“Lặng” – góc soi chiếu những vẻ đẹp đời thường
VNTN - “Lặng” là chủ đề cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên mà họa sĩ Nguyễn Lộc giới thiệu với công chúng, khai mạc ngày 9/11 vừa qua tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội). 35 tác phẩm chủ yếu là tranh vẽ cảnh vật, điểm xuyết tranh đề tài; nổi bật phong cách hội họa thiên về tả thực, lành lẽ như chính con người của họa sĩ vậy.
Nguyễn Lộc sinh năm 1969 tại Thái Nguyên, quê gốc Hà Tây - Hà Nội. Ham mê vẽ từ nhỏ, lớn lên được đào tạo trong môi trường chuyên sâu và bài bản về mỹ thuật, tranh của Nguyễn Lộc đã sớm chững chạc hơn so với bạn đồng lứa. Có gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục đào tạo tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên được anh trực tiếp giảng dạy nay đã trưởng thành, có tay nghề vững vàng. Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, Nguyễn Lộc đã tham dự nhiều triển lãm mỹ thuật trong tỉnh, khu vực (Tây Bắc - Việt Bắc) và toàn quốc, ít nhiều đã có những thành quả cho hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Tác phẩm “Phóng sinh”
Hàng chục năm nay, Nguyễn Lộc có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế qua những chuyến đưa sinh viên đi thực tập tại cơ sở. Anh là người quan sát nhanh, vẽ cũng rất nhanh. Từ các bức ký họa, tranh thị phạm cho sinh viên, Nguyễn Lộc coi đó là một hình thức tích lũy tư liệu hiệu quả. Nay mỗi khi rảnh rỗi anh chỉ cần trau chuốt, nhấn nhá đôi chút thì những bản ghi chép nhanh ấy đã thành tác phẩm chính thức. “Trình làng” 35 tác phẩm được lựa chọn từ hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ được sáng tác trong thời gian gần đây, không ít những tác phẩm đã được Nguyễn Lộc sáng tác trong những dịp cùng sinh viên trải nghiệm thực tế. Tham quan triển lãm, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tỏ vẻ hào hứng: Lâu lắm tôi mới được xem phòng tranh chững chạc, chất lượng đều như thế này. Các tác phẩm thể hiện tay nghề vững vàng của họa sĩ. Chúng tôi luôn khuyến khích các họa sĩ thỏa sức sáng tạo, miễn sao vẽ nhưng gì mình tâm đắc, vẽ theo sở trường của riêng mình và quan trọng là không bị lạc lõng...
Triển lãm “Lặng” có nhiều những mối tương quan, thật thà, mộc mạc như chính cuộc đời của người họa sĩ. Lặng từ cái cách anh chuẩn bị làm triển lãm. Dường như đó là cá tính, và như anh cũng muốn mang đến sự bất ngờ cho mọi người. Ý nguyện có một triển lãm cá nhân vốn đau đáu trong lòng anh bấy lâu, nhiều lần dự kiến tổ chức tại Thái Nguyên nhưng chưa sắp xếp được. Rất tình cờ khi biết Nhà triển lãm Mỹ thuật đang “rỗng chỗ”, thế là anh xin đăng ký ngay. Chỉ có hơn ba tuần chuẩn bị cho phòng tranh, với 35 tác phẩm lớn nhỏ, hẳn không phải là chuyện dễ làm. Song nhờ được cả nhà ủng hộ, bạn bè đồng nghiệp khích lệ, Nguyễn Lộc như được tiếp thêm năng lượng để thể hiện bản thân. Mặc dù có đôi chút khó khăn trong việc vận chuyển tác phẩm, nhưng được các họa sĩ có kinh nghiệm triển lãm chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời được tổ chức Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên quan tâm, động viên, hỗ trợ phần nào kinh phí để Nguyễn Lộc yên lòng đưa trình làng tác phẩm.
“Về không”
Lặng - ấy là nhiều lúc chìm sâu trong suy tư và những khoảnh khắc tĩnh tại để “phiêu” với cọ, màu. 35 tác phẩm chủ yếu thuộc chất liệu sơn dầu trên vải và Acylic trên lụa - một chất liệu không dễ thể hiện, không dễ thành công. Với sở trường vẽ chân thực, lối diễn tả tỉ mỉ, kỹ càng từng chi tiết, Nguyễn Lộc hoàn toàn làm chủ chất liệu. Độ trong trẻo trong tranh khiến người xem nói chung, các đồng nghiệp, giới chuyên môn nói riêng phải ngỡ ngàng.
Đề tài mà Nguyễn Lộc tâm đắc nhất sau nhiều năm sáng tác, có lẽ là cảnh vật thiên nhiên. Có tới 20/35 bức triển lãm vẽ phong cảnh và con vật; hàng chục bức tĩnh vật. Họa sĩ bộc bạch rằng, anh thích thâm diễn khung cảnh tự nhiên - đời thường, thích khai thác những trầm lặng của cuộc sống. Biến những vật vô tri - vô giác thành tri giác. Những ưu tư và đi tìm cảm hứng trong tự nhiên, nhiều khi anh dành cả buổi thả hồn với tôm, cá, ốc, ếch... Rồi mọi sự vật ngấm vào tâm khảm anh tự bao giờ, hễ đặt bút là cảnh vật hiện ra sống động, cụ thể đến từng chi tiết. Có lẽ vì thế mà khi xem tranh, chắc hẳn ai cũng thấy được sự chú tâm của tác giả vào việc đặc tả. Tính triết lý trong tranh Nguyễn Lộc giản dị và rất đời thường. Đối tượng mà được đề cập đến trong tranh, thoáng nhìn tưởng như dễ dãi, song dường như đều có ngụ ý sâu xa chứ không phải ngẫu nhiên, vô tình.
Bức sơn dầu Bắc Sơn trưa tháng hai (2010, khổ 100 cm x 110 cm) được tham dự Triển lãm toàn quốc năm 2010. Khung cảnh rất đỗi quen thuộc với nhiều người, là góc vườn, ngôi nhà sàn dân tộc Tày vùng Bắc Sơn, điểm xuyết cây lê, khóm chuối, búi mai…, tác giả đã cho người xem thấy được cả khung cảnh, tiết trời xứ Lạng. Nguyễn Lộc khéo chọn gam màu lam - chàm làm chủ đạo, khiến người xem cảm nhận được cái rét ngọt se lạnh của mùa đông vẫn còn được níu lại trên lớp sương mờ sau chân núi. Những tia nắng mong manh dường như chưa đủ làm tan lớp sương sớm đọng trên cành lá, nụ hoa. Chú gà trống thỏa mãn với bộ “choàng” đỏ rạng rỡ, sau tiếng gáy lạc lõng nghênh đầu nghe ngóng, khiến khung cảnh thêm tĩnh lặng hơn. Chút màu nóng điểm xuyết trên chú gà trống, trên chiếc áo vắt ngang sào phơi… Điểm nhấn khiến bức tranh thêm chân thực, sinh động.
“Bắc Sơn trưa tháng hai”
Cùng là tranh vẽ có sự xuất hiện của loài cua, bức Phóng sinh (sáng tác và triển lãm toàn quốc năm 2005, khổ tranh vuông hơn 1 mét), đối tượng được họa sĩ khai thác chỉ là mấy đồ làm lễ quen thuộc của người Việt như: giỏ cua, vàng mã, những hạt bỏng gạo… được xếp đặt hết sức tự nhiên nhưng khá chặt chẽ. Tác giả khéo khai thác yếu tố “động” - “tĩnh” trong tạo hình. Vẫn gam màu lạnh điểm xuyết đỏ của những tờ vàng mã làm điểm nhấn, tạo cảm giác ghìm lại và chống chọi với lốc gió đang kéo dần mọi thứ ra xa. Những con cua không phải là hình tượng chính, nhưng lại tạo chiều sâu cho bức tranh, khiến người xem cảm nhận được sự vô bờ của đáy nước. Trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, con cua thường được dùng làm vật tế cho các vị thần thuộc miền “Thủy Phủ” (quản cai miền nước). Chính vì thế, trong các đồ cúng thường không thể thiếu một con cua sống, với ý nghĩa cua là sứ giả kết nối ước nguyện của người trần gian đến bề trên. Nét tút tát của bút vẽ đồng nhất và đảo chiều tạo cảm giác chuyển động của khoảng không khiến những mảng nước xô đẩy, cuốn theo những gì thuộc về tâm linh.
Khác với Phóng sinh, bức sơn dầu Nỗi lòng tháng 7 (2017, khổ 60 cm x 80 cm), hình tượng sắp đặt thực như trong tự nhiên. Đơn giản chỉ là chiếc giỏ cua đổ ngang và dăm ba con cua đồng như đang tĩnh lặng, chỉ còn đôi mắt và và bộ “vó miệng” như đang động đậy. Kế bên - tàu lá chuối héo dần dường như không đủ sức che cái nắng oi ả giữa hè cho bầy điền giải (tên gọi khác của loài cua đồng). Phía trên khoảng không, con chuồn chuồn bay là xuống như dấu hiệu báo sắp có cơn giông; còn bức lụa Đáy trong (2018, khổ 67cm x 87 cm), thì tác giả lại khai thác khía cạnh “đời sống” tự nhiên của con cua; một đôi cua càng đang nhìn nhau trong yên lặng, vài ba chiếc lá khô rơi không đủ làm chúng ưu phiền… Với ưu thế của chất liệu Acrylic vẽ trên lụa, hoạ sĩ khiến người xem đã mắt.
Trước những tác phẩm của Nguyễn Lộc, công chúng cũng rất quan tâm đến tứ trong tranh. Khi xem bức sơn dầu Về không, nhà thơ Phạm Văn Vũ đã từng chia sẻ: …dường như Nguyễn Lộc đã quán tưởng sâu sắc tinh thần này khi vẽ bức “Về không”. Trước hết, tác phẩm gợi dẫn về một đức trọng yếu trong tinh thần đạo Phật, đó là tâm xả. Nó giúp ta không dính chấp tới những được thua ở đời, dù gặp cảnh đời vui hay khổ, cay đắng hay ngọt bùi cũng phải can đảm điềm nhiên mà đối diện. Có như thế, con người mới một mình đứng vững, độc hành được trong cái thế gian vốn đầy thống khổ này...”.
Tả thực mà ẩn dụ, người xem thật khó tách bạch trong tranh Nguyễn Lộc. Đời thường, gần gũi, đôi khi chỉ là những phát hiện thoáng qua như cành cây mục, cây nấm dại, một chiếc lá khô rơi xuống nước… Hoặc những chuồng trại vật nuôi, cây trái trong vườn như dọc mùng, quả ớt, củ gừng, củ nghệ… là những thức ăn được chế biến đi cùng loài thủy sinh (tôm, cua, ốc, cá). Lặng lẽ - an bình là một quan niệm xuyên suốt trong chuỗi tác phẩm. Sự ồn ã nơi đô thị dương như tương phản mạnh mẽ với những bức tranh, với không gian triển lãm hội họa của Nguyễn Lộc. “Lặng” khiến người xem choáng ngợp với thiên nhiên, và sự đằm thắm tình người nơi Thủ đô gió ngàn. Hy vọng những tác phẩm của Nguyễn Lộc sẽ mang đến cho công chúng sự thỏa mãn về thị giác, như một chuyến du ngoạn nơi Việt Bắc yêu dấu, chậm lại để cảm nhận thế giới quan, nhân sinh quan sâu hơn, tinh tường hơn…
Gia Bảy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...