Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
11:30 (GMT +7)

Mong văn nghệ sĩ Thái Nguyên bắt nhịp mạnh mẽ với công cuộc đổi mới và hội nhập

VNTN - Trước thềm năm mới 2018, phóng viên Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những vấn đề các văn nghệ sỹ của tỉnh đang quan tâm. Báo Văn nghệ Thái Nguyên xin trân trọng gửi đến bạn đọc cuộc trao đổi này.


Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

Ảnh: thainguyentv.vn

Thưa đồng chí, kết thúc năm Đinh Dậu, các văn nghệ sĩ của tỉnh vui mừng nhận thấy hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chúng ta đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong các chỉ tiêu đó, đồng chí tâm đắc nhất với kết quả nào?

Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Năm 2017, nền kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt được những kết quả nổi bật: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,75%, cao hơn gần 2 lần so với bình quân chung cả nước; đứng trong tốp những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Quy mô kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn do có sự đóng góp vượt bậc của nhóm ngành công nghiệp. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (chiếm 55,4%), dịch vụ - thương mại (chiếm 32%); ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Thái Nguyên năm 2016 chiếm 7,8% thì năm 2017 chiếm khoảng 8,6% giá trị sản xuất công nghiệp chung của cả nước, đứng thứ 7 (sau T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Nội). Trong đó khu vực FDI ước đạt trên 530 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 92%; giá trị xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, chiếm khoảng 11,3% giá trị xuất khẩu của cả nước (năm 2016 là 10,8%), đứng thứ 4 (sau TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Bình Dương), tăng trưởng cả về giá trị và chất lượng. Thu ngân sách cả năm đạt trên 12.600 tỷ đồng, (đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố) trong đó thu nội địa đạt trên 9.800 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt trên 2.700 tỷ đồng.

Đây là kết quả của chính sách thích hợp với điều kiện mới mà Thái Nguyên khai thác; là kết quả của việc tích cực thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp FDI, của các thành phần kinh tế địa phương, nguồn lực từ nhân dân đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Điều tôi thấy phấn khởi nhất đó là sự phát triển của Thái Nguyên tương đối đồng đều và khá bền vững; kết quả hai năm 2016, 2017 hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đạt chất lượng và tiến độ. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, coi đó là nhiệm vụ trung tâm nhưng chúng ta cũng luôn quan tâm đến thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội đặc biệt là với người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có công với cách mạng. Thể hiện ở kết quả trong việc cơ bản xóa xóm bản trắng về điện, xóa phòng học tạm cho các cháu học sinh vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển chung đã dành phần ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo… Kinh tế tăng trưởng chúng ta cũng có điều kiện tốt hơn để chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ.

Nguyên nhân nào để chúng ta được kết quả đáng tự hào như vậy, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Có những kết quả đó là do sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân; trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực triển khai và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Các sở, ban ngành, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ, tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số hiệu quả, quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính Par Index... tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất; kịp thời có những giải pháp hỗ trợ khắc phục thiên tai, lũ lụt, tập trung nguồn lực cho thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh; đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn giao thông.

Báo chí, trong đó có Báo Văn nghệ Thái Nguyên thông qua cách truyền tải của mình đã góp phần tạo thêm động lực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, của tỉnh và chúng ta có được những kết quả phấn khởi như vậy.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) khẳng định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần cho xã hội”. Năm 2018 này, đồng chí có dự định gì về đầu tư phát triển văn hóa cho xứng tầm phát triển kinh tế của tỉnh?

Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Trong những năm qua UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, bằng việc ban hành các cơ chế hỗ trợ để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống thiết chế này còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Trước yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn mới, đòi hỏi Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực này; tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đã ban hành cơ chế hỗ trợ để nhằm kích cầu trong nhân dân tham gia xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao một cách thường xuyên, phong phú, đa dạng về hình thức và nội dung, qua đó phục vụ đắc lực cho việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, khoa học - kỹ thuật, cổ vũ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của quần chúng, thúc đẩy Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" ngày càng phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.

Tỉnh cũng tiếp tục quan tâm tới đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nói chung; có cơ chế khuyến khích để các văn nghệ sĩ phát huy sức sáng tạo của họ, sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị cao, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Làm sao để đời sống vật chất được nâng lên từng ngày mà vẫn gìn giữ và phát huy được những giá trị cốt lõi đời sống tinh thần của người Việt Nam là tình nghĩa, thủy chung và trọn nghĩa vẹn tình. Tôi cũng mong muốn Báo Văn nghệ Thái Nguyên cần quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nội dung này.

Một trường đoạn trong chương trình sử thi đặc biệt “Nhớ mãi tên Người Hồ Chí Minh”. Ảnh: Mạnh Thắng

Các văn nghệ sĩ Thái Nguyên còn nhiều băn khoăn về đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng khó khăn; người lao động trong các khu công nghiệp. Đồng chí có thể cho biết những dự định của tỉnh về vấn đề này trong năm 2018?

Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Trong những năm qua, cùng với cả nước, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả với sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh và các khu công nghiệp từng bước được cải thiện; hạ tầng điện cơ bản đã có ở tất cả các xóm, bản; thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, tủ sách pháp luật, hệ thống phát thanh, truyền hình đã được đầu tư dần; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được duy trì và phát triển; mức hưởng thụ văn hóa của người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả; cơ sở vật chất được đầu tư để tổ chức hoạt động, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được hết những mong muốn của mình. Đó là một thực tế.

Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020. Với đà phát triển kinh tế như hiện nay, chúng ta cần nghĩ đến một kế hoạch dài hơi, căn cơ trong việc đầu tư cho sự phát triển đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng và người lao động ở các khu công nghiệp trong tỉnh một cách thiết thực và bền vững. Bởi vì xét đến cùng, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên thì cũng là nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Được biết, về lĩnh vực văn học - nghệ thuật, tỉnh đã đề ra nhiệm vụ năm nay là: “Khuyến khích sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao”, đồng chí có thể chia sẻ thêm các giải pháp cụ thể để khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo?

Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Giải pháp lâu dài của tỉnh là: Xây dựng đề án phát triển lĩnh vực văn hóa trong đó có phát triển văn học nghệ thuật địa phương.

Trước mắt, tỉnh có chính sách hỗ trợ khuyến khích Hội Văn học nghệ thuật tổ chức các giải văn học nghệ thuật chuyên ngành như văn xuôi, thơ, truyện ngắn, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh...; tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có nhiều chuyến đi thực tế, trên cơ sở đó sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Lãnh đạo tỉnh sẽ có nhiều hình thức thông tin kinh tế - xã hội thường xuyên hơn; chỉ đạo tổ chức các hội thảo, hội thi và dành sự quan tâm nhiều hơn đối với hoạt động của Hội.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đóng góp tích cực hơn vào đời sống bằng những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, mang đậm dấu ấn đất và người Thái Nguyên, bám chắc vào thực tế đời sống xã hội, nhất là những địa bàn, lĩnh vực mũi nhọn, vùng đồng bào dân tộc, giới trẻ…

Chúng tôi cũng mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên chủ động bắt nhịp mạnh mẽ với công cuộc đổi mới và hội nhập, toàn cầu hóa, tiếp nhận tinh hoa các nền văn học nghệ thuật đa dạng, đầy khác biệt của nhân loại, làm giàu cho vốn văn hóa của mình, và đưa tinh hoa văn hóa Thái Nguyên đến với thế giới. Mong muốn văn nghệ sĩ dấn thân hơn nữa trong công cuộc bênh vực và bảo vệ các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Vâng, đó chính là sứ mệnh của người chiến sĩ nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Nhân dịp năm mới, đồng chí có lời chúc nào dành tặng đội ngũ văn nghệ sĩ và đội ngũ làm báo Văn nghệ Thái Nguyên?

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất sắp đến, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, qua Báo Văn nghệ Thái Nguyên, tôi xin gửi đến cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà; đến đội ngũ làm báo và các cộng tác viên của Báo Văn nghệ Thái Nguyên lời chúc một năm mới an khang, thịnh vượng với tinh thần đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thực sự là cơ quan báo ở tỉnh trung tâm vùng miền núi và trung du phía Bắc, vùng Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Chúc các văn nghệ sĩ Thái Nguyên một năm mới dồi dào cảm hứng sáng tạo và thêm những thành công mới!

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này. Kính chúc đồng chí luôn mạnh khỏe, góp phần lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên của chúng ta ngày càng phát triển.

Ngô Minh (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy