“Mềm mại” chỉ tiêu kinh tế 2019
VNTN - Chỉ có một vị không tán thành và hai vị không thể hiện chính kiến trong số 450 người tham gia biểu quyết, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua trong tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ sáu với số phiếu thuận rất cao.
Trước khi thông qua toàn bộ nghị quyết, các vị đại biểu đã bấm nút biểu quyết riêng về 12 chỉ tiêu và cũng chỉ có hai vị không tán thành. Kết quả này cho thấy, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi các vị đại biểu bấm nút đã được chấp nhận.
Toàn cảnh phiên họp thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Theo nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm sau được xác định: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Qua phiếu xin ý kiến, nội dung này cơ bản được đồng ý.
Trong 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung giải trình kỹ về tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8% và tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%.
Ở chỉ tiêu GDP, qua thảo luận tại Quốc hội có ý kiến đề nghị quyết định tăng 6,8-7%. Có ý kiến cho rằng nên giữ như năm 2018 từ 6,5-6,7%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Về CPI, một chỉ tiêu rất có liên quan đến ý nghĩa thực chất của tăng trưởng, một số vị đại biểu đề nghị quyết định dưới 4%, có ý kiến đề nghị dưới 4,1%, không ghi “khoảng 4%”.
Trước đó, khi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng việc chuyển từ một mục tiêu cứng và rõ ràng (dưới 4%) sang một mục tiêu mềm và có phần mơ hồ hơn (khoảng 4%) là một bước lùi trong hoạch định chính sách. Và hậu quả sẽ khó lường.
Đặt trong bối cảnh 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2018 vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm và tỷ giá diễn ra đồng thời, thì việc xác định CPI cho năm sau khoảng 4% cho thấy có vẻ như Chính phủ còn thiếu tự tin, theo Chủ tịch VCCI.
Vẫn giữ chữ "khoảng" trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện. Do vậy, chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, cần lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.
Như vậy, ở cả hai chỉ tiêu GDP và CPI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh hai chữ thận trọng. Và để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế "mềm mại" đó, tại nghị quyết, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý, điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...