Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:48 (GMT +7)

Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 15, năm 2015: Đổi mới là cần thiết

VNTN - 173 bức ảnh được chọn treo triển lãm không phải là con số ấn tượng trong một cuộc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực 15 tỉnh, nhưng đó là những tác phẩm chất lượng, được đánh giá kỹ lưỡng, hàm chứa giá trị nghệ thuật cao. Và một điều đáng nói là, sau kỳ Liên hoan này, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có thêm nhiều định hướng đổi mới trong nhiều khâu của hoạt động nhiếp ảnh.


Thành công của vùng đất “vàng”…

Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 15, năm 2015 được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng ngày 10/11 vừa qua là ngày hội thường niên, một sân chơi thú vị dành cho những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Với chủ đề “Đất nước và con người miền núi phía Bắc hôm nay” và chủ đề chuyên biệt “Những dòng sông quê hương”, Ban Tổ chức đã nhận được 2.290 ảnh của 320 nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên đến từ 15 tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc, gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lai Châu.

Là một trong 8 khu vực trên cả nước tổ chức Liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật hàng năm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, miền núi phía Bắc được đánh giá là vùng đất "vàng", nơi có con người, cuộc sống sinh hoạt phong phú, đa dạng mang nhiều chất liệu ảnh để nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh có thể sáng tác thành công những tác phẩm ảnh nghệ thuật độc đáo. Bằng tài năng và sự đam mê nghệ thuật của những người yêu nhiếp ảnh trong khu vực, bức tranh hiện thực cuộc sống được ghi chép dưới ống kính, phản ánh vẻ đẹp đất nước, thiên nhiên hùng vĩ của các tỉnh miền núi phía Bắc; con người trong lao động sản xuất, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc; những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Nhìn chung, các tác phẩm tham gia liên hoan đã bám sát chủ đề, có nhiều tác phẩm nội dung tốt, hình thức thể hiện phong phú sinh động. Tuy nhiên, số lượng 173 ảnh được chọn trưng bày triển lãm có phần “khiêm tốn” so với dự kiến ban đầu của Ban Tổ chức là từ 200 đến 250 ảnh. Năm nay bộ giải thưởng được trao gồm: 2 Huy chương Vàng (các tác phẩm "Thác mây" của tác giả Nguyễn Thiện Hùng (Lào Cai) và tác phẩm "Tuần tra biên giới" của tác giả Hoàng Dương (Vĩnh Phúc)); 4 Huy chương Bạc (các tác phẩm: "Nhịp điệu công trình" của tác giả Đinh Văn Cường (Vĩnh Phúc), "Vui chơi bên bức tường tuổi thơ" của tác giả Nguyễn Hữu Thông (Bắc Giang), "Hạnh phúc" của tác giả Đinh Văn Tưởng (Lạng Sơn), "Bản hợp xướng núi rừng" của tác giả Lê Bác Đạt (Yên Bái)) cùng 6 Huy chương Đồng và 6 giải Khuyến khích.

Tác phẩm “Thác Mây” của tác giả Nguyễn Thiện Hùng (Lào Cai) - Huy chương Vàng.

Có lẽ ấn tượng của Liên hoan năm nay không phải là số ảnh được chọn triển lãm, mà là sự hấp dẫn của những bức ảnh đẹp hàm chứa giá trị nghệ thuật cao, từ những phong tục, nếp sinh hoạt của đồng bào vùng núi, những bức họa thiên nhiên sơn thủy hữu tình; các lễ hội nổi tiếng, những làng nghề truyền thống, tình cảm con người mộc mạc, hồn nhiên… Tác phẩm “Thác Mây” của tác giả Nguyễn Thiện Hùng (Lào Cai) xuất sắc giành Huy chương Vàng, đã thể hiện nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ miền Tây Bắc trong một khoảnh khắc trời đất có sự giao hòa; là vẻ đẹp quyến rũ của ruộng bậc thang - nét đặc trưng vùng núi Việt Nam, ảo diệu mềm mại trong làn sương núi bồng bềnh tựa một thác mây; đường điện cao thế như thổi luồng gió của cái “mới”, để bức ảnh dù không có sự xuất hiện của con người nhưng lại thấy rõ sự sống… Hay tác phẩm “Vui chơi bên bức tường tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Hữu Thông (Bắc Giang), mang đến một cái nhìn trong trẻo, đáng yêu về trẻ nhỏ vùng cao với niềm vui giản dị, mộc mạc, toát lên sự hồn nhiên, nhí nhảnh, nhưng đằng sau trò vui kia là một góc nhìn khác, về sự khó khăn, thiếu thốn của những đứa trẻ lớn lên ở núi cao…

Chủ đề ảnh chuyên biệt "Những dòng sông quê hương" là một nét mới của Liên hoan năm nay. Nhưng vì năm đầu thử nghiệm thêm đề tài phụ, BTC chỉ nhận được 124 tác phẩm gửi dự thi. Điều đáng tiếc là nhiều tác giả đã không đọc kỹ thể lệ, nên có nhiều ảnh về dòng sông rất đẹp lại không gửi vào chuyên đề này mà gửi tự do. Ở chủ đề này có 2 giải thưởng được trao gồm: Huy chương Đồng - tác phẩm "Dòng sông hiền hòa" của tác giả Dương Trường Sơn (Lạng Sơn) và giải Khuyến khích là tác phẩm "Nho Quế nặng phù sa" của tác giả Vũ Kim Khoa (Thái Nguyên).

Riêng về tỉnh Thái Nguyên, chúng ta được đánh giá là đơn vị luôn luôn dẫn đầu trong các kỳ liên hoan ảnh. Cùng với các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Phú Thọ…, tỉnh ta có đội ngũ nghệ sĩ và người chơi ảnh đông nên năm nào cũng nổi trội, có số lượng tác phẩm gửi tham gia nhiều. Năm nay Thái Nguyên gửi 296 ảnh của 40 tác giả, được chọn treo 14 ảnh, trong đó có 2 ảnh nằm trong bộ giải gồm: Huy chương Đồng (tác phẩm “Nắng Thu xứ trà” của tác giả Đồng Đăng) và “Nho Quế nặng phù sa” của tác giả Vũ Kim Khoa, giải Khuyến khích chủ đề chuyên biệt "Những dòng sông quê hương". Song có một điều đáng tiếc là Thái Nguyên có một tác giả vi phạm quy chế, buộc BTC liên hoan phải loại hết ảnh ra khỏi cuộc thi, đáng tiếc hơn là trong số ảnh bị loại đó có 2 ảnh đạt giải Khuyến khích và một ảnh chọn treo. So với kỳ liên hoan 2014, con số mà chúng ta đạt được năm nay không thực ấn tượng, “vụ mùa” này của nhiếp ảnh Thái Nguyên, niềm vui vì thế mà vơi phần trọn vẹn.

Và những định hướng đổi mới

Đánh giá về chất lượng Liên hoan, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Bùi Hỏa Tiễn, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “So với mặt bằng chung của cả nước thì số lượng ảnh và người chơi ảnh khu vực miền núi phía Bắc đông nhất, phong trào khá mạnh, chất lượng ảnh qua nhiều năm nay cũng có sự tiến bộ nhưng chưa có sự vượt nhanh so với các đơn vị khác. Điều này do yếu tố khách quan và chủ quan, giữa các tỉnh với nhau còn có sự chênh lệch rõ rệt, phong trào không đồng đều, có những tỉnh rất quan tâm nhưng lực lượng còn mỏng… Năm nay ảnh có sự trùng lặp nhiều về ý tưởng, chất lượng xử lý kỹ thuật còn kém. Mặt khác, tư duy sáng tác lối mòn, ít có ảnh sáng tạo mới”.

