Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
23:38 (GMT +7)

Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16: Dù phong trào nhưng không dễ dãi nghiệp dư

VNTN - Số lượng ảnh chọn triển lãm có phần khiêm tốn hơn các kỳ Liên hoan trước; một Huy chương Vàng bị hủy bỏ vào phút cuối; nhiều ý kiến trái chiều về năng lực những người “cầm cân nảy mực” và kết quả của Liên hoan… Sân chơi của giới nhiếp ảnh dường như lúc nào cũng nóng như thế, bởi sau mỗi một “chặng đua”, lại là một chặng đua mới đầy thách thức.


Khai mạc vào ngày 8/9/2016 tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16 do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Được phát động kể từ ngày 1/5 đến hết ngày 5/8/2016, BTC đã nhận được số lượng ảnh khá lớn, 2.562 tác phẩm của 366 tác giả thuộc 15 tỉnh trong khu vực gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Tuy nhiên, số lượng ảnh được Hội đồng Giám khảo chấm chọn triển lãm chỉ 199 tác phẩm - con số được cho là quá khiêm tốn.

Tác phẩm “Tuổi thơ mẹ cũng trên lưng bà” của tác giả Chu Việt Bắc (Hà Giang) - Huy chương Bạc.   Nguồn: vapa.org.vn

Năm nay, Tuyên Quang đăng cai tổ chức Liên hoan đúng vào dịp tỉnh nhà có nhiều sự kiện văn hóa lớn như Chương trình phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016. Đây là cơ hội để mảnh đất xứ Tuyên giàu truyền thống cách mạng thu hút lượng lớn khách du lịch, khán giả đến thăm thú, khám phá; thuận lợi để bộ ảnh nghệ thuật chất lượng của Liên hoan được quảng bá, đến gần với đông đảo công chúng. Nhận được sự ủng hộ từ phía UBND, HĐND tỉnh, song vì trùng nhiều sự kiện nên khâu tổ chức, chuẩn bị cơ sở vật chất của đơn vị chủ nhà cũng có những hạn chế nhất định. Không gian Bảo tàng Tuyên Quang khá rộng, song nơi triển lãm thì hoàn toàn ngoài trời, chỉ cần nắng lên hoặc mưa xuống thì chuyện “dãi nắng dầm mưa” để thưởng lãm là điều bất khả thi, hoặc giả có xem cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Không gian diễn ra Lễ Khai mạc, nơi tổ chức Hội thảo chuyên môn sau đó chưa thực sự làm hài lòng người tham dự bởi sự chật chội, thiếu thốn… Nhưng trên hết, sự sôi nổi ở một sân chơi chuyên chở các giá trị nghệ thuật đời sống không vì thế mà giảm nhiệt. Những hạn chế về cơ chế quản lý, kinh phí hoạt động… của Hội VHNT Tuyên Quang, âu cũng là khó khăn chung của các Hội VHNT địa phương khác.

Bám sát chủ đề “Thiên nhiên - Con người miền núi phía Bắc”, ở các thể loại nhiếp ảnh như phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật…, 199 tác phẩm được chọn trưng bày đã giới thiệu đến công chúng những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực. Phản ánh những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới…

Sau 4 vòng chấm chọn, các thành viên Hội đồng Giám khảo đã nhất trí thông qua bộ giải gồm 02 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc, 06 Huy chương Đồng và 08 giải Khuyến khích. Tuy nhiên với yêu cầu xem xét kỹ lại các nội dung trong thể lệ, Ban Tổ chức (BTC) đã phải loại bỏ 1 Huy chương Vàng đối với tác phẩm “Ấm no ở vùng cao” của tác giả Vũ Chiến (Yên Bái) do lạm dụng kỹ thuật xử lý chắp ghép bằng hình ảnh, vi phạm thể lệ cuộc thi.

Tại Hội thảo chuyên môn sau khi diễn ra khai mạc, các nghệ sĩ, người chơi ảnh đã có dịp trao đổi, thảo luận, bày tỏ chính kiến xoay quanh chất lượng tác phẩm trong Liên hoan. Tại đây, đại diện Hội đồng Giám khảo đã thẳng thắn thừa nhận sai sót khi không dũng cảm loại bỏ những hạt sạn đáng tiếc, dẫn đến việc phải tước một Huy chương Vàng vào phút cuối. Sự việc đã khiến dư luận giới nhiếp ảnh khu vực xôn xao với nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Tuy nhiên, vẫn phải khách quan thừa nhận sự thành công của Liên hoan khi đã chọn lọc ra một bộ ảnh về thiên nhiên, đất nước, con người được thể hiện đa dạng, bám sát đề tài, hơi thở cuộc sống, phát huy được thế mạnh, sắc màu văn hóa dân tộc. Về khía cạnh chuyên môn, các tác phẩm bắt đầu có tầm chuyên nghiệp, nghệ sĩ dần quan tâm đến nội dung, bố cục và ánh sáng… nhiều hơn.

Đoạt Huy chương Vàng là tác phẩm “Hái chè bằng máy” của tác giả Vũ Mạnh Hải (Sơn La). Nét nổi bật của tác phẩm nằm ở nội dung, thể hiện một góc nhìn chân thực, đậm hơi thở cuộc sống, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương, về nét đổi mới của miền núi đó là công nghiệp hóa khâu thu hoạch chè; đường nét hài hòa, bố cục, ánh sáng hợp lý. Tuy vậy, giới chuyên môn cũng cho rằng giá trị tác phẩm chưa cao bởi khoảnh khắc ấy có thể chụp lại bất kỳ lúc nào.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Tý, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết: So với các kỳ liên hoan trước, năm nay chất lượng tác phẩm ổn định và có phần vượt trội hơn, khả năng sáng tạo của các tác giả được thể hiện rõ nét ở những góc nhìn, sử dụng ánh sáng, bố cục… khá chuyên nghiệp. Tuy vậy vẫn còn những hạn chế lớn, đó là công tác hậu kỳ hoàn thiện một tác phẩm còn sơ sài, dễ dãi trong việc sử dụng ánh sáng. Nhiều tác phẩm chấm trên máy tính rất đẹp nhưng khi in ra thì thất vọng, thừa hoặc thiếu sáng, bố cục khi quá chặt, khi lại quá lỏng lẻo…. Năm nay, Ban Giám khảo (BGK) gặp không ít áp lực khi chấm chọn vì phải loại bỏ một số lượng lớn tác phẩm chụp về chè, ruộng bậc thang, chân dung, nghề truyền thống… do không có cách thể hiện mới; nhiều tác phẩm, tác giả sáng tác rất cảm tính, đa phần chỉ mang tính phản ánh, ghi chép hình ảnh mà thiếu chiều sâu nội dung. Thêm nữa, có nhiều tác phẩm trùng lặp về nội dung, hình thức thể hiện giống các kỳ liên hoan trước, có ảnh đã triển lãm khu vực năm trước nay cắt bớt chi tiết và tiếp tục gửi đến…

Hội thảo diễn ra hết sức “gay cấn” khi có nhiều ý kiến trái chiều từ phía các nghệ sĩ và người chơi ảnh. Đây là lần thứ 2 Liên hoan nhận tác phẩm bằng hình thức gửi File kỹ thuật số, đó là một bước tiến lớn nhằm giảm chi phí in ấn cho các tác giả, đồng thời là cách làm khoa học giảm bớt sự rườm rà trong khâu tiếp nhận, chuyển gửi ảnh cho các Hội VHNT địa phương; việc chấm chọn ảnh thực hiện bằng hình thức online cũng tiết kiệm thời gian cho BGK… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vì sức ép chấm chọn ảnh trong thời gian ngắn, nên dù chấm ảnh online là vô tư, sòng phẳng, song đó cũng là hạn chế khi người chấm chỉ xem lướt, chưa kịp cảm nhận thấu đáo nội dung đã loại bỏ; các giám khảo tuy giỏi nghề, song chưa thể sâu sát, am hiểu về văn hóa các vùng miền nên việc lựa chọn ảnh còn cảm quan; có những tác phẩm không đạt được kiến thức nhiếp ảnh cơ bản như lấy nét, chắp ghép lộ liễu, hoặc trùng lặp về nội dung, ý tưởng vẫn được chọn treo. Mặt khác, với tên gọi Liên hoan thì yếu tố phong trào vẫn là chủ yếu, nhưng số lượng ảnh chọn triển lãm ít như vậy là thiệt thòi cho giới nhiếp ảnh…

Vấn đề nổi cộm được các nghệ sĩ quan tâm bàn luận nhiều nhất có lẽ là việc bức ảnh đoạt Huy chương Vàng bị loại vì vi phạm nội quy. Hiện nay, trong quy định về hình thức - quy cách tác phẩm tham gia Liên hoan, thì “chấp nhận các tác phẩm được xử lý bởi các thủ pháp kỹ thuật, nhưng không được chắp ghép làm sai lệch hiện thực”. Có ý kiến cho rằng nội dung này cần được Hội NSNA Việt Nam xem xét lại kỹ càng hơn, bởi việc sai hay đúng hiện thực dường như vẫn chỉ là những đánh giá cảm quan của mỗi cá nhân, người chụp hoàn toàn có thể bảo vệ cho tác phẩm của họ trước cáo buộc “sai lệch hiện thực” của Hội đồng Giám khảo. Nếu theo yêu cầu là phản ánh trung thực, khách quan hiện thực cuộc sống, đồng thời nâng cao năng lực sáng tạo của nghệ sĩ, thì tốt nhất nên quy định rõ là “không được  chắp ghép”.

Trao đổi cởi mở và thẳng thắn, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam bày tỏ: Liên hoan là sân chơi rộng mở cho những người đam mê nhiếp ảnh chuyên và không chuyên. Để hướng đến nền nhiếp ảnh hiện đại, một bộ môn nghệ thuật phản ánh hiện thực hơi thở cuộc sống, thì cần cố gắng hạn chế tối đa những tiểu xảo trong nhiếp ảnh. Không thể triển lãm nhiều, vui là chính mà cần quan tâm đến những quy định của Nhà nước về hoạt động văn hóa nghệ thuật, dù là phong trào thì cũng không được nghiệp dư hóa. Nếu dễ dãi nghiệp dư sẽ khiến sân chơi thú vị này trở thành cái chợ. Sắp tới, Hội NSNA Việt Nam sẽ họp Ban Chấp hành để bàn thảo lại về các quy định của liên hoan, trong đó có việc sử dụng thủ pháp kỹ thuật, không chắp ghép trong tác phẩm nhiếp ảnh.

Nói về số lượng tác phẩm triển lãm, NSNA Vũ Quốc Khánh cũng bày tỏ trăn trở: Phải nhìn nhận khách quan rằng Hội đồng Giám khảo không phải là thợ chấm ảnh, việc chia sẻ cảm xúc nghệ thuật của mỗi cá nhân khác nhau, vì thế nếu có sự chênh lệch cũng là điều dễ hiểu. Vì Liên hoan vẫn mang tính phong trào nên việc chọn tác phẩm phải cân đối trên tiêu chí các tỉnh, tạo sự đồng đều, công bằng. Nếu trộn đều để chấm thì sẽ xảy ra tình trạng có tỉnh không có ảnh treo, hoặc có nhưng rất ít, vô tình thu hẹp sân chơi đầy tính sáng tạo, bổ ích này. Mặt khác, việc chọn treo tác phẩm triển lãm cũng phụ thuộc nhiều yếu tố của địa phương đăng cai về cơ sở vật chất như địa điểm, giá treo, kinh phí…

Khu vực miền núi phía Bắc từ trước đến nay luôn được đánh giá là “vùng đất vàng” của nhiếp ảnh, Liên hoan năm nay, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang là các đơn vị khá mạnh. Riêng tỉnh Thái Nguyên cao nhất có 318 tác phẩm của 44 tác giả, được chọn triển lãm 15 tác phẩm. Trong đó, tác phẩm “Trong kho liệu” của tác giả Vũ Kim Khoa đoạt Huy chương Bạc, tác phẩm “Vấp ngã trên đường đua” của tác giả Phan Quốc Bảo đoạt Huy chương Đồng; và Thái Nguyên giành giải Đồng đội. Tuy vậy, xét về góc độ chuyên môn, thì bộ ảnh dự thi của Thái Nguyên năm nay lại yếu hơn so với tiềm năng vốn có của vùng đất này. Nhiều tác phẩm chụp về chè, công nghiệp gang thép, chân dung thiếu nữ… bị loại vì không có sự đột phá mới.

Có thành công và cả những tranh cãi gay gắt, song dường như một “chặng đua” mới của Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lại đã bắt đầu sôi nóng ngay khi lễ khai mạc vừa kết thúc. Và hành trình khám phá cuộc sống với những tư duy mới, lạ luôn là điều quyết định sức hấp dẫn của nghệ thuật nhiếp ảnh. Chúng ta sẽ chờ đợi một Liên hoan mới với những bất ngờ mới trong năm 2017.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy