Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
12:35 (GMT +7)

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, trong vài năm trở lại đây việc thúc đẩy kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, đã được các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng. Tham gia vào liên kết theo chuỗi giá trị, không ít đơn vị đã từng bước định vị được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa cây quế về phát triển thành hàng hoá trên đất Thái Nguyên, Công ty TNHH Vũ Hoa (huyện Định Hoá) đã dần hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế.

                                    1-1692949967.jpg
Nhờ có sự tham gia của các HTX vào chuỗi sản xuất trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đầu ra của sản phẩm chè ngày càng ổn định và nâng cao được giá trị trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hoa cho biết: Từ năm 2015 đến 2018 Công ty đã cùng với chính quyền địa phương đầu tư  cho người dân hơn 8,9 triệu cây quế giống (tương đương với 18,86 tỷ đồng). Diện tích quế đã trồng là 3.478,78 ha.

Thời gian đầu triển khai do nhận thức chưa đầy đủ, một số hộ dân đã tự ý trồng xen cây keo vào đồi quế làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây quế. Công ty đã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện Định Hóa tổ chức hàng chục cuộc họp trực tiếp với các hộ dân để tuyên truyền cho người dân hiểu và vận động người dân tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc quế. Đồng thời, triển khai cho 457 hộ dân ký cam kết thực hiện chặt bỏ cây keo và cây trồng khác mọc xen trong rừng quế.

Bắt đầu từ năm 2019, các diện tích quế trồng năm thứ 3, thứ 4 cho thu hoạch. Công ty tiếp tục hướng dẫn bà con quy trình khai thác tỉa thưa, chặt cành. Cùng với đó, Công ty ký hợp đồng thu mua cành, lá tươi với giá 1.500 đồng/kg; vỏ quế tươi giá 20.000 đồng/kg; gỗ quế giá 2,8 triệu đồng/m3 cho người dân.

Toàn bộ diện tích của hộ dân liên kết, công ty Vũ Hoa đã thu mua toàn bộ cành, lá và vỏ quế để đem về xưởng sơ chế, chế biến thành các sản phẩm như: tinh dầu quế, bột quế. Bên cạnh đó, Công ty đã kết hợp với một số doanh nghiệp, HTX như: Công ty TNHH Quế Yên Bái, HTX quế hồi Việt Nam (cùng ở tỉnh Yên Bái)… chế biến sâu các sản phẩm từ quế như: nước rửa chén, lau sàn hương quế, Trà thảo mộc Quế… Nhờ vậy, đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm quế của người dân trên địa bàn huyện Định Hoá, mặt khác gia tăng giá trị các sản phẩm làm từ quế.

                                    2-1692949922.jpg
Các dịch vụ về du lịch, ẩm thực của La Bằng homestay ngày càng được khách hàng ưa chuộng nhờ có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hay như đối với công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (là thành viên thuộc tập đoàn Leong Hup của Malaysia, thành lập tại Việt Nam năm 2010). Công ty hiện có hệ thống các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và sản xuất con giống. Hiện tại, Emivest Feedmill Việt Nam có gần 350 trại chăn nuôi gà. Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Công ty bắt đầu triển khai nuôi gia công gà thịt, gà đẻ trứng từ năm 2017. Nhờ thiết lập được quy trình liên kết sản xuất, tiêu thụ một cách chặt chẽ, bền vững với các đối tác, đến nay Công ty đã liên kết với hơn 180 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, chăn nuôi gà thịt với quy mô 6 triệu con; sản lượng xuất chuồng 18.000 tấn/năm; chăn nuôi gà đẻ trứng với quy mô 130 nghìn con, sản lượng trứng thương phẩm hằng năm đạt 30 triệu quả.

Trong quá trình phát triển và xây dựng hệ thống, Công ty đã nghiên cứu và hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng các thiết bị chăn nuôi hiện đại, tự động và bán tự động hóa trong chăn nuôi như hệ thống điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi, hệ thống cung cấp thức ăn tự động,… giúp người chăn nuôi giảm chi phí nhân công, tạo sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật của công ty thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh của từng khu vực, đưa ra phương án sử dụng vaccine phòng bệnh và quy trình chăn nuôi phù hợp cho từng nơi, giảm thiểu những thiệt hại không mong muốn trong chăn nuôi.

Ngoài ra, Công ty còn thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước. Báo cáo, nắm bắt tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên địa bàn để có giải pháp kịp thời trong chiến lược phát triển của Công ty. Đồng thời có sự liên kết hợp tác lâu dài với các công ty thuốc, vaccine lớn khác như Issviet, MVT, Amavet, Viphavet,…

Ngoài những đối tác lâu năm, các đại lý trứng lớn hợp tác lâu dài. Năm 2020, Công ty đưa trứng gà thương phẩm cung ứng vào các chuỗi siêu thị lớn khu vực miền Bắc như Aeon, Mega, Big C,…

Đây chỉ là 2 trong số 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (cho 88 hợp tác xã và 33 doanh nghiệp) thực hiện trong thời gian 5 năm (2018 - 2022) kể từ khi tỉnh triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98. Qua đó đã có hơn 3.665 hộ nông dân tham gia và các chuỗi liên kết này.

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa trực tiếp với các doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia dự án mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong tỉnh. Với huyện Đại Từ, xác định xây dựng các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao thu nhập cho người dân, là “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND huyện đã giao cho cơ quan chuyên môn tích cực lồng ghép tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác về nội dung Nghị quyết.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn huyện Đại Từ đã có 13 dự án liên kết được phê duyệt. Trong đó có 5 dự án do doanh nghiệp là đơn vị chủ trì liên kết, 8 dự án do HTX chủ trì liên kết với 25 Tổ hợp tác, 1.124 hộ dân tham gia (8 dự án về chè, 1 dự án về lúa gạo, 1 dự án về nấm, 2 dự án về dược liệu, 1 dự án chuỗi liên kết về thủy sản).

Từ các dự án liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã tạo thêm công ăn việc làm cho người nông dân trên địa bàn, cùng với đó mức thu nhập của người dân cũng được tăng lên đáng kể. Người dân được nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất an toàn, tạo được môi trường sinh thái vùng sản xuất bền vững.

Có thể nói, các chuỗi liên kết mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi được bảo đảm về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, nhờ vậy nhanh chóng được đưa ra thị trường. Nhiều sản phẩm đã được phân phối ở một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đến tay người tiêu dùng, được quảng bá bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Vỏ sò…     

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện Nghị định của Chính phủ, Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó tập trung hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; hỗ trợ mua giống, vật tư thiết yếu, hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ… Các chuỗi liên kết được thực hiện gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Qua đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như các vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ; vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao; vùng sản xuất cây ăn quả tập trung; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng nuôi trồng thuỷ sản, vùng trồng cây quế tập trung... góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới của địa phương, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

 Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của tỉnh đạt 15.267,9 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên một ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 123,2 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh đã có 173 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia.

Có thể khẳng định liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được xem là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

                                    3-1692949922.jpg
Khi có sự tham gia của các nhà khoa học, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, diện tích trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu mang lại giá trị cao vượt trội.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia liên kết chủ yếu có quy mô nhỏ. Trên địa bàn, ruộng đất, chuồng trại và tư liệu sản xuất còn manh mún gây khó khăn cho cơ giới hóa sản xuất, sản phẩm hàng hóa, khó giữ được vùng nguyên liệu ổn định khi giá cả thị trường biến động.

Bởi vậy, muốn đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm các doanh nghiệp cần tham gia sâu vào chuỗi liên kết, chứ không chỉ dừng chủ yếu ở việc thu mua sản phẩm đầu ra. Chỉ khi doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất mới có thể khiến liên kết hiệu quả và bền vững. Cùng với đó, các nông hộ cũng cần thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp, tránh thụ động, tự phát, chạy theo giá thị trường,… Các Tổ hợp tác, HTX cũng cần nâng cao năng lực về quản trị, kỹ thuật, makerting theo hướng sản xuất hàng hoá.

Song song với đó, trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay thì việc tập trung phát triển thương mại điện tử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Postmart.vn, Sendo… mở rộng thị trường trong nước, kết nối đưa nông sản địa phương vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ cũng là điều vô cùng cần thiết.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy