Luật Về hội vẫn chưa thể đến hồi kết
VNTN - Với gần 90 phần trăm đại biểu Quốc hội đồng ý chưa thông qua tại kỳ họp này, Luật Về hội vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Tại kỳ họp thứ hai đang diễn ra, Quốc hội dự kiến chỉ thông qua bốn dự án luật, và Luật Về hội là một trong số đó. Sau cả chục năm chuẩn bị, nhiều lần nâng lên đặt xuống thì hồi kết cho dự án luật cụ thể quyền lập hội của công dân đã được hiến định rất được mong chờ.
Nhưng, từ khi thảo luận ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho đến lúc ra nghị trường, băn khoăn, lo lắng về dự án luật vẫn nhiều hơn sự đồng thuận. Vì thế, đã bố trí thời gian để thông qua dự án Luật Về hội song sau phiên thảo luận toàn thể, trước nhiều ý kiến chưa đồng thuận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tập hợp ý kiến của đại biểu xin ý kiến của Bộ Chính trị và sau đó gửi phiếu xin ý kiến đại biểu.
Cùng ngày dự kiến thông qua dự án Luật Về hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo về việc chưa thông qua dự án luật này.
Báo cáo nêu rõ, nội dung của dự án luật đang còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước. Đáng chú ý là Dự thảo luật trình Quốc hội khoá 14 có nhiều nội dung khác với Dự thảo luật trình Quốc hội khoá 13 nhưng chưa được Chính phủ tổng kết và báo cáo đánh giá tác động, chưa lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân là đối tượng điều chỉnh.
Trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về dự án Luật Về hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - đại diện Ban soạn thảo - cũng đề nghị Quốc hội cho cơ quan soạn thảo có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động và lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân là đối tượng điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo luật nhằm tạo sự đồng thuận cao của Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc cho biết, kết quả xin ý kiếncó 443/460 (gần 90% tổng số đại biểu Quốc hội) đại biểu gửi lại phiếu đồng ý chưa thông qua Luật Về hội tại kỳ họp thứ 2. Có ý kiến đề nghị, nếu dự thảo Luật Về hội không mở rộng phạm vi, quyền tham gia hội, tiếp nhận tài trợ nước ngoài vì mục đích nhân đạo từ thiện thì không nên trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Một số đại biểu đề nghị giao Chính phủ tiếp tục chuẩn bị thêm như ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ đã phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về dự án luật này để rà soát và chỉnh sửa lại các điều luật đã được đại biểu Quốc hội góp ý. Trong quá trình chuẩn bị, Chính phủ chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và cố gắng trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3.
Bên cạnh Luật Về hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 cũng được xin lùi, dù cũng đã có dự kiến thông qua vào ngày bế mạc kỳ họp này.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đã cho rằng đạo luật này rất quan trọng, là công cụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Để đảm bảo chất lượng, tránh các sai sót, cần phải có thể thời gian để chuẩn bị thật kỹ lưỡng, thận trọng, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trước khi thông qua.
Liên quan đến phạm vi sửa đổi - vấn đề gây tranh cãi khi thảo luận tại nghị trường - có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát để sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự ổn định lâu dài của Bộ luật.
Tuy vậy, đa số đại biểu tán thành với phương án đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp là không sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự mà chỉ tập trung sửa đổi các lỗi kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung và việc áp dụng thống nhất pháp luật; sửa đổi các điều có nội dung không hợp lý, không sửa thì không thì hành được luật.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - người duy nhất giơ biển tranh luận để khẳng định chưa thể thông qua Luật Về hội tại kỳ họp này của Quốc hội |
Ngoài ra các đại biểu cũng nhất trí bổ sung một số hành vi phạm tội mới để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.
Tương tự cách làm như với Luật Về hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và kết quả tổng hợp cho thấy, có 448/460 (chiếm trên 90% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 2 này.
Một số đại biểu đề nghị điều chỉnh phạm vi sửa đổi tập trung vào phương án như Chính phủ trình và Uỷ ban Tư pháp đã thẩm tra, không đặt lại việc xem xét những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khoá trước thông qua. Đại biểu cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng từng điều khoản của luật và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét việc thông qua tại kỳ họp tới (tháng 5/2017).
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...