Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:19 (GMT +7)

Lời mẹ nói – ngàn cơn gió mát

VNTN - Sau khi có chế độ thương binh liệt sỹ cho Thanh niên xung phong cả nước. Từ tháng 6 năm 1997, ông Nghiêm Xuân Đạo, nguyên Đội trưởng Đội 91 Thanh niên xung phong Bắc Thái dẫn đầu đoàn cựu thanh niên xung phong 91- gồm đại diện các đại đội do ông Đạo trực tiếp lãnh đạo những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, rước bằng Tổ quốc ghi công tới tất cả các gia đình có con em là liệt sỹ của đơn vị mình.

Thế mà đã 22 năm sau ngày hòa bình rồi đấy. Nhanh quá!

Tôi cũng vinh dự được đi cùng đoàn gồm 30 người, đi bằng ô tô.

Tất nhiên, không khí chung khi đến các gia đình là buồn.

Không buồn sao được? Khi họ nhìn thấy chúng tôi đây, cùng trang lứa với con em họ, cùng một đợt ra đi, cùng đem tuổi thanh xuân mười tám đôi mươi của mình xung phong cống hiến cho đất nước, mong cho Tổ quốc sớm sạch bóng quân thù, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vậy mà hôm nay, nhìn các cựu thanh niên xung phong là chúng tôi đây đang được sống trong hòa bình, khỏe mạnh, yên vui, còn con em họ đã không còn nữa, đã mãi mãi không còn nữa!!!

Lễ truy điệu liệt sỹ Hoàng Thị Cát.

Đến gia đình liệt sỹ nào chúng tôi cũng phải chứng kiến cảnh buồn thương và nhìn những giọt nước mắt đau đớn, xót xa, tiếc nuối. Có người vẫn còn ngất đi khi nhắc lại kỉ niệm buồn đau này.

Có gia đình khi chúng tôi đến, họ ào ra ôm lấy chúng tôi như ôm những người con em của họ đã bỗng dưng trở về. Cảm động lắm!

Tôi tiếc vô cùng. Ngày xưa, ở đơn vị, tôi làm văn thư, y tá trên Ban chỉ huy Đội nên ít được đi cơ sở. Một lần, tôi có dịp xuống công tác ở Đại đội 914, lúc ấy đơn vị đóng quân ở một sườn núi đá thuộc huyện Võ Nhai. Đường xa nên tôi phải ngủ lại đơn vị một đêm. Tôi ngủ cùng tiểu đội của chị Nguyễn Thị Đang quê xã Thanh Ninh huyện Phú Bình. Tôi không đem theo chăn màn. Trời tháng chạp rét thấu xương lại có hơi núi đá, tôi nằm cạnh chị trên sạp nứa cùng cả tiểu đội, tiêu chuẩn mỗi người được phát 2 chiếc chăn đơn. Chị cứ bắt tôi phải nằm vào trong cho đỡ rét để chị nằm ngoài, “giằng co” mãi rồi tôi cũng “phải” nằm trong như phân công của chị.

Hôm sau chia tay, chị Đang tặng tôi tấm ảnh. Chị khoe, đó là tấm ảnh đầu tiên trong đời chị. Được ít tháng sau, thì chị hy sinh trong một vụ đổ xe ô tô của đơn vị!

Hôm rước bằng Tổ quốc ghi công về nhà chị, thấy không có ảnh thờ. Gia đình bảo chị không có tấm ảnh nào. Trở về nhà, tôi lục lại số ảnh tôi có thì buồn ơi là buồn, tấm ảnh chị Đang tặng tôi, do thời gian, tự nó mờ hết, gần như trắng xóa, không thể sử dụng được nữa. Cảm giác mất mát vô cùng lớn, xâm chiếm tâm trí tôi. Tôi ân hận, tự trách cái tính đoảng của mình và nghĩ: Nếu gia đình không tìm thấy tấm ảnh nào của chị nữa, thì có lẽ tấm ảnh chị tặng tôi cũng là tấm ảnh duy nhất mà chị có.

Đường vào nhà liệt sỹ Hoàng Thị Cát.

Trong chuyến đi ấy, hình ảnh hai ngôi mộ của hai liệt sỹ Lương Thị Hồng Chiến và Trần Văn Tân đã gây cho tôi và mọi người trong đoàn sự xúc động mạnh. Lương Thị Hồng Chiến là Đại đội phó Đại đội 913, khi còn sống không ai trong đơn vị là không quý chị. Chị giản dị tươi vui, yêu quý mọi người như ruột thịt. Phần mộ chị được gia đình đem về thửa ruộng gần nhà chứ không đem ra nghĩa trang. Xung quanh lúa màu đã thu hoạch hết, chị nằm đơn côi ở một khu đồng của xã Lương Sơn huyện Phổ Yên (cũ). Ngôi mộ liệt sỹ Trần Văn Tân, chiến sỹ Đại đội 913 gia đình cũng không đem ra nghĩa trang mà đặt anh nằm trên vạt đồi cách nhà vài trăm mét, xung quanh là những cây bạch đàn đang lớn, gió hắt hiu thổi quanh ngôi mộ lẻ loi… Trong tôi cứ ngổn ngang một suy nghĩ: Không biết dưới suối vàng, chị Chiến, anh Tân có nhớ những ngày ở đơn vị, tuy công việc của người chiến sỹ TNXP đầy gian khổ và bất trắc nhưng luôn đông vui tràn ngập tiếng cười đùa không nhỉ? Và trong đáy lòng, tôi muốn nói: “Đừng buồn anh Tân, chị Chiến nhé, chúng tôi vẫn luôn nhớ các anh chị!”. Không khí nặng nề đeo bám chúng tôi suốt những ngày đến từng gia đình liệt sỹ TNXP.

Đoàn chúng tôi lại ngược phía Bắc, lên huyện Ba Bể - Bắc Cạn, đến các gia đình liệt sỹ: Hà Thị Non, Lý Nguyên Thanh, Hoàng Quang Vọng (xã Đồng Phúc), Vi Văn Hòa (thị trấn), Phùng Thị Tấm, Nông Thị Tốt (xã Nam Mẫu) và nhà liệt sỹ TNXP Hoàng Thị Cát, ở xã Thượng Giáo. Các anh chị cùng là chiến sỹ thuộc Đại đội 915. Chúng tôi lên đến cơ quan huyện thì trời cũng sắp tối nên quyết định nghỉ đêm tại đây để buổi mai mới đến nhà chị Cát được.

Cơ quan huyện Ba Bể thời gian này mới tách từ huyện Chợ Rã, đang trong thời kỳ thi công xây dựng, nên hạ tầng rất bừa bộn ngổn ngang, điện nước chưa hoàn chỉnh. Trời tháng 6 nắng nóng như lên cơn sốt, dù rất mến khách nhưng cán bộ huyện vẫn phải sắp xếp cho chúng tôi nghỉ tạm ở những ngôi nhà cấp 4 chưa mắc kịp điện. Phải khó khăn lắm, các anh chị mới lùng mua được một số quạt nan và quạt giấy để phát cho chúng tôi chống chọi với cái ngột ngạt của mùa hè.

Cả đêm chẳng ai ngủ được.

Khoảng hơn 10 giờ trưa ngày 6 tháng 6 năm 1997 chúng tôi đến nhà liệt sỹ Hoàng Thị Cát cũng thật vất vả. Để ô tô ngoài đường, phải đi bộ chừng 2km nữa mới tới nhà chị. Dưới cái nắng hè chang chang và oi ả, có vài người đem theo ô, còn hầu hết chúng tôi bẻ những cây sim cây mua bên đường để che nắng. Thời kỳ này ở đây có thể nói là vẫn rất hoang vu, nhà dân ở lưa thưa, điện thì nhà có, nhà chưa có, đường vào từng nhà vẫn là những lối mòn đi mãi mà thành, chẳng nhà ai có xe máy nên không cần đường to rộng lắm, biết chúng tôi sẽ đến nên một đoạn đường ngắn, lối vào nhà chị được san đất rộng hơn ra một chút.

Thủ trưởng Nghiêm Xuân Đạo dừng lại nhắc nhở:

- Mệt mỏi nhưng không ai được kêu ca gì đâu đấy nhé. Nghiêm túc và cũng đừng khóc lóc để gia đình buồn thêm. Bà mẹ cô ấy già lắm rồi đấy, đừng để bà đau lòng thêm nhé, các cậu.

Ngôi nhà của liệt sỹ Hoàng Thị Cát đây rồi. Ngôi nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn núi, có nhiều người thấp thoáng ra vào. Một số cựu thanh niên xung phong trong đoàn, cùng Đại đội 915 với Cát đã bắt đầu sụt sịt.

Nắng nóng và không khí buồn thương càng làm cho không gian như hẹp lại, bức bối.

Trong tôi đã mường tượng ra cảnh gia đình ùa ra khóc lóc và biết đâu bà mẹ lại ngất đi khi nhìn thấy chúng tôi, những đồng đội của con mình.

Mười đoàn viên thanh niên mặc quần áo truyền thống Tày màu chàm, đứng hai hàng nghiêm chỉnh hai bên cầu thang, cùng một số cán bộ địa phương đang chờ đón khách, rất trang trọng. Trên sàn là mẹ của liệt sỹ Hoàng Thị Cát.

Mẹ ngồi. Lặng lẽ nhai trầu. Không khóc. Mẹ cũng mặc bộ đồ bằng vải chàm rất mới nhưng may theo kiểu của người Kinh. Mẹ im lặng nhìn đoàn chúng tôi đến từ phía cổng. Khi chúng tôi lần lượt nghiêm chỉnh bước lên cầu thang chào mẹ, mẹ chỉ nhìn chứ không nói gì. Thấy đoàn đã lên hết trên sàn, mẹ mới nói bằng tiếng Tày, chậm rãi:- Cái Cát nó làm khổ mọi người quá. Đã chết rồi còn làm bao nhiêu người khổ theo. Đường sá xa xôi. Nắng nóng thế này mà mọi người phải lặn lội đến đây, vất vả quá! Lên cả trên nhà đi. Nước chúng nó đun để nguội rồi đấy!

Trời ơi! Thật quá bất ngờ! Núm ruột của mẹ - đứa con gái của mẹ dứt ruột đẻ ra, mẹ đã nâng niu nuôi nấng suốt hai chục năm trời, để thả ra khỏi vòng tay, hiến dâng cho Tổ quốc, ra đi mà chẳng có ngày về. Vậy mà mẹ đã nén nỗi đau lại, dồn nước mắt chảy vào tim, để bình thản, thương cho chúng tôi vất vả nắng nôi chỉ một buổi trưa hè! Câu nói của mẹ làm bao nhiêu mệt nhọc của chặng đường những ngày qua như tiêu biến hết, chúng tôi cùng xúm lại, quây quần bên mẹ như ngồi giữa ngàn cơn gió mát trên mảnh đất Việt Bắc đầy truyền thống anh hùng này!

Trên bàn thờ, tấm ảnh liệt sỹ Hoàng Thị Cát mặc chiếc áo cổ hình trái tim, chiếc khăn vấn khéo làm cho khuôn mặt chị càng thêm duyên dáng ở tuổi 20, đôi môi hé cười như bông hoa sắp nở.

Sau khi cùng đại diện địa phương làm lễ truy điệu liệt sỹ Hoàng Thị Cát và trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình, ăn với mẹ bữa cơm do địa phương và gia đình mời, chúng tôi bịn rịn chia tay…

Mẹ lại ngồi ở đầu cầu thang trên sàn nhà nhìn theo chúng tôi như lúc chúng tôi mới đến. Tôi luôn ngoái lại, tôi muốn in hình bóng mẹ trong trái tim mình. Bà mẹ Tày đáng kính!

* **

Năm 2018 này, đã 43 năm trôi qua, bóng quân xâm lược trên Tổ quốc Việt Nam không còn nữa, sự hy sinh xương máu của biết bao thương binh, liệt sỹ cho non sông gấm vóc của chúng ta đã được ghi tạc vào lịch sử. Lớp tuổi những cán bộ chiến sỹ TNXP trẻ măng đầy nhựa sống của chúng tôi sẵn sàng đổi tuổi thanh xuân của mình cho hòa bình, độc lập của dân tộc ngày ấy, bây giờ cũng đã trên dưới 70, nhiều người đã không còn nữa.

Tôi cũng như nhiều đồng đội TNXP ít có dịp đi lại để thăm các mẹ, các bà, những người đã trực tiếp sinh thành, nuôi dưỡng và chịu những nỗi đau mất mát những liệt sỹ TNXP của Đội 91 được nữa. Được biết mẹ của liệt sỹ Hoàng Thị Cát cũng đã quy tiên rồi. Cầu mong mẹ gặp được con gái Hoàng Thị Cát của mẹ.

Ngồi viết những dòng này, hình ảnh những gia đình liệt sỹ TNXP Đội 91, sự tàn khốc của trận bom B52 tại khu vực ga Lưu Xá tháng 12 năm 1972 đã giết chết 60 cán bộ, chiến sỹ của Đại đội 915 Anh hùng, những đồng đội TNXP khác, người mất, người còn, những công việc của chúng tôi đã cống hiến cho Tổ quốc những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược để góp phần bảo vệ non sông… cứ nổi trội lên, tỏa sáng lấp lánh như những viên ngọc trước mắt tôi.

Ký. Ngọc Thị Kẹo (Cựu TNXP Đội 91)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

An toàn trong siêu bão

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ăn ngủ cùng rừng

Xem tin nổi bật 1 tháng trước