Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
15:39 (GMT +7)

Mấy suy nghĩ về việc thanh tra tài sản cá nhân

VNTN - Sự cần thiết

Trong mấy thập kỷ gần đây, ở nước ta có nhiều người giầu lên nhanh chóng. Trong số ấy, không ít người có nguồn thu nhập “ngầm” và bất minh. Tình hình đó đã và đang gây ra những bất ổn trong đời sống xã hội. Vì vậy, nhà nước thực hiện quyền kiểm kê - kiểm soát của mình (mà Luật Phòng chống tham nhũng gọi là xác minh tài sản cá nhân) là hết sức cần thiết.

Hiện nay ở ta mới có chưa đến 1% số dân, là những người thuộc diện phải kê khai tài sản, theo Luật Phòng chống tham nhũng. Trong số này, người nào có dấu hiệu kê khai không trung thực, hoặc vì lý do khác, mới phải thanh tra tài sản cá nhân (từ đây xin viết tắt là TTTSCN). Vừa qua, số này chỉ khoảng 3 phần triệu của 1% nói trên. Như vậy là việc TTTSCN chưa đặt ra với toàn dân. Điều này đã dẫn đến tình trạng “lách luật”, tài sản thuộc người này, người khác đứng tên, khiến việc kiểm kê - kiểm soát của nhà nước gặp khó khăn. Ngoài ra còn một bộ phận không nhỏ nữa có những hoạt động “ngầm”, thu nhập rất lớn, nhưng vì không phải là người “có tóc”, nên cũng không bị kiểm kê - kiểm soát, hoặc vì lẽ nào đó mà chưa ai kiểm soát được thu nhập của họ. Vậy là có vấn đề về sự bình đẳng trước pháp luật trong việc kiểm kê - kiểm soát.

Thiết nghĩ, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để không chỉ những hành vi tham nhũng mà cả những hành vi vi phạm pháp luật khác cũng bị pháp luật điều chỉnh. Đặt vấn đề như vậy không phải muốn làm tràn lan việc TTTSCN mà chỉ là để không bị bó tay trước những trường hợp cần phải xem xét mà không đủ cơ sở pháp lý để làm.

Thanh tra tài sản cá nhân - dễ và khó

Việc TTTSCN tuy đơn giản về nghiệp vụ, nhưng lại rất khó thực hiện. Một cuộc TTTSCN không chỉ và không phải chủ yếu ở chỗ xác định người “được” thanh tra có những tài sản gì, mà quan trọng hơn là xem nguồn gốc hình thành và tính hợp pháp của những tài sản đó. Một cuộc thanh tra sẽ bắt đầu từ người “được” thanh tra cung cấp thông tin theo yêu cầu của đoàn thanh tra. Tiếp đó, đoàn thanh tra phải xác minh và đánh giá sự việc dựa trên những gì do người “được” thanh tra cấp và những gì do mình tìm ra. Cuối cùng thì người làm thanh tra phải ra được bản kết luận về cuộc thanh tra đó. Nói thì đơn giản, làm mới khó. Bởi vì, thực chất đây là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái đúng với cái sai, giữa phép công và lợi tư, thậm chí là giữa mất và còn về sinh mệnh chính trị của ai đó. Không phải không có trường hợp mà vì nhiều lẽ, người làm thanh tra đã “thua” đối tượng của mình.

Vì sao vậy?

Trước hết, xin nói rằng, người làm thanh tra không phải là thánh thần ở nơi hư vô nào đó mà vẫn biết được mọi hành vi của con người. Họ cũng chỉ là những con người bình thường như mọi người, rồi bằng nghiệp vụ của mình mà đi tìm sự thật từ những dấu vết có được. Ở đây, cái gọi là “dấu vết”, đối với thanh tra, giống như cái chìa khóa để vào việc. Vấn đề là, khi TTTSCN, liệu có được những dấu vết mà họ cần không? Xin có một so sánh nhỏ:

- Đối với đơn vị thì có chế độ ghi chép và chứng từ tài chính theo qui định, còn cá nhân, thì không.

- Đối với đơn vị thì những “dấu vết” còn lưu lại ở sổ sách, chứng từ. Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm cung cấp những gì mà người làm thanh tra yêu cầu. Còn TTTSCN thì không (hoặc có cũng rất mỏng manh) bởi nó đã bị che giấu hoặc xóa bỏ…

Ngoài ra, còn những yếu tố chi phối bởi cơ chế chung, đặc biệt là việc sử dụng tiền mặt như hiện nay. Sự thật là người ta có thể trao và nhận những khoản tiền mặt rất lớn mà không để lại bút tích gì. Điều này đã bó tay nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra. Ví như khoản tiền 20 tỷ đồng mà ngân hàng nọ làm quà cho một người, nếu không có vụ án thì khó có ai, trong đó có thanh tra, làm rõ được. Vậy là có chuyện muốn biết thu nhập của ai đó, thì ngoài những gì người ấy cung cấp, còn phải tìm ở nơi khác, người khác. Như vậy, có bao nhiêu khoản nghi thu là bấy nhiêu cuộc phải đi tìm và xác minh, dù nó xẩy ra ở đâu và khi nào. Cái việc đi “khảo cổ” ấy không hề đơn giản, nhất là khi nó có liên quan đến lợi ích của nhiều bên và đã được an bài.

Viết đến đây, chợt nghĩ đến một cuộc TTTSCN mà dư luận đang rất quan tâm. Đó là cuộc thanh tra tài sản của ông “Biệt phủ”. Từ những thông tin đã đưa trên truyền thông, xin thử dựng lại một buổi làm việc giữa Thanh tra và ông này:

Thanh tra: Xin ông cho biết những tài sản mà ông hiện sở hữu?

Ông “Biệt phủ”: ….

Thanh tra: Vâng! Vậy xin hỏi, ông đã có được những tài sản ấy bằng cách nào?

Ông “Biệt phủ”: Thưa, tôi chăn nuôi, làm chổi chít và… đánh bạc...

Thanh tra: Xin ông cho biết cụ thể từng khoản thu ấy?

Ông “Biệt phủ”: Tôi không ghi chép. Luật pháp có bắt buộc tôi phải ghi chép thu nhập của mình đâu? Đây là kết quả trong nhiều năm gia đình tôi đã gom góp được…

Với những gì đã cung cấp, ông “Biệt phủ” chỉ cần cam đoan là đúng và không phải chứng minh gì nữa. Việc chịu trách nhiệm ra sao, nếu thông tin ấy không chính xác, còn là chuyện xa vời. Còn đối với người nghe thì sao? Hẳn rằng những điều ông “Biệt phủ” cung cấp không ai tin được. Nhưng với người dân thì tin hay không cũng chỉ dừng lại ở dư luận; còn với người làm cuộc thanh tra này thì phải đi đến tận cùng. Nếu không tin, họ phải phản bác. Mà phản bác thì phải có căn cứ chứ không thể tranh cãi tay đôi với nhau chỉ bằng suy luận của mình. Vậy họ phải tìm những căn cứ ấy ở đâu, trong tình hình như đã nói ở trên?

Rồi cuộc thanh tra cũng đến lúc hết hạn, phải kết thúc. “Sản phẩm” cuối cùng của một cuộc thanh tra là bản kết luận. Một bản kết luận mà chỉ ra được chính xác chỗ đúng, chỗ sai của người bị thanh tra và nguyên nhân của sai phạm, là cuộc thanh tra thành công. Ngược lại, một cuộc thanh tra mà có những sự việc ai cũng “nhìn” thấy có vấn đề, nhưng thanh tra lại không chỉ ra được sai phạm, thì người làm thanh tra khó tránh khỏi “gạch đá” của dư luận. Nguy hại hơn, bản kết luận thanh tra ấy còn trở thành “đóng dấu an toàn” cho sai phạm…

Để người làm thanh tra có được một kết luận đúng sự thật, cần nhiều điều kiện lắm, trong đó có hai điều cơ bản nhất, là quyền hạn của Thanh tra được qui định trong pháp luật và năng lực, phẩm chất của người làm thanh tra. Về quyền hạn, theo những qui định hiện hành, thì người làm thanh tra không được “rộng đường” như nhiều lĩnh vực khác. Nhưng đây là chuyện không thể thay đổi một sớm một chiều. Vậy nên vấn đề cần bàn lúc này, là những gì thuộc về chủ quan của người làm thanh tra.

Thay lời kết

Người viết bài này không giấu giếm rằng, mình vốn có thiện cảm và thông cảm với người làm thanh tra. Vậy nên xin có mấy lời:

Một là, trong tình hình hiện nay, TTTSCN là việc rất cần thiết, cũng là việc rất khó khăn. Vậy nên, người làm thanh tra phải cân nhắc cho kĩ. Nếu tiên lượng thấy một cuộc thanh tra nào đó “vào” dễ, “ra” khó, thì càng phải thận trọng hơn. Sự khinh suất, có thể phải trả giá đắt bằng uy tín chính trị của người thực hiện và của cả ngành.

Hai là, việc TTTSCN trên địa bàn nào, thì do lực lượng thanh tra địa bàn ấy thực hiện. Đây là bổn phận và cũng là lợi thế của họ. Việc điều “quân triều đình” đi làm thay cho “quân bản bộ”, không phải trường hợp nào cũng là hay, thậm chí có khi còn là phiêu lưu, giống như mang uy tín của ngành đặt cược vào một việc cụ thể vậy.

Làm thanh tra cũng giống như đánh trận. Ai cũng muốn chiến thắng, nhưng cũng không ai có thể chủ quan mình sẽ “bách chiến bách thắng”. Nói dại miệng, nếu để thanh tra địa bàn làm, mà “chiến bại”, thì “tổn thất” sẽ nhỏ hơn và còn có cơ khắc phục. Như vậy chẳng phải tốt hơn sao?

Nguyễn Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy