Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
19:29 (GMT +7)

“Lòng ta không giới tuyến…”

CHÀO MỪNG 44 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2019)

VNTN - Lịch sử thế kỷ XX ghi nhận trên thế giới có không quá mười giới tuyến quân sự, trong đó có ba giới tuyến quân sự nổi tiếng: Giới tuyến ngăn Đông và Tây Béclin, nổi tiếng về độ “cứng” của hàng rào kẽm gai và bê tông; giới tuyến ngăn Nam – Bắc Triều Tiên nổi tiếng về sự “nóng” của hai hệ ý thức và các loại vũ khí; còn giới tuyến quân sự ở Vĩ tuyến 17, chia cắt lãnh thổ Việt Nam theo Hiệp định đình chiến Giơ ne vơ tháng 7/1954, dù trên danh nghĩa là giới tuyến quân sự tạm thời nhưng lại hội đủ cả hai thứ “nổi tiếng” của hai vĩ tuyến kia và còn cộng thêm sự “nổi tiếng” của tuyến hàng rào điện tử McNamara ngay dưới Khu đệm của vĩ tuyến 17.

 

Hàng rào điện tử mang tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara được xây dựng từ giữa năm 1966 bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản nổ và hàng rào thép gai bao bọc căn cứ. Các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không  như: rađa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn... được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10 – 20 km, dài khoảng 100 km từ cảng Cửa Việt lên đường 9, tới biên giới Việt Nam – Lào, và kéo dài sang Mường Phìn (Lào), chi phí xây dựng hàng rào lên đến hai tỉ đô la Mỹ.

Đối với đồng bào sinh sống hai bên dòng sông Bến Hải thì hàng rào điện tử McNamara, tác phẩm chiến tranh của Chính phủ Mỹ, có sự giúp đỡ của chính quyền tay sai Mỹ ở Sài Gòn, mới chính là hiện thân của quyết tâm ngăn chặn sự thống nhất, chia đôi vĩnh viễn đất nước Việt Nam. Còn dòng sông Bến Hải, khu phi quân sự, hệ thống đồn Công an bờ Bắc, đồn Cảnh sát dân sự ở  bờ Nam trong tiềm thức đồng bào hai bờ sông Bến Hải nó được hiểu đúng như tinh thần lời văn Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ ký kết ngày 20/7/1954 “đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”.

Trên thực tế, để non sông quy về một mối, để dòng Bến Hải không mang nỗi đau chia cắt, để Bắc Nam sum họp một nhà, dân tộc ta đã phải trải qua 21 năm trời chiến đấu hy sinh. Trên dòng sông hiền hòa, 21 năm ròng liên tục diễn ra các cuộc đấu trí, đấu lực, đấu loa, đấu cờ, đấu súng, không ngừng nghỉ giữa ta và địch. Dù đấu tranh dưới bất cứ hình thức nào thì tất cả ý chí quyết tâm sắt đá của chúng ta cũng đều hướng về mục tiêu thống nhất.

* * *

Lịch sử thì ghi 21 năm đất nước chia cắt, nhưng trong lòng dân hai bên bờ sông Bến Hải không có khái niệm chia cắt này. Ai cũng nói “Non sông ta liền một dải, lòng ta không giới tuyến”

Chị Lê Thị Mai, từng công tác ở Phòng Lao động thương binh Xã hội huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị kể: “Mạ em sau năm 1954 không tập kết mà ở lại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh. Sau khi đơn phương khóa tuyến năm 1956, Mỹ Diệm khủng bố đẫm máu lực lượng đối lập và những người kháng chiến chống Pháp còn ở lại miền Nam, chúng cưỡng bức bắt người ở lại ly khai các mối quan hệ với người thân tập kết ra Bắc. Trong một cuộc vây ráp khốc liệt của kẻ thù, mạ em lúc đó mới 19 tuổi, có người yêu tập kết ra Bắc năm 1954, đã mạo hiểm thoát vòng bố ráp của lính Diệm. Mạ chạy bộ gần mười cây số từ Gio Mỹ ra bờ sông Bến Hải. Không có đò ngang, với tình yêu và sức trẻ, mạ bơi qua sông. Mạ gặp lại ba, làm đám cưới và sinh ra chúng em, nuôi chúng em khôn lớn ở bờ Bắc sông Bến Hải. Gia đình em đoàn tụ sau hai năm đất nước chia cắt nhưng có nhiều gia đình thì mãi 21 năm đằng đẵng, có gia đình đến nay chưa thể đoàn tụ.”…

Ông Nguyễn Văn Cường, láng giềng của tôi thì kể: “Ông tham gia du kích ở thôn Cam Phổ xã Trung Giang, huyện Gio Linh từ ngày Gio Linh đồng khởi mùa hè năm 1964. Sau trận càn lớn của 11 tiểu đoàn quân Mỹ - ngụy xuân hè năm 1966, toàn bộ hệ thống đồn bốt cảnh sát ngụy quyền dọc bờ Nam sông Bến Hải bị ta bức rút, lực lượng cảnh sát dân sự của chính quyền Sài Gòn mà thực chất là đội ngũ tình báo, rút chạy. Quận Trung Lương do Mỹ - Diệm lập ra đã được giải phóng, quận đầu tiên ở miền Nam không còn thực thể trong hệ thống quản lý hành chính của chúng nên chúng buộc phải ra Nghị định giải thể vào cuối năm 1967. Để đi đến ngày đất nước thống nhất thì quân dân ta phải chiến đấu thêm tám năm nữa, nhưng trong tôi, từ năm 1966, việc đi lại qua sông Bến Hải giữa hai miền đã hoàn toàn tự do, các hoạt động kiểm soát giới tuyến chỉ còn là hình thức.”..

Chị Hoàng Thị Hiên, hiện ở thôn Cát Sơn xã Trung Giang huyện Gio Linh thì nói: “Ba tôi hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mạ tôi còn trẻ nên đi bước nữa, theo chồng về Cát Sơn ở bờ Nam. Hai chị em tôi ở lại với cô ruột tại thôn Cổ Trai, Vĩnh Giang, bờ Bắc sông Bến Hải. Tháng 8 năm 1956, khi tui sang bờ Nam thăm mạ tui bên Cát Sơn, chính quyền Ngô Đình Diệm đột ngột đơn phương tuyên bố khóa tuyến, ra lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tui kẹt bên bờ Nam không ra Bắc với em tui được. Em gái tui ở lại với cô ruột, mười năm sau cô tui dựng vợ gả chồng cho nó, mạ tui và tui không biết. Ngày 18/5/1967, Mỹ - ngụy tập trung 15 ngàn quân mở trận càn lớn nhất ở phía Nam khu phi quân sự rất khốc liệt. Mẹ con tui và các em bị chúng xúc vô khu tập trung Quán Ngang rồi lên khu tập trung Tân Tường, Cam Lộ, những năm sau phiêu bạt vô tận Bà Rịa - Vũng Tàu... Mãi đến khi ta mở chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975, mạ con, chị em mới trở về gặp lại nhau”. Tính ra hai mươi mốt năm ròng…

Anh Nguyễn Thanh Huần, đồng đội của tôi, người xã Hướng Đạo huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, một thời “ăn cơm ở bờ Bắc, đánh giặc ở bờ Nam” thường cười hờ hờ: “Tao đóng quân ở Vĩnh Linh hay vào Gio Linh, ở đâu dân “bên ven bờ Hiền Lương” cũng quý bộ đội như nhau”…

* * *

Trong lần hội thảo cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang Gio Linh cách đây mấy năm, cụ Phan Chung, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị có đưa ra một nhận xét hết sức thú vị: “Lực lượng vũ trang và nhân dân Gio Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có một thuận lợi vô cùng quan trọng mà không một địa phương cấp huyện nào trên toàn miền Nam có được, đó là dân và quân Gio Linh được tiếp xúc trực tiếp, nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc ruột thịt, những thời điểm khó khăn ác liệt quân dân Gio Linh rút ra Khu vực Vĩnh Linh thuộc miền Bắc xã hội chủ nghĩa để xây dựng, củng cố, bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên quân và dân Gio Linh, ngoài phải đối đầu trực tiếp với sức mạnh vượt trội, hùng hậu của cả ba binh chủng hải, lục, không quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn như các chiến trường khác, còn phải chiến đấu với loại hình chiến tranh điện tử hiện đại bậc nhất thời đó mà Mỹ áp dụng lần đầu tiên và duy nhất được triển khai tại trên mảnh đất Gio Linh. Đến thời điểm đó chưa nước nào trên thế giới có kinh nghiệm đối đầu với chiến tranh điện tử của Mỹ”.

Xóa bỏ ách kềm kẹp của địch, quét sạch hàng rào điện tử McNamara trên mảnh đất Gio Linh, làm liền vết thương chia cắt đất nước, thực hiện thống nhất non sông là mục tiêu kháng chiến 21 năm ròng của quân và dân Gio Linh.

Bên kia Gio Linh, cách một dòng Bến Hải về phía Bắc là Vĩnh Linh, dù có mang tên gọi là Khu vực hay Đặc khu thì trong tiềm thức bà con Gio Linh,Vĩnh Linh là huyện anh em ruột thịt trong tỉnh Quảng Trị yêu thương, là hậu phương trực tiếp, là chỗ dựa tin yêu của bà con Gio Linh trong những năm tháng còn tạm thời chia cắt..

Trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đặc khu Vĩnh Linh, ông Lê Hữu Phúc, UVTW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ghi nhận: “Từ năm 1954, “Vĩnh Linh trở thành tuyến đầu của miền Bắc XHCN, nơi đọ sức quyết liệt của dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh phải gánh vác trách nhiệm to lớn là bảo vệ miền Bắc, làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh của địch, giữ vững hành lang tiếp viện giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, hỗ trợ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đi đến ngày toàn thắng. Đặc biệt, nơi đầu cầu giới tuyến, lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay kiêu hãnh, trở thành "ngọn hải đăng" luôn sáng tỏ để nhân dân bờ Nam hướng về, xây đắp niềm tin đến ngày thống nhất, bền gan tranh đấu cho Bắc - Nam sum họp một nhà”.

Hai mươi mốt năm chiến đấu chống Mỹ, tuy nhiệm vụ khác nhau nhưng Vĩnh Linh - Gio Linh hai địa phương ở hai bờ Nam Bắc giới tuyến đã làm hết sức mình góp phần cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng.

* * *

Bốn mươi bốn năm đất nước thống nhất, non sông quy về một mối. Bốn mươi bốn năm sông Bến Hải thôi không còn mang trên thân mình nỗi đau chia cắt mà nước dòng sông trở nên trong xanh mang màu ngọc bích như nguyên thủy đã tạo dòng. Đồng lúa Trung Hải - Trung Sơn huyện Gio Linh điệp màu xanh với cánh đồng Vĩnh Sơn - Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh trải bát ngát ven sông Bến Hải hiền Hòa. Ngang qua dòng sông một thời cắt chia bây giờ có thêm cây cầu vĩnh cửu thứ tư (không kể cầu đường sắt, cầu treo Bến Tắt và cầu Hiền Lương phục dựng) nối hai bờ Nam - Bắc cho dòng người xuôi ngược hân hoan bước qua dòng sông lịch sử từng mang dấu ấn bi hùng của một thời đất nước chia đôi.

Chiếc cầu Hiền Lương 7 nhịp, dài 178 m mà một thời hai miền Nam – Bắc chỉ được quyền đi lại ở phần cầu 89 mét được phân chia, mà cũng chỉ có những người lính của hai bên mới được bước lên, thì bốn mươi bốn  năm nay đã trở thành di tích biểu tượng cho ý chí đấu tranh thống nhất của dân tộc. Nó khẳng định một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Tống Phước Trị

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy