Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:27 (GMT +7)

Lấp lánh ánh chiều

VNTN - Tôi muốn giới thiệu tới độc giả một tác phẩm nhiếp ảnh đã cũ. Nhưng trong văn hóa của thị giác, cũng giống như trong văn hóa đọc, có những tác phẩm luôn thách thức với thời gian. Sở dĩ nó tồn tại, bởi nó đã luôn mang đến cho người xem thêm một điều thú vị, mới lạ…

Thoạt nhìn, “Lấp lánh ánh chiều” là một hình ảnh mà ta có thể thấy được ở bất cứ đâu trong vùng châu thổ sông Hồng. Nhóm người phụ nữ lội ruộng trở về khi mặt trời đã xế bóng, ánh sáng lấp lóa của mặt trời chìm dưới ruộng như tôn vinh những dáng vẻ duyên dáng, phấn chấn của các cô gái thôn quê.

Một lần tôi tò mò hỏi NSNA Trần Quang Thông (Hải Dương) về hành trình của bức ảnh, thì tác giả của nó chỉ trả lời vắn tắt: Năm 1987, ông gửi bức ảnh duy nhất đi tham dự Cuộc thi Ảnh toàn quốc lần thứ 14 với chủ đề: “Con người và lao động” và thật bất ngờ, nó lại đoạt Huy chương Vàng. Ông ngại ngùng khi nói về nó, giống như người cha thấy con mình đoạt thành tích xuất sắc trong học tập mà vẫn kiệm lời, e rằng thiên hạ sẽ nghĩ rằng mình khoe khoang…

Ở những năm 80 của thế kỉ trước, một phần do chỉ được sở hữu những trang bị có chất lượng còn hạn chế, nên số nhà nhiếp ảnh dám quay thẳng ống kính về hướng mặt trời để ghi hình như Trần Quang Thông là không nhiều. Qua tác phẩm, người xem hình dung được tính kiên nhẫn của người nghệ sĩ: hẳn ông đã phải ôm máy đợi rất lâu trên bờ đất, chờ nhóm thợ cấy cắm đến dẻ mạ cuối cùng xuống mặt ruộng, để biết được khi cấy xong thì mặt trời hạ thấp vừa tầm soi bóng nắng xuống nước, như để tôn vinh thành quả lao động của con người… Căn tính được thế, thì ông đã phải hiểu rất rõ công việc của nhà nông. Và khi nhìn mấy cô thợ cấy ngẩng cao đầu bước trên ruộng nước, người xem như còn cảm nhận rằng ông đang chuyện trò, đùa vui, rất thân tình với họ…

Song những thứ trên, hẳn vẫn chưa biến bức ảnh ghi chép thành tác phẩm nghệ thuật! Người thợ cấy cuối cùng khom mình lưu lại trên mặt ruộng, đã tạo nên linh hồn cho bức ảnh. Một người trên hành trình về với chồng con, mà vẫn “ham công, tiếc việc” như cô gái nọ, đã lột tả hết bản chất của tinh thần cần cù chịu khó của người nông dân Việt Nam. Một hành vi tưởng như vô tình, nhưng lại bao hàm tính đại diện rất cao. Hội đồng nghệ thuật của triển lãm khi đó, hẳn đã không bỏ qua cái “tứ” ấy trong bức ảnh. Về mặt bố cục, thì người “tham việc” kia, cũng đã tạo thêm cái “động” cho khuôn hình. Khi phóng ảnh, tác giả đã khéo léo che chắn cho phần tiền cảnh đậm hơn, tạo nên giai điệu đậm nhạt và sự vững chắc cho tác phẩm.

Năm tháng trôi đi, nhiều cái bóng bẩy lướt qua mà vẫn không để lại gì cho trí nhớ… Tôi chỉ xin chúc mừng lão nghệ sĩ Trần Quang Thông đã có một tác phẩm nhiếp ảnh khiến người xem thấy thú vị, ghi nhận và nhớ lâu.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy