Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:30 (GMT +7)

Liên Minh, “ngày mới” đang lên

VNTN - Trở lại Liên Minh (huyện Võ Nhai) sau gần 5 năm, được ngồi trong Văn phòng trụ sở Ủy ban xã khang trang; chạy xe máy băng băng trên con đường bê tông liên xã, những vạt chè mơn mởn búp non đang vào vụ hái rộn rã tiếng nói cười…, lòng cứ chộn rộn vui. Mảnh đất ấy dù vẫn chưa hết khó khăn nhưng đang đổi thay từng ngày, “con đường” khuất phục đói nghèo cũng đang dần bằng phẳng.


Đổi thay từ trong cách nghĩ

Không còn đường đất rải đá nhấp nhổn nhiều khe suối và dốc như từng thấy mấy năm trước, bây giờ đến Liên Minh, từ cầu Treo (giáp ranh Tràng Xá) đến trụ sở UBND xã gần 5km chỉ mất ít phút chạy xe máy vì đã có đường bê tông trải dài. Chậm dãi dong xe vào buổi sáng, chúng tôi được dịp đắm mình trong màn sương hòa nắng sớm óng ánh, không khí như mát lành hơn bởi những đồi chè gối vào nhau xanh mướt. Lúa đang độ chín vàng, quanh quất đã nghe mùi thơm rơm mới.

Anh Nguyễn Văn Thống - Phó Bí thư Chi bộ xóm Vang dẫn đường đưa chúng tôi đến thăm những vạt chè cành đang vươn búp non đón nắng, giọng đầy hứng khởi: Xóm Vang có nhiều diện tích chè nhất xã, số hộ trồng chè chiếm 98%, nhà ít cũng trên dưới 5 sào, nhiều lên đến hơn 1 ha. Hiện nay toàn xóm có hơn 90 ha chè trung du và 30 sào chè cành. Bây giờ bà con không làm kinh tế theo kiểu “nghĩ sao làm vậy” nữa mà đã biết khai thác, có kế hoạch phát triển tiềm năng, thế mạnh của cây chè, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cho sản phẩm mà mình làm ra.

Coi cây chè là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, cuộc sống bà con

đang đổi thay từng ngày

Nếu cần định mốc cho “bước ngoặt” chuyển đổi, đẩy mạnh phát triển cây chè ở vùng đồi núi này, là từ 2009. Mặc dù là một trong những xã nhiều diện tích và chất lượng chè ngon thuộc hàng nhất nhì của huyện Võ Nhai, nhưng rất nhiều năm trước, cây chè Liên Minh vốn chỉ trồng theo kiểu lấp đất trống nên không có sự đầu tư thỏa đáng, vì vậy mà hiệu quả kinh tế rất thấp. Cùng với chè, bà con canh tác thêm sắn, ngô, thóc mố…, nhưng các giống cây này đều sinh trưởng dài ngày, tốn nhiều công chăm bón, bán không được giá… nên cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Năm 2009, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ Chương trình 135, Dự án QSET của Sở Nông nghiệp đã góp phần đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực được nhân rộng trên địa bàn xã. Cái hay của Dự án là ngoài việc hỗ trợ cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…, thì Phòng Nông nghiệp huyện Võ Nhai còn triển khai nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, trừ sâu, phổ biến quy trình phát triển cây chè trung du cũng như giống chè cành mới đến người dân. Năm đó, Liên Minh được dự án hỗ trợ 35 ha giống chè cành, và sự chuyển biến mạnh mẽ của việc trồng, chế biến chè ở vùng đất này cũng bắt đầu từ đấy. Bằng chứng là diện tích chè đã tăng lên đáng kể, từ 290 ha (năm 2007) lên 355 ha (năm 2011), đến nay thì đã là 450 ha. Đời sống người dân Liên Minh cũng từng ngày thay đổi với mức thu nhập ổn định từ chè và lúa, nguồn lợi từ rừng…

Tiên phong trồng giống chè cành ngay từ những ngày đầu dự án QSET hỗ trợ, gia đình ông Nguyễn Xuân Trường (xóm Vang) có tổng hơn 1 ha diện tích chè, trong đó có 3 sào chè cành đã cho thu 5 năm nay với năng suất khá ổn định. So với giá bán của chè trung du, chè đồi (từ 120 - 150 nghìn đồng/kg), thì chè cành ở mức cao và ổn định hơn (180 nghìn/kg). Áp dụng chế độ chăm sóc theo phương pháp khoa học tiến bộ, mạnh dạn đưa vào trồng các giống mới có năng suất cao gấp 2 - 3 lần các giống chè truyền thống, tính ra mỗi năm hái 8 lứa chính, mỗi lứa được hơn 2 tạ chè khô, gia đình ông Trường thu về gần 15 triệu đồng.

Trong căn nhà cấp bốn giản dị nhưng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt từ tủ lạnh, ti vi, máy giặt…, ông chẳng ngại ngần chia sẻ những thành quả, bởi tất cả mọi thứ có được đều từ bàn tay lao động chân chính mà ra, thành thử thấy vui và tự hào nhiều hơn. Nhiều năm nay, gia đình ông như một tấm gương sáng trong vươn lên làm kinh tế để nhiều người học tập. Nghĩ chuyện “bươn bả” kiếm sống trước đây, ông Trường cười hiền: cách đây mươi năm thôi, nhiều gia đình ở xóm nhà cửa còn ọp ẹp, có người không cả dám mua bột ngọt để ăn, thèm miếng thịt mà cũng nào dám mua. Bây giờ thì khác nhiều rồi, chẳng riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ thuộc diện nghèo cũng đã có xe máy để đi lại, đời sống vật chất cơ bản là không còn đói kém nữa. Tất cả là nhờ làm chè mà ra.

Nhờ chè thoát nghèo, ấy là phần thưởng xứng đáng cho bao mồ hôi công sức đã đổ, gia đình anh Bùi Văn Tĩnh (xóm Vang) là một trong những trường hợp điển hình như vậy. Nhà có 4 nhân khẩu, với gần 1 ha chè, cần mẫn chăm bón diện tích chè hạt cũ, chuyển đổi trồng mới các giống chè cành, chè lai cho hiệu quả kinh tế, mỗi lứa thu 1,5 tạ chè khô, cộng thêm việc canh tác, trồng - khai thác rừng, gia đình anh từ hộ nghèo nay đã xây được nhà, mua được các máy móc phục vụ sản xuất, sắm sửa nhiều tiện nghi phục vụ đời sống.

Nhờ định hướng đúng đắn trong việc đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, người dân Liên Minh đã chủ động đăng ký trồng mới, chuyển đổi diện tích chè cũ mỗi khi có dự án hỗ trợ trong năm triển khai. Ngoài các giống chè hạt trung du, chè cành, còn có nhiều loại như Phúc vân tiên, Bát tiên, các giống chè lai 777, TN1… Với 450 ha trong tổng số hơn 1,1 nghìn ha chè toàn huyện, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, sản phẩm chè Liên Minh rất được ưa chuộng bởi vị đậm, ngọt mà các vùng chè khác không có được. Có lẽ vì thế mà người làm chè cũng không khó tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi chẳng biết tự bao giờ, chè Liên Minh cứ hễ ra đến chợ lúc nào cũng “hút” người mua.

Vững những bước đi

Có lẽ không riêng gì Liên Minh, mà ở hầu khắp các vùng chè thuộc Võ Nhai và trên toàn tỉnh Thái Nguyên nói chung, mong mỏi của người nông dân lam lũ hai sương một nắng bao đời nay luôn là sản phẩm họ làm ra có nơi tiêu thụ. Thật mừng khi được biết năm 2016 này, UBND xã Liên Minh đang tiến hành đề nghị lên UBND tỉnh công nhận làng nghề chè truyền thống của xã ở 3 xóm là xóm Vang, xóm Nhâu và xóm Thâm. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thương bộc bạch rằng, tổ chức hình thái làng nghề là bước đầu khởi tạo thương hiệu, Đảng ủy, chính quyền sẽ cùng với bà con tìm cách đưa sản phẩm chè địa phương đi xa hơn trong tương lai.

Kể từ năm 2010, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho các xã 135 về sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông…, UBND xã Liên Minh đã được đầu tư xây dựng khang trang. Bộ mặt nông thôn nơi đây dần được cải thiện khi năm 2012, Liên Minh chính thức bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Năm 2013, con đường vốn dốc đá nhấp nhổn được đầu tư bê tông hóa hoàn thành và bàn giao (2014) là bước tiến lớn đối với bà con. Bởi từ đây, không chỉ là thế mạnh về chè, người dân Liên Minh còn phát huy tiềm năng kinh tế từ lúa và rừng. Hiện diện tích đất lúa là 315 ha, hơn 6 nghìn ha rừng, trong đó có hơn 2 nghìn ha rừng đầu nguồn phòng hộ, số còn lại là rừng sản xuất. Được Nhà nước giao đất giao rừng sản xuất, với các loại cây như keo, mỡ, bạch đàn, trồng 8-10 năm khai thác, đời sống bà con khấm khá cũng từ đây. Xã có 1142 hộ với 4420 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 56%, kể ra cũng vẫn còn cao. Song cùng với việc thực hiện chủ trương đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống giai đoạn 2015 - 2020, Đảng ủy, chính quyền xã Liên Minh cũng xác định những mục tiêu phấn đấu trong xây dựng Nông thôn mới, cây chè đóng vai trò cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, thứ nữa là việc giảm nghèo một cách bền vững và hiệu quả.

Người dân Liên Minh đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp                 Ảnh: Q.H

Trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều điều cũng được coi là điểm sáng ở Liên Minh khiến chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng về một tương lai tươi sáng của vùng đất này, ấy là nhìn vào cách người nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây, đến nay đã đạt trên 70%; đời sống tinh thần được chăm lo với các hoạt động văn hóa - thể thao như bóng chuyền, bắn nỏ, kéo co… tổ chức trong các dịp lễ tết, tạo sân chơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết giữa các dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Dao (đồng bào thiểu số chiếm 58%); việc phổ cập giáo dục cũng được người dân chú trọng quan tâm, 100% các em ở độ tuổi đến trường được chăm lo học tập… Xã có 9 xóm, ngoài 2 xóm Vang, Nhâu có tiếng về diện tích chè và sản phẩm chè uy tín nhất vùng, thì các xóm  khác như xóm Kẹ, xóm Nác, xóm Thâm, Ngọc Mỹ… cũng đang dần mở rộng diện tích, đời sống bà con dần được cải thiện.

Nhìn vào những tiềm năng hiện có như trên, chúng tôi trộm nghĩ, triển vọng thoát nghèo với người dân là hoàn toàn có thể trong tầm tay; có thể hoàn toàn tin tưởng rằng Liên Minh rồi sẽ khác, khác nhiều nữa trong nay mai. Nhưng dù tin và vui với những thành quả, với sự thay đổi thấy rõ, song Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thương vẫn còn nhiều trăn trở. Ấy là về đường giao thông liên xóm hiện nay chưa có, điện sáng ở một số xóm xa trung tâm như xóm Nác, Khuân Nang, Khuân Đã, xóm Kẹ còn thiếu, hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện… Và dù rằng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã thực hiện được 4 năm, Liên Minh cũng chỉ mới đạt 8 tiêu chí là: Quy hoạch, bưu điện, y tế, chợ nông thôn, an ninh, văn hóa, hệ thống chính trị, tỉ lệ có việc làm thường xuyên. Nỗi khó không đường, không điện là lực cản lớn đối với bà con, đang rất cần sự quan tâm từ các cấp trên.

Người dân đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế và xây dựng bộ mặt nông thôn mới với cách nghĩ, cách làm tiến bộ, đó là điều đáng mừng nhất. Và mong mỏi của chúng tôi sau những gì được thấy, được nghe khi đến đây, dù khó thì vẫn khó đấy, nhưng tin thì cứ tin, hi vọng mảnh đất này sẽ vững bước mà đi lên.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước