Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
01:23 (GMT +7)

Luật Kiến trúc và kiến trúc sư

VNTN - Ngày 13/6/2019, Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa 14 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua, và sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 01/07/2020. Tuy nhiên, để thực hiện Luật Kiến trúc sẽ còn là một hành trình dài với việc ban hành nhiều văn bản gồm Nghị định, Thông tư, các quyết định liên quan để hướng dẫn thực hiện. Luật đi vào cuộc sống còn cần sự vào cuộc của hệ thống quản lý, của cộng đồng xã hội, của giới kiến trúc làm nghề và yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội. Câu chuyện kiến trúc sư và Luật Kiến trúc đã đến lúc được sự quan tâm và xem xét theo chiều sâu cần có.

 

Nguồn internet

Trước tiên, câu hỏi được đặt ra là: Kiến trúc sư là ai? Kiến trúc sư làm những gì? Theo từ điển mở Wikipedia Tiếng Việt, kiến trúc sư được định nghĩa “Là người thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức và cấu trúc… hay làm thiết kế quy hoạch của vùng, của khu dân cư, khu công nghiệp và cảnh quan đô thị”. Trong khi đó, người Hy Lạp cổ đại định nghĩa kiến trúc sư như “người thợ cả”, trong tiếng Việt, kiến trúc sư theo khái niệm được hiểu là người “Kiến tạo - Cấu trúc”. Cũng theo từ điển trên có một định nghĩa khác, kiến trúc sư là người làm kỹ thuật với vai trò là kỹ sư tạo ra sản phẩm kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng thời phải là người làm nghệ thuật tổ chức không gian, cấu trúc các nguyên liệu của xây dựng (vật liệu xây dựng, cây xanh, đồ dùng thiết bị…) tạo dựng nên không gian sống của con người. Như vậy, kiến trúc sư sẽ có vai trò nghệ sỹ tạo ra tác phẩm nghệ thuật: Nghệ thuật tổ chức không gian.

Luật Kiến trúc đã được Quốc hội thông qua cũng nêu rõ “Kiến trúc là Nghệ thuật và Khoa học, Kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội”.

Thực tế kiến trúc có một đặc tính quan trọng, nó là sự phản chiếu quá trình phát triển kinh tế xã hội theo các giai đoạn lịch sử của loài người. Không giống các loại hình nghệ thuật khác như văn học, hội họa, âm nhạc…, nghệ thuật kiến trúc là một nghệ thuật được tạo ra trên cơ sở tiêu tốn nhiều của cải của xã hội. Chính vì vậy, mỗi một xã hội đều định ra những chế tài, ra những Luật, Bộ luật nhằm điều chỉnh việc quản lý và hành nghề trong hoạt động kiến trúc, nhằm mục tiêu để kiến trúc có hướng đi đúng, phát triển lành mạnh phục vụ cuộc sống. Cùng với sự hình thành xã hội qua những giai đoạn lịch sử, nghệ thuật kiến trúc Việt Nam đã có hàng ngàn năm và đã để lại các di sản không nhỏ: Đó là nhà ở mang đặc trưng bản sắc của từng dân tộc, nhóm dân tộc, nhà ở gắn với đặc tính của từng vùng miền (nhà ở được xây dựng ở khu vực đồng bằng Sông Hồng, nhà ở khu vực miền núi phía Bắc, nhà ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên…). Cùng với đó là các di sản công trình hành chính như Cung đình Huế, Hoàng Thành Thăng Long… và các loại di sản công trình công cộng, công trình tôn giáo… được xây dựng dọc theo chiều dài đất nước. Vai trò của kiến trúc sư ở đây gắn liền với khái niệm mặc định là “người chính, thợ cả”. Trình độ của kiến trúc sư kiêm thợ ấy được tích lũy và truyền nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong thực tế họ là kiến trúc sư không chính danh, tức là không được trường đào tạo nào cấp bằng với tên gọi là “Bằng Kiến trúc sư”. Cái bằng ấy ngày nay các trường đào tạo chuyên nghiệp cấp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, lịch sử đã ghi nhận họ thông qua những tác phẩm tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều trường hợp đặc biệt tên tuổi của họ cũng đã được công nhận và ghi nhớ vào lịch sử như trường hợp của Nguyễn An - kiến trúc sư người Việt đã có công hoạch định và kiến tạo nên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Kiến trúc sư “chính danh” bản địa bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1936, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bắt đầu tuyển sinh và đào tạo nghề kiến trúc sư với yêu cầu cao về nghệ thuật. Từ cái “lò” đào tạo này những lớp kiến trúc sư “chính danh” đầu tiên đã ra trường. Họ để lại cả gia tài về kiến trúc tương đối đồ sộ, đã ghi dấu cả một giai đoạn phát triển văn hóa kiến trúc trong một bối cảnh xã hội đầy biến động. Hiện tại cả nước chúng ta có đến hơn 15.000 kiến trúc sư chính danh, trong đó khoảng ¼ trong số đó làm nghề. Từ lúc đầu có một cơ sở đào tạo với một lớp trên 20 sinh viên, đến nay trên cả nước có trên 20 cơ sở đào tạo, mỗi năm chúng ta cho ra lò trên 1000 kiến trúc sư.

Quản lý về kiến trúc và hành nghề kiến trúc mang yếu tố khách quan, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nước ta đã, đang từng bước hội nhập sâu rộng vào một môi trường bắt buộc phải tuân thủ các luật chơi mang tính toàn cầu. Việc ra đời của Luật Kiến trúc mang tính thời sự và cấp bách. Sau hơn 20 năm tiếp cận, tính từ năm 1996 đến nay, Luật Kiến trúc đã ra đời. Sân chơi cho kiến trúc sư Việt Nam đang vươn tới sự bình đẳng với thị trường trong nước và trên trường quốc tế. Mọi vấn đề còn lại chỉ còn phụ thuộc vào chính chúng ta.

Trước đây khi chưa có Luật Kiến trúc, hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc thực hiện quy định thông qua Luật Xây dựng. Luật Xây dựng với mục tiêu chính là điều chỉnh các hoạt động về xây dựng là chủ yếu, câu chuyện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc ứng với vai trò của kiến trúc sư khá mờ nhạt. Thực tiễn cho thấy đây là một nguyên nhân chủ yếu đã hạn chế các kiến trúc sư trong quá trình hành nghề.

 

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc Nguồn: laodong.vn

Chúng ta xây dựng nhiều và đã tạo ra được bức tranh kiến trúc Việt Nam ngày càng phát triển, nhưng chúng ta lại chưa có nhiều những thành tựu về kiến trúc. Trong khi các nước phát triển trên thế giới đều có Luật Kiến trúc, và họ coi đó vừa là biểu hiện vừa là động lực cho việc phát triển, thì nhiều nước đang phát triển thuộc khối Asean chưa có Luật này. Có thể khẳng định rằng, Luật Kiến trúc là sự đồng hành với sự phát triển. Kiến trúc phát triển tốt đồng nghĩa với sự phát triển bền vững. Nhận diện về thế mạnh của mình, ngay từ năm 1996, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã cùng Bộ Xây dựng tiếp cận và sau 20 năm, chúng ta đã có Luật Kiến trúc.

Kiến trúc sư với vai trò chủ thể, vai trò “nhạc trưởng” đã được thực sự làm rõ trong Luật Kiến trúc. Đối tượng điều chỉnh của Luật Kiến trúc còn làm rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Theo Luật Kiến trúc quy định, kiến trúc sư hoạt động phải có chứng chỉ được cấp, mọi hoạt động xây dựng tạo dựng nên kiến trúc của những đô thị, kiến trúc của những vùng nông thôn mọi địa phương, địa bàn trên lãnh thổ Việt Nam theo luật quy định cũng đều phải tuân thủ “quy chế quản lý kiến trúc” được lập ra và được chính quyền địa phương cấp tỉnh phê duyệt. Một nội dung quy định khác, các công trình quan trọng khi xây dựng trên địa bàn đều phải được thi tuyển. Hội đồng tư vấn về kiến trúc được thành lập với nhiệm vụ tư vấn cho chủ đầu tư, tư vấn cho chính quyền lựa chọn phương án khi thi tuyển. Hội đồng còn có trách nhiệm tư vấn về các lĩnh vực kiến trúc và những vấn đề kiến trúc trên địa bàn để chủ đầu tư và các cấp chính quyền có những quyết sách đúng đắn về phát triển đô thị, có giải pháp kiến trúc tốt khi đầu tư xây dựng công trình.

Đối với kiến trúc sư, luật quy định rõ về những loại hình và điều kiện để hành nghề kiến trúc, điều kiện về cấp chứng chỉ quy định về quy tắc ứng xử nghề nghiệp và các vấn đề liên quan đến quy trình hành nghề. Các vấn đề trước đây chưa được chúng ta quan tâm nhiều như: vấn đề bản sắc dân tộc trong kiến trúc; hoạt động hội nghề; kiến trúc sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam… cũng đã được đề cập và đưa vào Luật. Vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương với quản lý kiến trúc và quản lý công tác hành nghề tại địa phương cũng được làm rõ.

Sau hơn 30 năm đổi mới, cả nước hiện có tới hơn 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa từ hơn 10% năm 1986 đến nay tăng đến gần 40%; chương trình nông thôn mới cũng đã đạt được những thành tích đáng nể, tính đến năm 2018 số xã đạt chuẩn NTM là gần 50%. Xây dựng trong thời kỳ này có thể nói là bùng nổ, nhưng như đã nói là “có lượng mà thiếu chất”, chưa nhiều đô thị “đáng sống”, chưa nhiều vùng nông thôn tạo được bản sắc…

Hy vọng với Luật Kiến trúc ra đời và đi vào cuộc sống, chúng ta sẽ tháo gỡ được những vấn đề trên và cùng chung tay tạo dựng được nền kiến trúc “hiện đại, đậm đà bản sắc”, phục vụ cuộc sống hôm nay và để lại di sản văn hóa kiến trúc cho thế hệ mai sau.

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy