Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:37 (GMT +7)

Lý luận phê bình nhiếp ảnh – dễ và khó

VNTN - Những người nặng lòng với nhiếp ảnh, nhiều năm nay băn khoăn với câu hỏi, rằng việc “phê bình” loại hình này có cần thiết không? Bởi thực trạng đã, đang diễn ra xuyên suốt cả quá trình phát triển của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, mảng lý luận phê bình vẫn là khâu yếu, lỏng lẻo và bị “ruồng bỏ” nhất…

 

Cái yếu của mảng Lý luận phê bình (LLPB) nhiếp ảnh, đầu tiên cũng là cái may cho giới nhiếp ảnh ở thời quá khứ, ai đó đã không phải vì nghề mà đa đoan một đời; không vương vất như các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… đã từng bị quy kết vào nhóm Nhân văn giai phẩm. Các nhà nhiếp ảnh không ai bị quy tội, phải chăng là do LLPB của mảng này khi ấy còn chưa phát triển?

Nếu coi nhiếp ảnh là một thực thể không thiếu được trong cộng đồng Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, thì không thể coi nhẹ việc chăm lo nghiêm túc tới mảng LLPB. Chúng ta không thể để xã hội bát nháo dùng hàng nhái, hàng giả; thành quả lao động của người tử tế bị ăn cắp… Buông lỏng LLPB cũng đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, khiến cả xã hội phải chi phí vật chất oan uổng, trong khi đời sống tinh thần lại không được nâng cao thông qua nhiếp ảnh nghệ thuật.

 

Một lần nọ, thấy người ta phỏng vấn nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh trên phương tiện truyền thông. Nghe anh phân tích về những tác phẩm mà anh chụp được, người viết bài này tự hỏi: Ở Việt Nam có bao nhiêu người làm được như anh ấy, không những tạo ra được tác phẩm đẹp, mà còn phân tích khúc triết được cái hay, cái đẹp cho người xem về thành quả mình sáng tác ra?

Lại nhớ trong một buổi trao đổi kinh nghiệm sáng tác ảnh tại Thái Nguyên, cố nghệ sĩ Văn Bảo có hỏi một học viên, rằng anh dùng ống kính gì, đứng ở đâu và chụp bức ảnh này khi nào? Sau khi nghe câu trả lời, ông phân tích ngay cái vô lý giữa bức ảnh và nội dung của câu đáp. Ông thằng thắn chỉ ra rằng, người chụp đã đi vào trong sân bóng, đứng trước cầu môn, dùng ống kính tiêu cự 50 và chụp khi người ta đang tập sút. Bức ảnh được ghi hình không nằm ở thời gian 90 phút của trận đấu! Chúng tôi láng máng nhận ra từ lâu, rằng nhiều nhà nhiếp ảnh của Việt Nam thường hay giấu nghề khi còn chưa thạo nghề, thích được khen và lười học. Bằng chứng là rất ít người khi mua máy đủ kiên nhẫn đọc ba lần bản hướng dẫn sử dụng được lót dưới máy ảnh trong hộp xốp, nên có những tính năng mà khi hỏng máy rồi, người mua vẫn không biết nó từng tồn tại, trong khi vì cái tính năng đó, nên giá thành của thiết bị đã đội lên rất nhiều.

Ngày còn chụp phim, đi đâu tôi cũng nghe các bạn ảnh kêu ca là dùng phim 400ASA ra ảnh không đẹp, màu không no, vv và vv… Khi hỏi anh tráng phim thế nào, thì mọi người đều trả lời tráng tại lab (a), lab (b) nào đó… Tất cả họ đều không lường đến một chi tiết rằng, các máy tráng phim tại các lab đều được cài đặt chế độ tự động, trong đó đã cố định ba phút mười lăm giây (thời gian phim kéo qua bể thuốc hiện phim N1), ở nhiệt độ chừng 37,5 đến 37,8 độ C. Với nhiệt độ và thời gian ấy, chỉ tráng cho phim 200ASA là phù hợp, còn phim 400ASA có kích thước hạt to hơn, nếu tráng cùng nhiệt độ thì thời gian kéo qua bể hiện phim N1 có thể phải cộng thêm khoảng gần 80 giây nữa mới đạt yêu cầu. Cuối cùng là phim 400ASA không có lỗi, quá trình ghi hình tốt, lỗi để non phim là thuộc người tráng phim. Một âm bản phim non do khâu ghi hình hay do khâu tráng đều vô tích sự như phim bị mất nét. Điều thật đáng tiếc, là chính các nghệ sĩ mất tiền thuê người ta tráng phim, cũng không hề biết để mà quy trách nhiệm.

Vậy là những yếu tố để ảnh hưởng đến giá trị của một tác phẩm nhiếp ảnh có thể do chủ quan, hoặc khách quan. Một Nhà LLPB thực thụ khi cầm trên tay một bức ảnh của bạn nghề, phải đọc được tương đối chính xác các việc “bếp núc” thuần chất kĩ thuật mà tác giả đã tạo dựng ra nó. Biết được cái hay, bắt được cái lỗi của từng khâu (ghi hình - tráng phim - in ảnh) trong quá trình chụp phim; hoặc (ghi hình - làm hậu kì PTS - in ảnh) ở chu trình chụp số. Rồi sau đó mới xét đến những thuộc tính về thẩm mĩ, về nội dung tư tưởng…, mà tác phẩm truyền tải.

Đọc cuốn “Hội thảo LLPB nhiếp ảnh lần thứ nhất” (nhiệm kì 2005 - 2010) thì thấy, các nhà LLPB của Việt Nam là một tập thể không thống nhất. Bởi khi nhận định về nền nhiếp ảnh xã hội chủ nghĩa, thì theo ông Hoàng Kim Đáng: “người cổ súy cho khuynh hướng sáng tác này bắt đầu từ nhà nghiên cứu phê bình lý luận - cố nghệ sĩ Nguyễn Long.” (trích nguyên văn - tr 108); ông Bá Thước thì: “Xin được nhấn mạnh và nhắc lại: Ngay cả lý luận sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN cũng không phải là phương pháp sáng tác duy nhất đúng…, theo tôi nó chỉ là phương pháp tốt nhất mà thôi, bởi còn nhiều phương pháp khác nữa…” (tr 120). Đến ông Nguyễn Đức Chỉnh thì khẳng định: “Nền nhiếp ảnh thực hành phương pháp nghệ thuật hiện thực XHCN trở thành danh chính của nhiếp ảnh Việt Nam và góp mặt vào kho tàng văn hóa nhân loại. Khi từ chiến khu trở về Hà Nội và vùng mới giải phóng (tháng 10/1954), dòng nhiếp ảnh này đã chinh phục nhanh chóng và cải tạo được dòng nhiếp ảnh biểu hiện chủ nghĩa phi hiện thực bấy lâu nay sống tù hãm trong vùng địch chiếm đóng.” (tr 176).

Mốc sử học và những khái niệm có tính triết học nằm ở tầm vĩ mô, định hướng cho một Hội chính trị xã hội nghề nghiệp hình như còn mơ hồ với chính các nhà lý luận phê bình, thì đội ngũ sáng tác và người xem chắc chỉ còn nước bỏ qua mọi thuyết lý để mà chụp ảnh và xem ảnh. Có trường hợp, nhà LLPB nói tác phẩm nọ, tác phẩm kia phi thực tế và coi nó không giá trị…, song qua thời gian những hình ảnh tương tự như thế xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Nhà LLPB nọ đã trót quy kết vẫn không muốn nhận mình còn thiếu trải nghiệm và vẫn… tiếp tục truy xét! Sự bảo thủ mà làm LLPB thì có nguy cơ bức tử sáng tạo. Một thời gian dài mọi cuộc thi nhiếp ảnh đều nhấn mạnh việc định hướng cho người chụp thâm nhập đề tài “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…” Nhưng hình ảnh trong triển lãm và đoạt giải ở cuộc thi nọ thì lại rặt quảng bá cho nghề thủ công. Người chấm ảnh không phân biệt được quy mô của cái lò đúc đồng đốt bằng than với cái lò luyện thép hồ quang khác nhau ở những gì đã đành, nhà phê bình cũng lại vội vã quy chụp người chụp dàn dựng thế này, thế khác… Thực tế nhà LLPB đã không bắt nhịp được với cuộc sống.

Chẳng biết tự bao giờ, các nhà LLPB không hiểu sao cứ bặt tăm sau mỗi cuộc thi ảnh? Những thí sinh gửi ảnh dự thi và người xem luôn muốn biết tại sao bức ảnh x, y…z, đoạt giải thưởng, nhưng điều đáng buồn nhất, làm mất giá nhà LLPB nhất trong mắt người chơi ảnh, là (nếu như) lời phát biểu của họ lại hùa theo quan điểm của Ban tổ chức và Ban giám khảo! Thứ mà các tay máy cần ở nhà LLPB lúc này không còn là một mớ lý thuyết cao xa, mà là quan điểm cá nhân của họ về phòng triển lãm. Tìm ra được những hạt sạn và các ý kiến họ bình phẩm đến những điều hay, sự sáng tạo của một số tác phẩm tiêu biểu trong cuộc thi. Một bài phê bình tốt có thể nhanh chóng dẹp được những ồn ào sau triển lãm; giúp người chụp thay đổi được cả tư duy sáng tạo; khiến các thành viên làm giám khảo nghiêm cẩn hơn ở mỗi lần chấm ảnh kế tiếp. Và cuối cùng tạo cảm hứng cho người làm tổ chức tự tin đặt kế hoạch cho những hoạt động nhiếp ảnh ở thì tương lai.

Tuy nhiệm vụ hướng dẫn người xem ảnh hiểu được cái hay, cái đẹp của ảnh nghệ thuật không chỉ là nhà LLPB, nhưng trách nhiệm phản biện phải thuộc về các nhà LLPB. Nếu đối tượng phản ảnh của một nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác là thiên nhiên và cuộc sống muôn màu muôn vẻ, thì đối tượng của nhà LLPB là các tay máy cùng chính những tác phẩm của họ. Là những phản ảnh về những cái hay, cái dở của đội ngũ làm giám khảo, vạch vòi được cả những khiếm khuyết ở khâu tổ chức…

Cùng “bơi” trong môi trường nhiếp ảnh nghệ thuật, nhưng khác với những đồng nghiệp chuyên chụp ảnh, nhà LLPB có lúc phải bơi ngược dòng. Sự nhầm lẫn, sai sót của người chụp dễ được bỏ qua; những sơ sểnh do vô tình hay hữu ý của Ban giám khảo, Ban tổ chức rồi người ta cũng sẽ quên…, nhưng những bút tích của nhà LLPB sẽ còn lưu mãi. Ai dấn thân làm công tác LLPB nhiếp ảnh, người đó phải đủ dũng cảm chấp nhận một cuộc sống bị ghẻ lạnh, cô đơn.

Một lần tôi tình cờ được nghe nghệ sĩ Quang Phùng nói: “Tiết kiệm là đạo đức của nhiếp ảnh nghệ thuật”. Thấy là, trong mọi ngành nghệ thuật thì nhiều người vẫn cho rằng mỗi thành công đều có sự góp sức của 95% nỗ lực lao động và 5% là do năng khiếu. Thẳng thắn mà nói, thì sự bổ khuyết kịp thời của LLPB biết đâu đã giúp không ít người tránh được những đầu tư lãng phí; dũng cảm nhận ra mình thiếu hẳn 5% cái phần năng khiếu cần thiết để bám đuổi theo nhiếp ảnh nghệ thuật, tránh ảo tưởng mà kịp thời chuyển đổi công việc hợp lý, không phải “đốt nhà” âu cũng là một thành công của người làm LLPB (?).

 

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy