Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
08:52 (GMT +7)

Mở rộng sản xuất gang thép Thái Nguyên: Còn lắm khó khăn

VNTN - Dù được nhận định "khó khăn hơn" song dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn tiếp tục được triển khai, theo thông tin mới nhất từ Chính phủ.


Đây là dự án có quy mô đầu tư 8.104 tỷ đồng được Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) khởi công từ tháng 9/2007 và rơi vào tình trạng "đắp chiếu" sau khi đã kéo dài đến gần một thập kỷ, nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ về nước.

Từ khi được liệt vào danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương thì dự án này ngày càng "nổi tiếng hơn" bởi sự "hồi sinh" mong manh.

Tại kỳ họp cuối năm 2016, sau hoạt động chất vấn, Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong ngành công thương, trong đó có dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai Gang thép Thái Nguyên.

Từ đó đến nay nhiều lần tình hình xử lý yếu kém của 12 dự án này đã lên nghị trường, và "gang thép Thái Nguyên" luôn xuất hiện trong “mảng tối" của bức tranh chung.

Tại kỳ họp này của Quốc hội, vừa hoàn thành ngày 5/6, báo cáo tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương cũng đã được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Theo báo cáo, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, gồm dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt Trung).

4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của nhà máy là dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Cùng với Nhà máy bột giấy Phương Nam và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nằm trong nhóm 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang. Trong đó Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho.

Chính phủ khẳng định, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các khoản vay tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng ở 12 dự án đã giảm 193 tỷ đồng (từ thời điểm 28 tháng 2 năm 2017 so với thời điểm ngày 31 tháng 1 năm 2018). Nợ phải trả tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã giảm trên 45 tỷ đồng (từ thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017 so với thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2016). Bên cạnh đó, một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án cũng đã được các đơn vị tập trung xử lý có hiệu quả, điển hình là việc hoàn tất đàm phán để ký kết được chính thức hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh sửa đổi và qui định đề cử chức danh Tổng giám đốc ở Dự án Nhà máy thép Việt Trung vào tháng 12 năm 2017 sau một thời gian dài bế tắc.

Cận cảnh từng dự án, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là dự án đầu tư xây dựng dở dang, được khởi công từ tháng 9 năm 2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ quí 1 năm 2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao.

"Mặt khác, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc đã phát sinh tranh chấp, vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn", báo cáo nêu rõ.

Thông tin tiếp theo từ Chính phủ là thời gian qua, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành đã quyết liệt chỉ đạo và đến nay đã thực hiện thành công việc rút về 1.000 tỷ đồng vốn của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) góp vào dự án, bảo toàn được vốn nhà nước. Song song với đó, chủ đầu tư đã tích cực làm việc với nhà thầu để quyết toán các công việc đã thực hiện, xác định khối lượng công việc cần triển khai tiếp. Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã hoàn thiện dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của Dự án với Tổng thầu MCC để tiếp tục đàm phán với nhà thầu vào cuối qúy 2 năm 2018. Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai các hoạt động để thực hiện phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO theo chỉ đạo của Chính phủ, làm việc với Vietinbank về việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay của TISCO cho Dự án. Sau khi thoái vốn nhà nước tại dự án thành công, Công ty sẽ huy động vốn bổ sung để tiếp tục triển khai Dự án.

Về kết quả kiểm tra, xử lý sai phạm, Chính phủ cho biết, đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện và đã hoàn tất công tác thanh tra tại TISCO. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra và đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng nằm trong số 4 dự án đã được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo báo cáo của Chính phủ.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy