Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:16 (GMT +7)

Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XVIII: Đang dần chậm lại, tinh sắc hơn

VNTN - Tiếp tục hành trình khai phá vẻ đẹp về xứ sở, con người ở “vùng đất vàng” miền núi phía Bắc; nếu các kỳ Liên hoan trước chúng ta kỳ vọng dù là nhiếp ảnh phong trào nhưng không dễ dãi, hay nhen nhóm những ý nghĩ thúc bách cần thay đổi tư duy “ao làng” ở sân chơi này, thì nay chính những người tham gia và cả đường hướng của Hội nghề nghiệp đang nỗ lực chuyển bước, chậm rãi và điềm tĩnh hơn để tìm những cách thể hiện sâu và tinh hơn.

 

Tác phẩm “Hoàng hôn trên đỉnh Sáng Nhù”, tác giả Vũ Chiến

(Yên Bái) đoạt Huy chương Vàng

Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XVIII do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp Hội VHNT tỉnh Yên Bái tổ chức, khai mạc ngày 04/10 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái. Được phát động từ tháng 4/2018 đến 15/9/2018, BTC đã nhận được 2.256 tác phẩm của 349 tác giả thuộc 15 tỉnh, thành phố trong khu vực gửi tham dự gồm: Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Số lượng ảnh dự thi ít hơn, song số người tham gia nhiều hơn so với năm trước (2.304 tác phẩm, 325 tác giả, chọn triển lãm 210 tác phẩm), số ảnh chọn triển lãm là 211 ảnh. Nhìn chung, xét về cả số lượng và chất lượng ảnh chọn triển lãm cũng như bộ giải Liên hoan năm nay được các nghệ sĩ khá đồng tình.

Trải qua 4 vòng chấm chọn, các thành viên Hội đồng Giám khảo đã nhất trí thông qua bộ giải gồm 02 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc, 06 Huy chương Đồng và 08 giải Khuyến khích. Các tác phẩm tham gia Liên hoan đã bám sát chủ đề “Thiên nhiên - Con người miền núi phía Bắc”, ở các thể loại nhiếp ảnh như: phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật…; 211 tác phẩm được chọn trưng bày đã giới thiệu đến công chúng vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực; phản ánh những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế...; những tấm gương điển hình tiên tiến, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những di sản, nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa. Nhiều tác phẩm giới thiệu thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong khu vực, đề tài xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại…

Là đơn vị đăng cai tổ chức Liên hoan, Liên hiệp Hội VHNT Yên Bái đã có phần chuẩn bị kỹ lưỡng. Không gian diễn ra Lễ khai mạc ngoài trời tại Trung tâm Hội nghị tỉnh khá rộng rãi, tuy nhiên phần sảnh nơi trưng bày tác phẩm lại có phần chật chội, ánh sáng chưa thực sự tốt phục vụ việc thưởng lãm tác phẩm. Có lẽ việc thiếu không gian trưng bày (nhà triển lãm) mang tầm quy mô và chuyên nghiệp đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước chứ không riêng gì Yên Bái.

Tiếp tục áp dụng công nghệ kỹ thuật số đối với toàn bộ quy trình gửi tác phẩm, chấm giải thông qua hệ thống trang web lienhoananhkhuvuc.vn, đây là năm thứ 3 Ban Giám khảo (BGK) chấm ảnh bằng phần mềm chấm ảnh online chuyên dụng. Ưu thế vượt trội của phương pháp mới đã được khẳng định là tiện lợi, kỹ lưỡng, độc lập. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Dần, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan đánh giá: Bộ ảnh triển lãm đã phản ánh một cách khách quan về con người và cảnh quan ở các tỉnh miền núi; các tác giả đã bám sát cuộc sống đang vươn lên từng ngày bằng nhiều phương pháp thể hiện với tầm nhìn mới, tư duy mới. Những khoảnh khắc về cuộc sống của con người hàm chứa thông điệp ý nghĩa, những cảnh quan trong nhiều thời khắc được thể hiện một cách công phu. Năm nay, sự xuất hiện của những bức ảnh với cách thể hiện gượng gạo, khiên cưỡng, thiếu tìm tòi sáng tạo đã giảm đi đáng kể. Việc xử lý hậu kỳ để nâng cao giá trị nghệ thuật cho tác phẩm đã được các tác giả quan tâm hơn, tình trạng chắp ghép thêm các chi tiết nhằm bổ sung cho sự thiếu hụt cái đẹp của bức ảnh không diễn ra nhiều như trước… Đấy là những tín hiệu đáng mừng trong sáng tác ảnh hiện nay.

Hai tác phẩm đoạt Huy chương Vàng của Liên hoan đều thuộc về tỉnh Yên Bái, gồm: “Màu của đất” của tác giả Nguyễn Văn Miền (Thanh Miền); “Hoàng hôn trên đỉnh Sáng Nhù” của tác giả Vũ Chiến. Tuy có những “nghi vấn” (không chính thức) về việc BGK có hay không ưu ái đơn vị chủ nhà, nghệ sĩ Nguyễn Dần thẳng thắn cho rằng điều này là không có. Nếu như những năm trước chấm theo hình thức tập trung, thì các giám khảo có thể thảo luận để đưa ra phương án phù hợp trong những trường hợp trùng như vậy. Còn việc chấm chọn ảnh online là độc lập nên hoàn toàn không có chuyện “nới tay”. Hình thức chấm chọn thực sự là công tâm, khách quan.

Tác phẩm “Hoàng hôn trên đỉnh Sáng Nhù” là một khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa, chụp ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ. Khi những đợt mưa mùa hạ bắt đầu (tầm tháng 5, 6), bà con dân tộc Mông đi cày bừa và gieo cấy. Khoảnh khắc chiều buông trên đỉnh Sáng Nhù, một trong những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ của huyện Mù Cang Chải, nơi người dân đã sinh sống và canh tác qua hàng trăm năm, tạo nên những thửa ruộng bậc thang độc đáo; ánh nắng buổi hoàng hôn tưởng chừng là buồn tẻ lại tạo nên một sắc thái dịu dàng, thư thái trong tâm tưởng người xem. Người dân đi làm về rảo bước trên đường sóng nhấp nhô của ruộng bậc thang. Tác phẩm không chỉ đẹp về bối cảnh, khuôn hình, ánh sáng…, mà còn nổi bật cuộc sống của con người, đời sống lao động nơi vùng cao này. Mùa gieo cấy cũng là mùa gieo hi vọng ấm no, sung túc.

Điều đáng ghi nhận khi xem toàn bộ 211 tác phẩm triển lãm năm nay, BGK không chỉ chấm chọn giới hạn ở các tiêu chí về chủ đề, thông điệp tác phẩm, ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật, mà còn chú trọng cách thể hiện sáng tạo, mới lạ và độc đáo trong tư duy, ý tưởng nghệ thuật. Những tác phẩm ở thể loại ảnh phong cảnh (vốn chiếm ưu thế ở các kỳ liên hoan trước) như ruộng bậc thang, đồi chè; hay ảnh về phong tục tập quán, lễ hội, chân dung thiếu nữ… không còn nhiều nữa. Các ảnh phong cảnh, lễ hội tại triển lãm được đánh giá là có sự thể hiện khác lạ, bằng thiết bị chụp Flycam, ý tưởng có chiều sâu hơn. Thể loại ảnh sinh hoạt đời thường chiếm ưu thế hơn, tập trung thể hiện những góc nhìn chân thực trong hoạt động lao động sản xuất của nhân dân; nhịp sống nông thôn mới đã được các nghệ sĩ chú trọng, đi sâu khai thác nhiều hơn với những khoảnh khắc gần gũi, bám sát vào thực tiễn.

 

Tác phẩm “Lúa giống”, tác giả Đoàn Minh Thiện

(Thái Nguyên), đoạt giải Khuyến khích

Theo quan sát (PV), phải có đến 2/3 tác phẩm triển lãm tập trung phản ánh, hướng trọng tâm đến đời sống thường ngày của con người với các hoạt động lao động sản xuất, học tập, vui chơi. Dường như các nghệ sĩ đã có những bước lùi nhất định để tìm ra cách thể hiện nghệ thuật trí tuệ hơn. Những tác phẩm trong bộ giải đã phần nào sáng rõ điều ấy như: “Đưa nước về bản” (Nguyễn Xuân Thanh, tỉnh Hòa Bình, đoạt Huy chương Bạc), “Làm nhà trình tường người H'Mông” (Chu Việt Bắc, tỉnh Hà Giang, đoạt Huy chương Bạc), “Ra đồng” (Vi Ngọc Hà, tỉnh Cao Bằng, đoạt Huy chương Đồng) “Trao truyền ngọn lửa hát dân ca” (Đoàn Việt Hưng, tỉnh Bắc Giang, đoạt giải Khuyến khích); “Nhịp sống cao nguyên đá” (Nguyễn Thị Hải Yến, tỉnh Phú Thọ, đoạt giải Khuyến khích)… Quan tâm đến yếu tố con người là chủ thể của mọi hoạt động sáng tạo, khai thác thế mạnh, những vẻ đẹp ẩn giấu quanh đời sống của nhân dân đã góp phần để nhiếp ảnh thực sự sát sao, đồng hành cùng hơi thở cuộc sống. Kết quả của Liên hoan năm nay kỳ vọng sẽ tạo động lực để các “tay máy” thâm nhập vào “thế giới của nhân dân” nhiều hơn, tìm tòi những khoảnh khắc tinh sắc hơn nữa.

So với năm 2017 (dự thi 287 tác phẩm của 37 tác giả; 22 tác phẩm của 14 tác giả được chọn triển lãm, đoạt 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng; và giành giải Đồng đội), Liên hoan lần này, tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ vị trí dẫn đầu về số lượng ảnh và tác giả tham dự (304 tác phẩm của 43 tác giả). Đã có 20 tác phẩm của 16 tác giả được chọn triển lãm. Thành tích đạt được gồm 1 Huy chương Đồng (tác phẩm “Tuổi thơ vùng cao” của tác giả Đỗ Anh Tuấn), 1 giải Khuyến khích (tác phẩm “Lúa giống” của tác giả Đoàn Minh Thiện). Tác phẩm được giải và triển lãm vẫn thuộc về các nghệ sĩ/ tác giả đã có kinh nghiệm tham gia sân chơi này nhiều năm, song sự thiếu vắng của những tên tuổi như Trịnh Việt Hùng, Đồng Đăng, Khắc Thiện… khiến nhiều người ngạc nhiên. Tác giả trẻ, mới vẫn chỉ vài cái tên như Bùi Hào Hiệp, Trần Đoàn Huy, Vũ Dương… Dường như những tác phẩm về chè, thép gang, chân dung thiếu nữ… (vốn là thế mạnh của Thái Nguyên) đã hẹp “đất sống” tại cuộc thi năm nay. Mặc dù số lượng ảnh dự thi cao, nhưng kết quả mà chúng ta đạt được lại khiêm tốn hơn năm trước. Điều đó cũng phần nào phản ánh chất lượng ảnh đang chưa thực tương xứng với tiềm năng hiện hữu.

Liên hoan vẫn là sân chơi rộng mở và hấp dẫn đối với những người đam mê tìm kiếm khoảnh khắc và các giá trị nghệ thuật đời sống. Đi qua những thời kỳ của sự khởi phát, sôi nổi, rồi bão hòa, nhàm chán, đến lúc các nghệ sĩ đang dần chậm lại để thiết lập những bước đi khác, đổi mới góc nhìn, chậm rãi chọn lựa cách thể hiện sâu hơn.

 

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy