Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:04 (GMT +7)

Mảng màu của ký ức và hiện tại

VNTN - Họa sĩ Dương Văn Chung sáng tác chủ yếu là chất liệu hội họa (sơn dầu, acylic, lụa, nho mài), là người duy trì rất ổn định về phong cách. Luôn bắt gặp trong tranh anh nhiều góc cảnh khác nhau, hình ảnh vừa thực vừa hư nhưng lại mang triết lý, ý niệm sâu sắc.

Xem tác phẩm “Thăm lại chiến trường xưa” mà Dương Văn Chung đã đoạt Giải B trong Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng do Hội VHNT tỉnh tổ chức năm 2018, thấy lòng mình như lắng lại. Với hình thức bố cục theo chiều dọc, phong cách tả hình và gợi hình, cụ thể mà huyền ảo. Vẽ tranh nói về những điều chưa ai thấy, mà lại lột tả như thực thì thật là khó. Ngay cả tác giả không phải lúc nào cũng được trải nghiệm - chứng kiến hiện thực, mà đôi khi phải vẽ theo tư duy và triết lý. Thật hay là Dương Văn Chung đã tìm được cái tứ để nói về những điều không nhiều người biết đến, không mấy ai còn ghi nhớ đầy đủ.

 

Tác phẩm “Thăm lại chiến trường xưa”

 

46 năm đã qua đi sau cái đêm Noel đau thương ở ga Lưu Xá, thời gian đủ để khiến tất cả chỉ là ký ức hiện về, chỉ còn là ý niệm. Nhưng họa sĩ Dương Văn Chung đã tái hiện được phần nào khoảnh khắc khốc liệt của chiến tranh, sự quả cảm - anh dũng của các anh hùng - liệt sĩ  - Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái những tháng ngày ấy (1972). Các nhân vật trong tranh dường như không đồng hiện, dưới lớp mờ hư vô chúng ta vẫn thấy hiện về những cái tên bất tử, những khuôn mặt ngày nào của Nguyễn Thế Cường, Ma Thị Chảy, Nguyễn Thị Đoạt, Dương Thị Giang, Long Thị My…, và nhiều các anh, các chị khác như còn ở đâu đó rất gần. Hai nhân vật hiện hữu trong tranh, khiến ta cảm nhận được ba thế hệ đang nối bước. Có lẽ qua người lớn, lớp lớp thế hệ trẻ đã làm sống lại khoảnh khắc anh hùng của dân tộc. Người phụ nữ xuất hiện cùng em bé ở đây, là hình ảnh đại diện cho hàng ngàn hàng triệu người vợ, người mẹ đã phải chịu hy sinh mất mát trong chiến tranh. Tác giả sắp đặt hai nhân vật cận cảnh đang hướng về phía trước tìm kiếm trong khoảng hư vô, chỉ là ký ức hiện về qua lời kể, họ tưởng tượng những người thân qua làn khói tâm hương.

Nhìn tổng thể bức tranh là gam màu ghi sáng, điểm nhấn màu xanh lá trên trang phục thanh niên phong đã giúp người xem cảm nhận được không gian riêng biệt thực tại và quá khứ. Hai không gian như hòa quyện vào nhau, sự huyền ảo của nhân vật trong quá khứ khiến người xem liên tưởng tới khí phách - sự phi thường của lớp người đã ngã xuống và nghị lực của những người may mắn trở về sau chiến tranh. Bóng nắng trải dài gợi một chiều tà man mác buồn, lích chích tiếng chim câu đã xua bớt đi phần nào sự tĩnh lặng, dự báo những ngày bình an, tươi sáng.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy