Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
17:35 (GMT +7)

Lửa Tết

 Tản văn. Lã Thị Thông

Tôi là cô bé được sinh ra ở vùng Tày, nơi có những nếp nhà sàn mái lá cọ bạc phếch nắng mưa. Bếp lửa dùng chung của cả gia đình ngày đêm bập bùng ánh lửa, đỏ rực than hoa được đặt ở gần chính giữa ngôi nhà. Mùa củi Tết - người Tày gọi là Fừn nèn, cùng tục giữ lửa Tết linh thiêng còn nguyên vẹn và in đậm trong kí ức tôi.

Trong kí ức tôi, Tết luôn về sớm hơn bình thường, có lẽ là ngay sau rằm tháng Chạp. Dịp đó người lớn, trẻ nhỏ quê tôi tất bật vào rừng kiếm củi Tết. Mùa đông rét cắt da cắt thịt cùng những bó củi oằn đôi vai nhỏ khiến tôi thêm yêu bếp lửa quê mình và chẳng khi nào quên được.

Nhớ lúc còn bé xíu chưa thể cùng người lớn vào rừng, tôi hay ra ngồi bên ô cửa sổ nhà sàn mỏi mắt ngước về phía núi xa đang nhòa vào chạng vạng để dõi tìm bóng mẹ. Tôi mừng quýnh khi dáng mẹ hiện ra, nghiêng nghiêng với vác củi nặng trên vai, bước chầm chậm xuống dốc núi.

Thế rồi chỉ tầm 8 đến 9 tuổi, tôi cùng các bạn đã đeo phẻn dao vào rừng kiếm củi Tết. Nhọc nhằn cùng gia đình mưu sinh, nhưng với tôi, đó luôn là những tháng ngày đáng nhớ nhất. Tờ mờ sáng, những ngọn núi vẫn còn bao phủ bởi những áng mây mù, bọn trẻ chúng tôi đã có mặt dưới chân núi để bắt đầu cho buổi lên rừng kiếm củi. Nơi chúng tôi thỏa thích lựa chọn củi khô là một khu rừng rộng lớn, đỉnh dốc bằng phẳng trải dài như yên ngựa khổng lồ. Người già bảo đây là khu rừng cây nứa chết khuy (khuy là hiện tượng loài tre, nứa ra hoa và chết sau một chu kỳ sinh trưởng bình thường) có rất nhiều nứa, cây gỗ, cành củi khô để lấy.

Đường lên đỉnh núi hoang sơ ngược dốc. Bọn trẻ chúng tôi hăm hở bước, miệng mũi tranh nhau thở phì phò, thỉnh thoảng phải dừng chân nghỉ lấy sức. Đứa nào cũng lam lũ, chân trần, áo quần phong phanh trong cái rét thấu xương nhưng mắt trong veo, nụ cười tươi rạng rỡ, khuôn mặt giọt giọt mồ hôi. Chia nhau đi hút vào các ngả rừng, khóm cây, chúng tôi lùng kiếm những loại củi khô mà mình ưng ý nhất. Hôm thì rủ nhau chọn những cây nứa ngộ khô dài vàng óng làm củi đuốc. Hôm thì cùng nhau chặt những cây củi gỗ, cành khô chắc nỏ đun đượm than. Tiếng chặt củi, tiếng cười nói làm xao động cả một khu rừng. Một lần phát hiện được tổ ong mật bám tít trên cây khô. Bọn trẻ chúng tôi đã tìm cách hạ tổ xuống đất. Những con dao đi rừng sắc lẹm xẻ tổ ong còn mật chia cho mỗi đứa một tảng. Đói và ăn nhiều quá nên bọn trẻ bị say mật ong không thể vác nổi củi xuống dốc. Chiều đông vùng cao, mặt trời nhanh chóng không đổ nắng vàng, bỏ đi như trốn, tối đến nhanh như chùm chăn. Hôm ấy, người lớn đã phải đổ vào cánh rừng đón chúng tôi về cùng với những bó củi nặng vai. 

Những bó củi khô đủ loại, chiều chiều theo bước chân tôi về nhà. Củi được xếp gọn gàng ngoài sân, dưới gầm sàn. Không đơn giản là đem củi dồn thành đống mà mẹ còn dạy tôi sắp xếp từng cây lớn nhỏ nằm len chặt vào nhau. Như vậy mới có thể trữ được thật nhiều củi đủ dùng cho gia đình trong dịp Tết. Mẹ bảo củi Tết càng nhiều trong nhà thì càng yên ấm, hạnh phúc, không có củi thì cuộc sống sẽ lạnh lẽo, cô đơn, tẻ nhạt. Đối với đồng bào vùng cao, ngọn lửa trong bếp không chỉ để đun nấu mà còn thể hiện sự chống chọi của con người với thiên nhiên khắc nghiệt. Bếp lửa được ví như trái tim của nhà sàn. Lửa là nơi nối liền tâm tư tình cảm của bao đời con cháu. Mẹ kể bếp lửa có những kỷ niệm đời người sâu đậm, bởi bếp lửa là nơi đã lưu lại tiếng khóc đầu đời của hầu hết anh em chúng tôi. Chỉ có tôi - đứa con út là mẹ xuống bệnh viện huyện sinh đẻ.

Tôi nghe bố kể lại. Sinh tôi mới được vài ngày, mẹ ra viện, ôm tôi đi bộ trong gió rét về nhà. Lúc bấy giờ chưa có phương tiện xe cộ. Quãng đường dài hơn chục cây số và cái lạnh căn cắt mùa đông khiến người tôi tím tái, hơi thở yếu ớt. Mẹ gào khóc trong hoảng loạn. May sao ven đường có ngôi nhà sàn nhỏ cùng ngọn lửa ấp áp từ ngôi nhà sàn đã cứu sống tôi. Nhắc lại chuyện xưa mà mẹ tôi vẫn nghẹn ngào nói: Con gái của mẹ sống đến ngày hôm nay chính là nhờ vào ngọn lửa nhà sàn ven đường ấy. Đấy là điều suốt đời mẹ không thể quên...

Củi lửa có mặt trong không khí ấm áp những ngày Tết của gia đình tôi. Bắt đầu từ những ngày 27 - 28 Tết trở đi, mẹ đã dùng rất nhiều củi để nấu rượu, thịt lợn, làm bánh giày, bánh tro, bánh khảo, chè lam…  Lửa sấy lạp xường, thịt khô treo gác bếp, nướng thịt. Hơi ấm của bếp lửa hòa cùng hơi ấm của chén rượu thơm nồng xua tan đi lạnh giá nơi vùng cao. Bỗng bếp lửa trở thành sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Thích nhất là đến lúc luộc bánh chưng. Bếp chất đầy những khúc củi chắc, khô ở xung quanh rồi đốt lửa. Bọn trẻ chúng tôi ngồi co ro sưởi lửa cùng người lớn canh lửa luộc bánh. Trong tiếng nước sôi lọc bọc vọng ra từ nồi bánh, mùi lá dong, gạo nếp, mùi thịt lợn ngầy ngậy ùa khắp không gian quyện trong làn khói bếp thơm loãng.

Bắt đầu từ đêm 30 Tết, mẹ tôi thực hiện tục giữ lửa ngày Tết. Mẹ bảo tục này có từ xa xưa ông bà cũng làm từ năm này sang năm khác và truyền lại cho con cái. Giữ được lửa Tết chính là giữ lại sự no ấm, sung túc, giúp người thân đã khuất có thể về nhà ăn Tết, thần linh về ban may mắn cho mọi người. Để giữ được lửa trong ngày Tết, trước đó nhiều ngày mẹ đã tìm những cây củi gộc khô thẳng, loại gỗ có tinh dầu để củi vừa bén than vừa tỏa ra mùi thơm. Lý do mẹ lấy đoạn thân cây dài là bởi đoạn thân củi đó sẽ được đốt dần từ đêm 30 Tết cho đến hết Tết, được chứng kiến khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới cũng giống như sự tiếp nối truyền thống tổ tiên trong gia đình, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong ánh lửa rực hồng, gia đình tôi ngồi quây quần bên nhau. Âm thanh của Tết cũng bắt đầu từ tiếng tí tách của thanh củi cháy đượm. Hồi hộp nhất là xem ngọn lửa của cây củi gộc năm nay cháy thế nào để đoán vận làm ăn. Củi mà cháy đều, than đượm hồng, có những tia lửa sáng xanh phun dài phát ra tiếng phì phì, hoa lửa thoát khỏi than đỏ bay lên lấp lánh thì cả nhà mừng vui lắm hứa hẹn một năm an lành, thịnh vượng sẽ đến. Tôi reo lên: “lửa cười”! “Lửa cười người no”, mẹ nhìn tôi cười âu yếm.

Nấn ná chờ mẹ đi ngủ, tôi thấy mẹ giữ lửa qua đêm bằng cách vùi tro nóng vào những khúc củi gộc để giữ cho bếp lửa không bao giờ tàn lụi. Theo quan niệm dân gian, nước và lửa tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Vì vậy, trong những ngày Tết, tránh việc đi xin nước, xin lửa và đặc biệt kiêng cho nước, cho lửa. Quan niệm và những điều kiêng kị trong không gian bếp của mỗi dân tộc dù có khác nhau, song đều chung ý niệm, bếp là nơi được coi trọng nhất trong ngôi nhà, ngọn lửa bếp là biểu trưng cho sự sống, tình yêu và sự hồi sinh bất diệt. Mẹ dạy tôi: người phụ nữ Tày phải luôn chu đáo, đảm đang, biết trách nhiệm của mình trong việc chăm lo bếp lửa cũng như chăm lo hạnh phúc gia đình. Người giữ cho căn bếp luôn ấm áp, xua tan u ám bệnh tật chính là phụ nữ. Họ tiếp lửa cho người đàn ông trụ cột trong gia đình trở nên mạnh mẽ.

Sáng sớm hôm sau bếp vẫn đượm lửa và cháy mãi trong ba ngày Tết. Ngôi nhà tôi, màu lam khói bếp bảng lảng cả ngày trên mái cọ. Tinh mơ sáng mùng một Tết mẹ lấy nước suối để nấu nước "nàng tiên" (tiếng Tày gọi là “Pay au nặm”). Nước sẽ được đun với những loại lá thơm như lá sả, lá chanh, lá bưởi... Mẹ kính cẩn dâng nước “nàng tiên” lên bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng biết ơn tưởng nhớ những người đã khuất. Nước "nàng tiên" được mọi người trong gia đình mang đi rửa mặt để đón một năm mới tinh khôi hơn. Mẹ tôi sửa soạn mâm cỗ cúng đầu năm mới, chế biến đun nấu những món ăn cổ truyền của dân tộc mình dâng lên tổ tiên và thết đãi bạn bè… Hương vị Tết, mùi vị Tết dậy lên từ góc bếp xôn xao. Với tôi, có lẽ cái mùi khói cay nồng của bếp củi trong những ngày Tết ở nơi quê nhà là mùi Tết. Lửa Tết linh thiêng là vậy nên nhà nào không may bị tắt họ buồn lắm. Vì bếp tàn sẽ đem lại cho gia đình điều đen đủi, không được yên ấm. 

Tết đến, cảm giác rất xưa chợt ùa về, mang theo những nuối tiếc của một thời bếp lửa. Tôi háo hức muốn về quê, về bên cánh rừng mà tôi cùng các bạn nhỏ gắn bó. Về bên bếp “lửa cười” nồng ấm, bên cha mẹ thân yêu. Giờ củi quê tôi cũng dần hiếm hoi. Nhiều nhà đã có bếp ga, bếp điện, nhưng kiếm củi Tết và tục giữ lửa Tết vẫn còn lưu giữ. Tôi không còn nhớ nổi đôi vai mình đã đặt lên bao nhiêu bó củi, đi bộ bao nhiêu km đường rừng nữa, nhưng lửa vẫn thầm thì kể cho tôi nghe những câu chuyện xa xưa của tổ tiên. Lửa vẫn gợi lại cho tôi biết bao kỷ niệm của đời người. Tôi tin lửa Tết vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng người dân vùng cao.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 11 giờ trước

Hoa nhằng diên

Văn xuôi 1 tuần trước

Phần mềm

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Cây me già

Văn xuôi 3 tuần trước

Hương khoai vị sắn quê nhà

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chị và những mùa khoai

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Bụi tre ngà

Xem tin nổi bật 4 tuần trước