Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
06:50 (GMT +7)

Lợn trong tranh Tết

VNTN - Ngôi nhà người Việt xưa mỗi khi đón Tết thường được trang hoàng bằng tranh Tết. Hai câu thơ rất mộc mạc của thi sĩ Hoàng Cầm đã nói lên mạch nguồn đầy ấn tượng của tranh Tết: “…Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...”

Người nông dân Việt Nam bao đời chân lấm tay bùn, bạn cùng cây lúa, củ khoai, lợn, gà, ước mơ có một cuộc sống bình yên, ấm no. Con lợn trong tâm thức người Việt luôn tượng trưng cho sự sung túc, no ấm và an nhàn. Người xưa có câu: “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, dân gian coi đó là con vật mang lại may mắn, hoặc là biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục và sự nhàn nhã sung túc. Với quan niệm như vậy, không chỉ tranh Đông Hồ và Kim Hoàng mới có hình ảnh con lợn trong tranh Tết, mà con lợn còn xuất hiện trong cả điêu khắc đình làng Việt Nam.

Con lợn trong đời sống

Lợn là con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người Á châu mà còn cả Âu châu. Đối với người Việt Nam và Trung Hoa, con lợn gần gũi đến mức đã được nhân cách hóa qua nhân vật hư cấu nửa người nửa lợn như Trư Bát Giới (Trư Ngộ Năng) - là đồ đệ thứ hai phò tá Đường Tam Tạng đi Tây Thiên thỉnh kinh trong tiểu thuyết Tây du ký. Đối với người theo đạo Ấn Độ giáo, thần Visnu (vị thần bảo hộ) có hình dạng con heo, chuyên hành hiệp cứu độ chúng sinh. Đối với các dân tộc sống tại các đảo ngoài lục địa Đông Nam Á, ngoài “chức năng” cung cấp thực phẩm, lợn còn là biểu tượng của sự giàu có, là quà cưới, có khi còn là đơn vị hàng hóa quan trọng trong thương trường. Nhiều nơi người ta còn dùng hình ảnh con lợn đất như là một biểu tượng về tài chính.

Tranh lợn Kim Hoàng

Ngoài ra, thủ lợn trong lễ nghi của người Việt là một sính vật quan trọng. Song theo quan niệm dân gian, trong ngữ cảnh nào đó con lợn lại bị áp đặt hình tượng tiêu cực: lười, ngu ngốc…

Một số nước khác trên thế giới cũng nhìn nhận con lợn ở góc độ khác nhau cả trong đời sống cũng như trong nghệ thuật. Thời Hy Lạp cổ đại, lợn là con vật để hiến tế cho nữ thần Demeter (Thần sinh sản - một trong mười hai vị thần trên đỉnh Olympus) và nó là con vật yêu thích của nữ thần này. Phần mở đầu của các lễ hiến tế Eleusis được bắt đầu bằng việc hiến tế con lợn. Sự chuyển hóa ma thuật biến con người thành lợn được dùng làm cốt truyện trong nhiều câu chuyện, chẳng hạn trong thiên sử thi Odyssey của Homer, đoàn thủy thủ của con tàu anh hùng bị nữ thần Circe (nữ thần phép thuật hoặc phù thủy, bùa mê) biến thành lợn. Lợn đôi khi được dùng để ví với người - Winston Churchill (chính trị gia người Anh) nói rằng: "Con chó ngước lên nhìn chúng ta. Con mèo nhìn xuống chúng ta, còn con lợn thì coi chúng ta là ngang hàng". Hay ở Đức, tham dự vào buổi tiệc có thịt lợn vào đêm Noel có ý nghĩa ngăn ngừa quỷ thần và đem lại thịnh vượng, tiền tài cho năm mới...

Ghi dấu trong tranh Tết

Tranh dân gian Việt Nam có lịch sử rất lâu đời. Về cơ bản có hai loại tranh chính là tranh Tết và tranh Thờ. Con lợn xuất hiện rất sớm là bởi vì nó với hai loại tranh Tết và tranh Thờ xuất hiện gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên. Mặc dù có nhiều dòng tranh khác nhau nhưng nhìn chung tranh dân gian Việt Nam đều có hình thức tạo hình đặc trưng giống nhau: dựng hình theo kiểu lấy các nét khoanh bao lại toàn mảng hình. Cấu trúc không gian thấu thị tẩu mã (là lối cấu trúc không gian như nhìn từ trên mình ngựa đang chạy). Cách tạo các mảng màu phẳng nhằm làm cho bức tranh thật dễ nhìn.

Người Việt ta xưa cứ nói đến trang trí ngày Tết thì nghĩ ngay đến việc mua tranh Tết về treo, cụ thể và đích danh là tranh "Gà - Lợn". Hình tượng con lợn trong tranh dân gian Việt Nam mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Tiêu biểu như Tranh lợn nái (Lợn đàn), Lợn ăn cây ráy (tranh Đông Hồ - Bắc Ninh) hay Tranh lợn (tranh Kim Hoàng - Hà Nội), là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực. Theo quan niệm văn hóa cổ truyền con lợn thuộc dòng Âm ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian. Vì vậy tranh Lợn mang nhiều ý nghĩa chúc tụng - năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc.

Tranh lợn nái (Đông Hồ), có cấu trúc không gian thấu thị tẩu mã, lối vẽ đơn tuyến bình đồ (nét đơn trên mảng màu; loại bỏ hẳn bóng khối để tập trung vào nét; mỗi mảng màu đậm hay nhạt đều có nét viền). Hình ảnh lợn mẹ to ở giữa bức tranh và năm chú lợn con còn thể hiện yếu tố ngũ hành, được sắp xếp phía dưới (quan niệm xưa phía trên tranh là đằng trước, dưới tranh là đằng sau), mỗi con một dáng vẻ: chú thì muốn trèo lên lưng, chú lại muốn rúc vào bụng mẹ, các chú khác đang hướng vào mầm lá khoai để ăn. Hình tượng lợn được tạo dáng đứng nghiêng để nhìn thấy toàn thân; mặt lợn to, tai lớn, mắt có vành mi; mõm lợn nghiêng, nhưng mũi lại gần như quay ra hướng chính diện, tạo dáng ngồ ngộ và động. Cả đàn lợn con nào cũng đều có ba ngấn mõm, hai ngấn mép. Đặc biệt nét khắc tài tình ở khóe mép khiến người xem cảm thấy dường như chú lợn nào cũng như đang tủm tỉm cười. Lợn mẹ như đang ăn ngấu nghiến thức ăn để có thêm phần sữa cho con. Bàn chân lợn có ba móng, trông rất vững chân đế. Lưng lợn với độ cong hơi võng, được thể hiện bằng một hoặc hai nét to bản in màu sẫm hơn, đây là biểu hiện dải lông mọc ngược (như bờm, chỉ có ở một số giống lợn) với ý niệm lợn nái giống tốt. Đôi tai “lá mít” như đang ve vẩy kế bên con mắt có viền mi rất “hiền dịu”. Khác với Lợn ăn cây ráy, đuôi Lợn nái để thẳng xuôi xuống, nhưng có điểm chung là lông đuôi con nào cũng đều được cách điệu như một chiếc quạt hình lá đề, và đều quay chính diện.

Duy nhất ở tranh Đông Hồ thân mình lợn đều có hai xoáy tròn trên thân, có tài liệu cho rằng đây là khoáy lông. Nếu xem kinh nghiệm của người xưa khi xem tướng - chọn giống các vật nuôi một số giống họ rất để ý đến khoáy lông như: “Chữ tốt xem tay, ngựa hay xem khoáy, hay có câu: “Mua trâu xem khoáy/ Khoáy đầu, khoáy sỏ, khoáy tai/ Tam tinh chàng ách làm giai chúa nhà/ Tam tinh khoáy sọ thì chừa/ Đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi...”. Có tài liệu cho rằng xoáy tròn trên mình lợn là hình Âm - Dương (là hai khái niệm để chỉ hai thực thể đối lập ban đầu tạo nên toàn bộ vũ trụ). Hai xoáy âm dương này nằm phía trên ngang mình lợn, vị trí (gần vai và mông) giúp hài hòa, cân bằng của đường nét. Lại mang ý nghĩa của thuyết âm dương hòa hợp để có thể phát triển.

Khi nói về bố cục tranh dân gian, Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ (hai nhà Lý luận phê bình Mỹ thuật) cũng có quan điểm: “Tất cả bức tranh lợn là một sáng tác rất thực. Hai hình tròn trên mình con lợn, nghệ nhân có dụng ý tả hai cái "khoáy lông". Nét vẽ theo chiều lông đóng thành "khoáy" được biến pháp cho thành một hình thể có tính chất trang trí, đồng thời làm vui con mắt người xem bằng những mảng màu vàng, xanh hay đỏ, nổi trên nền tím của thân con lợn nái mẹ và các con lợn con... Bức Lợn nái là sự phát triển của Lợn ăn cây ráy (Lợn độc), các hình bầu dục lớn và nhỏ của cả đàn một mẹ năm con, được xếp dày đặc, chen chúc, đông rộn…, trên mình lợn lại có các họa tiết hình tròn âm dương, lưỡi liềm làm tăng mức chuyển động và tính trang trí, tạo một nhịp điệu tưng bừng, gây ấn tượng về sự sinh sôi phồn thực...”.

Tranh Lợn ăn cây ráy với hình con lợn phàm ăn đang ngoạm cây khoai ráy, toàn bộ là hình chữ nhật nằm, sửa nắn các góc cạnh thành hình bầu dục, nở căng, chạm vai và mông vào khung hình, khiến người xem cảm thấy con lợn béo khỏe, thỏa mãn với niềm mong mỏi nuôi được lứa lợn “béo chật chuồng”.

Nếu như tranh lợn Đông Hồ được ca ngợi bởi nhịp điệu của hình, các đường lượn của nét chắc khỏe, chắt lọc của con vật trong thế vững chãi, thì con lợn trong tranh Kim Hoàng khác hẳn. Cách tạo hình phóng khoáng và được cách điệu nhiều hơn; cái mũi với hai lỗ mũi được tạo hình như họa tiết mây trong vốn cổ. Cái tai chỉ là một họa tiết hình xoắn ốc khác hẳn với các chi tiết ở tranh lợn Đông Hồ. Trên mình lợn không thấy xoáy âm dương, điểm xuyết đôi ba nét vẽ dọc thân để làm nhịp của hình thêm vui mắt. Tranh lợn của Kim Hoàng được in và vẽ trên nền giấy hồng điều nên còn gọi là tranh đỏ, còn tranh Đông Hồ xưa in trên giấy quét điệp nên gọi là tranh trắng. Nhờ kỹ thuật in nét và dập màu, vì thế nên tranh Kim Hoàng có độ màu dày như tranh Đông Hồ nhưng lại chuyển sắc độ như tranh Hàng Trống (tranh Hàng Trống in nét trước và tô màu phẩm bằng bút lông).

Với điêu khắc dân gian ở Việt Nam, tuy lợn không được xuất hiện nhiều như tranh, song căn cứ vào phong cách tạo hình các nhà nghiên cứu Mỹ thuật đã tìm được một số hình ảnh chạm nổi trên gỗ ở vị trí cốn (dầm đặt nghiêng đỡ vì kèo) của đình Phất Lộc (Thái Bình) và chùa Cự Trữ (Nam Định) ở thế kỷ XVII. Đó là hình tượng một người đàn bà đang ngồi vừa cho con bú, vừa cho lợn ăn; em bé đang rất “tranh thủ” chân đứng dưới đất, đầu luồn qua nách mẹ để bú. Ngược lại, chú lợn rất thong dong, nghếch mõm, đủng đỉnh bước tới. Các nghệ nhân khéo nắm bắt được nét khái quát nên tạo dáng lợn tuy đơn giản nhưng rõ rệt đặc điểm: mõm, tai, lưng võng, bụng phệ, chân ngắn...

Lợn đàn (Đông Hồ)

Bàn về con lợn hay tranh lợn còn nhiều điều chưa nói hết, xin mượn lời của cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thay cho lời kết: “Trên mảnh giấy đỏ rực rỡ vừa bằng bàn tay, con lợn mẹ trắng xóa như vôi quét, mắt lim dim lờ đờ, mõm tũm tĩm như mới nghĩ được điều gì lý thú. Năm con con, con xanh, con đỏ, con trắng, con tím lúc nhúc cả dưới chân. Nội dung các tranh Tết “lợn mẹ lợn con” đậm đà dễ ưa hơn cả vì rõ ràng, ngộ nghĩnh, khờ dại lại là những vẻ đẹp mà hiện thời biết bao nhà mỹ thuật đang tìm kiếm ở phương Tây…”.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy