Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
13:45 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Làng xa

Nhà văn Đỗ Văn Nhâm
Nhà văn Đỗ Văn Nhâm

Vài nét về tác giả:

Sinh năm 1952

Quê: Vụ Bản, Nam Định

Tốt nghiệp Khóa 3 Trường Viết văn Nguyễn Du

Tác phẩm đã xuất bản: Bạn bè - Làng xa, tập truyện ngắn, Nxb. QĐND 2004

Làng xa

“Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân…”

(Nguyễn Du)

Chủ tịch xã về rồi đấy. Thuyền ông ấy kia kìa...

Không biết ai thốt lên đầy lo âu. Ai thì cũng vậy, thông báo nọ đã được phát ra, đấy là điều chính yếu. Đám thợ làm cỏ thẩy đều dừng tay nhìn cả về làng.

Giữa mùa nước nổi nom làng như vạt bèo nát đang trôi. Trôi vật vờ ra mạn biển mỗi lúc một xa thêm cộng đồng xóm mạc phía sau đê. Con đường duy nhất trở về làng đã chìm lút dưới nước chỉ còn hàng phi lao trồng dọc ven đường thoi thóp nhoi lên. Nương theo dãy lộ tiêu xanh nọ có một chiếc thuyền nan đang cưỡi sóng lướt về. Làng ta đấy ở cuối hàng cây nước vây tròn bốn mặt ngó ra nơi nào cũng sóng. Đi đâu về đâu đều phải lụy vào thuyền.

Giờ, đám thợ làm cỏ nhìn thấy rất rõ sóng vừa đẩy chiếc thuyền ghếch mũi vào chân tre.

Đúng, ông Cốc đã về. Ông lên huyện từ hôm qua, lúc sáng sớm. Ông vừa neo thuyền rồi bước lên chân dốc, chiếc xắc cốt căng phồng nhẩy nhẩy sau lưng, cái bóng cà nhắc nghiêng ngả khuất dần sau hàng bạch đàn. Đó là đường tới văn phòng.

Nghĩa là sẽ có ngay một cuộc họp. Vẫn biết cán bộ thời nay họp hành liên miên nhưng sau hai ngày ở huyện không đáo về nhà ngó bà ấy một tý mà thẳng bước tới văn phòng ắt phải có chuyện. Mà là chuyện lớn chưa chừng. Từ đấy ở ngoài đồng câu chuyện giữa những người làm cỏ lắng xuống, thay vào đó thỉnh thoảng có tiếng thở dài.

Làng đoán đúng. Huyện gửi công văn thượng khẩn triệu ông lên tất nhiên vì công việc. Rất nhiều việc. Chúng đang nằm chồng lên nhau trong cái xắc cốt của ông. Toàn những trọng sự, gấp gáp, không đừng được. Và thẩy đều hối thúc một cuộc họp.

Là một tập thể mạnh và làm việc có nền nếp nên mặc dù nhiều việc nhưng cuộc họp Thường vụ Đảng ủy xã diễn ra khá chóng vánh. Ông Cốc báo cáo vắn tắt tình hình và yêu cầu của lãnh đạo huyện rồi đề xuất biện pháp giải quyết, ông Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất góp thêm đôi lời, ông Bí thư kết luận, phân công trách nhiệm cho từng ủy viên. Ông Cốc phát biểu có ý lảng một việc, không nhọc công tốn sức nhưng rất nhọc lòng nên cuộc họp phải thảo luận thêm dăm phút, ông có to tiếng đôi câu. Thế rồi biểu quyết. Ông, đồng chí Phó Bí thư kiêm Chủ tịch xã uể oải giơ tay sau cùng.

Tan họp, ông bí thư quàng vai bạn chia sẻ: “Anh Cốc, đúng là lại làm khó cho anh quá. Nhưng mà... anh thấy đấy, việc đó... có ai kinh nghiệm và uy tín bằng anh”.

Ông Cốc nặng nề rời văn phòng.

Ở ngoài đồng giờ thì chẳng ai nhìn thấy ông Chủ tịch xã được nữa nhưng đã có người trong làng. Vâng, làng nghe ông bước. Từ sau hàng bạch đàn nhô ra một mái tóc bờm xơm cháy nắng.

- Ơ... Ông Cọp! Chúng mày ơi! Ông Cọp thọt!

Thoắt, đường làng đầy ắp trẻ con. Chúng túa ra vây lấy ông, đứa níu áo, đứa kéo tay, đứa giành lấy chiếc xắc cốt. Tất cả vòi nghe chuyện. Chúng mê những câu chuyện thời chống Pháp gắn liền với biệt danh “Cọp xám đồng chiêm” của ông. Chơi với chúng ông như được sống lại tuổi thơ xa lắc của mình, và mấy đứa thỉnh thoảng lại làm ríu rít không gian côi cút của vợ chồng ông.

Người Chủ tịch xã kéo bọn trẻ vào quán nước dưới gốc đa. Như lệ thường ông mua cho mỗi đứa một chiếc kẹo. Rồi thơm vào má bé gái đang lặc lè khoác chiếc xắc cốt, ông nựng nó một câu rõ ngọt, đoạn chỉ xuống đoạn chân giả. Thế là chúng hiểu, đừng quấy rầy nữa, người kể chuyện ngày xưa quê mình đánh giặc, lại đau. Tất nhiên bọn trẻ nghĩ ông đau chân. Nhưng chút ê ẩm đó thấm tháp chi với nỗi đau biết trước nỗi đau tột cùng của những người khác.

Thằng bé có mái tóc sém nắng sực nhớ lời bà dặn, lội tắt qua vườn, xộc vào bếp.

- Bà ơi, ông Cốc đi rồi.

Bà nó cười, từ ngày bố nó đi bộ đội bà ít cười lắm. Giờ thì chẳng hiểu sao bà lại cười, nhưng bà nó cười thật ngắn, như thở phào một tiếng.

- Bà ơi, thế nào là điềm ác? Người ta bảo ông Cốc, ông Cọp thọt ý, chuyên đi gieo rắc điềm ác. Họ còn nói...

- Hỗn nào! Bà lão nghiêm mặt – Họ nói nhảm đấy. Không được gọi ông là Cọp thọt. Nhớ chưa!

Thằng bé dạ. Bà lão nhìn xéo qua vườn. Ban nãy cháu bà nói đúng, ông Cốc đã rời gốc đa bỏ qua ngõ nhà bà.

Cọt kẹt... cọt kẹt... Tiếng bước chân của ông Chủ tịch xã đấy. Đã mười lăm năm nay từ trại thương binh về, ông Cốc góp vào mớ âm thanh hỗn tạp của làng tiếng bước chân dị biệt của mình. Dị biệt, là nói những ngày đầu, sau nghe mãi đâm quen; có người còn bảo biết được tâm tính ông qua mỗi bước chân. Giờ đây dưới sắc trời tái xám màu da người hấp hối vào độ lắm mưa nhiều bão, ông bước đi, tiếng cọt kẹt sắc lạnh chuyển dịch dọc đường làng.

Thoáng bóng một người đàn bà ngoặt vào ngõ hẻm phía trước. Nhưng ông kịp nhận ra ai. Đi chợ chiều, cớ sao chị phải vòng lối ấy! Bên kia một cánh cửa hướng ra đường vừa se sẽ khép lại. Đã có ngôi nhà từ chối ông như vậy. Lúc bấy giờ chàng trinh sát trẻ tuổi phải dựa vào bóng tối, nương theo bờ dậu bìm bìm phóng xuống đầm thoát ra đồng lúa ven sông, để lại phía chân tre tiếng chó sủa, tiếng lính dõng vặc nhau và mấy loạt súng chọc vu vơ vào đêm. Bấy giờ ông len lỏi giữa vùng tề nắm địch, người ta sợ liên lụy mà tránh ông, còn bây giờ...

Nghe tiếng chồng từ xa về, vợ ông pha sẵn một bình trà. Mọi u ẩm bức xúc tích tụ dồn nén trong ông bà nhận thấy qua mỗi bước chân chắc hẳn dịu bớt. Vô ích. Đầu óc ông vẫn chẳng sáng láng thêm chút nào. Thì ra ông ấy khát. Bà đặt vào tay chồng ly nước bột sắn, đoạn chăm chắm nhìn ông và cái xắc cốt.

Một lúc sau bà hỏi:

- Lại chuyện ấy ư, mình?

Ông cúi đầu im lặng.

- Sao mình không giẫy ra! Lần nào cũng hứng lấy để mang tiếng...

- Giời ạ, tôi thích quyền rơm vạ đá? - Ông dằn ly nước xuống bàn – Mà... tai tiếng gì?

- Người ta đồn ầm cả làng cả xã lên – bà phóng đại đôi chút – Chỉ mình ông không biết.

- Đồn cái gì? Tai tiếng gì? - Ông cau có.

- Lão Cọp thọt chuyên gieo rắc điềm ác – Giọng bà chua xót – Gieo gì gặt nấy. Người ta nói thế đấy.

Thì ra thế! Bây giờ thì ông hiểu vì sao người phụ nữ đi chợ chiều muốn tránh gặp ông. Ờ, từ cái buổi chiều cũng tai tái như chiều nay, ông đến cùng chiếc xắc cốt trong đó có những tờ giấy cỡ bằng cuốn vở học trò. Sau đó là lễ truy điệu. Chị ấy mất chồng từ bấy, năm năm rồi, năm năm hay sáu năm? Cũng như chỉ thoáng thấy bóng ông cánh cửa nhà nọ đã vội vàng khép lại. Ông biến thành luồng sát khí, kẻ gieo tai họa cho bà con làng xóm từ bao giờ?

- Tôi mà có quyền, ông ngửng lên – Tôi giải tán quách cái đảng ủy xã này đi. Toàn những kẻ đớn hèn biếng nhác, chỉ tài đùn đẩy công việc cho người khác.

Ông biết quá lời, vợ ông cũng biết thế và bà im lặng vẻ đồng tình. Ông tiếp tục xả nỗi bực dọc:

- Cuộc họp vừa rồi tôi gắt om lên. Tôi nhận chỉ đạo khoản đắp đê, tổ chức đại đội dân quân trực bắn máy bay, mình biết đấy, những công việc nặng nề. Có lọt tai thiên hạ đâu. Họ ỷ vào bàn chân của tôi. “Ai nỡ để anh lội đồng”. Gớm! Cứ làm như quan tâm đến nhau lắm! Thế là cái ách cũ lại mắc vào cổ tôi, một con bò què... Thôi thì đành cày cho trót khóa này.

Vợ ông ngẫm nghĩ một lát rồi nhẹ nhàng:

- Mình ạ, các bác ấy cũng chả sai đâu. Thôi mình cố cho hết khoá này.

Ông cúi đầu thở nặng nhọc. Một lần nữa người đàn bà muộn con đặt ly nước vào tay chồng rồi lùi ra. Những lúc như thế này ông ấy muốn ngồi một mình.

Ly nước giải nhiệt thậm chí như một gáo dầu dội vào lò than hừng hực lửa là bụng ông. Ông đâu có khát. Ông đang thiếu thứ khác. Ngày xưa chưa cần đến một giọt vẫn đủ tỉnh táo, khỏe mạnh phóng cây mã tấu trúng cái yết hầu đỏ ngồn ngộn của thằng Tây đồn trưởng. Giờ nó đâu rồi cái khí cốt trai trẻ của ông.

Thôi đành phải rượu. Anh trung đội trưởng ngày xưa bây giờ tự rót. Một... hai... ba... Năm chén cả thẩy và cạn hết. Khà... khá hơn rồi. Nhưng trước mặt bây giờ làm gì có thằng Tây nào, và bên hông chẳng phải cây mã tấu mà là chiếc xắc cốt. Nó đựng những tờ giấy báo tử.

Chút nhuệ khí vay mượn từ rượu là dễ bốc hơi lắm. Ông Cốc bước vội ra ngõ. Vừa đi ông vừa nhớ lại vốn liếng kinh nghiệm cũ cho những trường hợp mới.

Cọt kẹt... cọt kẹt... Được một hồi im ắng đường làng bây giờ lại rạn vỡ bước chân ông. Mặt cát mịn sau mưa hằn đỏ hai dấu chân, một của ông như mọi người, một bằng gỗ, di ấn của trái mìn nhỏ như hộp xi đánh giầy – chúng đuổi theo nhau quấn quýt không rời.

Bên kia bờ dậu sau lưng ông Chủ tịch xã một thiếu phụ trở lại sân nhà mình, nói với người đàn bà ngồi ở bậc thềm:

- Vào nhà lão Bân rồi.

- Lâu lắm không thấy anh con cả nhà lão thư từ về. Chả biết làm sao. Hay là đã tuyển quân? – Bà khách nói nhỏ hơn – Bộ đội không nhận người ếch-xi-ma đâu nhỉ! Thằng lớn nhà tôi bị thế đấy, ở chân...

Thiếu phụ chợt nhớ tới chồng, nhớ cả vết phồng rộp bằng nửa bàn tay ở đùi anh nhưng chị nói chị không rành bệnh ếch-xi-ma ấy. Còn chuyện ông Chủ tịch xã, người chuyên trách hai việc tuyển quân và báo tử vừa bước vào ngõ có bờ dậu tầm xuân thì chị nhìn rất rõ.

Đúng như thế thực. Đã bước qua bờ dậu tầm xuân được một đoạn ông Cốc vẫn quay lại, khuôn mặt u sầu sáng lên chút ít.

Đã mấy tháng nay lão Bân không bước vào nhà Chủ tịch xã. Làng xóm ngỡ đôi bạn rượu từ nhau. Hai người kết giao bởi cái nghĩa cũ chứ không phải vì rượu. Thực ra lão có đến định dò hỏi tin tức anh con trai, cái thằng kiệm lời từ bé. Bẵng đi thật lâu chẳng thấy tin con, lão vừa muốn gặp ông chủ tịch và mong ông Cốc đừng có xộc vào nhà lão. Dạo này ông Cốc bận liên miên, đêm về mệt rũ nên chẳng lai vãng tới xóm này thành ra lão nghĩ ông muốn tránh lão. Chắc hẳn có gì uẩn khúc, khuất tất, khó nói mới né tránh nhau chứ! Lão thậm ghét thói mập mờ. Thế thì phải hỏi. Nhưng vừa đi lão vừa ngẫm nghĩ và lão thấy xưa nay hai người chưa có điều gì khúc mắc, với lão ông Cốc cũng chẳng giấu giếm chuyện gì, mọi sự đều tách bạch rõ ràng. Hay thằng cả nhà lão... Quỷ tha ma cướp cái ý nghĩ phỉ phui của lão đi. Rốt cuộc hai lần đi hai lần lão dừng lại ngoài ngõ Chủ tịch xã, đứng vân vi một lúc rồi ra về.

Hôm nay đang định mồi thuốc hút bỗng nghe tiếng cọt kẹt ngoài đường, lão Bân dựng điếu cày lo lắng bước về cửa sổ.

Cọt kẹt... Hắn ta chăng? Cọt kẹt...Tiếng bước chân rờn rợn như bản lề cửa khô dầu. Cọt kẹt... Đích thị hắn ta! Có chuyện rồi. Nhưng mà không phải tuyển quân, lão Bân cầm chắc như thế! Làm gì mà mau đến nước ấy. Mới lấy quang cả làng ra hai tháng trước. Cũng phải để thì giờ cho mấy đứa kịp lớn chứ!

Hướng cặp mắt dọc theo bờ tầm xuân, lão Bân canh chừng cái khoảng trống hình chữ nhật ngoài ngõ. Cẩn tắc vậy, thực ra chẳng cần nhìn, chỉ nghe lão cũng biết rõ ông Chủ tịch chưa qua đó. Hắn ta đang đi, vẫn dáng đi nghiêng ngả, chiếc xắc cốt khoác chéo sau lưng, đầu cắm cúi – ngày xưa hắn ta không cắm cúi như thế. Bên chân trái không thể nhấc cao, cứ cà nhắc cà nhắc, cái cá sắt gắn phía dưới thường quẹt xuống đường.

Cọt kẹt... cọt kẹt... Nguy rồi! Đúng là... báo tử. Xưa nay chưa có đợt nào thoát khỏi tay hắn ta. Mấy cha đảng ủy, ủy ban khôn lắm, dựa vào cái chân cụt của hắn ta. Cũng mất mát vì chiến tranh đi báo tử dễ ăn nói với nhau hơn.

Cọt kẹt... Đích thị nguy to rồi. Cọt kẹt... Lạy giời lỗ tai lão nhầm lẫn. Lạy giời hắn đừng bước vào đây.

Rồi! Lão Bân thở phào. Bóng ông Cốc đã vượt qua cái khoảng trống hình chữ nhật ngoài ngõ, lão Bân thong thả trở lại bàn. Mỗi ly trà kéo một điếu thuốc, lão ung dung phả khói. Rồi lão đi nấu cơm, lão thấy phải đỡ bà vợ lão một bữa.

Đúng vào lúc vục cái lon sữa bò xuống thạp gạo lão bỗng nghe tiếng cọt kẹt vòng trở lại. Rồi đồng chí Chủ tịch xã hiển hiện giữa khoảng trống hình chữ nhật ngoài bờ tầm xuân. Tiếng bước chân càng lúc càng to. Lão run bắn, chiếc lon sắt tây tuột khỏi tay lão loong coong dưới đất.

Tiếng cọt kẹt giòn tan trên nền ngõ đá. Lão Bân hấp tấp đẩy cửa hậu bước ra vườn sau.

Góc vườn dưới đáy chiếc chum sành đựng nước là căn hầm bí mật có một ngách thông ra đầm sen. Trước đây sau mỗi lần điều nghiên, Cốc trở về phó thác giấc ngủ cho bờ cỏ lác bên đầm, phó thác sinh mệnh cho Bân; có động thì lặn xuống nước luồn lên hầm, thế là êm. Hòa bình ông Cốc can không để chủ nhà lấp căn hầm đi, ông muốn giữ lại chứng tích của tình bạn, chứng tích một lần ngủ say trong bờ cỏ bỏ ngoài tai tiếng đuổi gà thái quá ở vườn sau. Hôm đó rượu thịt gà cá tươi và cái lưỡi của Bân đã giữ bọn lính không đi quá khỏi vườn. Bản năng chống điều chẳng lành hôm nay đưa lão Bân theo lối người dân cơ sở hai mươi năm trước vội vã bước ra bờ cỏ lác rồi sau đó để xóa dấu vết phải lội xuống đầm mò cá.

Người thoát chết năm xưa đã dội bàn chân gắn cá sắt xuống bậc thềm.

Tiếng gõ cửa... Tiếng đẩy cửa... Sau nữa là tiếng gọi. Rồi im lặng.

Lão Bân nín thinh.

Ông Cốc rút phong thư từ chiếc xắc cốt đặt lên bàn. Ông muốn chia vui với bạn và qua chuyện trò chốc lát lão Bân sẽ tiếp thêm nghị lực cho ông. Nhưng ông bạn già lại rượu ở đâu rồi, ông nghĩ.

Tiếng bước chân xa dần. Lão Bân rón rén trở vào. Lão nghiêng ngó. Cái gì kia? A ha... Lão vồ lấy phong thư của con trai. Lão đọc ngấu nghiến. A ha... Nguyễn Văn Cốc, Cọp xám đồng chiêm mang tin vui đến cho lão. Thế mà lão sợ. Thế mà có đứa... Chém cha đứa nào đồn ác! Đồ khốn nạn! Quân phản động! Nó nhè vào sự muộn màng con cái của vợ chồng ông ta. Hai người đức độ như thế, giỏi giang như thế, rồi thì bà sẽ đẻ, bà phải đẻ, bà vợ ông Chủ tịch ạ, cho chúng nó chừa cái thói hửi mũi vào váy đàn bà!

Lẩm bẩm chửi một hồi thỏa thuê lão Bân lại giở lá thư ra. Bây giờ lão đọc chậm từng chữ một, xét nét. Đích thị thằng lớn nhà lão rồi! Và lão lại chửi, lần này khác hẳn, trong niềm sung sướng. Ngu lắm con ơi, mày tưởng chỉ có chúng mày mới thức đêm thức hôm, ăn đói mặc rét mà đánh đấm đấy hẳn. Ông bà bố mẹ anh em mong tin từng ngày, lo thắt ruột từng ngày. Mẹ khỉ, đến lúc làm cha mẹ chúng mày khắc biết.

Lão vừa mắng yêu vừa đọc đến thuộc lòng bức thư, lão thơm lên đó. Rồi lão mở tủ tìm bình rượu thuốc. Vẫn còn lưng lửng bình. Đủ gật gù với nhau nốt đêm nay. Tối, lão sẽ mang đi. Phải khao ông bạn khốn khổ một chầu. Rồi thì ngủ! Chắc hẳn đêm nay ngon giấc! Mà làm sao phải chờ đến đêm cơ chứ!

Lão Bân chạy ra ngõ cất tiếng gọi bạn.

Nhưng tiếng gọi khàn khàn của lão không vượt qua đầm sen. Ông Chủ tịch xã vừa khuất vào lối ấy.

Nép dưới lũy tre dày căn nhà của người thiếu phụ nọ như cái thung lũng chứa đầy màu xám của buổi chiều ngả.

Ông Cốc bước vào quẹt diêm châm đèn. Gió thổi vô hồi lên mái lá tạo nên những lỗ hổng ở góc trái, qua đó thấy rõ ánh ngày đang sẫm lại trên đầu. Ông Cốc thừ người dựa lưng vào cột.

- Cún ngoan nào... ngoan nào... Mai kia bố về...

Từ ngoài ngõ tiếng nựng con dịu ngọt của chủ nhà khiến ông Cốc giật mình bước ra, bàn chân gỗ lập bập va vào bậu cửa gây nên một tiếng khô giòn. Thiếu phụ chững lại giữa sân. Trước mặt chị trên thềm ông Chủ tịch xã sừng sững hiện ra, chiếc xắc cốt kềnh kệch một bên hông.

Thiếu phụ ôm con lùi một bước.

- Thằng bé ngoan chứ?

Đang thiu thiu ngủ thằng bé như bị giật thột run bần bật rồi khóc thét. Tại tiếng động do ông vừa vụng về bước xuống hay tại câu hỏi thăm thông thường được phát ra bằng giọng nói không bình thường? May đứa bé nín ngay run nhè nhẹ trong lòng mẹ.

- Dạ. Thường thì vẫn thế. Cháu chịu chơi lắm. Nhưng mấy hôm nay chả biết làm sao cháu bỗng dưng... bị thế này... cứ giật mình luôn luôn.

Người mẹ trẻ nói, mấy tiếng sau nghe như đã có nước mắt.

- Cháu này...

- Dạ.

Chị tái mặt xây lưng lùi thêm mấy bước, ngồi bệt xuống thềm ôm con chặt hơn.

- Mai, cháu phải đưa thằng bé lên trạm xá.

- Dạ. Chị đáp và len lén nhìn lên.

Gió chừng như dữ hơn. Có tiếng tre nứa vặn mình ken két. Nút lạt cuối cùng cũng bị đứt, mảng chái nhà tụt xuống đất. Gió lùa qua khoang chái trống tênh.

- Cháu này...

Hoàn toàn không để ý tới những gì vừa xảy ra với ngôi nhà, người mẹ trẻ run bắn dựa hẳn vào tường, dù một tiếng “dạ” nhỏ nhẹ chị cũng không đủ sức thốt lên.

- Thằng bé rồi sẽ chịu ăn chịu chơi ngay thôi. Phải sửa nhà đi. Đang giữa mùa mưa. Bão thì sắp tới. Nghe nói năm nay nhiều bão lắm.

Đầy nghi hoặc, thiếu phụ từ từ ngửng lên. Lần đầu tiên chị dám nhìn thẳng vào ông. Chẳng lẽ ông Chủ tịch xã, một người tốt bụng lại hiện thân của tai họa như có người xì xào đồn thổi. Chị cần thẩm định điều vừa nghe, bằng mắt.

May mắn thay trời xẩm tối ánh đèn dầu từ trong nhà hắt ra vừa đủ làm mờ nhòe những nét rầu rĩ trên gương mặt phúc hậu và cương nghị của ông. Và nó đã lây lan. Nỗi kinh hoàng trước miệng vực thăm thẳm tai họa nhờ mẫn cảm thiên phú cho đàn bà, chị vừa nhận thấy đã bị đức cả tin thuộc tính bản chất đàn bà hạ cấp thành nỗi lo âu. Việc sửa chữa ba gian nhà bị tốc mái dẫu quá sức vóc một người mẹ trẻ vẫn chỉ là nỗi lo âu thường nhật, chị thấy trước được và đủ sức chịu đựng.

Ông Cốc nhăn trán:

- Hai bàn tay trắng phải không?

- Dạ - Người mẹ trẻ đáp khẽ và nhìn ra khoảng trời nhoi nhói những tia chớp bên kia đầm sen.

- Đừng lo! - Ông Cốc cao giọng vung vẩy cánh tay – Sáng mai chú sẽ xin ý kiến các anh lãnh đạo xã. Có khó gì đâu một ít tre, lá. Bao giờ có thì thanh toán. Chi đoàn giúp vài chục công. Thế là ổn.

Ông Cốc chào nhanh, bước nhanh. Tiếng nựng con ấm và ngọt của người mẹ trẻ sao mà xa xót. Cần phải rút cho mau xa nơi ta vừa rất thực lòng mà vẫn như lừa dối.

Ông Chủ tịch xã không hề biết, ngay sau khi ông bước ra khỏi nhà vợ con người liệt sĩ chưa báo tử đợt này, có một bà lão chui qua ô cửa ngạch bước vào vuông sân đất còn nham nhở dấu chân ông. Chả hiểu hai người đàn bà một già một trẻ trò chuyện những gì nhưng sự xuất hiện của bà lão hàng xóm đã nhắc thiếu phụ nhớ tới sự kiện này: Trước khi báo tử và truy điệu cho con trai bà, bấy giờ đang độ giáp hạt, người ta đã trợ cấp cho gia đình bà hàng tạ thóc và cho đến nay vẫn chưa phải hoàn lại.

Đêm bà lão ở lại với mẹ con chị. Đứa bé chốc chốc lại giật mình. Nó khóc. Mẹ nó cũng khóc. Có lúc cả ba người, ba thế hệ cùng khóc. Làng nghe thấy hết. Và dân làng đều biết chiều nay, lúc xẩm tối, đồng chí Chủ tịch xã từ nơi bây giờ có tiếng khóc, đi ra, chiếc xắc cốt đợt này căng lắm. Cái tin ấy được truyền đi.

Lại nói lão Bân đem bình rượu đến hoài hơi đợi bạn. Còn lâu ông Cốc mới được về. Ông vẫn phải đi. Đây là chuyến đi trước nắm tình cảnh gia đình liệt sĩ mới báo. Đâu có phải hễ có giấy báo tử về là làm lễ truy điệu ngay tức khắc được.

Trời tối xầm tối xịt và lất phất mưa bay. Làng chẳng thể nhìn thấy nhưng làng vẫn nghe ông bước. Mà là bước khá nhanh. Đôi tai làng thính lắm. Đúng, ông Chủ tịch xã đang rảo bước. Trên yêu cầu giải quyết đợt báo tử này thật mau lẹ, thật êm thấm để nỗi đau của hậu phương kịp lắng xuống trước mùa tuyển quân. “Chỉ tiêu nhập ngũ năm nay quá lớn. Trong đó vừa thắng to mà”. Đấy là câu cuối cùng trong lời kết luận hội nghị của đồng chí Bí thư Huyện ủy. Ông Cốc nhớ lại khi nói câu đó đôi mắt người lãnh đạo cao nhất huyện hấp háy sáng nhưng giọng lại u trầm khác lạ.

Cọt kẹt... Tiếng cọt kẹt gõ vào từng xóm ngõ. Đôi lúc Chủ tịch xã phải dùng đèn pin soi đi soi lại những tờ giấy cỡ bằng cuốn vở học trò. Ông sợ mình nhầm lẫn họ tên những chàng trai làng xã quê hương ông từng chỉ bảo, tiễn đưa.

Lão Bân thức giấc, lão châm đèn ngắm nghía bức thư của anh con trai. Bây giờ lão mới để ý tới dòng chữ số chỉ thời gian con lão viết thư. Thì ra đằng đẵng hơn một năm trời mới tới. Một năm hàng trăm trận đánh ấy chứ! Bao nhiêu là bom đạn, bao nhiêu là bất trắc vô thường. Niềm vui sướng bỗng nhuốm nỗi lo âu, lão chiêu một ly rượu lớn nhưng lão biết lão không thể ngủ tiếp và những đêm sau khó lòng mà ngon giấc.

Càng về khuya tiếng bước chân của ông Cốc như được vuốt nhọn hơn, bay xa hơn. Tiếng chó sủa ran khắp làng khắp xóm. Nhà nhà len lén đỏ đèn.

Bây giờ từ trên đê nhìn ra nom làng như vạt bèo đầy đom đóm đang trôi. Trôi hun hút về mạn biển. Ở cái làng xa tít mù khơi có một người đàn ông đang tập tễnh bước đi, bên hông là chiếc xắc cốt đựng đầy những thông điệp chiến tranh. Tiếng cọt kẹt nhọn sắc phát ra từ bàn chân gỗ cá sắt dội vào đôi tai nơm nớp của làng. Rất nhiều người mất ngủ.

Đấy không phải là đêm đầu tiên cũng chưa phải đêm cuối cùng làng mất ngủ.

Lời bình của nhà văn Đỗ Tiến Thụy

Bối cảnh truyện là một ngôi làng Bắc bộ thời chiến tranh chống Mỹ. Nhân vật chính của truyện là ông Cốc, một thương binh thời chống Pháp, đương kim Chủ tịch, Phó Bí thư Đảng ủy xã, phải làm một thứ công việc cực kì khủng khiếp: đưa giấy báo tử và lệnh gọi nhập ngũ. Cả hai thứ giấy đều liên quan tới cái chết, một cái báo tin đã – hi sinh và một cái báo tin rất - có - thể - sẽ - hi sinh.

Với chiếc xắc cốt căng phồng những tờ giấy mang thông điệp chết chóc, ông Cốc phải lê chiếc chân gỗ với âm thanh cọt kẹt ghê người đi khắp đường quê ngõ xóm như hiện thân của tai họa. Những ông bố bà mẹ có con ra trận sợ ông; những người vợ có chồng ở chiến trường tránh ông; những nhà có con đến tuổi nhập ngũ né ông; những chiếc cổng đóng lại trước mắt ông; những người bạn chạy trốn ông,… nhưng ông vẫn phải bằng mọi cách chuyển những tờ giấy tới đúng địa chỉ. Bao nhiêu nỗi cô đơn tủi lạnh dồn cả vào người cựu chiến binh mà không thể ngỏ cùng ai, đúng như câu thơ của Nguyễn Du mà tác giả mượn làm đề từ cho truyện: “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” – Trên lối cũ, bao nhiêu gió lạnh dồn cả vào một người.

Đỗ Văn Nhâm là một người lính đã tham gia ba cuộc chiến tranh, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, từng làm tới chức Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội với quân hàm Đại tá. Là một người trực tiếp cầm súng trên nhiều chiến trường nên ông có những tác phẩm xuất sắc viết về đề tài chiến tranh với những góc nhìn độc đắc.

Truyện ngắn “Làng xa” được Đỗ Văn Nhâm hoàn thành năm 1988, khi ông là học viên Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3. “Làng xa” khác rất xa với nhiều truyện ngắn Việt Nam viết về chiến tranh thời ấy vốn quen với việc phản ánh hiện thực kịp thời nên có phần vội vã và thô giản. Ở “Làng xa”, tác giả đã vận dụng điêu luyện thủ pháp “vẽ mây nẩy trăng”, viết về chiến tranh nhưng lại lấy một ngôi làng ở hậu phương làm nơi phóng chiếu, vì thế truyện không có bom rơi đạn nổ, không có tiếng thét xung phong bắn giết, không có cảnh thịt nát máu tuôn... Nhờ chọn góc nhìn này, Đỗ Văn Nhâm đã tránh được lối “văn tả trận” chỉ có hình ảnh, âm thanh và hành động bề ngoài, để tập trung khai thác những chuỗi mạch tâm lí ngổn ngang bề bộn của nhiều nhân vật một cách tinh tế và kĩ lưỡng, giúp câu chuyện được phản ánh chân thực tận đáy, khốc liệt tận đáy mà nhân văn cũng tận đáy, tạo nên những dư chấn thẩm mĩ ám ảnh.

Tác giả: Nhà văn Đỗ Văn Nhâm

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Nguyễn Thùy Dương Nguy****@gmail.com

    Một tác phẩm hay viết về đề tài chiến tranh vừa diễn tả sự khốc liệt tận cùng của chiến tranh mà thấm đẫm tính nhân văn cao cả.