Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và bất ngờ phút 89
VNTN - Sau 4 tuần làm việc, ngày 14/6 Quốc hội khoá 14 đã bế mạc kỳ họp thứ 7.
Toàn bộ thời gian của ngày làm việc cuối cùng Quốc hội dành để thông qua 4 luật và 5 nghị quyết, trong đó có một đạo luật được cử tri đặc biệt quan tâm là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Trải qua nhiều tranh luận "nảy lửa" ngay từ quá trình chuẩn bị soạn thảođến khi chính thức trình Quốc hội, thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường rồi xin ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đây có thể được coi là một đạo luật khá đặc biệt, bởi cân bằng lợi ích giữa nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất rượu bia và nhân dân là việc không hề dễ dàng.
Nhiều văn bản được gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhiều chuyên gia lên tiếng, có lúc câu hỏi đã nên thông qua luật tại thời điểm này hay chưa cũng đã được đặt ra.
Có vô số vấn đề cần cân nhắc để luật khi ban hành không chỉ nằm trên giấy, từ phạm vi điều chỉnh, biện pháp quản lý, điều kiện kinh doanh, hành vi cấm, thời gian quảng cáo, phương thức bán rượu, bia. Đặc biệt, được bàn thảo trong bối cảnh rượu bia là tác nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, yêu cầu về một quy định mạnh mẽ hơn quy định hiện hành để giảm thiểu tình trạng nói trên đã được đặt ra trong các phiên thảo luận.
Đoàn đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên tại nghị trường. Nguồn: quochoi.vn
Nhưng, quan điểm về vấn đề này còn rất khác nhau. Bởi nếu cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn cũng đồng nghĩa với việc đã uống rượu bia mà lái xe là phạm luật, là bị phạt. Quy định này áp dụng tại một đất nước được "tôn vinh" là một trong số các quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới có lẽ không tránh khỏi sự băn khoăn về tính khả thi.
Kỳ họp này, một trong những đổi mới của Quốc hội là việc xin ý kiến các vấn đề khác nhau tại một số dự thảo luật chuyển từ phiếu bằng giấy sang bấm nút điện tử. Vì thế, không cần chờ kết quả tổng hợp như mọi lần mà kết quả hiển thị ngay lập tức. Và chiều 3/6, cử tri đã có thông tin hai lần biểu quyết, phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (phương án 1) vẫn không được 50% đại biểu Quốc hội tán thành.
Bất ngờ. Dư luận xôn xao, mạng xã hội tràn ngập các bình luận chứa đựng sự thất vọng và nghi ngờ trước kết quả đó. Điều hành các phiên chất vấn sau đó, khi Bộ trưởng Bộ Công an "than khó" khi "việc chỉ có chưa đến 50% đại biểu đồng ý luật hoá quy định cấm uống rượu bia khi lái xe thì tới đây sẽ không có việc đo nồng độ cồn nữa", Chủ tịch Quốc hội đã phải lên tiếng giải thích. Rằng, không phải Quốc hội không muốn xử phạt lái xe uống rượu bia mà luật hiện hành đã có quy định xử lý việc này. Tuy nhiên vì quá bức xúc trước tình hình thực tế nên cơ quan soạn thảo dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và một số đại biểu khi thảo luận tại hội trường cũng đề nghị tăng chế tài xử lý người uống rượu bia mà lái xe, còn hiện nay đã có quy định xử phạt người lái xe mà có nồng độ cồn vượt ngưỡng.
Với lý do có dư luận không đúng về kết quả xin ý kiến, ngày 10/6 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Bùi Sỹ Lợi đã xuống Trung tâm báo chí kỳ họp cung cấp thêm thông tin về dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia, điều hiếm thấy trong quá trình hoàn thiện các dự án luật.
Tại đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói với kết quả xin ý kiến thì không thể đưa phương án nào vào luật được, mà phương án là sẽ sửa nghị định để chế tài cao hơn với người sử dụng rượu bia vượt quá quy định mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông.
Báo chí vẫn băn khoăn, bởi đại biểu có mặt tại phiên xin kết quả chỉ là 432 (còn khoảng trên 50 người vắng mặt), vậy tại sao không có phương án để toàn bộ đại biểu thể hiện chính kiến, khi đó có thể phương án 1 sẽ được trên 50% đại biểu ủng hộ?
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Bùi Sỹ Lợi khi đó giải thích, vì tỷ lệ tính trên tổng số đại biểu chứ nếu tính trên số đại biểu tham gia biểu quyết thì cũng có thể sẽ vượt qua 50%.
Tất nhiên, quyền quyết định tối cao sẽ thuộc về Quốc hội. Song, theo quy trình, nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không thể hiện quy định đó dự thảo thì đại biểu cũng không có cơ sở để thể hiện chính kiến qua lá phiếu. Mà, như giải thích của Tổng thư ký thì gần như quy định cấm hoàn toàn người lái xe uống rượu bia sẽ chưa được luật hoá.
Thế nhưng, chỉ chưa đầy một ngày trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật đã có thông tin rất bất ngờ.
"Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông", Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày.
Hai chữ "tha thiết", hình như chưa bao giờ được dùng ở những báo cáo tương tự, đã cho thấy sự "ngoại lệ" của đạo luật này. Cũng cho thấy khẳng định của Tổng thư ký Quốc hội là "làm sao mà lobby hết được tất cả đại biểu Quốc hội" ít nhất đã đúng với trường hợp này.
Khi biểu quyết riêng về điều 5 “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia”, bao gồm cả khoản 6 “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, có 77,27% tổng số đại biểu tán thành, 54 đại biểu không tán thành và 18 vị không biểu quyết.
Biểu quyết toàn bộ dự thảo luật, 84,30% đại biểu Quốc hội đồng ý. Trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết có 25 vị không tán thành, 17 vị không biểu quyết.
Bất ngờ khi làm luật, không phải chưa từng có. Nhưng bất ngờ ở phút 89 với đạo luật này cho thấy Quốc hội dường như đã "gần" hơn với cử tri, như giải thích lý do đưa điều cấm đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông vào dự thảo luật trình Quốc hội thông qua, gồm cả ý kiến dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia
|
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...