Chủ tịch Hội NSNAVN Vũ Quốc Khánh và lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng trao giải cho các tác giả đoạt Huy chương Vàng - Ảnh: Anh Tú

So với các kỳ Liên hoan trước, tiêu chí về nội dung cũng không có gì thay đổi. Cũng theo lời Phó Chủ tịch Hội NSNAVN Bùi Hỏa Tiễn thì “khu vực gồm 15 tỉnh, trải rộng khắp cả miền núi phía Bắc, cho nên việc thay đổi, chọn một chủ đề, một nội dung chuyên biệt mang tính riêng là rất khó, vì tỉnh này có điều kiện sáng tác, tỉnh kia thì không”. Tuy vậy, bắt đầu nhiệm kỳ VIII của Hội NSNAVN, Liên hoan ảnh khu vực sẽ có những đổi mới quan trọng. Hàng năm bên cạnh chủ đề lớn sẽ có một đề tài mang tính chuyên biệt được bổ sung, nhằm từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của các cuộc thi ảnh. Về hình thức tổ chức, Hội NSNAVN cũng đưa phương pháp chấm chọn mới bằng Kỹ thuật số online ở vòng chọn dự treo triển lãm và chấm ảnh giấy vòng giải thưởng để hoàn thiện hơn công tác thẩm định ảnh, đồng thời hỗ trợ, giảm chi phí cho nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh tham dự giải.

Cuộc hội thảo ngắn sau lễ khai mạc và trao giải thưởng của Liên hoan đã được Hội NSNAVN tổ chức, nhằm tạo diễn đàn để các nghệ sĩ, các tác giả trao đổi thông tin, bàn luận về các định hướng mới của Hội trong tương lai. Vấn đề được Chủ tịch Hội NSNAVN Vũ Quốc Khánh nêu ra, đó là việc từ nhiều năm nay chúng ta vẫn giữ cách chấm chọn có tính chất "liên hoan" có lẽ đang cản trở sự thi đua, nỗ lực sáng tác một cách nghiêm túc của nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh. Hội NSNAVN chủ trương trong thời gian tới sẽ có sự đổi mới một cách căn bản liên hoan trở thành một cuộc thi ảnh thật sự bắt đầu từ năm 2017. Về hình thức chấm ảnh, sẽ tiến tới việc “trộn đều” ảnh giữa các tỉnh để chấm chọn chứ không chấm riêng biệt từng tỉnh như hiện nay; bắt đầu từ 2016, các tác giả sẽ gửi ảnh bằng file kỹ thuật số, việc chấm chọn cũng được công bố công khai, phổ quát hơn đến tất cả các nghệ sĩ qua mạng internet. Hội NSNAVN kỳ vọng, bước thay đổi này nếu được ủng hộ sẽ là cú hích cho việc phấn đấu sáng tác tốt hơn trong những năm tới, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động nhiếp ảnh của Hội. Làm thế nào để các nghệ sĩ đi sâu, đi sát vào cuộc sống, sản phẩm phải có được đời sống trong lòng công chúng… là điều mà tất cả những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh cần định hướng cho mình một cách nghiêm túc.

Dẫu còn đôi chỗ mà các nghệ sĩ và công chúng thấy Liên hoan chưa thực ổn, như việc chọn không gian trưng bày ảnh trước sảnh Trung tâm Văn hóa chưa hợp lý; thời tiết không ủng hộ vì mưa, song đơn vị chủ nhà Cao Bằng trong lần đầu tiên đăng cai đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện cơ sở cần thiết, điều đó đáng để chúng ta ghi nhận và chia sẻ. Việc cần quan tâm là sự đổi mới trong sáng tạo các sản phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật, hay hình thức tổ chức…, bởi Liên hoan qua nhiều năm nay đã dần khẳng định tính hấp dẫn và cần thiết của nền nhiếp ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc nói riêng, của Việt Nam nói chung. Và để thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật của công chúng về một liên hoan ảnh khu vực ngày càng hấp dẫn, thú vị thì sự nỗ lực phấn đấu trong sáng tác của nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh 15 tỉnh phía Bắc cần phải “xốc tới” nhiều hơn nữa.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy