Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
19:40 (GMT +7)

Lùm xùm quyên góp từ thiện lên diễn đàn Quốc hội

VNTN- Trả lời chất vấn chiều nay (10/11) của đại biểu về những lùm xùm trong quyên góp từ thiện, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định hoạt động này sẽ đi vào nề nếp, còn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan điều tra đang xác minh, điều tra đơn tố giác một số sai phạm trong quyên góp từ thiện của các nghệ sĩ.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) chất vấn

Chiều 10/11, Bộ trưởng Dung là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bên cạnh lao động, việc làm, thực  hiện các gói hỗ trợ thì việc chủ trì với các bộ ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách cũng là nhóm vấn đề đã được chọn để chất vấn trong phiên này.

Gửi báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng cho biết vấn đề quản lý về các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện nhân đạo, theo quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó, quy định chi tiết về nguyên tắc, mục đích, phạm vi, phương thức kêu gọi, phương thức tổ chức vận động, tiếp nhận phân phối, tổng hợp báo cáo, kiểm tra… Tuy nhiên, do thời gian qua chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể cách làm, nguyên tắc làm thiện nguyện, cứu trợ nhân đạo đối với các tổ chức, cá nhân, dẫn tới những bất cập, hạn chế nhất định, đặc biệt là khâu tổ chức phân phối, cấp phát, chưa tuân thủ quy định pháp luật dẫn đến cấp phát chậm, có chỗ nhiều, có chỗ ít, chưa thông tin kịp thời về kết quả hỗ trợ,... Điều này đã dẫn đến một số vụ việc gây dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng đến công tác huy động cứu trợ và hoạt động thiện nguyện.

Trên cơ sở đó, để khắc phục hạn chế về quản lý công tác huy động cứu trợ thiện nguyện, nhân đạo, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 11 tháng 12 năm 2021.

Trong đó giao Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách về trợ giúp xã hội, theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do sự cố bảo đảm đúng chế độ, chính sách.

Bộ trưởng thông tin, thực hiện quy định này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng kế hoạch và nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn thiên tai, dịch bệnh.

Chất vấn trực tiếp, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng có sự tùy tiện trong kêu gọi quyên góp, trong khi cơ quan chức năng quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp không đúng mục đích.

Theo đại biểu thì việc này làm mất đi tính nhân văn của hoạt động từ thiện và lòng tin của nhà hảo tâm.

Vì thế, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về biện pháp ngăn chặn tình trạng này tái diễn cũng như đưa hoạt động từ thiện, kêu gọi quyên góp vào khuôn khổ.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng nêu rõ Chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân và mọi người dân tham gia làm việc từ thiện, cứu trợ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Và về cơ bản thì tiền tiếp nhận, ủng hộ người chịu ảnh hưởng bão lũ, dịch bệnh đã đến với người nhận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận vẫn còn chỗ này, chỗ kia “có chuyện”, vì thế làm thiện nguyện cần được khuyến khích nhưng trên có sở quy định, nguyên tắc pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Và trước những vụ việc lùm xùm liên quan đến từ thiện, Thủ tướng đã giao cho Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64 bằng Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021, đã quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí cách làm, đối với các hoạt động kêu gọi quyên góp.

Bộ trưởng cho rằng, từ 1/12/2021, sau khi Nghị định 93 có hiệu lực, chắc chắn hoạt động thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp, còn tổ chức, cá nhân nào sai phải xử lý theo pháp luật.

Tham gia trả lời Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết đã giao Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các địa phương điều tra, xác minh đơn tố cáo một số sai phạm trong quyên góp từ thiện.

Cụ thể, Cục Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với các ngân hàng rà soát, xác định các tài khoản huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp và giải ngân. Bộ Công an cũng phối hợp UBND, Ủy ban MTTQ các cấp tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi xác minh số tiền, hàng các nghệ sĩ đã cứu trợ, giúp đỡ tại các địa phương. Ngoài ra, cơ quan công an đã mời một số cá nhân, tổ chức có liên quan đến làm việc để sớm kết luận vụ việc, ông Lâm thông tin.

Vẫn theo Bộ trưởng, Cục Cảnh sát Hình sự cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn; kịp thời phát hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản. Tướng Tô Lâm thông tin, đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 6 đơn tố giác về tội phạm của công dân liên quan việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ. Công an TP. Hồ Chí Minh đã phân loại và tiến hành theo đúng quy trình tố tụng pháp luật hình sự.

Qua rà soát, Bộ Công an cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định về vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện theo hướng thắt chặt hơn và làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.

Băn khoăn hỗ trợ nghệ sĩ

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phản ánh nhiều cử tri băn khoăn việc gói an sinh xã hội hỗ trợ nghệ sĩ, vì có nhiều người có thu nhập cao vẫn được hỗ trợ. Bà Dung hỏi quan điểm của Bộ trưởng về việc này thế nào.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời, trong quá trình triển khai xây dựng Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị hỗ trợ hai nhóm là hướng dẫn viên du lịch và văn nghệ sĩ.

Với các văn nghệ sĩ, là những người có mức lương thấp, đa phần còn trẻ mới vào nghề. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khảo sát, có khoảng 2.000 nghệ sĩ "nhìn chung đời sống khó khăn". Chính phủ thảo luận và đồng ý với chính sách này, vì các lý do như: Đây là các trường hợp lương thấp, đời sống khó khăn; nhiều người bị ảnh hưởng vì thời gian giãn cách dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên...

"Tuy nhiên, quá trình thực hiện, một địa phương khi xét 33 trường hợp thì có 3 trường hợp đúng diện nhưng là những người có cuộc sống khá giả vì các em có tài năng", ông Dung giải thích và cho biết hiện đã có 1.590 nghệ sĩ được hỗ trợ, lãnh đạo Bộ đã đi kiểm tra thực tế và thấy nhiều người có đời sống rất khó khăn.

"Chúng tôi khẳng định một lần nữa chính sách hỗ trợ nghệ sĩ là đúng; quá trình thực hiện có điều này, điều kia chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm", ông Dung nói trước Quốc hội.

Về vấn đề này, tại báo cáo, Bộ trưởng cho biết đã có 1.490 đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV tại 52/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ kinh phí 5,53 tỷ đồng.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy