Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
01:52 (GMT +7)

LGBT – “tự nhiên là mình, tự nhiên yêu”

LGBT là tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual) và Người chuyển giới (Transgender).

LGBT thể hiện sự đa dạng của nền văn hóa nhân loại dựa trên thiên hướng tính dục (dị tính, đồng tính, song tính) và bản dạng giới (chuyển giới và không chuyển giới). Trong đó, dị tính là người có tình cảm với người khác giới; đồng tính là người có tình cảm với người cùng giới; song tính là người có tình cảm với cả người cùng giới và khác giới; còn chuyển giới là người có giới tính mong muốn khác với giới tính sinh học của mình. Người chuyển giới không nhất thiết phải là người đã trải qua phẫu thuật chuyển giới mà đơn thuần là họ cảm nhận và mong muốn thể hiện bản thân, cuộc sống của mình như một giới tính khác.

Chuyển giới khác với đồng tính. Chuyển giới liên quan tới việc “nghĩ mình là ai” (cảm nhận về giới tính), còn đồng tính liên quan tới việc “yêu ai” (sự hấp dẫn về tình cảm).

Ở Việt Nam, năm 2013 ước tính có khoảng 1,65 triệu người LGBT độ tuổi 15-59 (theo cách tính “tỷ lệ an toàn” đã được nhiều nhà khoa học thừa nhận với mức 3% dân số).

 

VNTN - Nhiều người chúng ta hẳn còn xa lạ, thiếu hiểu biết về “LGBT”, nhưng lại kỳ thị, thành kiến, đối xử thiếu tôn trọng với cộng đồng này. Đó là những rào cản khiến nhiều người LGBT luôn phải sống trong “bóng tối”, phải che giấu bản thân.

Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi muốn hướng đến một phía khác của câu chuyện - đó là bộ phận những người LGBT dám sống là chính mình, dám lên tiếng bảo vệ cho quyền của bản thân và cộng đồng mình. Đơn giản, vì họ hiểu: LGBT là hoàn toàn tự nhiên, là một phần trong thế giới đa dạng của chúng ta; họ cũng có quyền được sống một cuộc sống bình đẳng như tất cả mọi người.

Vượt qua chính mình

Tự tin nắm tay người yêu trên đường, công khai người yêu trên facebook, diện những bộ đồ, kiểu tóc đúng với bản dạng giới của mình... Đó là những gì mà các nhân vật LGBT - đã “come-out” (công khai) mà chúng tôi có cơ duyên được gặp gỡ, trò chuyện. Nhưng để có được điều đó, họ hầu hết đều phải trải qua những tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.

Hương Giang (đồng tính nữ, 27 tuổi) khiến chúng tôi bị thu hút ngay từ lần đầu gặp gỡ bởi giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy thuyết phục. Không chút ngại ngần, né tránh, Hương Giang trải lòng với chúng tôi. Chị vẫn nghĩ mình giống bao cô gái khác cho đến năm 19 tuổi, mọi thứ bất ngờ thay đổi khi chị nhận ra mình bị thu hút bởi những bạn gái. Cố gắng tìm hiểu kiến thức nhưng chỉ tiếp cận được vài thông tin mập mờ, chủ yếu là tiêu cực khiến Hương Giang càng nghĩ mình khác người. “Mình cảm giác như cả Thái Nguyên chỉ có mỗi mình như vậy. Mình rơi vào trạng thái tinh thần tồi tệ, sẵn sàng phản ứng lại xung quanh bằng những biểu hiện chống đối đầy tiêu cực. Mình không còn nhớ nổi đã bị mẹ đánh bao nhiêu lần vì sự ương bướng và kiểu sống gần như bất cần”, chị tâm sự.

Minh Anh (áo trắng) và người yêu trong một buổi chụp hình Tết.  (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhưng rồi, mọi thứ thay đổi dần khi Hương Giang biết đến có cả một cộng đồng người đồng tính như mình. Qua những thông tin đúng đắn, chị nhận ra mình không hề cô độc. 21 tuổi, Hương Giang đủ dũng khí khẳng định mình là người đồng tính và chẳng có gì phải xấu hổ về nó.

Sinh ra là con gái, nhưng từ bé chỉ thích mặc đồ và cắt tóc con trai; đến tuổi dậy thì luôn nghĩ mình là nam và nhận ra có tình cảm với một bạn nữ, Nguyễn Bằng Giang (chuyển giới nam, 20 tuổi) đã rất hoang mang. Lúc đó, vì chưa có kiến thức về LGBT lại nghe đồn cùng huyện có một trường hợp giống mình phải chịu nhiều điều tiếng không hay, bị mọi người phán xét, Bằng Giang càng sợ hãi. “Mình bị kì thị chính bản thân, kì thị cả cộng đồng của mình. Vì nó gây ra điều tiếng, nó ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của mình”. Dù nhiều lần cố gắng tự nhủ “mình có thể làm con gái”, nhưng anh vẫn không thể làm được. Sau bao lần tự đấu tranh, cuối cùng Bằng Giang cũng chiến thắng chính mình, gạt bỏ được nỗi kì thị bản thân. Anh quyết định cắt tóc và thể hiện sự nam tính trở lại. “Đó là năm lớp 8, mình còn nhớ chính xác cả ngày mình đi cắt tóc, vì đó là mong muốn cháy bỏng của mình!”, Bằng Giang nhớ như in quyết định ngày ấy.

Công khai bản thân

Với những người LGBT, để được sống là mình họ phải vượt qua trách nhiệm với gia đình; định kiến của xã hội - những bức tường thành “kiên cố” mà nghiệt ngã.

Biết bao đêm không ngủ, tự dằn vặt bản thân, bao nhiêu lần định nói với mẹ “bí mật” của mình rồi lại không đành… bởi Hương Giang luôn đau đáu nghĩ đến mẹ. Bố đã mất, giờ mẹ chỉ có mỗi mình chị là điểm tựa duy nhất. Mẹ sẽ ra sao, sẽ sốc thế nào, mẹ có chịu đựng được không khi biết sự thật này? Sau hàng loạt những tự vấn, cuối cùng chị quyết định đưa mẹ đến “Hành trình hiểu về con” (một chương trình dành cho những người LGBT công khai với cha mẹ). “Mẹ mình và những phụ huynh có con công khai hôm đấy đã rất sốc. Mẹ khóc. Họ khóc. Cả hội trường khóc. Nhưng sau hôm đó, mẹ đã thay đổi, chủ động tìm hiểu và tiếp nhận các thông tin về đồng tính. Thậm chí, mẹ còn thường xuyên liên lạc với các phụ huynh như mình để hiểu hơn về các con.”, Hương Giang chia sẻ với ánh mắt đầy hạnh phúc.

Còn với Phạm Minh Anh (đồng tính nam, 21 tuổi), tình yêu lại là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc anh phải “bộc lộ” bản thân. Với suy nghĩ, tình yêu đồng tính cũng giống như mọi tình yêu dị tính khác, có quyền được thể hiện, chứ không phải giấu giếm, che đậy, Minh Anh đã có màn tỏ tình lãng mạn trên đài tưởng niệm thành phố, vào một tối Noel và công khai chia sẻ nó lên facebook. Anh tâm sự: “Bạn bè ủng hộ và chúc mình mạnh mẽ vượt qua khó khăn. Còn về phía gia đình, khi biết mình như vậy, bố đã nghĩ phải đưa mình đi chữa bệnh. Nhưng đồng tính đâu phải là bệnh mà có thể chữa được! Vậy nên, mình chủ động cung cấp kiến thức cho bố mẹ, bởi nếu không có kiến thức, bố mẹ cũng như mọi người sẽ rất khó chấp nhận”. Và giờ, tuy chưa hoàn toàn chấp nhận chuyện tình cảm của Minh Anh, nhưng bố mẹ vẫn tôn trọng quyết định và sự lựa chọn của anh.

Chưa may mắn tìm được sự “bình yên” khi sống là mình như Minh Anh và Hương Giang, em T.L (chuyển giới nam, học sinh cấp 3 trong tỉnh) hiện đang phải đối diện với bạo lực tinh thần từ gia đình và nhà trường. Mang tên một loài hoa đẹp, nhưng cái tên lại không đại diện cho giới tính thật của em. Khao khát được sống đúng bản dạng giới của mình đã khiến T.L quyết định cắt tóc nam và diện đồ con trai. Ngay lập tức, biểu hiện “bất thường” đó vấp phải sự phản ứng gay gắt của bố mẹ. Không chỉ bị đánh, em còn bị bắt nghỉ học ở nhà cho đến khi nào “bình thường” trở lại.

Đến khi được quay lại trường học, em tiếp tục phải gồng mình chống đỡ lại sự “khủng bố” tinh thần ngay tại nơi tưởng như chỉ có tiếng cười và tình yêu thương. Em liên tục bị bạn bè trêu trọc, gọi bằng những từ đầy miệt thị: “đồ vô dụng”, “kẻ ăn tạp”, “biến thái”, “bệnh hoạn”,... Còn thầy cô, hầu hết đều sốc trước sự thay đổi ngoại hình của em. Họ không hiểu tại sao một cô bé hiền lành, ít nói như T.L lại thay đổi với phong cách “quái đản” như thế, và ngầm đánh giá em biến chất, hư hỏng. Dù cho T.L luôn cố gắng học tập tốt, những danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh hay bài nghiên cứu khoa học đạt giải quốc gia cũng chẳng giúp em thay đổi định kiến của thầy cô và bạn bè.

“Mẹ bạn em đe dọa, em là một đứa hư hỏng, nếu bố mẹ em không dạy được sẽ cấm em chơi với bạn ấy… Một cô giáo còn “tố” với mẹ em, chính em làm mất hết danh hiệu, thành tích của thầy chủ nhiệm...”. Dừng lại giây phút như để kiềm chế cảm xúc của mình, T.L tiếp tục đầy nghẹn ngào: “Có lần khách đến nhà, hỏi em là ai, thì bố mẹ lại bảo em là… đứa cháu đến chơi, chứ không nhận em là con... Ấm ức vô cùng nhưng em không thể giãi bày, phân bua được với ai. Thực sự, em chỉ muốn được sống là chính mình! Em đã làm gì sai?” - Đôi mắt buồn rượi của em như xoáy sâu vào tâm can chúng tôi. “Em đã làm gì sai?” - kì thực, chúng tôi cũng rất muốn đặt câu hỏi đó!

Hành động để thay đổi

Mang trong mình khát khao được xã hội hiểu và đồng cảm, những bạn trẻ LGBT tại Thái Nguyên đã tập hợp nhau thành một khối - với tiếng nói nhiệt huyết cùng những kế hoạch bài bản - thông qua dự án NextGen (Chương trình Lãnh đạo trẻ hoạt động vì quyền LGBT, được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE, Tổ chức Oxfam và Trung tâm ICS, với nguồn tài trợ của Ủy ban Châu Âu EC; dự án hiện được triển khai trên 9 tỉnh thành cả nước).

Ngay khi NextGen đến với Thái Nguyên, Hương Giang chính là người tìm hiểu, kết nối các thành viên và trở thành một trong những điều phối viên của nhóm. Chị chia sẻ: “NextGen Thái Nguyên được thành lập ngày 9/9/2015. Nhóm hiện có 15 người, hoạt động tự nguyện, dựa vào thế mạnh của từng người để phân công phụ trách các khâu nội dung, truyền thông, hậu cần, nhân sự...”.

Ngoài hoạt động thường kỳ là các buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các thành viên trong cộng đồng, 2 năm qua, nhóm đã tổ chức được trên dưới 10 chương trình có quy mô lớn, thu hút đông đảo khách tham dự trong và ngoài cộng đồng. “Hành trình hiểu về con” - chương trình có quy mô lớn đầu tiên của nhóm, (như đã nói ở trên, là cơ hội để các bạn LGBT được công khai với gia đình) đã mang lại cảm xúc vỡ òa cho những ai tham dự. 

Hương Giang bộc bạch: “Chương trình đã thực sự thành công. Tuy có lúc cả hội trường cảm xúc chùng xuống đến nghẹn ngào, nhưng hơn hết là sự ủng hộ và đồng hành cùng con của các bậc phụ huynh. Tôi sẵn sàng chấp nhận con tôi là người chuyển giới hay là người đồng tính!; Hãy yêu thương con mình hơn!… - những thông điệp xuất phát từ tình yêu con vô điều kiện đã được truyền đi mạnh mẽ”.

Chiến dịch “Trường học cầu vồng” kết hợp với trường THPT Gang Thép cũng là một trong những hoạt động ghi dấu ấn của nhóm. Lấy tên gọi “Ngày hội bình đẳng giới”, chương trình không chỉ nói về bình đẳng nam nữ mà còn đề cập đến bi kịch của các bạn học sinh LGBT khi phải chịu áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội. “Sau chương trình, một em học sinh LGBT đã tìm gặp chúng mình và tâm sự câu chuyện buồn của em, mong nhận được sự giúp đỡ. Điều đó cho thấy chương trình đã có được những hiệu ứng tích cực” - Hương Giang cảm nhận.

Nói về dự định của nhóm, Hương Giang chia sẻ thêm: “Nhóm vẫn nuôi ý tưởng chạy tiếp chuỗi hoạt  động của dự án Trường học cầu vồng tại các trường cấp 3 và đại học khác. Cùng với đó, chúng mình rất muốn tổ chức những chương trình mà LGBT được hiện diện bên ngoài chứ không chỉ trong một hội trường nhỏ, để mọi người biết LGBT hoàn toàn tồn tại song song với những người dị tính khác”. Không chỉ hoạt động theo tổ chức nhóm, nhiều cá nhân LGBT cũng rất chủ động, sáng tạo trong các kế hoạch của mình. Những điều họ làm được đã có sức lan tỏa, tác động nhất định đến cộng đồng.

Mạnh mẽ đầy tự tin, Bằng Giang (từng là thành viên nhóm Nextgen Thái Nguyên, nay là thành viên của Nextgen Hà Nội) luôn có những đề xuất, ý tưởng đi sâu vào các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Hiểu rằng kiến thức là nền tảng, nếu tình thương thiếu hiểu biết sẽ là tình thương đau khổ, Bằng Giang đã tìm đến các nhà trường chia sẻ kiến thức, tổ chức các talkshow, làm dự án cá nhân về tiếp cận giáo viên .v.v… Gần đây nhất, anh triển khai dự án “Bây giờ hay Bao giờ?” - triển lãm và talkshow về bạo lực học đường đối với cộng đồng LGBT, thực hiện chính tại Hà Nội và Nghệ An. 

Một trong những thông điệp ý nghĩa trong bộ ảnh “Bây giờ hay Bao giờ”? của Nguyễn Bằng Giang.

Bộ ảnh được triển lãm gồm 21 bức ảnh, dàn dựng dựa trên những câu chuyện có thật, phác họa hình ảnh những người LGBT như việc bị bức bối với cơ thể của người chuyển giới, bị trêu chọc với việc thể hiện giới... Đây là cách làm ấn tượng truyền đi thông điệp mạnh mẽ: hành động ngay, xóa bỏ ngay kì thị, vì học đường an toàn!

Ở một góc độ khác, lặng lẽ mà quyết liệt, em T.L đã “lên tiếng” theo cách riêng của mình, khi chọn chính cộng đồng LGBT là đề tài cho bài thi nghiên cứu khoa học liên môn. Kết quả giải Nhì quốc gia cho đề tài chính là sự đáp lời tuyệt vời trước tiếng nói khao khát cháy bỏng của một người trong cuộc, mong muốn mình và cộng đồng mình được thấu hiểu, tôn trọng.

Khó khăn nhiều, nhưng niềm vui cũng lớn. Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh Lê Thiện Hiếu (từng là thành viên Nextgen Thái Nguyên) trong chương trình “Sing my song - Bài hát hay nhất” năm 2016, khi anh xuất hiện đầy ấn tượng, tự tin công khai bản dạng giới của mình (chuyển giới nam), say sưa hát ca khúc “Ông bà anh” do chính mình sáng tác. Câu chuyện của Hiếu là một sự tác động mạnh đến nhận thức của cộng đồng, tuy có phần bất ngờ nhưng đông đảo khán giả cả nước đã dành những tình cảm yêu mến, trân trọng cho chàng trai tài năng và bản lĩnh này. Đây là sự cổ vũ khích lệ lớn đối với cộng đồng LGBT để họ tiếp tục nỗ lực được là chính mình.

                                                                  ***

Mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau khiến những người LGBT luôn phải tìm ra cách làm của mình, dù phải đối mặt với những thách thức tưởng như khó vượt qua, để dần đi đến những thay đổi trong cộng đồng. Mỗi người một tay, mở một cánh cửa, họ đang bằng mọi cách, cố gắng hơn ai hết, để cùng nhau mở ra “ngôi nhà” chung - ở đó người LGBT được là một thành viên thực sự bình đẳng trong xã hội, và, ở đó, họ được “tự nhiên là mình, tự nhiên yêu”!

Bích Hồng - Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục