Loay hoay xế chiều
Đang là lãnh đạo cốt cán một công ty may mặc lớn của thành phố, thì một cơn tai biến đột ngột đã làm ông Bằng liệt nửa người, không nói năng gì được nữa.
Vốn là người đàn ông gia trưởng, xưa giờ đi làm về ông Bằng chỉ nằm khểnh xem ti vi đợi cơm, chẳng quan tâm gì chuyện nhà cửa. Khi ngồi vào bàn ăn, không buông lời chê bai thức ăn thì cũng hoạnh họe này nọ. Bà Lan vợ ông là giáo viên, rất hoạt bát và khéo thu vén. Nhưng dù bà cố công tìm hiểu, thay đổi món mới để chiều ý cũng ít khi ông hài lòng. Tiền bạc đưa vợ ông không so đo, nhưng cái vẻ bề trên, quan cách ấy thì khó ai mà chịu được.
Từ ngày đổ bệnh, ông càng thêm khó tính. Các bác sĩ yêu cầu phải nỗ lực vận động và tập luyện, nhưng ông chán nản buông xuôi, chỉ nằm/ngồi một chỗ chờ phục vụ. Hễ có gì không hài lòng thì dù ông chỉ ú ớ trong cổ họng cũng khiến bà Lan nhiều phen phải “xanh mắt”.
Anh Chính, con trai duy nhất của ông bà nay ngoài ba mươi, lấy vợ và đã có một cô con gái 5 tuổi, nhưng tính khí vẫn như trẻ con, vô lo vô nghĩ. Ngày ông Bằng tai biến, anh mới tốt nghiệp đại học, còn đang loay hoay với công việc lương tháng gần 3 triệu đồng, chẳng đủ chi cho các khoản thuốc lá, rượu bia thường ngày của anh. Quen được cưng chiều từ bé, Chính chẳng bao giờ đụng tay đụng chân vào việc nhà. Bố bệnh, kinh tế gia đình dần đi xuống, mẹ lo lắng đến mất ăn mất ngủ anh cũng chẳng để tâm. Vợ Chính công tác trong trường đào tạo nghề, đang phải lo học lên thạc sĩ nên cũng chẳng đỡ đần được gì.
Nhà có mảnh đất vườn khá rộng, xưa kia chỉ để cỏ dại mọc và trồng vài luống rau sạch. Sau khi nghỉ hưu, bà Lan dốc hết tiền bạc, vay mượn thêm cất được mấy phòng trọ, mỗi phòng độ chục mét vuông cho công nhân, sinh viên thuê. Anh Chính vô tư bảo mẹ: Từ giờ cứ thu tiền ở đó mà sống thôi, lo gì nhiều cho mệt.
Từ ngày gấp lại trang giáo án, bà Lan dường như trở thành osin không công cao cấp. Chăm chồng ốm với đủ loại thuốc thang, chế độ ăn uống…, “bao nuôi” cả gia đình con trai. Từ sáng đến tối lui cui trong bếp, lo hết ông lại đến cháu nhỏ, giặt giũ, chợ búa… Lúc nào trong đầu bà cũng là những con số, trăn trở phải chi tiêu thế nào, tiết kiệm ra sao… Sáng nào hàng xóm cũng nghe giọng bà Lan gần như hét khi gọi Chính dậy đưa con đi học, có hôm ca cẩm thói luộm thuộm, chây lười của anh. Những lần hiếm hoi ngồi uống trà với lối xóm, bà Lan thở dài ngao ngán: Vợ chồng đi làm cả chục năm mà chẳng có dư, cũng không tính gì chuyện tích lũy. Chẳng biết thằng con của bà bao giờ mới lớn.
Mấy căn phòng trọ nhà bà Lan xây hơn chục năm đã dần xuống cấp, không thể cạnh tranh với nhiều khu trọ mới được trang bị đầy đủ tiện nghi, nên vắng khách, thu nhập từ đó cũng bấp bênh. Lương tăng, giá cả cũng rủ nhau tăng theo khiến bà Lan lòng dạ héo hắt. Sáng nghe loa phường thông báo, chiều và tối nay ủy ban sẽ phối hợp cùng hệ thống siêu thị bán hàng tiêu dùng với giá siêu ưu đãi cho người dân, mọi người trong tổ dân phố háo hức rủ nhau đi. Gặp nhau ở điểm bán hàng nhưng chẳng thấy bà Lan đâu, mấy người cùng ngõ thắc mắc:
- Bà Lan không nghe thông báo hay sao ấy nhỉ, chứ mấy vụ ưu đãi này dễ gì bà ấy bỏ qua!
- Bác ấy hôm nay bị tụt huyết áp, đang phải truyền nước ở nhà - chị Mỹ đối diện nhà bà Lan lên tiếng.
- Khổ, hai tay hai ông, lại còn thêm cháu nhỏ nữa! Mà khi chiều vẫn thấy anh Chính mang đồ đi câu cá cơ đấy.
- Việc gì cũng bỏ được, riêng việc vui thú của bản thân thì chẳng thấy anh ta bỏ bữa nào.
- Ngày trước cả khu này ai cũng bảo bà Lan có phước, ai ngờ… Có cậu con vô trách nhiệm kể ra cũng chán thật. Sao không buông ra cho nó tự lo, xem có vô trách nhiệm được nữa không?
Những hàng xóm thân thiết chạc tuổi như bà Lan, họ đều thảnh thơi đi chạy bộ hay tập dưỡng sinh mỗi sáng, tham gia các Câu lạc bộ thơ ca, văn nghệ này nọ ở phường, tổ dân phố… Ít thấy ai phải loay hoay gồng gánh như bà. Rồi sáng mai, cả xóm lại nghe tiếng chổi xua lá quen thuộc bên sân, tiếng bà Lan gọi anh Chính như hò đò… Hơn mười năm nay, bà cứ phải gồng lên để khỏe mạnh, sợ mình mà ốm nằm ra đấy, thì không biết chồng con sẽ xoay xở ra sao. Cứ vậy, chẳng biết đến bao giờ bà mới được nghỉ ngơi, vui sống cho bản thân!
Mai Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...