Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
12:28 (GMT +7)

Long trọng kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

 VNTN - Sáng nay (4/4), tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (04/04/1949 - 04/04/2019) và khánh thành Bia Di tích lịch sử cấp Quốc gia nơi tổ chức Trường đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên.

Tới dự buổi lễ, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kì. Đặc biệt là sự góp mặt của nhà báo Lý Thị Chung, nguyên Tổng biên tập Báo Thủ đô, là 1 trong 3 học viên nữ, cùng thân nhân các học viên, giảng viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa; và nhà báo George Burchett - con trai của nhà báo Wilfred Graham Burchett, một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình do các hội viên Hội Nhà báo tỉnh biểu diễn

Trong diễn văn kỷ niệm, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 70 năm qua... Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sỹ. Năm 1949, chúng ta có khoảng chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay chúng ta có hơn 900 cơ quan báo chí và 50.000 người làm báo…”.

Đồng chí Thuận Hữu

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng tri ân và ôn lại sự ra đời, hoạt động của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Khai giảng ngày 4/4/1949, bế giảng ngày 6/7/1949. Khóa học 3 tháng ấy diễn ra khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, với 42 học viên và 29 giảng viên là những nhà hoạt động cách mạng đồng thời là những nhà báo nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao… Sau tốt nghiệp, từ mái trường mái nứa tranh tre, 42 học viên của Trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất... Tất cả đều trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ trụ cột của nước nhà.

Tiểu phẩm tái hiện lại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Sau bao nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cấp ngành, địa phương của tỉnh Thái Nguyên, ngày 28/3 vừa qua, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi đầu tiên đào tạo cán bộ báo chí cách mạng được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận trách nhiệm tiếp tục quản lý, nghiên cứu, và phát huy giá trị di sản - địa chỉ đỏ này.

Tại buổi lễ, Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bên trái) và đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (bên phải) nhận Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia đối với Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cắt băng khánh thành Bia di tích lịch sử cấp Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. 

Cắt băng khai mạc Triển lãm chuyên đề “70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”

Tặng hoa cựu học viên và thân nhân các học viên, giảng viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa 

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy