Miền ký ức Đại đội 915
VNTN - Tháng 6/1972, trước yêu cầu cấp thiết tập trung sức người sức của tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đội 91 Thanh niên xung phong (TNXP) Bắc Thái quyết định thành lập Đại đội 915. Chưa đầy 6 tháng sau, đêm Noel (24/12), 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915 và đồng chí Nguyễn Thế Cường, Đội phó Đội 91 đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá trong trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ, chỉ 7 người bị thương và may mắn sống sót.
Sáng mãi thời thanh xuân màu lửa
“Còi báo động cất lên. Đoàn xe quân sự tăng tốc băng qua trọng điểm. Tiểu đội trưởng ra lệnh: “Sơ tán sang phía chân đồi”. Các đội viên khoác vội ba lô, vác xẻng nhảy xuống, nhanh chóng rời mặt đường. Chưa vượt khỏi đuôi hồ Bi Gù, máy bay Mỹ đã nhào tới cắt bom. Tiếng nổ như sấm sét sầm sập đổ xuống. Đất đá, cành cây tung lên cùng khói bụi mù mịt. Quả bom nổ gần hất nhiều đội viên ngã đập mặt xuống cỏ. Tôi được ai đó nhào tới kéo mạnh: “Cơ động nhanh lên hầm”. Vừa chạy được vài bước, một tiếng nổ chát chúa kèm hơi nóng khủng khiếp tạt ngang. Cơ thể tôi lạnh toát, đầu như vỡ bung ra, mắt tối sầm và không biết gì nữa. Tỉnh lại tôi mới biết tin chị Hoàng Thị Cát đã hy sinh, 8 người bị thương. Tôi bị mảnh bom găm vào mặt. Đó là trận bom trúng đội hình tiểu đội ngày 13/9/1972 tại đoạn đường xóm Làng Phan” - nhớ lại phút giây kinh hoàng đó bà Lê Thị Đoàn, hiện sinh sống tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa không khỏi bàng hoàng.
Bà Lê Thị Đoàn (phải) kể về lần bị thương ngày 13/9/1972
Không giấu nổi xúc động khi nói về đồng đội. Ánh mắt bà sáng lên niềm vui như được sống lại thời thanh xuân bấy lâu đằm sâu trong ký ức. Bà Đoàn kể, tháng 6/1972, khi đang học tại Trường Trung cấp Bưu điện Miền núi, chi nhánh Bắc Kạn, bà tình nguyện tham gia TNXP và được biên chế vào Đại đội 915. Các đội viên được cấp phát trang phục quần áo, giầy vải, mũ cứng đính phù hiệu “TNXP” cùng chăn màn và một số vật dụng sinh hoạt khác. Đơn vị ở nhờ nhà dân tại các xóm Núi Hột, Làng Phan, Bến Đò và một số ngày tại Trường Lái xe Tiến Bộ. Vì có nhiều đội viên chưa biết chữ, nên đại đội triển khai việc dạy và học bổ túc văn hóa. Không có trường lớp bàn ghế, anh chị em trải chiếu, ngồi kê sách trên đùi học, bà con cho mượn tấm phản làm bảng để giáo viên viết. Chủ yếu dạy từ lớp 5 trở xuống. Sách vở các loại không được trang bị đủ, nên đa số học chung. Do yêu cầu nhiệm vụ của các tiểu đội, lớp học được bố trí linh hoạt.
Không chỉ riêng bà Lê Thị Đoàn, trong tâm thức các cựu TNXP và thân nhân liệt sĩ Đại đội 915, địa danh ga Lưu Xá và xã Linh Sơn, nơi đại đội đóng quân luôn tạo nên sự xúc động và ấn tượng sâu sắc. Ông Tống Văn Minh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 915 chia sẻ: Thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, tất cả các cảng biển, cửa sông đều bị ngư lôi Mỹ phong tỏa. Quốc lộ 1B và đường 16A là hai tuyến giao thông huyết mạch tiếp nhận viện trợ của nước bạn. Nhiệm vụ chủ yếu của Đại đội là sửa chữa hai tuyến đường này, đồng thời phân tán lực lượng, đảm bảo giao thông, vận tải các cầu đường sắt, đường bộ, những trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá ác liệt nhất trên địa bàn Thái Nguyên. Đại đội được tổ chức và duy trì kỷ luật giống như một đơn vị quân đội. Biên chế phần lớn là nữ dân tộc thiểu số, nhiều người nói tiếng Kinh chưa thạo và chưa biết chữ. Tuổi đời của các đội viên còn rất trẻ, đa số 17 - 18 tuổi, một số chỉ mới 16 tuổi nhưng khai tăng tuổi để được vào TNXP. Ông Minh được điều động từ Đại đội 913 về làm Đại đội phó phụ trách hậu cần kiêm Bí thư chi bộ. Trong suốt thời gian Đại đội làm nhiệm vụ, máy bay địch liên tục ném bom đánh phá hòng chặn đứng con đường vận tải của ta. Sáng 24/12/1972 từ xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc TP. Thái Nguyên), một bộ phận cán bộ đội viên do đồng chí Triệu Văn Việt, Đại đội trưởng chỉ huy hành quân đến ga Lưu Xá làm nhiệm vụ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thế Cường, Đội phó Đội 91. Chập tối hôm đó, khi Đại đội đang chuẩn bị bữa cơm dã chiến để tiếp tục giải tỏa nốt số hàng hóa tồn đọng, máy bay Mỹ ập đến ném bom…
Gần nửa thế kỷ trôi qua, chủ nhân nhiều ngôi nhà đội viên của Đại đội từng ở phần lớn đã “về với tiên tổ”, số ít còn lại tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt. Nhiều người khi đó còn là cô bé cậu bé được các đội viên hướng dẫn giải bài tập, dạy học hát, giờ cũng nên ông nên bà. Nhắc đến Đại đội 915, ai cũng thể hiện tình cảm quý mến, trân trọng và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với 60 cán bộ, đội viên đã anh dũng hy sinh. Hình ảnh các chàng trai cô gái TNXP trẻ trung, sôi nổi đầy nhiệt huyết và thời khắc tột cùng đau thương đêm Noel vẫn lưu lại trong trí nhớ mọi người với nhiều cung bậc cảm xúc.
Tại xóm Núi Hột, nơi Đại đội 915 thành lập, ông Nguyễn Thanh Bình, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Linh Sơn đưa chúng tôi đi thăm một số căn nhà Đại đội từng ở trọ và không giấu nổi xúc động: Năm đó tôi 24 tuổi, đang là giáo viên Trường Lái xe Tiến Bộ, kề ngay nơi Đại đội 915 đóng quân. Đại đội ở nhà ông Vi Văn Lót, nhà ông Hoàng Đình Liên và bà Nguyễn Thị Oanh… mỗi nhà hơn 10 người. Ngày làm nhiệm vụ, buổi tối duy trì sinh hoạt chính trị, văn hóa và điểm danh quân số. Do giếng nhà dân không đủ chỗ tắm giặt, anh chị em sang cả giếng bên nhà trường. Trường chúng tôi có sáu đại đội, mỗi đại đội hơn một trăm người. Đại đội 915 và Trường Lái xe Tiến Bộ đã tổ chức kết nghĩa để phối hợp thực hiện nhiệm vụ và giao lưu văn hóa văn nghệ. Máy bay địch ném bom ác liệt dọc tuyến đường, Trường Lái xe Tiến Bộ, Trường Lái xe Việt Bắc bị đánh bom chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản, Đại đội 915 trong trận bom ngày 13/9 có một đội viên hy sinh và một số bị thương…
“Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”
Xóm Bến Đò, một xóm nhỏ yên bình thơ mộng nằm bên bờ sông Cầu. Tôi thật khó để hình dung cuộc sống sinh hoạt của các đội viên TNXP tại nơi đóng quân xưa. Nhiều ngôi nhà nay đã khang trang nhấp nhánh màu sơn mới giữa màu xanh của lúa, của cây trái sum suê hiện lên ngời ngợi trong nắng. Căn nhà của vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương, nguyên Chủ tịch xã Linh Sơn và ông Mạc An, nguyên Thường trực Đảng ủy xã nằm khuất nẻo trong con ngõ nhỏ bên triền dốc. Nhớ về Đại đội 915, bà Phương trải lòng: Khu xóm này TNXP ở nhà ông Huấn, ông Thứ, bà Cả Sinh và một số nhà khác. Nhà bà Phương lúc bấy giờ chỉ là căn nhà đất trình tường, lợp mái lá, đón hơn chục cô đến ở. Mẹ con bà nằm một giường, nhường cho các đội viên chiếc giường bên cạnh và cả gian buồng. Ông Mạc An khi đó công tác ở Huyện đoàn Phú Bình thi thoảng mới về. Thấy các đội viên nằm đất, ông xẻ cây gỗ định làm cánh cửa cho các đội viên kê phản nằm. Ông còn nhờ người chặt bụi tre, đào căn hầm chữ A cho các đội viên và gia đình. Đơn vị nấu ăn tập thể bên nhà ông Huấn, các đội viên tới bữa sang đó ăn, chỉ về nhà ông bà ngủ nghỉ. Khu đất trống ven đồi gần nhà ông Thứ là nơi đơn vị tập trung sinh hoạt văn nghệ, học bổ túc văn hóa. Bà Phương vừa kể vừa rơm rớm nước mắt: “Các TNXP tuổi còn trẻ lắm nhưng đã chịu đựng khó khăn gian khổ, bất chấp mưa nắng, bom đạn làm nhiệm vụ”.
Xóm Làng Phan, có hai TNXP duy nhất của xã Linh Sơn tại Đại đội 915 là Lương Thị Thúy và Lương Thị Phương, cả hai chị đều hy sinh trong đêm 24/12/1972. Tại Linh Sơn, vẫn lưu truyền câu chuyện cây thị mọc lên tại vị trí cô TNXP hy sinh nghe như chuyện cổ tích. Người TNXP đó tên là Hoàng Thị Cát, quê ở xã Thượng Giáo, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Kạn, đội viên Đại đội 915 hy sinh ngày 13/9/1972. Quả thật khi đứng trước cây thị tỏa bóng, lòng trào lên cảm xúc thật khác lạ. Có thể chim chóc tha hạt thị từ rừng, hoặc ai đó vô tình đánh rơi và cây đã mọc lên, nhưng tấm lòng của người dân với Đại đội 915 trong những ngày máu lửa ấy, thật khó có thể diễn tả trọn vẹn. Anh Lương Văn Hải, em trai liệt sĩ Lương Thị Phương, hiện là công an viên xã Linh Sơn, nhà vẫn ở tại xóm, nghe tôi nhắc đến Đại đội chị mình công tác không giấu nổi sự xúc động: “Ngày chị đi TNXP tôi mới chỉ khoảng mười tuổi. Máy bay địch thường xuyên ném bom đánh phá dữ dội. Đơn vị chị di chuyển liên miên để san lấp hố bom, sửa chữa đường vất vả lắm. Thỉnh thoảng làm đoạn đi qua xóm, một số anh chị TNXP ở nhà dân một vài hôm. Chị Phương và chị Thúy là người ở đây, nên các anh chị lúc giải lao thường vào chơi. Thương các anh chị, có nồi khoai sắn, hoặc trái cây trong vườn, bố mẹ tôi thường đem ra mời. Ngày 13/9 tôi nghỉ học, nên chứng kiến trận ném bom khủng khiếp của máy bay Mỹ xuống các vị trí dọc tuyến đường. Hôm đó các anh chị TNXP đang làm đường và đào “tăng xê” ven đường cho bộ đội và nhân dân qua lại trú ẩn. Lúc báo động, các chị được lệnh sơ tán vào chân đồi nhưng không kịp…”
Bà Nguyễn Thị Năm sinh sống ở thôn Tảo Địch, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên nghe chúng tôi hỏi về Đại đội 915, bà lặng người đăm chiêu hồi tưởng và nhỏ nhẹ tâm sự: Tôi sinh ngày 21/6/1956, đi thanh niên xung phong tháng 6/1972 khi vừa tròn 16 tuổi. Đại đội cũng có một số chị nhỏ tuổi như tôi. Tiểu đội tôi do chị Nguyễn Thị Nguyên là chị gái con bác tôi làm Tiểu đội trưởng gồm 12 người. Công việc chủ yếu là sửa chữa đường, san lấp hố bom trên tuyến qua xã Linh Sơn, bốc xếp hàng hóa lên các xe quân sự. Chúng tôi luân phiên nhau làm việc theo ca kíp cả ngày và đêm đảm bảo thông đường. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” thực sự tạo nên bầu không khí lúc nào cũng vui tươi. Không chỉ hát trong sinh hoạt văn hóa của Đại đội, ngay cả đi bốc đá, hay cát sỏi, khi đầy xe chúng tôi leo cả lên thùng cùng nhau hát vang dọc đường trở về. Nhiều đội viên hát rất hay và hay hát, có chị hát được cả giọng nam và nữ. Thật đau xót. Trận bom B52 ném vào nơi Đại đội 915 làm nhiệm vụ, đã cướp đi nhiều đồng đội thân thiết của tôi, trong đó có chị Nguyễn Thị Nguyên.
Bảy đội viên sống sót sau trận bom đêm 24/12, những người thực sự từ cõi chết trở về, bởi cùng trú ẩn trong căn hầm định mệnh. Gần nửa thế kỷ, nỗi đau về sự hy sinh của đồng đội dường như vẫn chưa hề nguôi ngoai. Tôi như được đắm mình trong không gian của những hồi ức. Mỗi câu chuyện giản dị chứa đựng trong đó nhiệt huyết của những người trẻ, tình đồng chí đồng đội và tinh thần làm việc quả cảm, quên mình dưới bom đạn kẻ thù “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Giữa bom đạn ác liệt, các đội viên TNXP xác định rõ quyết tâm: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Không ai cảm thấy sợ hãi khi đối mặt với hiểm nguy trên tuyến đường. Tinh thần thanh niên “Ba sẵn sàng” được thể hiện bằng nhiều hành động dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ. Do tính chất công việc, các tiểu đội chia nhau cơ động làm việc khắp nơi, có thời gian lên tận Phủ Lý, Trào… huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, song chủ yếu tại các xóm Núi Hột, Làng Phan, Bến Đò, Cây Thị… xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ. Trong chiến công thầm lặng của Đại đội 915, mảnh đất này là nơi rèn luyện những người trẻ biết vượt lên mọi khó khăn gian khổ và cống hiến tuổi xuân của mình. Với những người trẻ, phút giây trái tim ngân lên những rung động thuở đầu đời, âu cũng là lẽ thường. Qua các câu chuyện của đồng đội cùng đơn vị thanh niên xung phong, tôi biết nhiều anh chị ngày đó cũng có các mối tình, tuy còn e ấp, song cũng rất lãng mạn. Kỷ luật đơn vị không cho phép yêu, họ kín đáo trao cho nhau ánh mắt và cả những lá thư viết vội…
Các nhân chứng chỉ nơi đóng quân của Đại đội 915 tại Linh Sơn
Thực sự xúc động khi tiếp xúc và nghe kể về câu chuyện tình của ông Hoàng Văn Thắng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, nam TNXP duy nhất sống sót sau trận bom B52. Ông phải lòng người con gái xinh đẹp cùng quê Nông Thị Nga, xã Hữu Thác, huyện Na Rì. Trước gian khổ và bom đạn ác liệt, tình yêu làm cả hai sống đẹp hơn, tự tin hơn và dũng cảm cùng đồng đội đối mặt với hiểm nguy rình rập. Giờ ông Thắng vẫn chưa xây dựng gia đình và luôn day dứt vì bà Nga đã vót tặng ông đôi đũa, nhưng ông chưa có gì tặng bà. Khi những trái bom rơi trúng căn hầm, ông nghe tiếng bà Nga gọi ngay bên cạnh: “Anh ơi… Cứu em”. Nhưng ông Thắng bị thanh bê tông đè chặt và đau đớn bất lực nghe người yêu nấc lên trút hơi thở cuối cùng…
* * *
Chiến tranh đã lùi xa, dấu tích những trận bom hủy diệt tàn khốc của máy bay Mỹ đã chìm sâu dưới màu xanh của ruộng vườn cây trái. Con đường 16A năm xưa giờ được trải nhựa rộng rãi, mang tên Quốc lộ 17. Một vùng công nghiệp khai thác mỏ sầm uất cũng đã hiện hữu. Nhiều ngôi nhà lớn hai ba tầng san sát kề bên nhau làm cho nhiều ngõ xóm mang nét thị thành. Trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đội viên TNXP đã sống và cống hiến không chỉ mồ hôi công sức mà còn cả máu của mình. Tôi tin mảnh đất Linh Sơn vẫn sẽ mãi lưu giữ hình ảnh và chiến công của đội viên TNXP Đại đội 915, như một chứng nhân lịch sử.
Ký. PHAN THÁI
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...