Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XIX: lại chuyện… nghèo và mòn!
VNTN - Sau nhiều năm theo đuổi và khai thác những vẻ đẹp của “Thiên nhiên - Con người miền núi phía Bắc”, Liên hoan năm nay chủ đề được thu hẹp trong “Nét đẹp du lịch Khu vực miền núi phía Bắc”. Sự dịch chuyển với hi vọng làm mới sân chơi nhiếp ảnh trước tình trạng bão hòa, “nghèo” và “mòn” nhiều năm qua, nhưng dường như kết quả đã không như mong đợi.
Đây là lần thứ hai liên tiếp, tỉnh Yên Bái đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này. Lễ khai mạc diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh ngày 04/07 vừa qua trong tiết trời không mấy ủng hộ do ảnh hưởng bão, song khâu tổ chức của đơn vị chủ nhà được đánh giá khá tốt. Do điều kiện thời tiết kèm những bất cập trong việc bảo quản tác phẩm nhiều ngày, nên dù rất muốn trưng bày sang trọng, bắt mắt hơn, Ban Tổ chức cũng đành phải chấp nhận một lần nữa triển lãm tại không gian sảnh Trung tâm Hội nghị - địa điểm có phần chật chội, ánh sáng chưa thực sự đảm bảo phục vụ thưởng lãm tác phẩm.
Tác phẩm “Tình không biên giới” của tác giả Ngọc Như Hải
(Thái Nguyên) đoạt giải Khuyến khích
Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 19 được phát động từ tháng 4/2019, nhận tác phẩm đến hết ngày 15/5/2019. Đã có 2.041 tác phẩm của 289 tác giả thuộc 15 tỉnh, thành phố trong khu vực gửi tham dự gồm: Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Số lượng ảnh và người dự thi ít hơn so với năm trước (2.256 tác phẩm của 349 tác giả, chọn triển lãm 210 ảnh), số tác phẩm chọn triển lãm cũng khiêm tốn chỉ 184 bức.
Bám sát chủ đề “Nét đẹp du lịch Khu vực miền núi phía Bắc”, bằng các thể loại nhiếp ảnh như phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật…, các tác giả đã thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước - con người, những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, các loại hình du lịch, di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, văn hóa truyền thống… của đồng bào dân tộc; những thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch của các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc. Áp dụng hình thức gửi - nhận tác phẩm bằng công nghệ kỹ thuật số và chấm giải thông qua hệ thống trang web lienhoananhkhuvuc.vn, đây là năm thứ 4 Ban Giám khảo sử dụng phần mềm chấm ảnh online chuyên dụng. Bộ giải được thông qua gồm 02 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc, 06 Huy chương Đồng, 08 giải Khuyến khích và 3 giải Đồng đội. Nếu như kỳ liên hoan trước cả 2 Huy chương Vàng đều thuộc về Yên Bái, thì năm nay cú đúp đó một lần nữa lặp lại đối với tỉnh Tuyên Quang. Đây được cho là một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử nền nhiếp ảnh của tỉnh này, khi cùng lúc đoạt 2 Huy chương Vàng cho các tác phẩm “Bên khung cửi Pà Thẻn” (Lê Hồng Đức) và “Quyết đấu” (Nguyễn Mạnh Cường), cùng 2 Huy chương Đồng và 1 giải Khuyến khích.
“Bên khung cửi Pà Thẻn” thu vào ống kính đặt hất từ dưới lên hình ảnh những người phụ nữ quấn quýt bên khung cửi truyền thống. Phụ nữ Pà Thẻn vốn khéo léo, không chỉ biết dệt mà còn giỏi may vá thêu thùa, trang phục của người Pà Thẻn đỏ rực màu cờ tạo nên nét đặc trưng riêng có. Góc máy và bố cục không mới, nhưng Lê Hồng Đức thành công ở chuyện kể sau khung cửi. Một công cụ dệt vải đơn giản, thô sơ chỉ đủ cho một người ngồi đưa thoi, song bên cạnh có mẹ, có em, có con như cũng đang cùng góp sức. Những tà váy tạo nên đường hút, sợi lanh giăng đều như tấm mành thưa đưa mắt người xem chạm đến bốn khuôn mặt cười rạng rỡ, niềm vui hiển lộ sau khung cửi là sự kết nối, gắn bó tình cảm thế hệ. Bên khung cửi, những người phụ nữ trao truyền cho nhau tinh túy nghề dệt, sẻ chia những vui buồn cuộc sống thường ngày, dạy dỗ, bảo ban nhau phần lễ nghĩa làm người… Còn tác phẩm “Quyết đấu” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường, đã ghi lại khoảnh khắc ở sân chơi chọi dê thu hút đông đảo người dân và cả du khách trong lễ hội Lồng Tông, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Bức ảnh nổi bật không gian, bối cảnh miền núi; những chiếc điện thoại thông minh tua tủa giơ lên ghi lại diễn biến trong sân đấu được hiểu như là một nét giao thoa văn hóa, miền núi sắp theo kịp miền xuôi. Tác phẩm nhận phản hồi không mấy tích cực, nếu không muốn nói là thất vọng từ phía người thưởng lãm. Có ý kiến cho rằng, xét về tổng thể từ bố cục, khoảnh khắc, ánh sáng, nội dung… đều không tạo được dấu ấn với người xem.
Tác phẩm “Quyết đấu” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường (Tuyên Quang) đoạt Huy chương Vàng
NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ghi nhận, Liên hoan có sự tiến bộ về nghiệp vụ, không còn nhiều khoảng cách về chất lượng sáng tác ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ và nhà nhiếp ảnh trong khu vực; song cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế tồn tại như: vẫn còn sự lặp lại hình ảnh đã được công bố của những năm trước; chưa đầu tư chiều sâu cho những ý tưởng sáng tạo mới; xử lý hậu kỳ chưa tinh tế; tác giả còn vi phạm quy định trong thể lệ (gửi ảnh đã được công bố…). Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã gửi đi một đề nghị mà ông cho rằng mang tính “đột phá” đến các Hội VHNT, nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh trong khu vực. Đó là việc tổ chức Liên hoan lần thứ 20 (năm 2020), khâu chấm chọn ảnh triển lãm và giải thưởng sẽ dựa trên một mặt bằng chất lượng chung của khu vực, không chấm chọn ảnh vòng treo triển lãm theo từng tỉnh như hiện nay. Cách làm này nhằm từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp hoạt động nhiếp ảnh của Hội NSNA Việt Nam và thống nhất cách thức tổ chức thẩm định ảnh ở 8 khu vực trên toàn quốc.
“Tôi yêu Việt Nam No2” của Vũ Mạnh Cường (Phú Thọ) đoạt Huy chương Bạc
Liên hoan năm nay, chủ đề “Nét đẹp du lịch Khu vực miền núi phía Bắc” mặc dù đề tài đa dạng, phong phú nội dung, nhưng để sáng tạo, biểu đạt trong ảnh nghệ thuật thì lại không hề dễ dàng. Mối bận tâm của đông đảo các nghệ sĩ là về chất lượng bộ ảnh chọn treo triển lãm. Thẳng thắn mà nói, nhiều tác phẩm dường như chỉ mới dừng ở mức độ phản ánh, ghi chép là chính. Xem kỹ bộ ảnh và không khó để chọn lọc những bức ảnh kiểu “thấy gì chụp nấy”, chỉ cần nội dung ảnh là lễ hội, là di sản văn hóa, di tích lịch sử, tập quán, đời sống dân tộc… Rồi chuyện tác phẩm chẳng liên quan gì đến chủ đề, có ảnh lại hao hao về cả nội dung, bố cục, thậm chí giống cả nhân vật trong tác phẩm đã triển lãm một, vài năm trước… khiến nhiều nghệ sĩ không khỏi hụt hẫng.
Những phản ứng trái chiều của các nghệ sĩ, người chơi ảnh đã đặt ra một số vấn đề đáng lưu tâm đối với Hội NSNA Việt Nam. Cụ thể là việc Hội nên chăng cần thiết kế một kho lưu trữ các tác phẩm đã được triển lãm, trao giải trong một khoảng thời gian nhất định, để đội ngũ giám khảo khi được mời chấm ảnh có thể xem lại? Việc xem lại tuy tốn kém thời gian của giám khảo, quy trình chấm chọn ảnh sẽ dài hơn, song sẽ phần nào giảm bớt sự “lệch pha” của những người “cầm cân nảy mực”. Kế đó là việc đã mấy năm nay Hội NSNA Việt Nam không còn tổ chức hội thảo chuyên môn trong mỗi kỳ liên hoan ảnh. Điều này đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ mất đi một kênh để có thể nhận - gửi thông tin, trao đổi, chia sẻ, lên tiếng phản biện… Diễn đàn chuyên môn công khai minh bạch, dù “nóng” đến đâu, tiếng nói đồng thuận hay trái chiều, thì việc Hội NSNA Việt Nam lắng nghe, trao đổi với các nghệ sĩ là cần thiết. Thiển nghĩ, ở lĩnh vực nào cũng có những ồn ào, mâu thuẫn, nhưng theo quy luật thì khi mâu thuẫn được đẩy đến cao trào sẽ nảy sinh những cách giải quyết thỏa đáng mà thôi.
So với năm 2018 (dự thi 304 tác phẩm của 43 tác giả; 20 tác phẩm của 16 tác giả được chọn triển lãm; thành tích đạt được gồm 1 Huy chương Đồng, 1 giải Khuyến khích), năm nay tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ phong độ là tỉnh có nhiều tác phẩm, tác giả đăng ký tham gia nhất với 272 tác phẩm của 35 tác giả. Có 16 tác phẩm của 9 tác giả được chọn triển lãm, trong đó tác phẩm “Tình không biên giới” của tác giả Ngọc Như Hải đã đoạt giải Khuyến khích. Có thể thấy, thành tích đạt được của các nghệ sĩ, người chơi ảnh Thái Nguyên đang ngày càng ít dần đi ở sân chơi này. Sự thiếu vắng bóng dáng của người trẻ phần nào phản ánh tình trạng sụt giảm sức hút của phong trào nhiếp ảnh tỉnh nhà. Điều đáng nghĩ nhất là, trong những ảnh được chọn triển lãm, nếu chiếu theo chủ đề Liên hoan thì chúng ta hoàn toàn đuối sức, khá nhiều những nét đẹp du lịch, văn hóa đặc sắc Thái Nguyên không có cơ hội hiện hữu.
Thay đổi chủ đề, kỳ vọng các nghệ sĩ có thể tìm tòi khám phá, khai thác mảng miếng hơn, song dường như căn bệnh trầm kha nghèo và mòn trong tư duy và phương cách sáng tạo của nghệ sĩ vẫn là bài toán khó chưa tìm ra lời giải.
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...