Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
08:32 (GMT +7)

Lão Thôn “du Phây”

VNTN - Thế là lão Thôn trở thành người nổi tiếng. Người xóm Đình bây giờ nể phục lão. Cánh thanh niên thì luôn miệng bảo, lão Thôn là “Năm-bờ-oăn” của xóm.

Lão bắt đầu nổi tiếng từ lần đi tắm biển. Lần ấy, lão đã làm được nhiều việc tốt, trong đó có việc tìm được mối tiêu thụ chè cho bà con. Bây giờ người xóm Đình không còn phải lo chuyện làm ra chè mà không biết bán cho ai nữa. Cuộc sống của họ, nhờ vậy mà khá hơn. Người xóm Đình biết ơn lão Thôn và xem lão như vị anh hùng của mình. Nhưng nếu chỉ như vậy, thì lão mới là người nổi tiếng ở cấp xóm. Sự thực thì lão Thôn đã là người nổi tiếng ở cấp xã.

Lão có được cái ngôi vị ấy, từ sau lần trúng giải nhất cuộc thi “Tin học với người cao tuổi”, do xã tổ chức. Bây giờ ở cái xã nửa đồng nửa núi này, có ai mà không biết lão? Thế nên ở những nơi đông người, khi ai đó khơi mào nói về lão, thì ngay lập tức mỗi người góp một chuyện, cuối cùng thì người ta dựng nên một lão Thôn tuổi cao mà vẫn “trẻ”, lắm tài và tốt bụng… Mới sáng nay thôi, ở xóm Gò, đã có một cuộc chuyện trò sôi nổi về lão như thế. Mở đầu, một ông cùng trạc tuổi lão Thôn, nói:

- Chiều qua tôi thấy lão Thôn đá bóng với cánh thanh niên. Xem lão tranh bóng với bọn trẻ, mà mình thèm…

Một bà U60 tiếp luôn:

- Lão Thôn thế mà nhộn đáo để. Hôm họp Hội Người cao tuổi, lão có bài thơ, tên là “Quĩ đen”, đọc trong hội nghị. Tôi còn nhớ mấy câu thế này:

Phen này ta lập “quĩ đen”

Tiêu chi khỏi phải xin tiền vợ con.

Còn trời, còn nước, còn non,

Còn xin tiền vợ, mình còn… “quặp râu”.

Hôm ấy cả cuộc họp không ai nhịn được cười. Lão giải thích, “quĩ đen” là quĩ thoát ly sự kiểm soát của cơ quan tài chính. Ở nhà lão thì cơ quan tài chính là vợ lão. Cái quĩ “đen” mà lão định lập, sẽ ngoài tầm kiểm soát của bà. Lão bảo, với quĩ này, lão sẽ được tự do chi tiêu, mà không phải ngửa tay xin tiền vợ. Hơn nữa, tiêu xong không phải quyết toán đến từng đồng. Lão tán rằng, sợ vợ thì giấu kín trong lòng, chứ để lộ ra râu, người ta cười cho…

Một cậu thanh niên cười, nói rằng:

- Chuyện ấy nghe vui vui, nhưng thường thôi. Chuyện lão Thôn du “phây” mới là “siêu”.

Một ông hỏi:

- “Phây” là cái gì?

Cậu thanh niên cười lớn:

- Đấy nhá! Trong khi các bố còn chưa biết “phây” là gì, thì lão Thôn ngày nào cũng dạo trên đó cả tiếng đồng hồ. Bạn trên “phây” của lão có tới mấy chục; già có, trẻ có, gái có, trai có. Có nhiều cô xinh như hoa hậu. Họ là nhà văn, nhà báo; là học sinh, sinh viên... Cũng có người chỉ là nội trợ. Nói chung, họ là những “cư dân mạng”, mà lão chưa gặp mặt bao giờ…

Một ông khác bảo:

- Ừ thì chúng tao lạc hậu, nhưng mày chưa nói “phây” là gì?

Cậu thanh niên cười khì:

- Con đâu dám nói các bố lạc hậu. Nhưng các bố thử nghĩ xem. Trong khi các bố còn tơ lơ mơ về in - tơ - nét, thì lão Thôn đã biết sử dụng nó một cách có ích và thành thạo. Thế có phải là lão ấy “siêu” không? Còn nữa, riêng việc lão ấy đoạt giải nhất cuộc thi tin học ở xã, cũng đáng để mọi người phục lão rồi. Vâng, bây giờ con xin trả lời câu hỏi của các bố. “Phây” là…

*

Bài thi “Tin học với người cao tuổi” ở xã, có 3 nội dung, là: “Soạn thảo một thư chúc mừng năm mới trên máy tính và sao chép một bài trên một tờ báo mạng bất kỳ ra trong ngày. Gửi cả hai “tệp” trên tới Email của Ban tổ chức cuộc thi, là…”. Lão Thôn làm xong bài chỉ trong vòng nửa tiếng. Thấy lão ra sớm, nhiều người tưởng lão bỏ cuộc. Không ngờ, khi công bố kết quả, lão đoạt giải nhất, thì mọi người đã từ bất ngờ chuyển sang nể phục lão.

Thật ra, người ta đã bất ngờ ngay từ khi lão gửi đăng ký dự thi kia. Xã này có trên 1.000 người cao tuổi, nhưng chỉ có 10 người dự thi, trong đó có lão. Trong 10 người nói trên, thì 9 người là nhà văn, nhà báo hoặc là giám đốc hay viên chức về hưu. Với những người này, thì tin học là chuyện hằng ngày của họ. Còn lão Thôn thì ít ai biết lão đã sử dụng máy tính và truy cập Internet từ khi nào. Thế nên thấy lão đăng ký dự thi, có người không nói ra miệng, nhưng trong lòng thì ngờ là lão nhầm. Hôm tổng kết cuộc thi, một ông lãnh đạo xã lên trao giải đã phát biểu rằng, qua việc lão Thôn trúng giải tin học, cho thấy, ngày nay công nghệ thông tin, không còn là mảnh đất riêng của số ít người như ta vẫn tưởng…

Về phần mình, lão Thôn cũng rất bất ngờ. Lão đăng ký thi là vì phong trào, chứ đâu dám nghĩ đến giải. Lão biết rõ cái vốn liếng tin học của mình hãy còn ít ỏi, chưa thể mang đi thi thố được. Nhưng xã đã tổ chức, thì mình thi cho vui, cũng là dịp học tập thêm. Nay được giải, dĩ nhiên là lão vui. Nhưng có một người còn vui hơn. Ấy là vợ lão. Lão Thôn nhớ lại ngày đầu mình đến với máy tính cũng ngại lắm. Lão nghĩ, mình là nông dân, tuổi đã cao, lại ít học, mà tiếp xúc với máy tính và Internet, e người ta cười cho. Không nói chi xa, chỉ nhìn vợ lão cũng rõ. Đã mấy lần, hễ lão mở máy, là bà bĩu môi, lườm nguýt, rồi buông lời giễu cợt: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai…”. Tuy lão không để bụng thái độ coi thường lão của bà, nhưng lão cũng đã định bỏ cuộc. Cũng may được con rể động viên:

- Bố à, tin học là thành tựu của nhân loại, sao mình lại ngại nó? Con nói thật nhá, những người phản đối in - tơ - nét, lại thường là người chưa tiếp cận nó bao giờ.

Lần khác anh nói:

- Dùng in - tơ - nét rất lợi, bố ạ. Trước đây, phải nhân chuyến đi biển, bố mới tìm được mối tiêu thụ chè cho bà con. Bây giờ qua in  tơ - nét, ngồi nhà bố vẫn có thể tìm được khách. Chẳng phải như vậy sẽ tốt hơn sao?

Nghe nói đến tiêu thụ chè là ông sướng, nhưng ông chưa hiểu ý con rể, nên hỏi:

- Anh nói sao? Ngồi nhà, mà tìm được khách mua chè à?

Chàng rể cười vui:

- Vâng! Thế này bố ạ. Nếu bố lập tài khoản cá nhân trên mạng, ở đó bố viết, chẳng hạn: Chè xóm Đình vừa ngon, vừa bổ. Sáng sáng dậy, uống một chén trà xóm Đình, đảm bảo già trẻ lại, gái đắt chồng, đàn ông thêm mạnh mẽ… Ai cần, xin hỏi… Chỉ cần thế là sẽ có nhiều người tìm đến bố. Nếu trước đây, bằng cách đi trực tiếp chào hàng, bố chỉ gặp được mấy người, thì nay qua in -  tơ - nét, bố sẽ “gặp” cả trăm, cả nghìn người. Như vậy cách nào tốt hơn?

Dù chưa hiểu hết điều con nói, nhưng lão rất hứng thú. Phải đến khi ngồi trước máy tính, lão mới thấy chuyện không đơn giản. Trước hết lão phải đeo cặp kính lão vào, rồi dò từng ký tự trên bàn phím mà mổ cò. Chưa hết, còn bao nhiêu phím chức năng, bao nhiêu “cửa sổ”, bao nhiêu “lệnh” nữa, toàn tiếng Anh, khiến lão rối tinh rối mù cả lên. Đã thế, đôi tay lão quen với súng đạn, cày, cuốc đã cứng như thép, bây giờ cầm “chuột” thì lóng ngóng, không điều khiển được mũi tên theo ý định. Được cái, khi có quyết tâm, thì lòng kiên nhẫn của lão trở nên vô địch. Nhờ vậy mà chỉ sau một tháng, lão đã biết sử dụng máy tính và truy cập được Internet. Từ đấy ngày nào lão cũng dành thời gian để lướt “oép”. Lão đọc báo và trở thành người thạo tin. Mỗi khi đọc được điều gì hay, ví như về kỹ thuật chăm sóc chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, lão phổ biến ngay cho mọi người. Từ ngày Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây dựng trái phép tại các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày nào bà con trong xóm cũng đến hỏi lão tin tức về chủ quyền biển đảo. Nhiều người còn gợi ý lão mở máy để họ trông thấy bằng hình ảnh. Lão thao tác một loáng, những đảo bị lấn chiếm hiện ra. Sau những phút phẫn nộ với hành vi lấn chiếm trái phép của Trung Quốc, bà con lại khen lão giỏi.

Riêng vợ lão thì không còn lườm, nguýt lão nữa, mà chỉ cười. Điều đó có nghĩa là, bà ấy đã tin vào lão. Thế nên khi xã mở cuộc thi tin học, lão hỏi vợ: Ý bà thế nào? Bà bảo, thì ông cứ mang chuông đi đấm nước người một phen xem sao. Biết đâu…”. Bà không nói hết câu, nhưng lão đoán được ý bà là tin chồng bà có thể trúng giải.

*

 Người xóm Đình chỉ biết lão Thôn thạo internet, chứ không ai biết lão đang có một bí mật trên đó. Theo lão, chuyện này hệ trọng nên phải giữ kín. Thế nhưng ở đời, khi người ta có điều gì đang giấu trong lòng, thì nó sẽ lộ ra trên nét mặt. Biết thế, một cậu thanh niên đã tỉ tê thế nào, mà lão kể ra hết bí mật này.

Chuyện bắt đầu từ gợi ý của anh con rể:

- Bố thạo truy cập Internet rồi thì nên lập một tài khoản trên mạng xã hội, ví như phây -búc, để giao lưu với bạn bè.

Lão bảo:

- Bố già rồi, còn giao lưu với ai nữa mà lập tài khoản?

Con rể bảo:

- Bố ạ, chơi “phây” đang là một nhu cầu của xã hội. Nó cũng giống như một thứ mốt trong thời công nghệ số, một thứ chứng chỉ cho những ai muốn được coi là “cư dân mạng” đấy. Ngày nay, từ học sinh, sinh viên, viên chức đến các học giả, nhà quản lý có tên tuổi cho đến doanh nhân, hầu như ai cũng có tài khoản trên “phây”. Ngay cả các bà nội trợ, cũng lập cho mình tài khoản trên đó. Ngoài giao lưu, họ còn có những hoạt động khác, nhỏ như rao vặt, lớn như những cuộc bắt tay làm ăn. Nói tóm lại, “phây” được sử dụng rất đa dạng…

Nghe lời con rể, lão lập cái “ních”, tên là laothonxomdinh trên “phây”. Thật ra lão cũng chỉ định vào đó để đọc những gì người khác viết. Lão già rồi, không định viết gì cả. Lần vào đầu tiên, lão thấy một cô gái trẻ, xinh đẹp, viết: “Ối giời ôi, buồn ngủ quá!”. Một cô khác xinh như hoa hậu, lại viết: “Nhớ người ấy quá! Không biết bây giờ anh ở đâu?”. Lão đóng máy, không xem nữa. Lão tự hỏi, sao con gái bây giờ lạ thế nhỉ? Buồn ngủ cũng hô toáng lên, nhớ bạn tình cũng công khai với mọi người. Lão nghĩ, nếu phải con gái lão, lão sẽ gọi nó đến, nói rằng thế là vô duyên. Mà con gái vô duyên, thì dở lắm. Lần khác lão lại vào “phây” xem tiếp. Lần này thấy hai cậu thanh niên chửi nhau. Mà chửi tục, chửi thô, chẳng có chút văn hóa nào. Lão nghĩ, tưởng vào “phây” thế nào, chứ vào chỉ để xem họ kêu than hoặc chửi nhau, thì vào làm gì? Thế là lão chán “phây”. Chàng rể biết chuyện, lại bảo:

- Là bố chưa mở rộng giao lưu thôi. Nhiều người viết đầy trí tuệ và cũng rất văn hóa…

Nghe vậy lão lại tiếp tục vào “phây”. Lần này lão thấy trên trang của mình, nhà mạng giới thiệu: “Những người bạn có thể biết”. Lão lần lượt xem từng người. Chợt lão thấy một khuôn mặt rất quen, tên là Gia Phong. Gia Phong ư? Lão hồi hộp: Có phải đây là người mà mấy chục năm qua lão vừa muốn tìm, lại vừa muốn trốn không? Nhìn ảnh, lão khẳng định chính là nàng. Thời gian trôi đi đã xa, mà những nét xuân xưa vẫn còn lưu lại trên đôi môi và khóe mắt của nàng. Chuyện bất ngờ này khiến lão rất vui. Dù chưa được giáp mặt nàng, nhưng với lão, thế này đã là may mắn lắm rồi. Lão nhấn chuột vào ô mời kết bạn, rồi lim dim đôi mắt, nhớ về thời trai trẻ của mình…

Ngày ấy lão làm phụ nề tại một Đội thuộc Công ty Xây dựng. Gia Phong học trung cấp kỹ thuật xây dựng, được bổ nhiệm làm Đội phó kỹ thuật, theo dõi thi công. Tên đầy đủ của nàng là Nguyễn - Thị - Quyết - Tâm - Giữ - Gìn - Gia - Phong. Đây là tên viết trên các giấy tờ của nàng, còn trong sinh hoạt, thì việc gọi tên nàng lại rất tùy nghi. Có người gọi nàng là Gia Phong, cũng có người chỉ gọi là Phong. Riêng Thôn thì luôn gọi nàng với cái tên đầy đủ. Nàng nhận ra anh phải vất vả lắm mới gọi được tên nàng. Có lần nàng cười ngặt nghẽo rồi nguýt anh một cái:

- Anh có cần phải gọi em với cái tên dài lê thê ấy không?

Thôn chưa kịp nói sao thì nàng bảo:

- Lần sau anh chỉ cần gọi em là Phong thôi, nhá!

Anh ậm ừ, rồi từ đấy anh chỉ gọi nàng là Phong.

Dù sao thì với người gọi, còn có thể rút gọn, chứ người làm nhân sự hoặc người làm bảng lương, thì buộc phải viết đầy đủ cả họ tên của nàng. Người ta than phiền vì phải để cột “họ và tên” thật rộng. Khổ nỗi, viết vừa tên nàng, thì tên mọi người sẽ thừa giấy, vừa xấu, vừa lãng phí.

Thật ra chính nàng cũng gặp phiền phức bởi cái tên của mình. Ví như nàng thường phải tiếp những cuộc trò chuyện không mấy thú vị thế này:

- Sao tên cô lại giống một khẩu hiệu thế?

- Em không biết. Đây là do các cụ, chứ em có tự đặt tên cho mình được đâu!

- Có phải các cụ đặt tên cô như vậy, để nhắc nhở con mình giữ gìn gia phong, gia kỷ không?

- Em cũng không biết, nhưng các cụ nhà em rèn con thì khiếp lắm. Lúc nào các cụ cũng nhắc, là con gái thì phải nết na dịu dàng và ý tứ; không được đứng ở cửa ra vào khi trong nhà có người; đi đứng thì phải nhẹ nhàng, không được xồng xộc qua lại mặt người khác; không được ngồi gác chân chữ “ngũ” nơi đông người; không được hóng hớt với người bề trên v.v… Thôi thì trăm thứ phải giữ gìn…

- Vậy là cái tên này làm khó cho cô rồi…

- Khó gì cơ?

- Khó nhiều thứ. Chẳng hạn, người ta có thể đàn đúm, nói cười hô hố ngoài đường như nơi không người. Cô có dám làm vậy không? Rồi người ta mặc áo trễ cổ, quần cộc diễu phố, để khoe ngực, khoe chân. Cô có dám làm vậy không?

Nàng cười:

- Cái ấy thì em chả tiếc.

- Còn nữa, người ta sẵn sàng “tạm ứng” trước hôn nhân. Cô có dám không?

Nàng nhăn mặt:

- Cái anh này chuyện với trò! Xin lỗi, em có việc bận, không tiếp anh được nữa đâu.

Khổ nỗi, cô tránh được một người, chứ tránh sao được nhiều người. Những cuộc chuyện trò kiểu như thế vẫn cứ diễn ra. Tránh chẳng được, thì phải chịu trận. Nàng đành lấy câu nói của người xưa, làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta nói đùa, để an ủi mình.

Thật ra, ở cái Đội xây dựng này, người ta đều biết rõ gia cảnh của Phong. Mẹ cô là người dịu dàng và đoan trang bậc nhất ở xóm Đầm Xanh. Đồn rằng cha cô đã dầy công chọn trong cả nghìn nhà giáo nữ, mới được người như bà. Còn ông, vốn là người nổi tiếng, làm việc ở một cơ quan danh tiếng. Ông thường nói rằng, muốn xã hội giữ được thuần phong, mỹ tục, thì trong từng gia đình phải có gia giáo. Ông phê phán gay gắt những người, hễ mở miệng là chê xã hội thế này, thế nọ, nhưng khi con mình sống lối lai căng, chẳng ra Tây, chẳng ra ta, thì lại làm ngơ. Người ta bảo, một gia đình có bố mẹ như thế, thì cô phải giữ gìn gia phong, gia kỷ là điều dễ hiểu.

Đội Xây dựng của anh ngày ấy có gần trăm người, chỉ có mấy người là con gái, nên người ta ví các cô như những đóa hoa trong vườn xuân, mà Phong là đóa hoa đặc biệt. Nàng xinh đẹp, hồn nhiên lại gần gũi mọi người, nên nhiều chàng trai trong và ngoài Công ty rất thích nàng. Tuy vậy, người ta cũng tự thấy cái khoảng cách vô hình giữa anh thợ xây với cô cán bộ kỹ thuật là không nhỏ. Thế nên nhiều người chỉ thầm mơ, trộm ước, chứ chưa ai dám bộc lộ lòng mình với nàng. Thôn cũng vậy. Anh thích nàng, nhưng lại chưa một lần gần gũi, trò chuyện với nàng. Đã thế, anh còn mắc “tội” nhát gái, nên nhiều khi chỉ biết liếc nhìn nàng từ xa. Cũng có đôi lần anh bắt gặp nàng nhìn mình. Những lúc ấy, anh thấy trong lòng rạo rực, mặt nóng bừng bừng, nhưng lại vội quay đi nơi khác.

Có người bảo rằng, ở đời những anh nhát gái sẽ có nguy cơ ế vợ. Bởi vì, con gái yêu bằng tai, mà anh nhát gái thì không biết làm sao cho cái tai con gái được vui, nên họ không thích. Thế nhưng với Thôn thì lại khác. Có vẻ như chính cái sự nhát gái của anh, lại được Gia Phong chú ý. Anh nhận ra điều đó trong lần được tổ trưởng giao cho đi gặp nàng.

- Cô Phong!

Nghe Thôn gọi, nàng cười:

- Đấy, anh cứ gọi em như thế có hơn không, sao phải trẹo hàm, líu lưỡi mà đọc cả cái tên dài lê thê làm gì?

Đoạn nàng hỏi:

- Anh gặp em có việc gì à?

- Tổ trưởng tôi mời cô đến để thống nhất về việc dựng cốp pha ở cái sảnh…

- Vâng, anh cứ về công trình trước. Lát em đến.

Anh đi được mấy bước, nàng gọi giật lại:

- Anh Thôn!

Anh quay lại, nàng bảo:

- Áo anh rụng mấy cái cúc rồi kìa. Trưa nay để áo đây, em giặt rồi đơm lại cúc cho…

Anh rưng rưng cảm động trước sự quan tâm của nàng. Thật ra, việc giặt và đơm lại mấy cái cúc áo, anh vẫn tự làm. Nhưng trước sự quan tâm của nàng, thì anh đón nhận. Hôm sau đến nhận áo, nàng bảo:

- Chiều nay em lấy cơm của anh về đây, chúng ta cùng ăn, nhá…

Được nàng gợi ý ăn cơm cùng, anh vui lắm. Vẫn là cơm ai nấy ăn, nhưng được ngồi ăn cùng với nàng, là đặc biệt rồi. Cái sự đặc biệt ấy khiến anh sướng vui, cảm động, pha chút hãnh diện của kẻ được người con gái mà nhiều người ngưỡng mộ chăm sóc. Sau bữa cơm chiều ấy, nàng lại bảo, từ mai trở đi, bữa bữa em lấy cơm anh về đây, chúng mình ăn với nhau. Trong những bữa ăn, nàng luôn có những cử chỉ ân cần, khi thì gắp thức ăn cho anh, khi thì đơm cho anh bát cơm đầy. Vào lúc lương thực, thực phẩm phải phân phối theo định lượng, thì sự chăm sóc của nàng về miếng ăn cho anh là rất có ý nghĩa. Có lần trong bữa ăn, nàng nhìn anh say đắm, rồi thủ thỉ: Anh Thôn lấy vợ đi, để chị ấy chăm sóc cho… Anh lúng túng, chưa biết trả lời sao. Thật ra ngày ấy anh chưa hiểu nhiều về tình yêu và con gái. Anh không biết được rằng, khi người con gái hết lòng chăm sóc anh, luôn nhìn anh say đắm, rồi hay gợi chuyện về yêu đương, về vợ chồng, đấy là dấu hiệu của tình yêu. Vào lúc ấy, nếu anh có lời tỏ tình, hơn thế, anh trao cho nàng một nụ hôn, chắc là nàng không từ chối. Nhưng anh đã không biết mà bỏ qua cơ hội đó. Anh đã trả lời nàng rằng, chả ai lấy anh phu hồ đâu! Nàng nhìn anh, cười: Thế là anh chưa hiểu con gái rồi. Chúng em lấy người làm chồng, chứ có phải lấy nghề làm chồng đâu…

Một lần, vào ngày chủ nhật, Phong rủ anh đi thị xã chơi. Ngày ấy cuộc chiến tranh phá hoại của người Mỹ trên toàn miền Bắc đang ác liệt. Hai người đang dạo bộ trên phố, thì có báo động. Phong phát hiện ở gần đó có một hố cá nhân, liền kéo anh tới, cùng nhảy xuống. Chiếc hố tròn như cái giếng, đường kính chừng 1m và chỉ sâu đến ngực. Lúc máy bay còn xa, hai người vẫn đứng đối diện chuyện trò. Khi máy bay ào đến, Phong ngồi xuống trước, còn anh thì không ngồi được nữa, đành phải đứng, hở từ ngực trở lên trên miệng hố. Ba chiếc máy bay ào đến thả bom, tiếng nổ rung chuyển cả mặt đất, rồi chúng bay đi. Sự việc nói thì dài, nhưng xẩy ra không đến một phút. Phong hốt hoảng đứng lên, giọng hổn hển:

- May quá! Nếu gặp bom “phạt” nổ gần, thì phần người anh trên miệng hố đã bay đi rồi!

Nàng trấn tĩnh, bảo:

- Hố chật, chúng mình phải đứng kiểu úp thìa, thì mới cùng ngồi được…

Nói rồi Phong đứng quay lưng vào anh, bảo:

- Nào, nhân lúc chúng chưa đến, ta ngồi thử…

Làm theo lời Phong thì hai người ngồi vừa gọn dưới đáy hố, có điều tư thế cả hai người đều không thoải mái. Phong lại bảo:

- Hai đầu gối anh kẹp vào hông em, hai tay thì tùy nghi...

Thôn dè dặt làm theo lời Phong. Mỗi động tác của anh, cô lại hô: Thế… thế… Thấy anh vẫn lúng túng không biết đặt tay vào đâu, cô bảo:

- Anh cứ ôm lấy em mà ngồi cho vững.

Nói rồi nàng cầm hai tay anh vòng qua ngực mình, miệng bảo:

- Anh cứ vô tư. Đừng ngại…

Anh nhận ra hai tay mình bỗng run run. Đây là lần đầu trong đời, đôi tay anh được đặt vào hai cái khối lùm lùm trên ngực cô gái đẹp. Thực lòng, từ ngày lớn lên, đã không ít lần nhìn khuôn ngực căng tròn của các cô gái, mà anh thèm muốn được đặt tay vào đó. Cũng chỉ là sự khao khát mơ hồ, chứ anh có biết cái cảm giác thực nó thế nào đâu. Bạn anh, có đứa cũng chỉ vì cái cảm giác mơ hồ đó, mà có lần tạo cớ đụng chạm vào ngực một cô gái. Cô gái bảo cậu ta suồng sã, rồi cho cái bạt tai. Sướng đâu chả biết, chỉ thấy cậu ta bảo, mình phải kiếm cái mo để đeo mặt. Bây giờ, trong cái hố nhỏ này, chỉ có hai người, Phong đã cầm tay mình đặt vào cái nơi thiêng liêng đó. Vậy mà sao mình lại thấy sợ nhỉ? Anh chưa tự trả lời, thì cái thèm muốn bản năng trong anh thôi thúc: Hãy thử xem. Nàng bảo cứ vô tư mà… Anh ép mạnh đôi tay vào hai cái nấm tròn trên ngực nàng. Nàng không phản đối. Anh ép mạnh thêm chút nữa. Nàng vẫn không phản đối, lại còn khúc khích cười. Thì ra nàng cho phép. Chợt nàng cười lớn:

- Bây giờ mà có ai nhìn xuống hố, thấy chúng mình thế này, họ buồn cười lắm đấy nhỉ...

 Anh chỉ ừ… ừ… đáp lại. Thực ra anh cũng chẳng biết nói gì vào lúc đó. Đây là lần đầu anh ở sát người con gái như thế này. Mùi bồ kết trên tóc nàng, mùi da thịt con gái đương thì, rồi cảm giác từ đôi tay trên ngực nàng, tất cả khiến anh đê mê. Anh im lặng để tận hưởng cái cảm giác lạ đó. Chợt nàng thủ thỉ:

- Anh thấy đấy, ở ngay nơi bom đạn địch hủy diệt, hoa vẫn nở, và ở dưới lòng đất này, nơi mà cái chết đang rình rập, vẫn có tình yêu… Anh có thấy vậy không?

Mãi anh mới nói được mấy lời:

- Đúng thế… Nhưng mà chúng mình thế này, thì cô còn gì là Giữ Gìn Gia Phong nữa chứ?

Anh vừa dứt lời, thì nàng nhảy lên khỏi hố, giận giữ bỏ đi. Phong đi rồi, anh mới thấy mình lỡ lời. Thật tình thì anh định nói một câu gì đó vui vui, phù hợp hoàn cảnh của hai người lúc đó, để cảm ơn cô đã vì anh. Nhưng do anh vụng, mà nói thành như thế. Sự lỡ lời này đã giống như gáo nước, dập tắt ngọn lửa tình mới nhen nhóm giữa hai người. Từ sau chuyện này, Phong tỏ ra lạnh nhạt với anh. Anh lại ăn cơm một mình, tự giặt quần áo và đứng liếc nhìn nàng từ xa như trước...

Vào lúc ấy thì đơn vị có sự biến động. Phong được cử đi học, còn anh thì có lệnh nhập ngũ. Thế là hai người xa nhau. Năm năm ở chiến trường, anh luôn nhớ đến Phong. Càng nhớ đến nàng, anh lại càng tự trách mình. Giá như ngày ấy anh biết nói lời của yêu đương, thì chắc anh đã không mất Phong. Bây giờ anh không chỉ mất nàng, mà còn bị người ta đổi tên mình từ Thôn thành Thộn.

Anh được ra quân sau ngày thống nhất đất nước. Tìm về Công ty cũ thì đơn vị đã chuyển đi xa, rồi anh trở về xóm Đình, trồng chè và lấy vợ. Vợ anh, cũng xinh đẹp và hết lòng chăm sóc chồng, nhưng trong hạnh phúc với vợ, đôi khi anh vẫn nhớ đến Phong. Anh muốn gặp lại nàng để xin tha thứ về lời nói lỡ năm xưa. Nhưng anh cũng rất lo khi gặp nàng, anh lại thêm một lần nữa lỡ lời…

Chuyện trên sẽ mãi mãi là một bí mật, nếu không có cái lần nhà mạng giới thiệu với lão Thôn cái “ních” của nàng…

*

Bây giờ thì ngày nào lão Thôn cũng vào mạng. Lão đang chờ Gia Phong nhận lời kết bạn. Lão nghĩ, dù bây giờ cả hai người đã nên ông nên bà, nhưng chuyện xưa thì lão vẫn cần nói ra cho nhẹ lòng và mong ở nàng một sự cảm thông và tha thứ.

Truyện ngắn. Nguyễn Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước