Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:39 (GMT +7)

Lập hồ sơ bảo tồn chữ Nôm của người Dao tỉnh Thái Nguyên

VNTN- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với các các cơ quan chức năng huyện Đồng Hỷ tiến hành khảo sát, sưu tầm tư liệu ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ (nơi đang có lớp truyền dạy chữ Nôm của người Dao) để lập hồ sơ bảo tồn chữ Nôm của người Dao trên địa bàn tỉnh.

Một buổi học chữ Nôm Dao tại nhà ông Triệu Văn Thuận xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ

Cộng đồng người Dao ở Thái Nguyên có trên 25.000 người, phân bổ tập trung ở các huyện: Đồng Hỷ, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, TX. Phổ Yên và rải rác ở một số địa phương khác.

Tiếng nói, chữ viết của người dân tộc Dao Lô Gang huyện Đồng Hỷ là một di sản văn hóa. Qua quá trình lịch sử, người Dao Lô Gang huyện Đồng Hỷ vẫn còn gìn giữ bảo tồn được, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc đã có từ lâu đời, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương.

Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy, đây là một trong những địa phương còn bảo tồn, lưu giữ được tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao. Xã Hợp Tiến có trên 70% là người dân tộc Dao. Người dân vẫn có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy nhiều di sản văn hoá phi vật thể quý giá, trong đó có tiếng nói, chữ Nôm Dao được quan tâm, chú trọng. Xã có 9 xóm thì 7 xóm đều có  người tham gia lớp học chữ Nôm Dao.

Ông Triệu Văn Thuận, dân tộc Dao Lô Gang đang ở xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến huyện Đồng Hỷ là người được ông cha truyền nghề làm thầy trong cộng đồng dân tộc Dao ở địa phương.  

Lớp học được ông Thuận duy trì trong vòng từ khoảng 3 năm trở lại đây, mở được 3 lớp học, truyền dạy cho gần 70 người theo học. Lớp học chủ yếu vào buổi tối và các ngày thứ 2, 4, 6, Chủ nhật trong tuần. Lớp chuyên sâu học vào các ngày thứ 3, 5, 7 trong tuần. Mỗi lớp có gần 20 người tham gia, đủ các thế hệ, cao tuổi nhất là 53, trẻ nhất là 19.

Ông Triệu Văn Thuận người Dao Lô Gang ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đang dạy chữ Nôm Dao cho các học viên ở địa phương

Ông Thuận cũng tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp trong cộng đồng người Dao Việt Nam. Ông biên soạn một số cuốn sách để dạy chữ Nôm Dao, trong đó có sách hướng dẫn để làm thày, sách nói về lễ cấp sắc, làm lễ theo phong tục, tập quán của dân tộc Dao Lô Gang ở địa phương.

Nội dung sách dạy chữ Nôm Dao phản ánh nhiều khía cạnh trong đời sống. Mục đích dạy chữ là nhằm giáo dục con người biết kế thừa và phát huy vốn di sản văn hoá của cha ông. Việc mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao của ông Thuận góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao từ ngàn xưa truyền lại.

Cháu Triệu Quý Khôi (11 tuổi) tham gia học chữ Nôm Dao

Hiện Lớp học truyền dạy chữ Nôm Dao có nhiều người ở các xóm trong xã Hợp Tiến tham gia học tập như: ông Triệu Tiến Dầu (53 tuổi) ở xóm Mỏ Sắt, chị Bàn Thị Tiệp (19 tuổi) ở xóm Đồn Trình, anh Bàn Tài Quý (32 tuổi) ở xóm Cao Phong, anh Triều Văn Tài (36 tuổi) ở xóm Đèo Bụt, anh Dương Tiến Trinh (27 tuổi) ở xóm Bãi Bông, chị Triệu Thị Thoa (46 tuổi) ở xóm Suối Khách…

Trên cơ sở việc làm, mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao – một di sản văn hoá về tiếng nói, chữ viết của người Dao ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Bảo tồn, truyền dạy chữ Nôm Dao của người Dao tỉnh Thái Nguyên là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Nguyễn Đình Hưng

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy