Lời ru buồn nơi xóm vắng
Từ gian buồng xập xệ, lời ru ngọng nghịu đứt quãng vẳng vào không gian nghe thật não nề. Đứa bé sau một hồi quấy khóc cũng thiu thiu ngủ. Mái tóc rối bời, chị Dự líu tíu mời chúng tôi vào nhà. Tìm mãi, chị lôi ra hai khúc gỗ nhỏ bảo chúng tôi ngồi tạm. Góc nhà là bếp củi lạnh tanh kê một chiếc nồi gang nấu cơm và siêu nước đứt quai. Một góc nữa là chồng gạch cao chừng 1m đặt bát hương thờ cúng gia tiên. Gian nhà ngoài, không có bóng điện, chỉ có một bóng mắc vắt vẻo trong gian buồng chật chội. Chúng tôi ra ngồi ngoài hiên trò chuyện cùng chị. Gương mặt khắc khổ, thân hình gầy gò ốm yếu, chị phều phào kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy gian truân vất vả của mình.
Sinh năm 1973, cũng như 5 anh chị em khác trong gia đình, chị Dự không được đi học, không biết chữ. Tuổi xuân chị qua đi trong những nhọc nhằn, ai thuê gì làm nấy, khao khát có một mái ấm gia đình nhưng không có người đàn ông nào dám gắn bó với chị. Có chăng, họ chỉ thương hại, đi ngang qua cuộc đời chị rồi lại lặng lẽ bỏ đi. Năm 2002, chị sinh cháu Dương Thị Khánh. Vượt qua mặc cảm và sự đàm tiếu của họ hàng, làng xóm, chị ngậm ngùi dựng căn lều nhỏ ra sát bờ sông Cầu, ngày ngày đi làm thuê rau cháo nuôi con. Năm 2006, cảm thương hoàn cảnh của chị, Hội Chữ thập đỏ xã Thượng Đình đã ủng hộ chị 2 triệu đồng. Cùng với số tiền tằn tiện được, chị nhờ người dựng ngôi nhà cấp bốn 3 gian rộng 50m2 này. Đến nay, ngôi nhà đã xập xệ, tấm lợp nhiều chỗ bị bật tung, đứng trong nhà có thể nhìn thấy trời xanh. Những ngày mưa bão, chị lại chật vật với nước dột. Nước mưa đọng trong nhà thành từng vũng. Tường, nền nhà bong chóc lỗ chỗ, tạo thành hủng sâu.
Cuộc sống vốn đã chật vật, năm 2010, chị sinh cháu thứ hai nên càng khó khăn hơn. Lúc này sức khỏe yếu, gia cảnh lại khốn khó, chị ngậm ngùi đem đứa bé chưa kịp đặt tên khi nó vừa tròn 10 ngày tuổi cho một người quen trong xã. Chị tâm sự: Bây giờ cháu nó đã sắp vào lớp 1 rồi. Nhìn cháu được chăm sóc chu đáo trong gia đình có điều kiện tôi cũng cảm thấy đỡ tủi. Nhiều lần tôi đến trường mầm non ngó vào thăm cháu cho đỡ nhớ mà không cầm được nước mắt. Mắt cháu tròn xoe nhìn tôi không biết là ai. Tôi cũng không dám xưng mẹ với cháu vì đã cam kết với gia đình nhà kia rồi.
Năm 2012, theo lời mối lái chị xây dựng gia đình với anh Dương Đình Hảo, sinh năm 1979, quê ở huyện Tân Yên, Bắc Giang. Anh Hảo mất trí nhớ do bị tai nạn giao thông và không nói được. Chị đi làm dâu, mang theo con gái về nhà chồng nhưng không được nhà chồng đồng ý. Chị gửi đứa con 10 tuổi nhờ bà ngoại trông giúp. Được hơn một năm, nhớ và thương con gái không chịu nổi, nên chị khăn gói trở về quê. Lúc này, chị đang mang thai cháu thứ 3. Cháu Dương Thị Lệ Quyên ra đời, cuộc sống của chị Dự ngày càng vất vả chật vật vì cháu Quyên thường xuyên ốm đau. Năm 2015, cháu Quyên được hơn 1 tuổi, có gia đình hiếm muộn đến xin làm con. Mong muốn con sẽ có cuộc sống sung sướng hơn trong gia đình mới, chị nuốt nước mắt vào trong, cho đi đứa con gái bé bỏng mới 1 tuổi, họ đưa cho chị 6 triệu đồng. Nước mắt ngấn lệ, chị kể: không giống như đứa trước cho đi từ khi 10 ngày tuổi, khi cho cháu Quyên đi, tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng, trằn trọc nhiều đêm không thể ngủ được vì nhớ con. Được 13 ngày, tôi đi bộ gần 10 cây sang nhà người ta nói chuyện, trả lại tiền và xin lại con. Nhưng nhà người ta đòi phải đưa thêm 6 triệu đồng nữa mới trả con. Tôi lại tất tưởi trở về gọi người đến bán hết cây cối trong vườn được 4 triệu. Tôi vay lãi được 2 triệu của một người trong xóm, đến nay chưa trả được, mang sang đưa cho họ để đón con về.
Tài sản lớn nhất của chị Dự bây giờ chính là hai đứa con gái. Cháu Dương Thị Khánh hiện là học sinh lớp 9 trường THCS Thượng Đình. Dù nghèo khó nhưng cháu biết nghĩ nên luôn phấn đấu là học sinh tiên tiến và giỏi của trường. Ngoài giờ học, Khánh biết giúp mẹ đan hom, đan rọ, một nghề truyền thống của xóm. Cháu Quyên 2 tuổi, đang lớn lên từng ngày. Để có tiền cho hai con ăn học, chị miệt mài đan rọ tôm, mỗi tháng chỉ được 400 nghìn đồng. Nhà có 10 thước ruộng thì chị Dự và người chị gái ruột luân phiên nhau mỗi người cấy một vụ. Chị thường xuyên phải đi vay gạo bà con chòm xóm. Sống ven sông, đất pha cát lại cây cối um tùm nên rất khó để trồng rau màu. Tháng giáp hạt, chị phải đi ăn đong thường xuyên. Bữa ăn thất thường nên chị cũng như hai đứa con gái trông rất gầy gò ốm yếu.
Bà Phạm Thị Phẩm, hàng xóm chị cho biết: Khổ như chị Dậu nhưng vẫn còn có chồng có con bên cạnh. Còn chị Dự thì chồng không lành lặn, con thì phải bán bớt đi vì khó khăn. Bà con chòm xóm cũng thường qua giúp đỡ, khi thì bơ gạo khi thì dăm ba nghìn đỡ đần thêm thắt bữa ăn. Nhiều lúc nhìn gia đình chị muối ăn chả có, chúng tôi cũng thương, lại mang chai tương, túi muối sang cho. Các hộ sống ven sông Cầu này đều khó khăn cả nên chỉ giúp chị ấy được phần nào, cũng mong chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp đỡ mẹ con chị Dự vượt qua khó khăn.
Ông Dương Đình Hà, trưởng xóm Hòa Thịnh xã Thượng Đình cho biết: Hòa Thịnh là xóm nghèo, người dân sống bám dọc sông Cầu, cuộc sống người dân còn nhiều vất vả. Trong đó, chị Dự có hoàn cảnh khó khăn nhất. Xóm cũng vận động bà con quyên góp ủng hộ chị nhân dịp lễ tết. Tuy nhiên, cuộc sống của ba mẹ con chị Dự vẫn gặp rất nhiều khó khăn rất cần sự chung tay giúp đỡ của công đồng.
Chúng tôi rời nhà chị Dự khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Đứa trẻ trong buồng ngủ dậy khóc gọi mẹ. Chị vội vào dỗ con. Tiếng ru ngọng nghịu, vụng về lại vang lên trong căn buồng nhỏ. Tiếng ru nghe day dứt, não nề phả vào không gian, vận vào cuộc đời chị trong suốt những năm qua. Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…
Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về địa chỉ: Chị Dương Thị Dự, xóm Hòa Thịnh, xã Thượng Đình huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Hoặc: Tòa soạn Báo Văn nghệ Thái Nguyên, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, điện thoại: 0280.3656514 DĐ: 0912 328 415. |
Dương Văn Mưu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...