Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:17 (GMT +7)

Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XVII: Đã đến lúc từ bỏ tư duy “ao làng”?

VNTN - Là năm thứ 3 Ban Tổ chức (BTC) áp dụng phương pháp gửi ảnh dự thi bằng file kỹ thuật số và là lần thứ hai ứng dụng phần mềm chấm ảnh chuyên dụng. Nỗ lực đổi mới cách thức tổ chức và thay đổi tư duy có phần cũ kỹ, lối mòn trong sáng tác nhiếp ảnh là cần thiết, song nên chăng cũng đã đến lúc sân chơi này cần sòng phẳng hơn để kiếm tìm những giá trị nghệ thuật đỉnh cao.


Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XVII được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội VHNT tỉnh Bắc Giang tổ chức, khai mạc ngày 07/10 vừa qua, tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Được phát động từ tháng 4/2017 đến 5/9/2017, BTC đã nhận được 2.304 tác phẩm của 325 tác giả thuộc 15 tỉnh, thành phố trong khu vực gửi tham dự gồm: Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Số lượng ảnh/tác giả dự thi năm nay ít hơn so với năm trước (2.562 tác phẩm của 366 tác giả, chọn triển lãm 199 tác phẩm), song số ảnh chọn triển lãm lại cao hơn (210 tác phẩm). Điều đó phần nào khẳng định chất lượng ảnh tham dự Liên hoan có bước tiến nhất định.

Bám sát chủ đề “Thiên nhiên - Con người miền núi phía Bắc”, ở các thể loại nhiếp ảnh như: phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật…, 210 tác phẩm được chọn trưng bày đã giới thiệu đến công chúng vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực; phản ánh những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế...; những tấm gương điển hình tiên tiến, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những di sản, nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa. Nhiều tác phẩm giới thiệu thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong khu vực, đề tài xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại… Sau 4 vòng chấm chọn, các thành viên Hội đồng Giám khảo đã nhất trí thông qua bộ giải gồm 02 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc, 06 Huy chương Đồng và 08 giải Khuyến khích.

Năm nay Bắc Giang đăng cai tổ chức Liên hoan đã nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh. Khâu tổ chức được chuẩn bị kỹ lưỡng, không gian diễn ra lễ khai mạc tại sân Bảo tàng tỉnh khá rộng rãi. Nhưng đáng tiếc là thời tiết không ủng hộ, mưa liên tục trong nhiều giờ, ảnh được bày trí ở hành lang phía trong của bảo tàng khá chật chội và hạn chế về ánh sáng, khiến việc thưởng lãm kém phần thú vị. Tuy nhiên, nơi đây mỗi ngày đón khá nhiều lượt khách tham quan trong và ngoài tỉnh, đó là lợi thế để BTC kỳ vọng các tác phẩm xuất sắc của Liên hoan sẽ đến được với đông đảo công chúng hơn.

Ngồi “ghế nóng” Trưởng Ban giám khảo Liên hoan (BGK), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Việt Dũng, Trưởng Ban lý luận phê bình, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh cho biết: Việc áp dụng công nghệ thông tin là bước đổi mới mạnh mẽ, giúp tác giả tiết kiệm thời gian, chi phí và tiếp cận tích cực hơn với công nghệ thông tin trong hoạt động nhiếp ảnh; tạo điều kiện để các thành viên BGK ở các vùng miền khác nhau có điều kiện tham gia chấm giải mà không tốn kém chi phí ăn, ở, đi lại… Nếu trước đây hình thức chấm ảnh tập trung chỉ trong vòng 1-2 ngày, thì nay chấm online thời gian dài hơn đến 10 ngày nên xem xét tác phẩm tin tưởng là kỹ lưỡng hơn. Phần mềm chấm ảnh năm nay cũng có cải tiến thêm tiện ích đánh dấu những bức ảnh giống nhau (cùng chủ đề, hoặc giống nhau trong cách thể hiện), giúp BGK có thể so sánh và lọc ra những tác phẩm tốt nhất trong số đó. BTC cũng tạo điều kiện để BGK có thể xem lại toàn bộ những bức ảnh đã tham dự Liên hoan năm 2015, 2016 để tránh sự trùng lặp.

Không “ồn ào” như kỳ Liên hoan trước, dẫu rằng câu chuyện chất lượng, chuyên môn vẫn là đề tài luôn có nhiều ý kiến trái chiều. Năm nay, BGK không bị sức ép về thời gian chấm chọn ảnh, và thế mạnh của chấm ảnh online là vô tư, sòng phẳng, nên hẳn là không có chuyện xem lướt rồi loại bỏ như nhiều người nghi ngại. BTC cố gắng mời các giám khảo là những người sinh sống tại nhiều nơi khác nhau, họ có sự gắn bó, am hiểu nhất định về các vùng miền trong khu vực. Điều khác biệt là năm nay có sự xuất hiện nhiều tác giả trẻ có tác phẩm chất lượng cao với tư duy, ý tưởng nghệ thuật mạch lạc, phong cách mới. Có vẻ như đề tài về sự chuyển mình vươn lên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được chú trọng nhiều hơn. Điều này cũng giúp các tác giả bám sát, đi sâu hơn vào thực tiễn đời sống.

Mỗi tác phẩm nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần là đẹp về nghệ thuật thể hiện mà còn là tư liệu quý cho mai sau, chính vì thế BGK cho rằng việc sử dụng photoshop để biên tập ảnh như cắt cúp, chỉnh sửa màu sắc, độ tương phản… để tác phẩm đẹp hơn là cần thiết, nhưng tuyệt đối không chắp ghép làm sai lệch hiện thực. Các tác giả đã thực hiện quy định này khá nghiêm túc. Việc chấm ảnh dựa theo các tiêu chí: bám sát chủ đề Liên hoan, thông điệp tác phẩm, sự độc đáo trong cách thể hiện, khoảnh khắc bấm máy, vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình và kỹ thuật chụp. Giám khảo cho điểm độc lập, điểm số được phần mềm thống kê minh bạch và chính xác.

Nhận thức rõ rằng, sự phát triển của nghệ thuật luôn cần những góc nhìn mới, sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhưng theo chia sẻ của Trưởng Ban giám khảo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Việt Dũng, thì hiện nay tinh thần Liên hoan vẫn là nhằm đẩy mạnh phong trào nhiếp ảnh, phát hiện các nhân tố mới, tạo điều kiện cho các nhà nhiếp ảnh công bố tác phẩm xuất sắc về đất nước, con người, đời sống kinh tế, văn hóa các tỉnh trong khu vực. Vòng triển lãm ảnh vẫn được chấm chọn theo từng tỉnh với tỉ lệ được chọn trên dưới 10% trên tổng số ảnh dự thi của mỗi tỉnh. Con số này cũng chỉ là tương đối, tùy vào chất lượng, có tỉnh sẽ nhiều hơn, tỉnh thì ít hơn. Việc chấm theo từng tỉnh chỉ còn áp dụng từ Bắc miền Trung trở ra, còn khu vực phía Nam đã chấm không chia tỉnh. Nếu không chia thì chất lượng tác phẩm sẽ được nâng cao hơn, nhưng như vậy sẽ có tỉnh không có tác phẩm nào. Còn chấm theo Liên hoan thì tỉnh nào cũng có. Như vậy sẽ có tỉnh thiệt thòi vì có rất nhiều ảnh đẹp nhưng do khống chế tỉ lệ nên dù đẹp vẫn bị loại, có những tỉnh ảnh chất lượng vừa vừa nhưng vẫn phải chọn.

Hai tác phẩm đoạt Huy chương Vàng là: “Gia đình hạnh phúc” - Nguyễn Văn Mười (Phú Thọ); “Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà” - Nguyễn Quỳnh Đô (Yên Bái)… “Gia đình hạnh phúc” kể câu chuyện về một gia đình người dân tộc Dao Tiền đang chuẩn bị cho một đám cưới. Nơi các nhân vật tất bật là góc bếp, ánh sáng tự nhiên qua cửa sổ chiếu rọi làm sáng bừng niềm hân hoan trên từng khuôn mặt của các thành viên trong nhà. Thông điệp ẩn chứa trong tác phẩm là tình cảm, sự ấm áp, đồng lòng, sẻ chia của những người trong gia đình, đó là điều con người ta luôn tìm kiếm. “Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà” đã thể hiện sự đổi thay trong phát triển kinh tế, người dân sống ven hồ nhiều năm nay đã không còn đánh bắt tự nhiên hoặc nuôi cá nhỏ lẻ để kiếm sống. Họ lĩnh hội khoa học kỹ thuật, làm chủ các điều kiện tự nhiên để gầy dựng cuộc sống no ấm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cả hai tác phẩm cũng chưa khiến người xem phải trầm trồ, tâm đắc; chưa phải là những khoảnh khắc quá khó gặp, khó chụp.

Tác phẩm “Gia đình hạnh phúc” - tác giả Nguyễn Văn Mười (Phú Thọ) đoạt Huy chương Vàng.

Ở các cuộc thi ảnh quốc tế, cùng là một bức ảnh nhưng sẽ có giám khảo cho 1 điểm, có giám khảo lại 5 điểm. Thiển nghĩ, đã đến lúc các nghệ sĩ, tác giả tham gia sân chơi này cũng cần phải thay đổi tư duy, chấp nhận luật chơi, rằng không có BGK nào có thể làm vừa lòng tất cả, bởi nhiếp ảnh là nghệ thuật, con mắt đánh giá của mỗi người là khác nhau, căn cứ vào quan điểm thẩm mỹ, kinh nghiệm nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Nếu cứ giữ tư duy: “vì Liên hoan vẫn mang tính phong trào nên việc chọn tác phẩm phải cân đối trên tiêu chí các tỉnh, tạo sự đồng đều, công bằng. Nếu trộn đều để chấm thì sẽ xảy ra tình trạng có tỉnh không có ảnh treo, hoặc có nhưng rất ít, vô tình thu hẹp sân chơi đầy tính sáng tạo, bổ ích này”, thì e rằng chúng ta vẫn mãi chỉ quẩn quanh trong “ao làng”. Tại sao không sòng phẳng hơn, từ bỏ tư duy cũ để sân chơi này thực sự là mảnh đất của sự khám phá, sáng tạo, thể hiện tri thức, cái tầm - tâm của nghệ sĩ, người chơi ảnh và của cả một Hội nghề nghiệp uy tín?

So với năm 2016 (dự thi 318 tác phẩm của 44 tác giả, được chọn triển lãm 15 tác phẩm, đoạt 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng; và giành giải Đồng đội), Liên hoan lần này, tỉnh Thái Nguyên vẫn là tỉnh dẫn đầu khu vực với 287 tác phẩm của 37 tác giả. Chúng ta có 22 tác phẩm của 14 tác giả được chọn triển lãm. Trong đó có 1 tác phẩm đoạt Huy chương Bạc (Cơ khí Sông Công - Trần Thị Huyền), 1 tác phẩm đoạt Huy chương Đồng (Gắng sức - Đỗ Anh Tuấn), cùng với các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên đoạt giải Đồng đội. Thành tích của Thái Nguyên, nhìn chung có vẻ khá hơn, nhưng vẫn là “bổn cũ soạn lại” khi có rất nhiều tác phẩm chụp về chè, công nghiệp gang thép, chân dung thiếu nữ… bị loại vì không có sự đột phá mới. Những tác phẩm được giải và triển lãm hầu như thuộc về các nghệ sĩ/ tác giả đã có kinh nghiệm nhiều năm “chinh chiến” ở sân chơi này, tác giả trẻ thì lại hụt hơn so với năm trước.

Tác phẩm “Cơ khí Sông Công” - Tác giả: Trần Thị Huyền (Thái Nguyên) đoạt Huy chương Bạc.

Sân chơi của nghệ thuật nhiếp ảnh luôn rất nóng bởi câu chuyện của nhàm chán, lặp lại, nghi kị chất lượng, giải thưởng…. Hi vọng về một sự “lột xác” hẳn sẽ cần cả người tổ chức và người tham gia đổi mới tư duy “ao làng”, sòng phẳng và chấp nhận luật chơi hà khắc của hành trình tìm kiếm các giá trị nghệ thuật đỉnh cao.

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy