Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
21:24 (GMT +7)

Lập hồ sơ bảo tồn làn điệu hát Ví của người Tày huyện Định Hóa

VNTN- Ngày 30/10/2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các nghệ nhân Câu lạc bộ hát dân ca huyện Định Hóa tiến hành sưu tầm, phục dựng, bảo tồn làn điệu hát Ví của người Tày trên địa bàn huyện Định Hóa.

Hát ví trên rừng cọ, đồi chè của dân tộc Tày huyện Định Hóa

Làn điệu hát ví của người Tày Định Hóa là một di sản văn hóa. Qua quá trình lịch sử, người Tày huyện Định Hóa vẫn còn gìn giữ bảo tồn được đã khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân nơi đây, góp phần làm phong phú thêm kho tàng vốn văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống.

Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy làn điệu hát Ví của người Tày huyện Định Hóa thể hiện trên nhiều chủ đề: về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, thể hiện những khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Địa bàn các xã còn tập trung nhiều nghệ nhân hát Ví gồm: Bình Yên, Thanh Định, Phú Đình, Định Biên, Phúc Chu, Bảo Cường...

Đặc biệt, Câu lạc bộ hát Dân ca xã Định Biên là một Trung tâm tiêu biểu - nơi thu hút 30 người tham gia hát Ví, đủ các thế hệ, già nhất gần 80 tuổi, trẻ nhất 20 tuổi. Câu lạc bộ do ông Hoàng Luận làm Chủ nhiệm. Ông là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,  Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và là Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong tặng đợt đầu của tỉnh. Ông cũng đang truyền dạy cho cháu gái của mình là Hoàng Thị Hoài hát các bài dân ca trong đó có hát Ví.

Một buổi tập Hát ví của Câu lạc bộ hát Dân ca xã Định Biên huyện Định Hoá

 Hiện Câu lạc bộ có nhiều người tham gia hát dân ca điêu luyện như: ông Hoàng Luận, chị Nguyễn Hồng Nước, anh Trịnh Minh Hợi, anh Triệu Đình Lợi, ông Ma Thịnh Đặng (78 tuổi); lớp trẻ tiềm năng cũng tham gia như hai cha con anh Hoàng Quốc Tính (50 tuổi) và con Hoàng Thu Phương (19 tuổi), hai vợ chồng anh Hoàng Văn Hiếu, chị Phùng Thị Tấm…

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Luận và chị Nguyễn Hồng Nước thể hiện điệu hát Ví nam - nữ.

Đối với lớp học hát Ví vẫn duy trì được 20 học viên cả già lẫn trẻ thu hút từ các xã như: Định Biên, Thanh Định, Bảo Cường, Quy Kỳ, Phúc Chu… Hiện nay tập thể Câu lạc bộ các nghệ nhân đã sưu tầm được khoảng 120 bài hát Ví lời cổ, 200 bài hát Ví lời mới.

Trên cơ sở tiếp nối Dự án “Bảo tồn, phục dựng làn điệu hát Ví của người Tày huyện Định Hóa”, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy