Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
00:54 (GMT +7)

Mẹ chồng than thở

VNTN - Bà Tám có cậu con trai gần bốn mươi tuổi mới đòi cưới vợ. Bà vui mừng khôn xiết. Ở đời niềm vui bất ngờ nhiều khi làm họ quên nỗi lo tiền bạc. Bà vay mượn tiền họ hàng nâng cấp tầng 2, chuẩn bị đón con dâu. Không khí hạnh phúc dâng đầy.

Sau lễ cưới, bà mới chợt nghĩ tới việc cư xử bởi cô con dâu mới hơn hai chục tuổi, lại chưa có việc làm. Bà không biết kiểu sống cũ của ông bà có chiều được hay không. Ông bà sẽ điều chỉnh thế nào cho phù hợp với con dâu trẻ, con nhà giầu. Tâm sự với ông, rồi bà nêu ra “chủ trương”: một là cứng rắn buộc nó phải theo gia phong, tôn trọng nhau nhưng không được quá buông tuồng cá mè một lứa; hai là mặc cho chúng sống theo tự do của lớp trẻ hiện nay.

Mới bàn thế chứ chưa biết chọn hướng nào, lòng bà như tơ vò.

 Bà không phải chờ lâu. Sáng 9h con dâu mới dậy đi ăn sáng. Ban ngày rỗi rãi, con dâu bà hẹn bạn bè, hết tốp này tốp nọ đến chơi, ăn hoa quả, nói cười hô hố, lời lẽ thiếu văn hóa, bình luận cuộc sống riêng của người này, người nọ. Con trai bà thì mải đi làm từ sáng đến tối, không còn thời gian nào để ý đến. Một hôm nhân ngày nghỉ, bà mới bảo con trai:

- Con nên quan tâm đến vợ. Nếu cứ buông thả thế này sợ đến lúc có con nhỏ sẽ khó uốn nắn lắm. Mà cũng nên cho nó đi làm cho học hỏi chị em cơ quan công sở mới khôn ra được.

Cậu con trai không biết nói lại với vợ thế nào mà ngay hôm sau, cô con dâu đã xuống gặp ông bà khóc lu loa:

- Con mới làm dâu mấy tháng, đã ăn tàn phá hại gì mà bố mẹ phải phàn nàn. Bố mẹ con đã có ý mua nhà cho vợ chồng con. Đáng lẽ bố mẹ để yên cho con khi nào ổn định con dọn đi ngay, có phải dễ chịu không.

Ông bà thanh minh rồi xin lỗi, con dâu vẫn không nghe. Thế là mấy hôm sau chúng dọn đi.

Cứ mỗi lần nhắc chuyện đó bà Tám than thở và tự trách mình là nông nổi, vội vàng nên gây ra đau lòng như thế.

Còn bà Phúc thì oan ức không kém. Con trai cũng mới ra trường làm bác sĩ ở một bệnh viện và lấy cô vợ người gốc Hà Nội, có anh em đi làm ở nước ngoài. Ai cũng bảo con trai bà là “chuột sa chĩnh gạo”. Bà lo con dâu chưa có việc. Con dâu bà cự luôn, mẹ lo bò trắng răng. Có tiền mua tiên cũng được, gia đình con như thế, việc làm của con, xoay bàn tay là xong.

Cô con dâu thích tự do cá nhân còn hơn là con dâu bà Tâm và bơ luôn mọi sự đóng góp dạy bảo. Một hôm cô ta mua về một con chó cảnh. Chó bé như con mèo nhưng tai to như cái bát, đuôi thì cụt trông như dị dạng. Ông bà rùng mình,  ghê hết cả người. Bà lại vốn bị dị ứng với các con vật nên không dám nuôi chó, mèo. Cô con dâu ôm con chó trong lòng, thơm vào mõm nó, hỏi bà:

- Mẹ thấy con minu này dễ thương không. Gần chục triệu đấy. Nó khôn lắm, rồi sẽ trông nhà cho nhà ta. Nó sẽ chơi với con cho đỡ buồn.

Con chó toàn ngủ nằm trên chăn, gối với cô chủ. Thỉnh thoảng lại tè bậy ra gậm giường. Bà khổ sở vì phải lau dọn mà không dám nói gì. Vài tuần sau bà bị dị ứng sưng khắp người. Bà than thở với con trai. Giống như con trai bà Tâm, nói không nên lời, nên cô con dâu phản ứng. Hai đứa bất ngờ đi thuê nhà ở. Bà đau lòng quá.

Nghe chuyện mấy bà mẹ chồng than thở mà mủi lòng. Ngày xưa mẹ chồng nàng dâu là một mối quan hệ có lễ nghĩa, nó là luân thường đạo lý. Cuộc sống hiện đại càng ngày càng lỏng lẻo. Thế mới biết cách cư xử của các bà mẹ chồng thời nay thật khó

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước