắc tranh Biếm họa, báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (1989); giải Nhất tranh Biếm họa, tỉnh Bắc Thái (1993); giải Nhất tranh Cổ động, tỉnh Bắc Thái (1995); giải Nhì, giải Ba tranh Cổ động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1996); giải Nhất Biểu tượng Hội khỏe nông dân, tỉnh Thái Nguyên (1996); giải Nhì tranh Biếm họa, tỉnh Bắc Thái (1996)… Ngoài ra còn in chung ba tập sách: Những điều trông thấy; Người con gái ấy đã ra đi; Em chọn lối này.

Năm 2016, Duy Sơn vẫn nỗ lực tiếp tục sáng tạo, cho ra mắt công chúng triển lãm lần thứ 4 với chủ đề “Bên cuộc đời tôi”. Triển lãm được tổ chức từ ngày 17 - 21/11 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, gồm 62 tranh khổ nhỏ, trong đó có 30 tranh biếm họa và 32 tranh đồ họa. Khác với 3 lần trước, lần này ngoài sự hài hước gây cười của tranh biếm họa, Duy Sơn còn muốn cho công chúng biết về khả năng thâm diễn chân dung của mình, bằng sự quan sát tinh tế, sâu sắc, nắm bắt thần thái trong từng nhân vật.

 Ông già sông Chu  

Mỗi bức chân dung tác giả đều gợi cho người xem thấy tuổi - mệnh, nghề nghiệp của từng nhân vật. Bức Ông già sông Chu có lẽ là bức Duy Sơn diễn tả sâu sắc hơn cả, bức tranh mô tả chân dung một ông già sống ở bên sông, cả đời chăm chút với nghề câu cá. Một gương mặt nghiêm nghị, đôi mắt sáng nhìn xa xăm ẩn chứa bao suy tư, phải chăng ông nghĩ về số phận mình, số phận bao người, kể cả con cá chép kia vẫn bơi lượn vẫy vùng tự nhiên ngay trước mặt? Bức tranh có bố cục lạ mắt, mang nhiều tính ẩn dụ, gợi nhiều hơn là tả: đã có lúc ông câu được rất nhiều cá, rồi ông lại thả chúng xuống sông, đưa chúng về với thế giới của chúng. Những nét sóng nước uốn lượn mềm mại, uyển chuyển tương phản với nét vạch vuông vức của quẻ Khảm vi thủy (một quẻ trong kinh dịch) là nước (tương ứng âm), ý nghĩa là hiểm trở đối lập với nửa trên tranh là trời (tương ứng dương). Phía trên tác giả điểm xuyết cành tre gợi nhớ về cội nguồn, quê hương, hình tròn như chiếc gương để soi lại mình, để luôn giữ được cái tâm trong sáng.

Tâm nguyện cả một đời đi theo con đường nghệ thuật, họa sỹ Duy Sơn thận trọng, cân nhắc với từng nét vẽ. Anh luôn quan niệm vẽ cho vui, vẽ cho đời tươi sáng lên, vậy là phải vẽ những gì đời thường - gần gũi với dân nhất… Chính vì lẽ đó, ý tứ trong tranh Duy Sơn sâu sắc, ẩn chứa nhiều thông tin, cách tạo hình chân thật, không cường điệu quá mức, không mỵ tục. Nghệ sỹ đa tài Duy Sơn có thể ví như con tằm vắt ruột nhả tơ, những ý tưởng mới, cách tạo hình mới, sự sáng tạo bao năm qua của anh, phần nào đã đóng góp cho nét văn hóa của các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên thêm đậm sắc. Tất cả những điều đó đáng để những người làm nghề và cả người thưởng lãm nghệ thuật trân quý anh rồi!

Họa sĩ Duy Sơn 

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy