Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
15:27 (GMT +7)

Lễ mừng thọ

VNTN - Đã cuối năm, ông Tùng nghĩ đến người cha đẻ đã tám mươi tuổi mà thấy bối rối. Khi đưa ra bàn làm lễ mừng thọ cho cụ, các ông bà đều tán thành nhưng chưa biết làm thế nào cho phải vừa được lòng hàng xóm, vừa hợp với ý của cụ, vừa không mang tiếng là cán bộ lãnh đạo tỉnh lợi dụng lợi lộc. Cụ bảo ông:

- Bố bằng này tuổi, cả đời chẳng biết sinh nhật là gì. Phú quý sinh lễ nghĩa. Nay bầy vẽ ra chỉ vất vả cho anh. Tốt nhất cho qua. Bố còn khỏe, để đến 90 tuổi làm cũng được.

Ông cười nhìn bố, bố ông tuy tám mươi nhưng sống lạc quan lắm, vẫn còn muốn đi cày, bắp tay còn săn chắc. Cái quí giá của đời người là sức khỏe, cái diễm phúc của con cháu cũng là vì có người cha, người ông như cụ. Ông Tùng động viên:

- Bố cứ yên tâm, con sẽ tham khảo cách làm của một số bạn bè bố ạ, sẽ trình bố chương trình rồi mới cho mọi người thực hiện.

Ông Tùng đã được đi dự lễ mừng thọ khá nhiều người. Cách làm của nhà cậu Tâm, Phó Chủ tịch huyện N thật là hoành tráng. Sau khi tập trung con cháu tại nhà, tặng quà mừng thọ cụ ông 70 tuổi, có mời đai diện xã, hàng xóm, rồi mời mọi người ra khách sạn tiệc mặn, mỗi mâm nghe nói trên ba triệu đồng, quà mừng gần nửa tỷ. Nhà cô Phú, Trưởng phòng Tài chính thị xã thì quá đơn giản. Cô nhờ Hội người cao tuổi tổ chức là chính. Cả nhà đến nhà văn hóa tặng hoa, tặng quà cụ bà 70 tuổi. Tổ dân phố hát hò, đọc thơ mừng thọ cụ.

Còn với ông tuy có quyền có chức nhưng làm thế nào cho cụ vừa lòng, sống vui vẻ thêm là hạnh phúc.

 *    *    *

Buổi sáng mùa xuân, tiết trời se se lạnh. Đông đủ những người cao tuổi trong thôn đã tập trung cùng họ hàng con cháu. Trước cổng nhà cụ Tính treo tấm biển đỏ rực: Lễ mừng thọ cụ Nguyễn Văn Tính, 80 tuổi. Chiếc xe con chở gia đình ông Tùng tiến vào sân. Sau phần chào hỏi, đáp lễ. Ông Tùng báo cáo chương trình buổi lễ, cụ Tính nghe gật đầu hài lòng.

Đầu tiên là mọi người ra đình làng dâng lễ. Trước hương án, ông Tùng kính cẩn tấu trình:

- Hôm nay, nhân ngày mừng thọ 80 tuổi cụ Nguyễn Văn Tính chúng con kính cẩn dâng lễ lên thành hoàng làng với niềm biết ơn các cụ tổ đã bao đời nay đã xây đắp nên truyền thống tốt đẹp cho làng xã, bồi dưỡng lòng tự tôn cho lớp người chúng con trong đó có họ hàng của cụ Tính.

Ông Tùng quay xuống nói với mọi người:

- Thưa các cụ cùng các con cháu, ngôi đình làng này có cách đây hai trăm năm. Ngôi đình làng ta là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện qua thời kỳ phong kiến, cách mạng và hòa bình xây dựng. Đây chính là một kho tàng bảo tồn các giá trị văn hoá của quê ta. Cho nên cụ tôi luôn ghi lòng tạc dạ ơn đức của bà con, của làng xã... Còn một địa chỉ nữa xin mọi người đi thăm.

Cả đoàn đi bộ ra chiếc cầu đầu làng. Dưới cầu, suối lững lờ chảy. Ông Tùng nói to cho mọi người rõ:

- Qua chiếc cầu này là sang xã bên nhưng chắc ít người biết trước đây ba xã mới có một lớp học. Cụ Tính, bố tôi hàng ngày qua đây đi học và cùng bạn bè tắm ở dòng suối này. Cũng tại cầu này thời chống Pháp chứng kiến bao cuộc càn quét của giặc. Một số du kích bị địch đưa đến đây tra tấn và ném xác xuống suối. Hàng năm vào ngày ấy, một số bà con lại đến đặt hoa ở chân cầu tưởng nhớ sự hy sinh đó. Bố tôi và gia đình cũng không bao giờ quên những sự kiện đó…

Từ cầu đoàn dạo trên con đường làng mới trải nhựa, về tới nhà là lúc Hội Người cao tuổi, con cháu chúc mừng thọ cụ Tính. Bản nhạc “Về quê” êm đềm, tha thiết như như gợi những kỷ niệm thân quen của mỗi người với nơi chôn rau cắt rốn.

Bữa cơm vừa chay, vừa mặn do Hội Người cao tuổi và gia đình chiêu đãi mọi người và con cháu tạo nên không khí đầm ấm chân tình.

Lễ mừng thọ cụ Tính ở làng tôi như vậy đó. Được dự và chứng kiến tôi không bao giờ quên. Buổi lễ tuy không có cờ giong trống mở nhưng nó như một lời tri ân với quê hương.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước