Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:38 (GMT +7)

Mộng mị giữa đường trời

. Đỗ Doãn Hoàng

VNTN - Có thể chắc chắn là loài người từ lúc sinh ra đến giờ, chưa bao giờ có ai vẫy chân vẫy tay hay trợn mắt lắc mình mà có thể tự bay lên giời được. Vì thế mà giấc mơ bay luôn ám ảnh tất cả chúng ta. Khi anh em nhà Wright (người Mỹ) thai nghén việc sáng tạo ra máy bay, lập tức họ bị coi là điên rồ hoang tưởng. Kể từ khi chiếc máy bay đầu tiên cất cánh thành công, cho đến thời của phi cơ siêu thanh rồi tàu không gian kiêu hãnh chiếm lĩnh cả hệ thiên hà, việc bay lên trời, “trôi” đi xuyên lục địa, cả các chuyến du lịch ngoài không gian bất tận luôn là một cõi đầy mộng mị. Nhân loại lãng mạn hơn, trí tưởng tượng của mỗi người sẽ siêu phàm hơn, một khi họ dám tự tin ngồi trên những lâu đài bay tráng lệ, vượt qua nóc nhà thế giới Hymalaya, bay vòng quanh quả đất, đi như cơm bữa vượt đại dương mênh mông.

Người dân Bhutan đều theo đạo Phật

Trong các cuộc bầu chọn, người ta bảo, máy bay là phương tiện giao thông an toàn nhất. Năm 2016, ngành hàng không thế giới đã tổng kết: có khoảng 1,6 lần tàu bay bị trục trặc trên tổng số 1 triệu chuyến bay. Như thế tức là, ở thành phố bạn sống, ở cái tỉnh bạn đã sinh ra để rồi lá rụng về cội ấy, trong suốt lịch sử mấy nghìn năm của nó, hoàn toàn dễ hiểu khi mà chưa từng có một ai phải chết vì tai nạn máy bay. Và nếu ngày nào bạn cũng đi tàu bay, thì phải 1 triệu lần bước lên máy bay và thực hiện hết lộ trình bay đã mua vé đó, thì bạn mới có “cơ hội” (nói dại) được chứng kiến 1,6 cái trục trặc. Trục trặc chưa chắc đã rơi, rơi chưa chắc đã cháy, cháy chưa chắc đã chết. Như thế nghĩa là, bạn sẽ chết trên đường ra sân bay hoặc ngã từ cầu thang phi trường xuống hàng… triệu lần rồi, bạn vẫn chưa hề bị tai nạn máy bay một lần nào đâu. Với mức độ tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam: mỗi ngày, hơn 30 người đi ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về nhà nữa, thì càng rõ ràng: máy bay an toàn hơn gấp hàng nghìn lần.

Lần nào bay ở nước ngoài, nhất là kể từ khi thảm nạn máy bay MH370 xảy ra, tôi cũng chứng kiến cảnh máy bay đáp xuống phi trường an toàn, lập tức các tiếng vỗ tay tán thưởng, lời cảm ơn trời đất và phi hành đoàn vang lên. Không hiểu lý do gì, hành vi nhân văn ấy tôi chưa lần nào gặp ở Việt Nam. Song có một cái giống nhau, là nỗi sợ truyền kiếp từ tổ tiên để lại, người ta đều sợ độ cao, đều không tự tin lắm khi bước lên chín tầng giời trong một con chim sắt khổng lồ mà hầu hết người ta chưa biết tại sao nó lại bay giỏi thế; nó bay ù lì có khi hơn hai mươi tiếng đồng hồ mà không nghỉ ngơi bảo dưỡng hay tiếp xăng cộ gì cả. Bạn tôi, ngoài 40 tuổi, sức ép công việc quá mới nhân nhượng bước lên máy bay một lần đầu. Anh ngồi toát mồ hôi, mặt đăm đăm, mắt nhắm nghiền, hai tay gồng giữ vào thành ghế như riết lấy người yêu khi sắp lìa tan một cuộc tình. Cho đến khi hạ cánh, anh mở mắt, lầm rầm: “Nó đỗ rồi hả ông. Thế nó bay xuyên Việt chỉ trong có một tí tẹo rồi, thật ấy à!”. Nỗi sợ của tổ tiên loài người không được Thượng Đế sinh ra đã biết bay là có thật. Thế giới từng biết đến những nguyên thủ lừng danh mà suốt đời, nay đã chết dưới mặt đất, vẫn chưa bao giờ dám đi máy bay. Bản thân tôi, có khi một tuần bay 8 chuyến, tưởng mình trơ lỳ đến mức lên máy bay là hỏi ăn gì, uống gì, nhanh lên để tôi tìm chỗ ghế trống để ngủ duỗi chân một cái nào. Nhưng không, khi tỉnh rượu lúc tàn canh, trên các chuyến bay dài gần hai chục tiếng “chân không đến đất, cật không đến giời”, tôi ngồi vẫn lo lắng mơ hồ và dai dẳng lắm. Có khi giật mình, tiếng gì hụ hụ ù ù, sao cái cánh máy bay nó lại há mồm ra (mở cánh tà) rồi giỏ vài giọt dầu lịn dịn thế kia, một cái chi tiết trong hàng tỉ con ốc với sợi dây dợ loằng ngoằng rau muống của tòa lâu đài bay này nó hỏng, hoặc có thể do chú phi công chú ấy quá chén hay quá sức đêm qua, thì ôi thôi tan tành bé bẹ hoặc “thịt với gan tim óc dính liền”… Có lúc tôi thấy ù tai, bèn bấm nút gọi cô tiếp viên da đen xinh đẹp, em ơi, liệu nó có đi lạc mãi như hạt bụi vào dải ngân hà ngoài kia không. Có một bà Nam Phi rất hài hước trên chuyến bay đi Cape Town của tôi năm ấy, bà bảo, anh biết không, khi anh nhìn một vì sao đang tỏa sáng, thì có nghĩa là anh chỉ nhìn thấy đốm lửa lóe lên của nó khi nó đã bị cháy và tan xác trong hệ thiên hà hay hệ gì đó của nó thôi. Phải mất hàng triệu năm để ánh sáng đi từ chỗ vì sao bị cháy ấy bay đến tầm mắt anh đêm nay. Khi anh nhận biết được ánh sáng về một vì sao, thì bản thân “ngôi sao” đó đã thành cát bụi từ triệu triệu năm trước rồi. Biết đâu, chúng ta đang trong hành trình biến thành một hạt bụi vũ trụ làm bằng sắt thép ôm trong bụng nó hơn ba trăm sinh linh mà chúng ta không hề biết. Chúng ta đã lạc vào một quỹ đạo khác, máy bay đi bằng lực hút của các vật thể khác mà loài người chưa biết đến, chứ không có chuyện xăng máy bay hay cánh quạt đang vận hành đâu nhé... Nói xong cô da đen cười vang, cô da trắng nhắm mắt co ro, dường như có một nỗi sợ không còn mơ hồ lắm đang dày vò tất cả chúng tôi.

Đôi lúc, bay sang Nga hay châu Âu, châu Phi, người ta giải thích với tôi về chiều đi ngắn hơn chiều về, hay chiều về mất ít thời gian hơn chiều đi độ một giờ. Là vì máy bay cõng chúng tôi bay ngược chiều với chiều quay của quả đất, khi chúng tôi bay liên tục 10 tiếng, đáp xuống một phi trường nào đó. Thì trong 10 tiếng đó, trái đất cũng quay được một “đường đất đường trời” nào đó, nó đưa cái sân bay về phía chúng tôi gần hơn hoặc xa với khúc đường bằng chiều dài cả một giờ bay (ví dụ thế)! Nghe chuyện đó, tôi nói là hiểu và cũng hiểu thật, nhưng trong lòng không thôi hoang mang về sức mạnh của con người trước mẹ thiên nhiên. Chúng ta đã khôn lớn dần theo lời dạy của mẹ, đôi lúc chế ngự cả mẹ mình nữa. Nhưng Tôn Ngộ Không bay mãi, bay mãi, lão Tôn đã từng rút bút viết lại thông điệp “ta đến và tè ở đây”, xong rồi, lão có ra khỏi các kẽ ngón tay của Phật Tổ đâu.

Và thế là, mỗi lúc lang thang trên đường trời, tôi luôn nghĩ quẩn quanh, mộng mị, luôn thấy cái thời gian du hành trên bầu trời nó đã đẩy mình vào mỗi cõi sống rất khác, mơ màng hơn, sương khói hơn, kiếp phận hơn mà cũng hoang mang cô lẻ hơn. Tôi thích những đường bay ngắn, có khi từ Hà Nội lên Nà Sản của Sơn La hồi trước, hơn 200km, tàu bay ATR 72 cũ kỹ của Liên Xô gì đó. Bay thấp, nhìn sông Đà ánh lên trong nắng, như lưỡi gươm tuốt trần của vua phong kiến cưỡi thuyền rồng tuần du Tây Bắc dẹp giặc cỏ đã bỏ lại vậy. Ruộng nương và những chiếc xe vượt đèo bé xíu câm lặng di chuyển như các quân cờ bí ẩn trong một cuộc đấu trí mà người chơi tàng hình. Rồi rừng núi điệp trùng. Có khi bay lên Điện Biên, người ta thấy Tây Bắc như phom cằm của người đàn ông vừa cạo râu nhẵn thín. Xót xa cho rừng và văn hóa rừng của đồng bào miền thượng du. Những chuyến bay gần đi Côn Đảo, Phú Quốc hay Sài Gòn, Cà Mau cũng thế. Thiên nhiên bên dưới đẹp một cách thần tiên. Nó khác với việc bay ở độ cao 10 km và bên ngoài âm 50 độ C trong các hành trình dài. Khi ấy, bạn không nhìn thấy gì cả, cùng lắm chỉ mây trắng, trời xanh, mây giăng màn như sóng lượn, mây đùn lên như núi cao vực sâu. Đẹp đấy, nhưng là cái đẹp chán ngắt, ngủ lì và giở hết iphone, ipad rồi laptop ra “chơi” thả phanh, giết thời gian tàn bạo, vẫn chưa hết thời giờ trên thượng giới. Có lúc bạn băn khoăn tự hỏi, có phải như Từ Thức nhập thiên thai, một ngày trên giời bằng mười năm dưới hạ giới không nhỉ? Trời ngoài kia vẫn xanh màu xứ sở. Mây vẫn trắng nhức mắt và không gian xanh nhạt nhòa. Có khi người ta ám ảnh sợ hãi những chuyến bay dài. Bởi ở trên cao nghìn trùng ấy, con người dễ cảm thấy tự ti, sợ hãi, hoang mang. Nhiều chuyến bay, tôi không ngạc nhiên nhưng rất thú vị khi ngẫm về những đoàn khách ngồi xếp hàng đồng loạt cầu kinh. Có bà cụ lần tràng hạt, niệm an lành. Có người mở kinh Koran. Nhiều nhất vẫn là người làm dấu Thánh. Thậm chí các chuyến bay Tây Tạng, Bhutan, cả góc máy bay lầm rầm tiếng “Úm ma ni bát mê hồng”. Rồi họ quay cái chuyển pháp luân “ảo” trước mặt mình, khăn lụa trắng tung ra làm phép cầu cho tàu bay không tan xác pháo. Tôi chụp ảnh, họ mỉm cười, “tôi cầu Phật, xin Thánh thần giữ cái máy bay này không rơi, nó bình an là cho cả anh nữa nhé”.

Trên những chuyến bay khiến nhiều người sững sờ hoang mang ấy, bao giờ cảnh sắc ngoài ô cửa, dưới cánh bay cũng là tuyệt sắc. Bởi nếu tàu bay chỉ ù lì trôi, nó khiến người ta tưởng họ đang đứng im và tầm mắt không bị kích thích để tác động lên vỏ não về một nỗi sợ hãi. Khi bay lên Tây Tạng, sân bay quốc tế ở thủ đô Lhasa bé như phom chuồng gà, thiết kế cũng giống cái lụp xụp chuồng gà, nó giống một căn lều du mục giữa hoang mạc bao la xám ngoét. Mùa đông phủ trắng tuyết, mùa hè, dưới chân các rặng tuyết sơn muôn thuở là xám tơi bời toàn đất đá. Không cây cỏ. Không muông thú. Khi tầm mắt người ta bị ụp xuống một lòng chảo mênh mông, nhìn ba bề bốn bên toàn núi, có khi đường chân trời bị án ngữ bởi các dãy núi cao ở thủ đô cao nhất thế giới (trung bình khoảng 4.000m so với mực nước biển), lập tức tiếng xôn xao rì rầm nổi lên trong khoang hành khách. Núi sắp ụp lên các nhân mạng, các dãy núi cao rộng nhất thế giới tràn ngập tuyết trắng, nó mênh mang dài hơn cả các phận người buồn. Hoang mạc xám có sắp đưa các linh hồn đi lạc vào cõi tuyệt vọng không? Tiếng hát lí lơi của các thiếu nữ Tạng, rồi khăn trắng chúc phúc bay như mây quàng vào cổ từng vị khách ngược đường trời lên miền đất chư thiên, tất cả các biện pháp tâm lý ấy dường như chẳng giúp người ta vơi đi lo lắng được...

Ám ảnh nhất là các chuyến bay tham quan nóc nhà thế giới Everest cao 8.850m so với mực nước biển (đỉnh núi cao nhất thế giới). Người ta bỏ tiền để bay vòng vèo rồi quay lại đúng chỗ xuất phát, chứ không phải có đi có đến như những hành trình khác. Mà giá vài nghìn đô la cho một lần bước lên chiếc máy bay bé xíu. Đó là các chuyến bay “chơi”, bay mà không nhằm vượt qua các chặng đường để đến một cái bến đỗ/ phi trường mới nào. Cũng như lộ trình ngược Lhasa (Tây Tạng), bạn nhìn ra ngoài, thiên la địa võng núi. Những dãy núi hầu hết chưa từng in dấu chân người kể từ triệu triệu năm hình thành vỏ trái đất. Băng tuyết mênh mông, núi cao chọc trời, những dòng sông băng sẫm tối do bóng đổ của núi tuyết trong nắng chói. Bay, nhìn tuyết trắng suốt nhiều giờ trời cao, bạn mới hiểu vì sao người ta có bệnh mù mắt do tuyết trắng. Biết bao nhiêu người leo núi đã xương trắng phủ trong tuyết lạnh hoặc thi thể được ướp nguyên khối từ khi cập nạn đến giờ? Chuyến bay từ thủ đô Thái Lan sang Bhutan của chúng tôi cũng là loài “bay để nhớ suốt đời” như thế. Nơi này, leo qua vài con đèo là ngó sang Tây Tạng. Bên này Trung Quốc, bên kia Ấn Độ, toàn các quốc gia với phần lãnh thổ chon von viền quanh dãy Hymalaya, xương sống của trái đất, nơi chứa các đỉnh núi cao nhất của loài người. Sân bay Bhutan cực kỳ hiểm hóc. Nó được sơn vẽ xanh đỏ vằn vèo như chùa chiền, nằm kẹp giữa hai dãy núi lớn. Ở đó, gió quẩn, tầm nhìn hạn chế, cả thế giới chỉ có 8 phi công người Bhutan “về số vào cua” hạ cánh được ở sân bay Paro. Nước Bhutan có 7 trăm nghìn dân, chỉ có duy nhất một sân bay quốc tế đặt tại thành phố Paro, cách thủ đô Thimphu của bạn một giờ xe chạy.

Bay từ Việt Nam sang Thái Lan, chúng tôi lên đường sang Bhutan, rồi phải ghé nửa tiếng ngồi “bắt khách” ở thành phố huyền thoại Kolkata (Ấn Độ). Đúng là có khách xuống và có khách lên thật, nhưng cái quan trọng hơn là họ thay phi công. Chắc là học lái máy bay “cua” vào sân bay Paro không quá khó nhưng có thể người Ấn, người Thái họ không muốn học. Vì mỗi ngày có một hai chuyến đến Bhutan, phi công nước sở tại lái tốt cho hãng của họ là được rồi. Thủ tục đổi phi công để vào phi trường quốc tế vào loại nguy hiểm nhất thế giới Paro là có thật. Tôi chưa bao giờ có một chuyến bay mà hai cánh con chim sắt khổng lồ lại chao lượn giữa bốn bề núi non… gần đến thế. Mở mắt ra là núi xanh thắm, là tuyết trắng xóa, là đồi trọc lam nham. Cảm giác, máy bay xòe cánh chạm vào núi đến nơi. Ở những chuyến bay trực thăng hay bay máy bay dân dụng khác, cùng lắm chúng tôi chỉ thấy núi, mây, tuyết, rừng xanh ở xa xa tầm mắt. Đủ gần để ngắm, đủ xa để thấy an toàn. Còn bây giờ, máy bay lướt đi, mây ủ mơ màng, gió vén mây nhìn thấy núi và nhà cửa sát sàn sạt. Tiếng cầu Phật tối cao vang lên. Giọng hào hứng của phi công cũng vang vọng. Chúng ta đang bay qua vùng núi rất cao. Đây là đỉnh núi cao thứ nhì của Bhutan và chưa từng được dấu chân người khám phá. Trên tay quý vị là tờ tạp chí của Bhutan Airline (cũng như kiểu tạp chí Heritage của Vietnam Airline vậy). Ở trang cuối, quý vị sẽ thấy sơ đồ các ngọn núi mà có thể nhìn thấy trên đường bay của mình. Và nhìn ra ngoài ô cửa. Tốc độ máy bay ổn định, phi công bấm đúng giờ ấy, giây ấy, biết chắc máy bay lướt qua các đỉnh núi huyền thoại của Hymalaya, và họ gọi loa. Trong tờ tạp chí in màu rất đẹp, người ta còn vẽ cả sơ đồ các ngọn núi cao nhất thế giới mà bạn có thể ngồi Bhutan Airline mà quan sát. Đỉnh nào cao bao nhiêu, chếch bên nào là bốn đỉnh núi lừng danh, kia là Everest tuyết phủ vĩnh cửu. Có ảnh, có hình vẽ, có sa bàn phân bố núi, có độ cao của mỗi đỉnh. Cụ thể, họ vẽ sơ đồ (ảnh kèm bài), đây là đỉnh Everest, cao chính xác chi ly là 8.848m (so với mực nước biển). Kia đỉnh Kangchejunga 8.586m… Tiếng loa dội vang mà dịu dàng, họ giới thiệu bên ngoài ô cửa, giữa đường trời thăm thẳm hành khách có thể nhìn rõ ngọn núi cao thứ nhì của Bhutan, quốc gia Phật giáo chon von viền quanh thượng lương của nóc nhà thế giới. Đây là ngọn núi hiểm và tuyệt đẹp, chưa được chinh phục bởi con người. Nhưng người xứ Phật không bao giờ bày tỏ lòng kính núi bằng cách leo, dẫm đạp rồi đốt lửa hay phóng uế trên đỉnh cao linh thiêng của Trời Phật, chẳng tài giỏi gì việc ấy. Các con dân của thần núi Bhutan chỉ lặng lẽ đi vòng quanh núi ngưỡng vọng hay đứng dưới mà vái lạy kính nhi viễn chi mà thôi. Kia nữa, còn ở độ cao 3.900 feet, khi trời trong, các dãy núi đá phủ tuyết của Tây Tạng ngay kề bên kia. Airline Bhutan mà đưa quý vị bay đi Kathmandu của Nê Pan, thì còn… ác liệt hơn nhiều. Everest kiêu hãnh ủ mình trong mây trắng và tuyết bạc lóng lánh…

Loài người sinh ra không biết bay. Bây giờ bạn được bay, dưới chân bạn là các kỳ quan thiên nhiên của quả đất mĩ miều. Tiên cảnh bày ra, không gì nhanh bằng ánh mắt, không gì lưu giữ lâu được những thắng cảnh đó bằng ký ức của điệu hồn người. Và từ trên cao, bạn có diễm phúc được hạnh ngộ với vẻ đẹp nhiệm màu của vỏ trái đất, nơi chưa từng in dấu chân người, nhiều ánh mắt, nhiều tâm hồn đã run rẩy để lại sự cảm thán của họ ở đó. Người bạn đồng hành của tôi ngậm ngùi bật camera ghi lại những hình ảnh tuyệt sắc ngoài cửa sổ máy bay, “mình sẽ không bao giờ đặt chân đến được những chỗ kia. Cũng chưa chắc nghìn năm nữa loài người sẽ có thể khám phá hay xây nhà cửa công trình ở đó. Tuy nhiên, ngần này thôi, cũng đã “bõ công bác mẹ sinh thành ra ta”. Tôi biết ơn trời đất và tổ tiên, cha mẹ. Các cụ mà biết tôi từng được bay qua bầu trời diễm lệ khu vực này, với cảm xúc này, với những thước phim này, chắc họ mãn nguyện lắm. Trời đất cũng mát mặt mở mày khi độ sinh ra bọn mình để rồi dẫn dụ ta đến được nơi này. Cậu ạ...”. Anh bùi ngùi rơm rớm ngồi trông sang những cụ bà người Bhutan đang nhất tề ngồi lần tràng hạt niệm bình an cho chiếc Boing ù lì bay qua mênh mang núi tuyết.

Tôi bảo, trong mỗi chúng ta luôn có sẵn những cõi thiên thai tưởng tượng, chỉ cần bạn mở lòng ra, sẽ thấy mình là một Từ Thức nhập thiên thai. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, một ánh nắng ban mai, một nhành hoa nở bất ngờ và chút hương thoảng trong gió thu, nó có thể làm bạn thổn thức và thắp lên ngọn lửa an lạc trong mỗi chúng ta. Nhưng, chỉ có những nơi tuyệt mỹ và gợi ra nhiều mộng mị như ô cửa máy bay trên nóc nhà thế giới kiểu này, nó mới làm bạn nhận ra, cảnh tiên trên trần thế là thứ có thật. Thiên đường trên mặt đất để Từ Thức phải ngẩn ngơ với “cửa động đầu non đường lối cũ, ngàn năm thơ thẩn ánh trăng chơi” không chỉ là thứ các thi nhân tưởng tượng ra.

Những cánh bay giữa đường trời dễ làm người ta hoang mang lòng tự hỏi lòng, “tòa lâu đài công nghệ này nó bay vào quỹ đạo cát bụi của hệ thiên hà bất tận kia thì sao, con chim sắt thành thảm họa bí ẩn MH370 rồi hóa vàng các sinh linh tội nghiệp chỉ trong một… hơi thở thì sao?”. Hoang mang rồi lãng mạn. Lãng mạn rồi mộng mị. Với một men say kỳ lạ, các lộ trình đăm đắm trên chín tầng mây, đôi khi, nó nâng bước người ta thoát khỏi những nhỏ nhen bụi bặm trần thế khác. Dù thế nào, thì bạn vẫn có nguy cơ chết trên đường ra sân bay nhiều hơn gấp cả vạn cả triệu lần so với tỷ lệ rủi ro vì tai nạn máy bay. Dù thế nào, nhân loại, đến nay, vẫn không thể nào tin mình sẽ được tự tin là chính mình, nếu như không có cái gọi là máy bay. Để hình dung ra lưu lượng “vận chuyển đường trời”, xin hãy hình dung: ở Moscow, cứ mỗi 4 phút, sân bay trung tâm lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh, mà thủ đô Nga có ít nhất 4 phi trường quốc tế cùng nhiều sân bay nội địa khác. Lỗi tại các vì sao, trời đất sinh ra loài người không biết bay như chuồn chuồn, lượn cùng mây gió giống chim hồng chim hạc hoặc có thể bay cao bay xa cùng đại bàng…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước