Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
09:13 (GMT +7)

Mang thêm nụ cười đến bản Mông

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” 

VNTN - Dường như là cái duyên, ngày đầu tiên bước vào nghề báo (1997), tôi đi thực tế viết bài đầu tiên ở xóm Đồng Tâm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương). Hình ảnh còn lưu trong óc tôi đến tận giờ là những cậu bé, cô bé tóc đỏ quạch, bế em chơi lê la dưới trời nắng gắt. Đường vào Đồng Tâm khi ấy chỉ là vệt cỏ mòn chạy loanh quanh, những ngôi nhà sàn lúp xúp bên vạt ngô non.

Sau 20 năm, trở lại Đồng Tâm, xe tôi mắc vào đá suối nằm chết dí. Nghe tin, các chàng trai đang tập văn nghệ ở Nhà văn hóa xóm lên xe máy phóng vù ra cứu trợ. Nhìn những gương mặt đỏ au, tươi tắn, nhanh nhẹn, tôi nghĩ đến những cậu bé tóc cháy nắng nhem nhuốc ngày nào. Vừa khuân đá mở đường kéo xe tôi lên, các cậu vừa trêu tôi đã quá lạc hậu: “Cô ơi, có ai đi lối này nữa đâu, giờ đường bê tông từ quốc lộ chạy thẳng vào bản cơ mà”. Dù chiếc xe máy bẹp bô và bê bết đất, nhưng tôi thấy lòng khấp khởi khi ngắm con đường như dải lụa bạc ẩn hiện giữa những nương sắn non tơ.

Có đường bê tông về bản, không còn cảnh trơn trượt lúc trời mưa  (Ảnh chụp tại xã Thượng Nung, Võ Nhai)

Trưởng xóm Đồng Tâm Lý Văn Sài tuổi chừng 30, đang trong số “diễn viên” say sưa tập văn nghệ. Chả là bản có 38 người được chọn tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 tổ chức ở Hà Giang. Cả tháng nay, xóm như có hội, trẻ con, người già mê mải xem, góp ý cho đội văn nghệ. Chảo thắng cố sôi sùng sục ngoài sân, ai tập cứ tập ai ăn cứ ăn, thiếu ngọn rau thơm hay tí gia vị là lên xe phóng vèo đi mua. Chỉ vào vùng sắn xanh mỡ, Sài nói với tôi: Củ sắn bán cho thương lái hết. Xóm có 59 hộ, toàn người Mông trắng, đã có 6 hộ giàu rồi đấy bá à.

Quả thật, Đồng Tâm đã thật khác xa lần đầu tôi đến.

Nhưng ấn tượng về sự đổi thay mạnh mẽ hơn khi tôi trở lại xóm Lân Quan (xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ). Đã 4 lần đến nơi này, nhưng tôi vẫn phải hỏi đường, đủ thấy cảnh vật thay đổi nhiều đến thế nào. Năm 1998, để đến nhà trưởng xóm Dương Văn Lầu, tôi phải… bò qua các mỏm đá nhọn hoắt tai thỏ. Đường đi là vệt cỏ đổ rạp bởi chân người, những tảng đá đen xì như vô số con voi khổng lồ đứng, nằm la liệt. Người từ xóm ra ngoài chỉ có thể đi bộ hoặc cưỡi ngựa. Trở lại Lân Quan lần này, người tôi quen mặt vẫn là ông Dương Văn Lầu, nay là Bí thư Chi bộ. Đường bê tông chạy xuyên bản, lên tận đỉnh núi, nơi chỉ có 5 hộ gia đình cheo leo trên đó.

Tôi sà vào nói chuyện với các bà ngồi hóng gió ở “trung tâm” bản, trước sân nhà văn hóa mới tinh, cạnh trường mầm non và tiểu học Lân Quan. Bà Trịnh Thị Khào (60 tuổi) cười tít mắt nói với tôi: “Giờ mưa to mấy cũng ngủ ngon á, chả lo đường trơn không đi được”. Chả là trước đây bà Khào đã bị mấy cú ngã trời giáng: “Úi dá, lội bùn, trẻ con người lớn ngã oành oạch suốt á”. Chị Triệu Thị Liên (47 tuổi) chỉ lên ngọn núi thâm u trước mặt kể: “Ngày ở Cao Bằng xuống đây, em suốt ngày leo núi đào củ mài lấy cái ăn, chả biết đến xe máy, xe đạp là gì, cũng chẳng có đường êm như bây giờ”.

Cách đây gần 40 năm, Dương Văn Lầu (khi đó mới 12 tuổi) theo bố mẹ cùng 30 hộ người Mông từ Cao Bằng về Lân Quan. “Rừng rậm bạt ngàn, cây to vài người ôm. Chúng tôi phát nương trồng ngô, nhưng lá mục lấp hạt, ngô không nảy mầm. Nghèo đói quá, 20 nhà lại rồng rắn kéo nhau đi. Chục hộ trụ lại nay đã “nở” thành hơn 100 hộ” - Ông Lầu nhớ lại.

Tôi không khỏi ngạc nhiên xen lẫn khâm phục nghe câu chuyện học chữ của dân bản Lân Quan. Sợ con em mình vì heo hút, nghèo đói mà mù chữ, năm 1986, bà con gom góp ván bưng, cột kèo, đi gần 10 km đường rừng cõng từng viên ngói Hương Canh lên bản, dựng cái nhà gỗ lợp ngói duy nhất lúc đó cho Phòng Giáo dục Đồng Hỷ vào mở lớp “Ánh sáng văn hóa”. Năm 1993, nhà ông Dương Văn Lầu lại trở thành lớp học xóa mù cho hơn 20 người tuổi từ 20 đến 30. Ông Lầu là trưởng xóm kiêm “trợ giảng” phiên dịch viên tiếng Mông cùng thầy giáo từ huyện lên đứng lớp. 5 tháng ròng rã, ngày lên nương, tối đốt đuốc leo núi đến nhà trưởng xóm học chữ, cuối cùng 10 học viên của bản “tốt nghiệp” biết đọc biết viết.

Không riêng Lân Quan, ở hầu hết các xóm, bản người Mông việc học đều lắm gian nan. Xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) là ví dụ. Có thời điểm, trẻ con phải học trong các phòng do người dân dựng tạm ghép ván sơ sài, trống trải, nền đất lồi lõm, ẩm thấp. Thầy giáo Phạm Thanh Vinh, Hiệu trưởng Nhà trường nhớ lại: Mùa đông, học sinh chịu gió rét lùa tứ phía, mùa hè thì nắng hắt vào lớp học, mưa lớn là nước chảy tràn vào phòng học…

Những câu chuyện tôi kể ở trên giờ đã thành quá vãng. Ở Lân Quan, địa điểm dựng lớp “Ánh sáng văn hóa” 30 năm trước nay là trưởng Tiểu học khang trang, cạnh đó là Trường mầm non, phụ huynh ngồi cổng chờ đón con không khác gì ở thành phố. Còn bà con Khuổi Mèo rất vui mừng khi đầu tháng này, công trình nhà lớp học 2 tầng 4 phòng đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thầy Phạm Thanh Vinh bày tỏ trong niềm phấn khởi: Mơ ước bao năm của thầy trò chúng tôi nay đã thành sự thật, đây là nhà lớp học cũng là công trình xây dựng 2 tầng đầu tiên trong xóm, ai cũng vui vì từ nay học trò không còn phải chịu vất vả, thiệt thòi trong những phòng học tạm nữa. Tuy còn thiếu thốn nhiều nhưng tôi tin chất lượng dạy học của Nhà trường sẽ được nâng lên khi có thêm cơ sở vật chất khang trang thế này.

Những câu chuyện cổ tích đời thường tôi kể trên có được bởi Quyết định 2037 của UBND tỉnh, phê duyệt Đề án về “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, giai đoạn 2014 - 2020”. Cũng từ đấy, ở vùng đồng bào Mông, cụm từ 2037 như “từ khóa” mở ra niềm vui và hy vọng.

Hướng tới phát triển toàn diện cả kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng đồng bào Mông, Đề án triển khai thực hiện 2 mảng công việc chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất (giống, phân bón cho ngô lai, con giống chăn nuôi, mô hình cây ăn quả); đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, nhà văn hóa, nhà lớp học, điện lưới và công trình nước). Từ năm 2015 đến nay, 15 tuyến đường giao thông (gần 43km) được đưa vào sử dụng, mặt đường 2,5 đến 3m, bê tông dày 18 - 20cm, thoải mái cho ô tô nhỏ vào đến trung tâm bản; 14/16 công trình nhà lớp học, 3/7 nhà văn hóa đã xây xong, 11 công trình điện lưới đã khởi công.

Hiệu quả nhìn thấy rõ nhất từ khi có 2037 là nếp sinh hoạt của đồng bào. Bí thư Chi bộ bản Lân Quan Dương Văn Lầu cùng tôi đi dạo một vòng quanh bản. Ông bảo, từ khi có nhà văn hóa, khu vực này đông đúc hẳn, thêm mấy phản thực phẩm người ngoài mang hàng vào bán, người đến người đi tấp nập. Hai cụm loa đặt ở hai bên nhà văn hóa để thông báo hoạt động của bản, giờ đi họp, các công việc đột xuất cần triển khai. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Lân Quan vẫn còn khoảng 90%, còn lại là cận nghèo, nhưng hầu hết các nhà đều có xe máy, ti vi, không ai bị đứt bữa như trước.

Quả thực, Đề án 2037 đã mang thêm nụ cười cho đồng bào Mông. Nhưng khó khăn ở đây vẫn còn nhiều do địa hình sinh sống của bà con cheo leo, hiểm trở. Hai thứ bà con đang “khát” là nước sinh hoạt và điện. Nguồn nước chủ yếu vẫn dẫn từ khe núi về, không đảm bảo vệ sinh và khá khan hiếm. Chị Dương Thị Dế (bản Lân Quan) bảo: 2 - 3 nhà chung nhau một “củ bơm”, một ống dẫn, có khi đang rửa rau thì nhà kia dùng, mình phải đợi thôi, trong nước có khi lẫn cả… túi ni lông. Điện thì quá yếu, nên ti vi, đài, bóng điện bị cháy hỏng thường xuyên, các loại máy phục vụ sản xuất hầu như không sử dụng được. Buổi tối, cả nhà chịu tối để dồn điện cho trẻ con đủ sáng học bài.

Trên đường từ bản Lân Quan ra, tôi gặp một chiếc ô tô chở cột điện đến khu vực Trạm biến áp Làng Giếng (cách Lân Quan khoảng 2km). Bà con ở đây đang trông ngóng được dùng dòng điện khỏe hơn, nhưng 11 công trình điện của Đề án 2037 trước mắt dành cho những nơi chưa có điện lưới, nên cái cảnh điện đỏ như con “đom đóm” vào giờ cao điểm chắc bà con vẫn phải chịu đựng.

Trò chuyện với dân bản, tôi đọc được sự biết ơn về món quà của tỉnh dành riêng cho họ. Nhưng ở nơi cao nhất, xa nhất, heo hút nhất, họ vẫn đang đối mặt với nhiều cái khó, cái khổ. Hy vọng Đề án 2037 là cú hích vật chất và tinh thần cho đồng bào vượt qua ngưỡng khó, tự bứt phá khỏi cái khổ, cái nghèo đeo bám lâu nay.

 Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Ăn ngủ cùng rừng

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Dấu ấn lãnh đạo ở Quân Chu

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Đi tìm tiên nữ Soọng cô

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Ơi con sông quê hương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tôi viết về đề tài lịch sử

Xem tin nổi bật 2 tháng trước