Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
02:26 (GMT +7)

Lào đã qua đỉnh dịch – mong những ngày bình yên

VNTN - Tính đến ngày 4/6/2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Lào đã giảm mạnh. Tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại đây là 1.952, đã chữa khỏi 1.680 ca, đang điều trị 261 ca, tử vong 3. Số ca nhiễm của người Việt tại Lào hiện tại là 72, đã chữa khỏi 69 ca, đang điều trị 2 ca và có 1 ca tử vong.

Bàng hoàng trước tin dữ

Với tôi, một người con Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Lào không bao giờ quên được sáng 9/5 ấy.

Hôm đó, như mọi ngày, tỉnh dậy là tôi vào mạng. Tôi đã sững sờ khi nhận được rất nhiều tin nhắn và ảnh gửi từ lúc quá nửa đêm thông báo chị Lâm Thị Tuyết (người Thái Nguyên, Việt Nam), nhân viên quán Karaoke Victor ở Na Xay đã tử vong vào lúc 0h30. Đến hơn 8 giờ sáng cùng ngày, tôi lại nhận được 2 bức ảnh hỏa thiêu thi hài của chị. Tôi liền đăng tin kèm 2 ảnh đó lên trang facebook cá nhân của mình. Lập tức mạng xã hội ở Lào “rung chuyển”, vì đây là ca đầu tiên tử vong vì Covid ở nước này. Hàng trăm comment gửi đến chia buồn và có tới 175 lượt chia sẻ, nhiều người còn đề nguồn dẫn: Hiền Đhqg Lào.

Thượng Tọa Thích Minh Quang, trụ trì chùa Phật Tích Viêng Chăn, Lào.

Sự ra đi của chị Tuyết là cú sốc cho tất cả những ai đang sống ở Lào và những người từng quen biết chị. Ai cũng thấy bàng hoàng và xót thương khi chị phải lìa xa cõi tạm nơi đất khách quê người vì SARS-CoV-2, khi không có một người thân nào bên cạnh. Bản thân tôi dù không hề quen biết chị cũng cảm thấy rất đau buồn và càng tiếc thương hơn khi biết chị từng là lớp trưởng K22 Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Tôi nhớ mấy ngày trước khi chị mất, trong “nhóm chat kín” của chúng tôi thường xuyên nhắc tới chị vì bệnh chị trầm trọng hơn, phải đóng bỉm nằm tại chỗ và rất sợ nghe điện thoại. Chị Tuyết vốn có bệnh nền: tiểu đường và viêm gan B nên thể trạng rất yếu, oxy trong máu thấp, không có oxy là không thở được. Chị nói rằng mỗi lần uống thuốc, mồ hôi chị túa ra, từ sốt rất cao thân nhiệt tụt luôn xuống như rơi vào không gian không trọng lượng, nên chị rất sợ uống thuốc. Chị cảm thấy các đầu xương khớp sưng như gut, cơ khắp người đau. Chị bị đau đầu, phù nề hết da đầu và chỉ chải nhẹ đầu cũng buốt lên tận óc. Cơ thể buồn bực, mệt mỏi. Chị nói sợ nhất là lúc sốt, mồ hôi toát ra quần áo và chăn như vừa xối nước. Chị đã rất sợ và tuyệt vọng. Có lúc chị không chịu ăn, không chịu uống thuốc thậm chí còn dứt cả oxy và dây truyền khiến các bác sĩ phải vội vàng cấp cứu. Đến đêm 8/5 (lúc 20 giờ), chị được chuyển xuống phòng điều trị tích cực, trước khi đi chị còn được một bạn F0 người Việt cùng phòng đút cho ăn ít cháo. Vậy mà đến quá nửa đêm mọi người đã nhận được tin dữ.

Sự ra đi của chị Tuyết vì COVID-19 đã trực tiếp tác động khá nhiều đến nhận thức của người dân Lào nói chung, người nước ngoài sống ở Lào nói riêng về sự nguy hiểm đặc biệt của dịch bệnh này. Các bệnh nhân dương tính với Covid có ý thức hơn, hợp tác cùng các bác sĩ chữa trị tốt hơn. Các F1, F2 cũng nghiêm chỉnh tự giác cách ly để tránh làm lây nhiễm dịch bệnh.

 

Cơ quan chức năng Lào hỗ trợ việc phun khử khuẩn phòng chống Covid tại Trường Song ngữ Lào Việt Nam Nguyễn Du (Viêng Chăn)

Tính đến thời điểm hiện tại, các ca lây nhiễm của người Việt hầu hết là ở thủ đô Viêng Chăn, chỉ có 2 ca ở tỉnh Bò Kẹo. Ở Viêng Chăn có mấy địa điểm chính làm lây lan và phát tán dịch bệnh. Đầu tiên là quán Karaoke Victor ở Na Xay, nơi có cô Ti na - bệnh nhân 59 và mấy người bạn của cô vượt biên trái phép từ Thái Lan sang, đến hát ở đó. Điểm thứ 2 là khu nhà trọ 2 tầng phía sau Thạp Luổng, có tới 40 người Việt trọ ở đó và hầu hết họ đã bị lây nhiễm từ người Lào bị Covid ở cùng dãy trọ. Bệnh nhân người Việt có đủ mọi lứa tuổi, bé nhất là em bé 8 tháng tuổi, cao nhất là cụ bà 90 tuổi nhưng thương nhất là một bà mẹ trẻ vừa sinh mổ được 7 ngày đã phải để con lại nhà trọ cho bố cháu để vào viện điều trị trong tình trạng viêm phổi nặng.

Và những câu chuyện làm ấm lòng mọi người

Tính đến 4/6, tại thủ đô Viêng Chăn, bệnh nhân người Việt mắc Covid cuối cùng đã được ra viện và được đưa đến cách ly một tuần tại khách sạn 5 sao ở thủ đô Viêng Chăn, hoàn toàn miễn phí ăn - ở. Hiện tại chỉ còn 2 ca người Việt mắc Covid ở tỉnh Bò Kẹo mà thôi.

Để có được niềm vui chiến thắng bệnh dịch Covid của nước bạn Lào nói chung, và của cộng đồng người Việt ở Lào nói riêng, trước hết là nhờ có sự trợ giúp đắc lực của các chuyên gia bác sĩ được Bộ Y tế Việt Nam cử sang mà Tiến sĩ, Bác sĩ Vương Ánh Dương làm trưởng đoàn. Các bác sĩ trong đoàn đã hết sức tận tụy không kể thời gian sớm hay tối, xuống từng cơ sở tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể, đặc biệt là các bệnh nhân nặng. Lòng nhiệt huyết và sự tận tâm ấy đã được các bác sĩ Lào noi gương và học tập, các bác sĩ Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc Covid ở Lào. Ngoài ra, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Lào, Ban công tác cộng đồng của thành hội người Việt Nam ở Lào cũng thường xuyên quan tâm đến các trường hợp nặng và nhờ y tế hai bên can thiệp, hỗ trợ. Thượng tọa Thích Minh Quang ở chùa phật Tích là Trưởng ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào cũng nhận quyên góp và đi đến từng nơi khó khăn cứu trợ cho người Việt cũng như người Lào. Và một điều đặc biệt cần nêu gương là sự kết hợp đắc lực và hiệu quả trong việc phát hiện và truy vết F1 và F2 của các thành viên hội Việt Lào và Hội Phụ nữ Việt Nam ở Lào. Tiêu biểu ở đây là anh Nguyễn Quốc Đạt và luật sư Nguyễn Thị Thu Huyền.

 

 

Luật sư Nguyễn Thị Thu Huyền.

 

Bà Phêng văn BUTHAVÔNG, Giám đốc Công ty Bất động sản MA DU LUỒI tặng các thiết bị y tế và đồ ăn nhanh cho trường ĐHQG Lào và Bệnh viện Hữu nghị góp phần vào việc phòng chống Covid.

Nguyễn Quốc Đạt là Quản trị viên của 2 trang mạng facebook có số lượng thành viên tham gia rất lớn, là Hội Việt Lào có 79.000 thành viên và Tạp chí Lào Việt có 58.000 thành viên. Công việc của Đạt là phối hợp, dịch lại các thông báo hàng ngày của CDC. Anh là đại diện diễn đàn của người Việt Nam ở Lào. “Hội Việt Lào” đã tích cực truy vết các trường hợp bị nhiễm Covid là người Việt Nam và chuyển thông tin kịp thời cho một số cửa khẩu nắm tình hình dịch tễ tại Lào. Còn luật sư Nguyễn Thị Thu Huyền, tốt nghiệp Đại học Luật tại Lào, hiện là PGĐ bệnh viện tư Hà Nội - Viêng Chăn phụ trách về nhân sự, tiền lương và pháp chế của bệnh viện. Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 ở Lào, Huyền trong Ban thư kí của Ban phòng chống bệnh lây nhiễm cộng đồng (lao, Covid,…) ở Thủ đô Viêng Chăn. Do vậy, chị là người nắm khá rõ thông tin dịch bệnh diễn ra hàng ngày tại đây và nhất là nắm rõ những trường hợp F0 là người Việt Nam. Chị đã phiên dịch giúp các bác sĩ Lào, đã đấu tranh để các F0 người Việt thành thật khai báo và tích cực truy vết các F1, F2 người Việt. Từ đó giúp các bác sĩ Lào khoanh vùng, phong tỏa và cách ly những F1 và F2 người Việt.

Thân thương hai tiếng đồng bào

 

Anh Nguyễn Quốc Đạt - Quản trị viên 2 trang fb hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Lào.

Hàng ngày, chị Huyền liên tục cập nhật thông tin và tổng kết các ca nhiễm mới. Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn, chị đã lập ra một nhóm chat gồm vài trăm thành viên người Việt (chủ yếu là phụ nữ) để thông báo, kêu gọi, khích lệ chị em cùng chung tay chống dịch. Nhớ lại những ngày đầu bệnh nhân F0 Việt Nam nhập viện, nhiều bệnh nhân bỏ bữa vì không ăn được, chỗ ở cách ly thì sơ sài, thiếu thốn. Huyền đã đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm đóng quỹ. Ai ủng hộ tiền thì gửi thẳng vào tài khoản của Huyền, ai ủng hộ bằng vật chất thì mang đến bệnh viện Hà Nội - Viêng Chăn giao cho Huyền hoặc cho địa chỉ để Huyền cử người đến lấy. Mới đầu, chị trích ngay tiền quỹ vừa thu được cùng một số chị em đi mua sắm những đồ dùng cần thiết như: quạt, ấm đun nước, chiếu, chăn, gối, dầu gội đầu, xà phòng, giấy vệ sinh, đường, chanh, cam, xoài, mít, chè đỗ đen,… Khi đi tiếp tế, biết bệnh nhân F0 thèm rau, thèm cơm Việt, một số chị em đã đi chợ mua thịt, cá, gà, rau về xào, nấu, kho,… và thường xuyên chia nhau mang đến cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân ở các bệnh viện Đòn Cọi (Sệt thả thi lạt), Hữu Nghị, Huổi Hổng (bệnh viện dã chiến).... Huyền và chị em còn mua cả đồ chơi cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Chị Tý Trương nấu súp yến sào đem đến bồi bổ cho các bé đang được điều trị ở bệnh viện và các bé đang ở khu cách ly. Do vậy, các F0 rất cảm động và thấy ấm lòng trước những nghĩa cử cao đẹp ấy, họ cảm thấy yên tâm, động viên nhau cùng cố gắng ăn uống và tích cực điều trị để nhanh được ra viện. Ngoài ra, Huyền còn theo dõi và liên tục đề nghị Ban điều trị kịp thời cử bác sĩ người Lào đến xử trí cho các bệnh nhân nặng của Việt Nam. Xin riêng cho mấy bệnh nhân nặng người Việt được chuyển đến bệnh viện Đòn Cọi có cơ sở vật chất tốt hơn, có điều kiện điều trị tốt hơn.

 

Hai chị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Hoa hằng ngày đi chợ mua đồ, nấu nướng và tiếp tế cho các F0, F1.

Đề nghị sắp xếp cho các F0 người Việt ở cùng phòng để họ giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau và tiện cả cho việc tiếp tế. Có cụ già người Việt 90 tuổi vào viện không biết tiếng Lào thì được xếp ở cùng với người Lào biết tiếng Việt. Có ông bố bị dương tính nhập viện sau cũng được Huyền xin về bệnh viện Hữu Nghị để cùng vợ chăm sóc hai con nhỏ: một bé 3 tuổi và một bé 8 tháng tuổi.

Hàng ngày Huyền còn cập nhật các nơi tiêm vắc xin cũng như xét nghiệm sàng lọc Covid trong thủ đô Viêng Chăn để bà con biết mà chủ động đi tiêm cũng như đi xét nghiệm. Khi các ca nhiễm người Việt tăng cao thì Huyền báo cho bà con người Việt đến xét nghiệm riêng ở từng điểm để tránh lây nhiễm. Đến khi kí túc xá sinh viên Việt Nam có ca dương tính, lập tức Huyền đề nghị cho sinh viên Việt Nam cách ly 14 ngày tại kí túc xá và hàng ngày cho người tiếp tế đồ ăn 3 bữa đến tận nơi cùng các nhu yếu phẩm cần thiết.

Hơn một tháng trời ròng rã, Huyền đã không quản gian nan vất vả, thức khuya dậy sớm để giúp đỡ cộng đồng bà con người Việt, tối đến có hôm chị còn livestream trên facebook để thông báo tình hình dịch bệnh và dặn dò cách phòng chống cũng như giải đáp các thắc mắc cho bà con. Cứ chiều tối hoặc có khi đã khuya Huyền vẫn không quên vào nhóm chat thông báo khi thì tin lành: có người Việt được ra viện, khi thì tin dữ: người Việt lại có ca nhiễm mới. Chính Huyền đã lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng và được nhiều chị em đồng lòng hưởng ứng, dốc sức cùng Huyền lo toan mọi việc.

Bên cạnh tấm gương của luật sư Nguyễn Thị Thu Huyền còn có nhiều chị em phụ nữ có tấm lòng nhân ái như: chị Phương Tân Á, chị Ngọc Hà Nội, chị Tý Trương, chị Lan Black, chị Hồng, chị Minh, chị Ny Phan, chị Nhung và nhiều người khác, đã ủng hộ nhiều thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân và những người có nguy cơ cao.... Thật trân quý những tấm lòng của người xa xứ!

 

Chị Tý Trương làm súp yến sào bồi dưỡng cho các em bé F0, F1.

Khi các ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng nhiều dẫn đến tâm lý lo sợ, ngại tiếp xúc vì không biết ai là F0 thì việc mọi người đi mua bán ở chợ chính là nguy cơ dẫn đến nguồn lây lan bệnh nhanh nhất. Nhìn thấy vấn đề đó, Huyền đã đưa ý tưởng làm chợ tạm của mình ra bàn bạc với chị em trong nhóm chat và thế là trang web “Chợ Việt” ở Viêng Chăn đã được hình thành và nhanh chóng triển khai. Trong “Chợ Việt”, mọi người được đăng bán đủ các mặt hàng Việt Nam từ những món ăn dân dã, đồ hải sản, hàng đặc sản, bánh trái, hoa quả đến mỹ phẩm làm đẹp v.v., ai thích gì thì đặt trước rồi cho địa chỉ, người bán sẽ giao hàng đến tận nhà vừa an toàn, tiện lợi lại hiệu quả. Chỉ chưa đầy 2 tuần “Chợ Việt” đã có 955 thành viên, hoạt động rất tốt.

Những nỗ lực của chính quyền

Hiện tại điều lo ngại nhất của Lào là người dân lao động của Lào từ Thái Lan đang ồ ạt kéo về nước để tránh dịch tăng cao, lo nhất là người nhập cảnh trái phép khó quản lý vì biên giới Lào Thái Lan dài hàng nghìn km đường sông. Do vậy, chính phủ Lào vừa tăng cường tuần tra canh gác, vừa tuyên truyền giáo dục người dân hợp tác cùng chính phủ, để tránh xảy ra trường hợp như 2 công dân Thái Lan và một công dân Lào đã nhập cảnh trái phép bằng thuyền vượt sông Mê Kông vào tỉnh Sạ Vẳn Nạ Khệt rồi di chuyển lên thủ đô Viêng Chăn, gây lên làn sóng dịch kinh hoàng trong cả nước hơn một tháng nay. Và để đảm bảo dịch bệnh được ngăn chặn triệt để, chính phủ Lào vừa ra sắc lệnh tiếp tục giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày mùng 5 tháng 6 đến 19 tháng 6 và tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc xin rộng rãi hơn để phòng tránh dịch.

Tôi, một công dân Việt Nam, một người con dâu của nước bạn Lào cảm thấy vô cùng hạnh phúc và biết ơn khi được sống và làm việc trong đất nước Lào thanh bình và bình đẳng. Ở đây, tất cả công dân Lào cũng như công dân nước ngoài sống ở Lào đều được cách ly và chữa bệnh mắc Covid hoàn toàn miễn phí. Ở Viêng Chăn, dù bạn là người nước ngoài sang lao động hợp pháp (hay bất hợp pháp) thì trong lúc dịch bệnh này đều có quyền bình đẳng không có chuyện phân biệt đối xử. Ai cũng được xét nghiệm sàng lọc Covid cũng như tiêm phòng vắc xin phòng chống Covid. Sự cố gắng, tận tụy của các bác sĩ đã điều trị khỏi cho 69/69 bệnh nhân người Việt mắc Covid ở Viêng Chăn là một món quà vô giá tặng cho những người bạn Việt, tặng cho chính phủ Việt Nam. Việc làm này đã góp phần củng cố thêm tình hữu nghị đặc biệt và tình cảm keo sơn gắn bó giữa hai nước Lào - Việt anh em.

Viêng Chăn, đêm 4/6/2021

Nguyễn Thị Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy