Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
12:40 (GMT +7)

Lắng nghe dân nói, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Sau một thời gian khá im lìm khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hơn một lần bày tỏ sự sốt ruột, ít ngày gần đây các cuộc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) liên tục được tổ chức với khá nhiều góp ý thẳng thắn.


Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến

"Nhiều người hồ hởi, nhưng tôi nghi ngờ"

Chiều ngày 20/2, Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị ủy viên Hội đồng, các chuyên gia, nhà khoa học vào Dự thảo. Khá nhiều băn khoăn, lo ngại được bày tỏ tại đây. Thậm chí có ý kiến cho rằng chưa vội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) như kế hoạch mà cần thêm thời gian để hoàn thiện cẩn trọng hơn.

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, là một trong những vấn đề nóng còn chưa thống nhất trong câu chuyện Luật Đất đai.

"Tôi băn khoăn nguyên tắc mà được nhiều người tán dương nhất là nguyên tắc việc bồi thường phải bảo đảm người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Chính sách như thế này tôi cho là tuyệt vời, người dân khi đón nhận chính sách này cũng rất hồ hởi. Tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng từ miền Bắc đến Nam ai cũng hồ hởi. Nhưng tôi lại thấy nghi ngờ", ông Huỳnh phát biểu.

Lý giải sự nghi ngờ này, Luật sư Huỳnh nói, tuyên ngôn ở nguyên tắc như là rường cột, còn các điều luật cụ thể trong chương này, trừ các điều kiện sống về điện, đường, trường, trạm, cơ sở giáo dục còn lại quy định khác lại không rõ.

Quy định về điều kiện sống tương đối dễ, nhưng cái khó nhất là thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì rất khó.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh phát biểu tại Hội nghị

"Tôi không biết sau này khi xảy ra khiếu nại, khiếu kiện tòa án sẽ xử thế nào, tổ chức hòa giải thế nào, hơn nơi ở cũ là thế nào, thu nhập là bao gồm những thu nhập gì".

Nêu hàng loạt vấn đề, ông Huỳnh cho rằng "nên cân nhắc lại nguyên tắc này dù nhân dân rất hồ hởi. Đây sẽ là một chỗ dựa về mặt pháp lý để gây ra hàng trăm hàng ngàn vụ khiếu nại về nơi ở mới điều kiện thu nhập không bằng nơi ở cũ".

Vẫn theo luật sư Huỳnh thì cách tiếp cận cận Luật Đất đai trong thu hồi đất chỉ tiếp cận theo khía cạnh vật chất, không tiếp cận theo khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của gia đình bị thu hồi.

Bởi chúng ta ở đây ai chả có quê hương. “Khi ta ở đất là nơi ta ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn, thu hồi cả tâm hồn của người ta mà chỉ tính bằng tiền sao", ông Huỳnh tâm tư.

Nếu đặt vấn đề một cách nhân văn như vậy thì phải coi người bị thu hồi đất thực sự là người hy sinh. Như vậy phải làm chính sách một cách toàn diện chứ không phải cân đo đong đếm, ông Huỳnh bày tỏ quan điểm.

Bất cập tiếp theo được vị luật sư này chỉ rõ là không có sự phân biệt trong bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất khác nhau.

"Tôi ủng hộ các trường hợp thu hồi đất trong vấn đề an ninh quốc phòng, các dự án nhà nước đầu tư theo hình thức công tư. Nhưng tôi cho rằng không nên quy định thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội vì đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu, mất cán bộ, mất đảng viên... này sinh rất nhiều từ quy định này", ông Huỳnh nhìn nhận.

Trường hợp Dự thảo không thể giải thích một cách thuyết phục thế nào là thu hồi đất vì lợi ích của cộng đồng của quốc gia của dân tộc, ông Huỳnh đề nghị đối với dự án phát triển về thương mại thì cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ riêng.

Câu chuyện túp lều giữa hai toà biệt thự

Kết lại góp ý về chinh sách thu hồi đất, luật sư Trần Hữu Huỳnh kể một câu chuyện ở Mỹ. Đó là có một tỷ phú định xây tòa biệt thự đồ sộ nhưng ở giữa có căn nhà của một bà cụ, ông tỷ phủ trả bao nhiêu tiền bà cũng không bán vì đây là nơi ở là tuổi thơ của bà. Vì thế, ông tỷ phủ phải xây thành 2 tòa nhà.

Đến đó người ta nhìn thấy cái lều nho nhỏ giữa 2 tòa nhà, vị tỷ phủ cũng rất khôn ngoan, biến thành nơi du lịch, ai đến đó cũng thích và đến xem căn nhà của bà. Tỷ phú cũng cho nhân công đến quét dọn và chăm sóc sức khỏe cho bà. Và đến khi qua đời bà cụ không bán mà tặng lại cho ông tỷ phú căn nhà đó luôn, bởi vì ông tỷ phú đã sống tình nghĩa không dùng quyền lực, tiền bạc, nhờ chính quyền can thiệp mà tôn trọng quyền sở hữu của bà. Sau đó vị tỷ phú vẫn giữ lại ngôi nhà nhỏ để làm địa điểm du lịch, tôn trọng những gì thuộc về quá khứ.

Cần cơ chể kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật khái quát, Dự thảo chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.

Cơ chế này, theo ông Đường bao gồm cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực, nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước,... trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội (kiểm soát trước quá trình xây dựng và hình thành chính sách pháp luật về đất đai).Đồng thời, sau khi chính sách pháp luật được hình thành thì giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật trong thực tế.

GS.TS Trần Ngọc Đường nêu ý kiến tại Hội nghị

Mặc dầu, Dự thảo đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai, ông Đường nêu rõ.

GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai - từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi; phát triển quỹ đất: đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về giá đất đai... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013.

Vì thế, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như Dự thảo mà nên quy định trong tất cả các chương. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên không những cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch đất (điểm b khoản 2 Điều 20); tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết về thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất (điểm c khoản 2 Điều 20) mà còn phải thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát xã hội đối với việc thực hiện các công việc này.

Cạnh đó, ông Đường còn cho rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả, khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai.

Ông Đường góp ý, Chương XV của Dự thảo không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, mà nên đưa nội dung này trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương đó. Trong đó, quy định mỗi cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm soát như thế nào; cơ chế kiểm soát và nội dung kiểm soát gồm những vấn đề gì...

Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý nhà nước về đất đai bằng việc không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ ngành và chính quyền địa phương mà cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân có thể khởi kiện do trái với Luật Đất đai và các luật có liên quan về đất đai.

Nghe chuyên gia hiến kế tài chính đất đai

Sáng 20/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi) tổ chức tọa đàm góp ý về các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Tại đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội. Do vậy, Ủy ban Kinh tế tổ chức Tọa đàm này nhằm tập trung góp ý các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất thì những vấn đề khác của Luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư…

Góp ý, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông cho rằng, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường, đó là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện. Các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong “Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam”, bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát…

 

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy