Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:35 (GMT +7)

“Mẹ quê” và những giây phút yêu thương

VNTN - Năm 2015, tác phẩm “Mẹ quê” của NSNA Đỗ Hữu Tiến được tuyển chọn, trưng bày tại Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc. Bức ảnh là chân dung người mẹ xứ miệt vườn Nam bộ đang “thăm nom” một buồng chuối trong khu vườn nhà. Đôi tay gầy guộc của mẹ lần theo, nâng niu và thầm dự tính đến ngày có thể thu hoạch thành quả do chính tay mình ươm trồng và chăm bón.

Được giới nhiếp ảnh cả nước biết đến là một tay máy thành công ở thể loại ảnh phong cảnh, NSNA Đỗ Hữu Tiến (sinh năm 1965 tại Bến Tre) đã cán mốc 50 lần xuyên Việt bằng xe gắn máy vào năm 2015. Anh đã trình làng hàng trăm tác phẩm phong cảnh đẹp về mọi vùng quê đất nước. Không ít tác phẩm đạt giải cao ở nhiều cuộc thi. “Mẹ quê” là tác phẩm thuộc thể loại ảnh chân dung đời thường, một thể loại dường như không phải là thế mạnh của nghệ sĩ. Thoạt nhìn tác phẩm, tôi bỗng nhiên nhớ ngay đến một câu trong bài hát “Mừng tuổi mẹ “ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi”... Thật tình cờ, và thú vị.

Ngắm nhìn tác phẩm, thấy đậm đặc cái chất “quê” và “tình”. Hình ảnh người mẹ, người bà tảo tần, gần gũi, có thể bắt gặp ở các gia đình làng quê Việt. Tác giả đã khéo chọn lựa nhân vật, là một người mẹ miền quê Nam bộ, với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bạc phơ, đặc biệt là chiếc khăn rằn mang trên người. Loại trang phục điển hình, có giá trị như một nét văn hóa truyền thống ở xứ miệt vườn. Nhìn kỹ, đôi mắt ngước nhìn lên của mẹ như cũng đang reo vui, lộ niềm cảm kích thân cây đã vững vàng đèo bòng và nuôi dưỡng. Bàn tay gầy guộc chạm vào quả lành thể hiện một trạng thái thỏa mãn, nâng niu thành quả. Cả buồng chuối màu xanh đậm, duy nhất có một trái chín màu vàng, đó là điểm nhấn quan trọng ở tác phẩm này. Bức ảnh được cắt cúp khá chặt chẽ, nhưng thị giác người xem vẫn có thể cảm nhận về một bối cảnh rộng, về không gian tràn ngập sắc xanh dịu dàng, thư thả trong khu vườn. Những tầu lá chuối xanh lành lặn đằng xa, như cũng đang cong mình xuống muốn che chở khuôn mặt phúc hậu của mẹ vậy.

Có thể nói bức ảnh đã làm toát lên hình tượng người mẹ quê của Việt Nam nói chung, người mẹ quê vùng Nam bộ nói riêng sinh động và thân thuộc. Ngôn ngữ hình ảnh giản dị, từ sắc màu cho đến tên tác phẩm. Xem ảnh và thấy lòng mình như chùng lại bởi cảm giác nhớ bà, nhớ mẹ, thấy quý giá hơn những phút giây yêu thương họ khi còn sống. Làm được điều đó, đủ để tác phẩm của Đỗ Hữu Tiến thành công rồi.

Tiến Thành

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy