Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:33 (GMT +7)

Lặng thầm dấu chân qua bản

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Hai mươi năm gắn bó với công việc giữ gìn an ninh vùng đồng bào thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tự lúc nào trung tá Lầu Văn Chinh đã là người con của dân bản. Có rất nhiều bài báo viết về anh, tôi đọc nhiều, cũng định không viết thêm nữa. Nhưng sau những chuyến theo chân anh đi bản, ngòi bút chẳng đặng đừng mà dừng lại…

Chuyến lên bản này là lần thứ ba tôi đến xóm người Mông Lân Quan (xã Tân Long, Đồng Hỷ), còn với trung tá Lầu Văn Chinh thì chẳng đếm nổi, bởi cách đây tròn 20 năm, khi mới chuyển về Thái Nguyên công tác, anh đã có mặt để giải quyết một vấn đề rất “nóng”. Ngày ấy người dân rủ nhau theo đạo “Vàng Chứ”, thày cúng Lý Thị Sính tự nhận là “Đức mẹ Maria” bằng xương bằng thịt, là người của Đức Chúa trời nên biết mọi thứ và làm được mọi việc. Đến tận nơi, nghe tận tai, bằng sự khôn khéo, tài trí của người chiến sĩ công an nhân dân, anh đã dùng chính lý lẽ của người Mông để “thuyết khách”, khiến bà Sính phải tâm phục khẩu phục mà nghe theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm qua, anh đến Lân Quan không biết bao lần, chứng kiến bao sự đổi thay của vùng đất cỗi cằn. Nhưng thời gian gần đây, thông tin bà Sính tự xưng trở lại khiến anh không sao ngồi yên được.

Trong tâm thế “trở về nhà”

Bao nhiêu năm ở phố, cái chất giọng trầm trầm, điềm tĩnh, đậm đặc ngữ âm người vùng núi vẫn không đổi khác; anh cứ từ tốn nghe, từ tốn trả lời những khúc mắc của chúng tôi một cách bình tĩnh, nhẫn nại. Đi đường, anh để ý quán tạp hóa quen, vào mua ít bánh kẹo; rồi ghé chợ mua thức ăn… Anh bảo “bà con còn nghèo lắm, đến với họ như người đi xa trở về nhà, luôn sẵn sàng cho đi chứ không lấy bất cứ thứ gì”.

 Trung tá Lầu Văn Chinh trò chuyện cùng bà Lý Thị Sính

Anh xăng xái vào bếp chế biến chỗ thức ăn vừa mua đến, ra vườn một loáng, trở vào cầm trên tay nắm rau tập tàng non mởn. Các cán bộ chung đơn vị đi cùng anh cũng mỗi người một tay một chân, căn bếp rộn tiếng nói cười, vui vẻ, ấm áp tình thân. Đến bữa ăn, chén rượu ngô men lá ngọt đằm rót ra, bao chuyện xóm làng, chuyện trên nương rẫy được chủ nhà dốc bầu chia sẻ. Lầu Văn Chinh đặc biệt thích món mèn mén, chỉ cần chan nước canh vào là ăn ngon lành. Ban lãnh đạo xóm và bà Sính vừa có một cuộc “họp kín” kéo dài suốt buổi sáng, khi gặp trung tá Lầu Văn Chinh, bà Sính xúc động nói “con trai lâu mới lên, làm bà nhớ quá”. Bà Sính nói được tiếng Kinh, song cuộc trò chuyện suốt bữa ăn giữa hai người họ là bằng tiếng Mông. Thỉnh thoảng thấy bà đưa vạt áo lau khóe mắt nhòe ướt, rồi lại nở nụ cười vui vẻ. Chúng tôi ngầm hiểu, sự ân cần lắng nghe, đối thoại nhẹ nhàng của anh đang khiến người phụ nữ có lý lẽ sắt đá kia cởi mở tâm tư, để bà thấy mình được thấu hiểu.

Nhìn cách anh được trọng thị, hẳn sẽ nghĩ vì anh đến với bà con và luôn “cho đi” nhiều hơn, nên dân thương quý là lẽ thường. Nghe thế anh cười hiền, giải thích: “thu phục lòng dân, cán bộ làm dân vận không chỉ phải biết cho đi, quan trọng nhất là phải hiểu được mong muốn, khao khát của họ. Dân vận không nói nhiều như tuyên giáo, không cần nói hay, mà mấu chốt là nói đúng, nói trúng, và biết hành động. Bởi những việc làm đúng sẽ thay cho cả trăm ngàn câu nói”. Nhiều năm làm lính trinh sát, Lầu Văn Chinh thấm nhuần “4 cùng” với dân (cùng làm, ăn, ở, nói tiếng dân tộc), anh hiểu lý lẽ, tư duy của người Mông như hiểu về bản thân mình. Họ thật thà, nhưng có cách nghĩ rất biện chứng và logic, hay so sánh với thực tế, thế nên tuyên truyền cho họ không thể lý thuyết mà phải bằng hình ảnh trực quan. Vẫn với chất giọng trầm điềm đạm, anh từ tốn kể, rằng muốn vận động người dân không di cư, phá rừng thì phải nói: “chúng ta đừng như con dê, chạy bên này ăn vài lá, chạy bên kia ăn vài lá, cứ đi suốt thế sao được?”; nếu tuyên truyền về tinh thần đoàn kết, gắn bó thì: “chúng ta phải như đàn lợn ăn cùng một máng”; hay khi nói về việc thụ động, trông chờ ỷ lại: “chúng ta sao cứ như con ngựa, cứ bị thúc một cái thì mới nhảy lên chạy, không thúc thì đứng yên một chỗ…”. Dùng chính sự thật thà, dùng cách nghĩ của nhân dân để nói với nhân dân, điều này hẳn chẳng nhiều người làm được như anh.

47 xóm người Mông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong suốt hai mươi năm qua là 47 mái nhà ấm tình thân hữu với Lầu Văn Chinh. Nhiều người hẳn sẽ tò mò, anh đã làm thế nào để “đi dân quý, ở dân thương”. Anh kể rằng, ngày mới chuyển công tác về Thái Nguyên, có những lần kinh phí chỉ đủ tiền đi xe đến bản, ví rỗng tuếch, cả tháng liền lăn xả vào làm cùng dân, ăn, ở, kết bạn với thanh niên bản xứ. Họ đi đâu, làm gì thì đi - làm cùng. Rồi tìm đến những người uy tín (các già làng, trưởng bản), chân thành giao đãi, tạo dựng sự tin cậy. Làm công tác dân vận, ngoài việc phải nghiên cứu, thông hiểu địa bàn, để nhận được sự chia sẻ từ đồng bào thì cán bộ phải chia sẻ trước. Nhiều khi tiền túi dốc cạn cho những vỉ thuốc tây, đùm quà tấm bánh, gói muối, chai dầu ăn… đem đến cho dân. Cởi mở để yêu quý, lo lắng cho họ như những người thân cận, thứ anh nhận về là sự tin tưởng, đùm bọc thương yêu, để mỗi khi anh quay lại, dân bản chào đón như đón người con đi xa trở về nhà.

- Có khi nào anh bị người dân làm khó chưa? - chúng tôi tò mò. Anh cười xòa: Có chứ, tránh sao được. Chính bà Sính, rồi một số đối tượng theo đạo Dương Văn Mình còn chất vấn, tuyên truyền ngược, vận động lại mình đấy. Lúc ấy một là im lặng nghe, hoặc là nói rõ quan điểm, tỏ thái độ rõ ràng. Với người Mông, nếu nói sai phạm, phải chỉ rõ sai thế nào, ai vi phạm… Bản thân muốn hoàn thành công việc thì phải có “cái đầu lạnh và trái tim nóng”. Đầu lạnh chính là trong hoàn cảnh nào cũng vẫn tỉnh táo, bình tĩnh. Trái tim nóng là luôn yêu thương, đùm bọc, kiên trì giúp đỡ đồng bào. Cái lý của người Mông là những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp mà không được giải quyết thì họ không nghe. Bản thân phải trang bị đầy đủ vốn hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để sẵn sàng đối thoại, phân tích cho dân hiểu. Nhưng nhiều khi cũng bí đấy. Những lúc ấy không hứa hẹn, không nói những điều không hợp tâm tư của họ. Đến nói một lần chưa được thì phải nhiều lần, thật mềm mỏng và kiên nhẫn.

Giữ gìn “hồn cốt” người Mông

Yêu nết ăn, nết ở người dân tộc Mông, bởi Lầu Văn Chinh là người con sinh ra từ bản làng người Mông ở xóm Lũng Nái (xã Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng). Đến tuổi đi học thì chiến tranh biên giới nổ ra, nên 9 tuổi anh mới vào lớp 1, vừa biết mặt chữ thì được chuyển về học ở trường Văn hóa 1 (Bộ Công an). Năm 1995 tốt nghiệp Học viện An ninh rồi về Cao Bằng công tác, anh xung phong về huyện Bảo Lạc, một huyện vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn, nhưng nguyện vọng không thực hiện được vì tỉnh muốn giữ anh lại làm cán bộ xây dựng lực lượng. Một năm sau anh nghe người bạn gợi ý chuyển về Thái Nguyên, bởi khi đó tỉnh ta đang rất thiếu cán bộ cốt cán người Mông. Cơ duyên ấy, là người chọn đất, nhưng sau này khi “bén lửa” yêu thương, thì anh bảo là đất đã chọn người!

 

Luôn sẵn sàng “4 cùng” với nhân dân

Vốn là người Mông, nhưng Lầu Văn Chinh chỉ biết tiếng (nói) mà không biết chữ (viết) Mông. Những ngày học ở Học viện An ninh, anh quen một bạn người Mông, được người bạn này dạy chữ dân tộc, chỉ học 3, 4 ngày là thông thạo. Nhận thức rõ rằng, cái làm nên bản sắc, là “hồn cốt” của mỗi tộc người là tiếng nói, là ngôn ngữ, anh đã dùng vốn liếng tự có ấy để luôn hoàn thành nhiệm vụ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các điểm nóng chính trị. Những chủ trương, chính sách mới được anh dày công dịch song ngữ Việt - Mông, làm tài liệu tuyên truyền cho bà con.

Cái nghiệp dân vận đã đưa anh đến mối duyên giữ gìn “hồn cốt” của người Mông. Năm 2001, tỉnh Bắc Kạn, tiếp đến là Quân khu 1 tổ chức mở lớp dạy tiếng Mông cho cán bộ công chức làm công tác dân tộc dân vận, anh Chinh nhận được lời mời làm thầy giáo. Từ đó anh bắt đầu biên soạn bài giảng, suốt gần 10 năm dạy chữ Mông cho công chức trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, anh dần chỉnh sửa, hoàn thiện giáo trình dạy tiếng Mông (dòng Mông trắng và dùng hệ chữ La tinh). Dụng công nhiều năm, có công thì ắt có quả. Năm 2010, giáo trình “Tiếng Mông cơ sở” của trung tá Lầu Văn Chinh được Hội đồng thẩm định của Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) thông qua, đưa vào sử dụng tại Trung tâm Nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Gần 5 năm nay anh được trường mời dạy cho các giáo viên; nhiều năm là cộng tác viên dẫn chương trình tiếng dân tộc của Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Thái Nguyên. Bảo anh là “người của công chúng”, anh xua tay: “chẳng nghĩ gì chuyện tiếng tăm đâu, chỉ mong được nói cho đồng bào mình nghe; nói tiếng mẹ đẻ, thấy mình được là mình nhất mà”.

Hai mươi năm tận tâm với nghề, chừng ấy năm Lầu Văn Chinh luôn có mặt ở những chỗ xa xôi nhất, khó khăn nhất của các bản người Mông ở Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương…. Sống và gắn bó là cơ hội để anh có thể sưu tầm và biên soạn Từ điển Việt - Mông với 7.000 từ thông dụng. Cơ hội, và cũng là một phát kiến đáng nể. Bởi qua đó, người ta thấy rõ sự tận tụy, tình cảm keo sơn anh dành cho người Mông nói riêng, cho hồn cốt văn hóa dân tộc nói chung. Anh vui vẻ chia sẻ: “trong kho tàng chữ của người Mông có khoảng 10 nghìn từ. Cuốn từ điển này cũng đã hoàn chỉnh với số lượng đáng kể, chỉ cần biết chừng ấy là coi như thành người Mông được rồi”.

Thật vui mừng khi biết được, dự kiến cuối năm nay Giáo trình “Tiếng Mông cơ sở” và “Từ điển tiếng Mông” của anh sẽ được xuất bản và lưu hành trên toàn quốc. Thành tích được ghi nhận, song Lầu Văn Chinh lại không thích kể lể. Điều khiến anh hài lòng chính là đã dấn thân đồng cam cộng khổ với nhân dân, tiếng nói của mình, những gì mình truyền đạt đã đến được với bà con; giúp họ nâng cao nhận thức, yên tâm định cư, tự chủ lao động sản xuất, cho con cái học hành... Lặng thầm đưa dấu chân qua các bản làng người Mông suốt ngần ấy năm, chưa bao giờ anh thấy thôi yêu nghề đã chọn. Chẳng quen “đút chân gầm bàn” dù đã làm quản lý, nhận nhiệm vụ Phó phòng An ninh xã hội (Công an tỉnh) đã mấy năm nay, cứ hễ rảnh ra là anh đi bản. Những chuyến đi không hẹn định trước, 1, 2 giờ sáng mới xuống núi là lẽ thường. Đi để nắm chắc tình hình cơ sở, giúp các lực lượng giải quyết vấn đề ngay tại cơ sở. Với anh, về với dân bản là điều tuyệt vời nhất, tình cảm mộc mạc, chân tình bà con trao gửi như một thứ nước mát lành cuốn trôi bao bụi bặm, tất bật phố phường. Anh về với đồng bào để soi lại lòng mình, để thấy trách nhiệm còn lớn lao, còn phải tận tâm tận lực với họ nhường nào.

Lê Đình 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước