Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:46 (GMT +7)

Lời hứa

VNTN - Bàn tiệc cỗ cưới Ban tổ chức khéo sắp mâm toàn anh em quen biết. Dù có người hàng chục năm không gặp, nay chúng tôi ngồi với nhau trong cảnh vui này thật là hiếm có.

Sau tuần rượu khai vị, nhìn ông Hợp có vẻ không vui lắm, tôi gợi mở:

- Ông có chuyện gì băn khoăn à.

Ông Hợp vốn là giáo viên nghỉ hưu, nghe nói còn là ân nhân của Trưởng phòng giáo dục đương nhiệm, ai cũng kính nể ông. Đặt chén rượu xuống ông Hợp rầu rầu:

- Buồn lắm ông ạ. Ở đời lời hứa là vàng, thế mà với tôi nó “Ba voi không được bát nước sáo”. Thằng cháu tôi học giỏi là thế. Trước khi nó đi học ngoại ngữ, tôi cầm đơn đến Trưởng phòng giáo dục xin ý kiến vì lo, nhỡ bốn năm sau mình đau yếu, không ai đi xin cho cháu. Trưởng phòng xem, ghi ngay vào đơn: “Nhất trí đề nghị, xin tiếp nhận sau khi ra trường”, còn thêm lời hứa: Chú cứ yên tâm, có chú cháu mới có chỗ ngồi này, việc nhỏ chú ạ. Ấy thế mà năm vừa rồi cháu tôi ra trường, ông ta trả lời không có chỉ tiêu, xin thông cảm. Tôi biết họ vẫn nhận mấy người. Lời hứa chém bùn ông ơi.

Ảnh minh họa      Nguồn: Internet

Tôi động viên:

- Thôi ông ạ, cháu nó học giỏi. Khác có việc làm. Trời không phụ người tốt đâu. Mà cơ chế thay đổi ắt cách cư xử cũng thay đổi theo.

Tôi vừa nói xong thì bác Thành, công nhân nhà máy cơ khí về hưu lên tiếng:

- Chuyện thằng cháu tôi đây mới đau lòng. Nỗi đau này còn lâu mới chữa được. Ông chắc còn nhớ thằng Toàn, là học sinh cũ của ông chứ. Nó có thằng con trai học giỏi nhưng lại ham mê bóng đá. Nó vào đội tuyển bóng đá huyện, rồi vào đội tuyển tỉnh. Một hôm có anh ở Sở thể thao về xin nó vào học một trường gần bãi tập. Tôi và bố nó băn khoăn lo nếu cứ đi đá bóng thế này chắc nó quên hết học hành, mất hết tương lai. Anh ấy đưa công văn của Sở cho tôi xem và hứa:

- Sở cháu luôn quan tâm đến nhân tài. Gia đình cứ cho em đi thi đem giải về cho tỉnh. Sau này Sở sẽ can thiệp để em có được ưu tiên xếp loại, thi vào cấp 3, đại học... Sự thực thế nào? Sau giải toàn quốc, cháu tôi về quên hết kiến thức. Tôi thuê thầy cô dạy mãi không lấp được. Chật vật mới xin vào được cấp 3, không ai quan tâm. Không thể đủ sức vào đại học. Bây giờ ở nhà đi làm thuê. Có ai có ý kiến gì đâu. Cho nên đừng ai tin vào lời hứa mà mang vạ.

Tôi nhìn ông Thành, thấy nghèn nghẹn trong cổ. Không còn biết nói gì cho phải. Bỗng có tiếng cười ha hả của ông Khiêm, một người dân thường chính cống. Ông Khiêm đã từng mấy khóa tham gia ủy ban xã, ủy ban phường X.

- Thất hứa với các ông chưa là gì. Với dân chúng tôi mới đáng nói. Khu vực chúng tôi ở có một đường ngang qua đường sắt. Nguy hiểm luôn rình rập. Hôm đó có một đoàn cán bộ về địa phương làm việc, có đại diện cấp cao và lãnh đạo tỉnh. Tại cuộc họp, vị đại diện cựu chiến binh phát biểu về cái đường ngang đó và xin làm trạm gác ba-ri-e cho dân nhờ. Nghe xong vị đại diện cấp cao ghi chép rồi quay sang vị đại diện tỉnh nói to: đồng chí ghi vào rồi về bàn làm ngay nhé. Cuối cuộc họp vị cán bộ tỉnh chốt lại và hứa sẽ tiến hành ngay. Lời hứa đó mới có gần ba mươi năm, đã có gì đâu. Hứa cứ hứa còn làm lại là chuyện khác. Hứa đại ấy mà.

Hàng ngày đi qua đoạn đường ấy nên tôi càng không biết giải thích sao. Đành cầm chén rượu lên an ủi mọi người:

- Lời hứa là đạo đức là danh dự, nhưng có nhiều người cứ lợi dụng nó để được việc cho mình. Có nhiều người được phong cấp chức rồi, cứ hứa ngon hứa ngọt nhưng có làm được gì đâu. Cũng có ai đánh giá xem họ thực hiện được bao nhiêu phần trăm lời hứa. Chẳng qua chúng ta là nạn nhân của những lời hứa xuông. Thôi, ta quên đi cái kiểu sống như vậy đi. Cùng cạn chén!

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước