Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:56 (GMT +7)

Lan man nghề dạy lái xe

VNTN - Xã hội ngày càng phát triển, số gia đình sử dụng ô tô nhiều lên trông thấy, vậy là nhu cầu học - dạy lái xe tăng vọt. Nghề dạy lái xe cũng nhiều chuyện buồn vui, lắm nỗi trăn trở… Kể lại những tâm sự của các thầy dạy lái xe, chỉ là một góc nhìn của người viết với một nghề đang hot hiện nay.


1. Hơn 10 năm trong nghề, được đánh giá là người điềm đạm, ông Nguyễn Kim Phương (53 tuổi, Trường Trung cấp nghề Thái Hà) chiếm được khá nhiều cảm tình của các học viên bởi sự hiền khô và tận tâm với nghề. Ông rủ rỉ: “Với người chậm mình phải từ từ chỉ dạy, “mưa dầm thấm lâu”. Không nên nóng nảy với học viên, bởi như thế càng làm tăng áp lực cho họ, thay vào đó mình động viên họ cố gắng mỗi ngày một chút, kiểu “con kiến tha lâu ắt đầy tổ”.

Dạy lái xe, về nguyên lý, cơ bản là dựa trên giáo trình, xong với mỗi học viên lại cần một phương pháp dạy khác nhau, không thể áp dụng một “barem” cho tất cả trò. Trong quá trình truyền dạy phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là nhận thức và khả năng lái xe của mỗi học viên. Người nhanh, thầy nói sơ qua đã hiểu và thao tác được ngay, vài buổi đã học hết các bài; người chậm phải nửa ngày, nửa buổi, thậm chí ròng rã cả tháng trời mới chỉ được một bài. Học viên nhanh/chậm chẳng phân biệt nam nữ, già trẻ. Song đa phần, người có tuổi chân tay chậm chạp, mắt mũi kém và chị em phụ nữ thường nhát thì hay bị tâm lý mất bình tĩnh, cứ lên xe là run. “Có chị luống cuống đến nỗi thắt dây an toàn, chỗ mình không cắm lại cứ cắm sang vị trí của thầy! Có bác thì cứ nhìn thấy phương tiện ngược chiều là lại tưởng họ sắp đâm vào mình, người run cầm cập, trán vã mồ hôi” - anh Nguyễn Mạnh Thắng (42 tuổi, Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên) kể mà không nhịn được cười.

Khó nhất nhưng rất cần thiết của người làm nghề này là phải biết kiềm chế cảm xúc. Bạn thử hình dung khi phải chỉ dạy một người bảo trước quên sau, nói mãi không hiểu, một thao tác mà làm đi làm lại không được… sẽ khiến bạn phát cáu thế nào? Anh Đoàn Văn Hải (35 tuổi, Trường Mỏ than khoáng sản Việt Nam - Phân hiệu đào tạo Việt Bắc) chia sẻ: “Mỗi khi bị rơi vào trạng thái “bốc hỏa”, tôi thường phải nhờ đồng nghiệp dạy thay một lúc cho dịu cơn nóng, lúc quay lại còn phải bông đùa vài câu cho học viên cười, để thầy trò lấy lại tâm lý thoải mái mới dạy và học tiếp được”.

Nhưng không phải thầy nào cũng có thể hiền khô như ông Kim Phương hay biết cách “hạ hỏa” như anh Hải, không ít thầy vì bực quá mà quát tháo cho hả cơn giận. Anh Hải chẳng giấu giếm: “Chuyện các thầy quát học viên là không tránh khỏi, nhưng bực gì thì bực cũng phải có giới hạn, và tuyệt đối không nên chửi họ “ngu”. Mỗi người có một sở trường riêng, ở lĩnh vực của họ mình chắc gì đã không kém như họ đang học cái “sở trường” của mình bây giờ”.

Anh Thắng tâm sự: “Nhiều học viên bảo: Thầy ơi, cái đầu đất này của em dốt lắm, thầy cố nhồi nhét cho em, em sẽ gắng học được ạ. Họ đã nói như vậy mình không gắng hết sức với họ sao được”. Trong dạy lái xe, quan trọng là ý thức của học viên, chỉ cần chăm chỉ “cần cù bù thông minh” thì dù chậm đến đâu, các thầy đều dạy được hết. Anh Thắng cũng chia sẻ thêm: Chuyện các thầy quát to nhiều khi không hẳn nóng nảy gì. Học lái ô tô trên bãi tập đông người, các tiếng xe nổ to, thầy không thể nói nhẹ nhàng, từ tốn được mà phải nói lớn để học viên nghe thấy, hoặc kịp xử lý tình huống. Ví như muốn họ sang phanh thì phải nói nhanh: “Phanh!”; chứ nói từ từ “Em ơi… phanh… phanh…” thì học viên đã đâm sầm vào xe trước rồi.

Tôi chợt nhớ câu chuyện chị bạn kể: “Đâu chỉ có quát, thầy còn đánh cho ý. Mình có cái tật rời chân ga mà không rà chân phanh. Thầy ngồi bên nhắc liên tục mà vẫn quên. Thế là bị thầy đánh một cái vào chân đau điếng, nhưng mà nhớ luôn”. Chị cười giòn tan sau câu chuyện.

Hướng dẫn học viên ghép xe ngang vào nơi đỗ

2. Dạy lái là một nghề cực nhọc. Đúng vậy. Trời nắng như đổ lửa hay rét căm căm vẫn phải cho trò tập. Suốt ngày va đập với nắng gió nên các thầy da đều đen sạm. Nhiều nơi, xe tập lái không được mở điều hòa, trời mùa hè nóng hầm hập, cả thầy và trò như ngồi trong cái thùng di động. Lắm lúc nóng quá các thầy phải quấn cả khăn ướt lên đầu. Anh Thắng bảo: “Sợ nhất là mấy học viên “điệu đà”, có thói quen dùng nước hoa. Nắng nóng hầm hập, ngồi trong xe, mồ hôi như tắm, nước hoa lúc ấy thơm đâu chẳng thấy chỉ toàn mùi hắc nồng đến đau đầu, nhức óc”. Rồi giờ giấc cũng thất thường. Đúng ra chỉ dạy 8 tiếng hành chính, nhưng nhiều thầy vẫn linh động cho học viên. Có khi 4 rưỡi sáng thầy đã phải lục tục dậy, tranh thủ tập cho trò từ 5h - 7h để họ kịp 7 rưỡi còn đi làm. Nhiều khi học viên lại tranh thủ lúc hết giờ chiều, dạy xong về đến nhà 9, 10 giờ tối, cơm canh vợ con phần đã nguội ngắt. Nhưng làm thế nào được, nếu cứ đóng đinh trong giờ hành chính thì có mấy học viên theo được?

Không chỉ truyền nhau kinh nghiệm trong việc dạy nghề, các thầy còn chia sẻ cả những bí kíp giữ an toàn cho bản thân cũng như cho các học viên. Anh Hải thật thà: “Học viên nữ mà đi đường trường, phải ít nhất 2 người trở lên mình mới đi chứ không bao giờ đi một thầy một trò, mang tiếng ngay. Gặp bạn nữ có chồng hay ghen nếu phải qua đón đi học, mình chấp nhận đi đường vòng đón bạn khác ở xa hơn rồi mới quay lại đón bạn nữ kia. Đến cửa nhà, phải xuống kính ngay để chồng người ta thấy và yên tâm: “À hôm nay học hai người”. Rồi, đang lái mà có điện thoại của chồng, lập tức mình cho tấp vào lề đường nghe ngay. Tránh ở nhà “sốt sình sịch”: “Làm sao mà không chịu nghe máy?”.

3. Người học lái xe là đủ các thành phần trong xã hội. Mỗi người một ngành nghề, một môi trường làm việc, nên cũng có suy nghĩ và cách ứng xử khác nhau. Hơn nữa, học viên phải đóng học phí số tiền không nhỏ (hiện tại khoảng 8.5 triệu đồng đối với bằng lái xe ô tô B2), thời gian học lại ngắn (mỗi khóa học chỉ khoảng 3 tháng), nên quan hệ giữa thầy và trò giống khách hàng và người làm dịch vụ hơn. Thế nên chẳng hiếm chuyện học viên tự cho mình là “thượng đế” có quyền được đòi hỏi cái này cái kia, như: xe tập phải mới, phải được học một mình một xe, thầy phải nhẹ nhàng, không được cáu gắt...

Nhưng các thầy nản nhất là “vớ” phải những học trò ý thức kém. Có những học viên, khi thầy đang hướng dẫn cả nhóm lại bỏ ra ngoài “nấu cháo” điện thoại, lúc quay vào “lơ ngơ như bò đội nón”, thầy lại phải mất công hướng dẫn riêng. Cũng có khi học bài lái xe đường trường, thầy ở trên hướng dẫn bạn, trò ở dưới không nghe để cùng rút kinh nghiệm lại hết buôn chuyện cười phe phé đến bỏ điện thoại livestream nói oang oang trong xe... Rồi có khi hẹn ngày giờ tập, thầy chờ dài cổ chẳng thấy trò đâu, điện thoại hỏi thì bảo “Em bận đột xuất!”.

Nhưng buồn nhất là học viên thi sát hạch mà không đỗ. Học viên buồn một thì các thầy buồn hai. Họ cảm thấy áy náy, nghĩ do mình dạy không tốt, dù thực tế chuyện “học tài thi phận” là thường. “Học viên của mình có cậu thi 4 lần không đỗ, dù lúc học thuần thục hết các kỹ năng nhưng hễ thi là bị tâm lý, chân run như đánh đàn, chẳng nhớ gì nữa. Thi lần 1, lần 2… đến lần 3 vẫn không đỗ, tức mình xuống xe xé thẻ học viên luôn và tuyên bố không bao giờ thèm thi nữa!” - Nhớ về kỷ niệm khó quên ấy, anh Thắng trầm tư - “Học viên không đỗ mình buồn lắm, chán chường chẳng thiết ăn cơm. Nhưng rồi, phải tự đả thông tư tưởng, tiếp tục động viên, chỉ dạy, giúp học viên vượt qua yếu tố tâm lý. Cuối cùng thì đến lần thứ 5 cậu chàng cũng đỗ, thầy trò mừng đến phát khóc!”.

Vậy nên, vui nhất với các thầy là sau mỗi khóa dạy, tỷ lệ học viên đỗ cao, mỗi người tốt nghiệp lấy bằng lại hồ hởi giới thiệu học viên cho thầy. Họ chính là những người làm “PR” tốt nhất cho thầy. Anh Hải chia sẻ: “Học viên học xong thấy tốt sẽ giới thiệu anh em, bạn bè, người nhà đến học ngay. Như mình được tin tưởng dạy gần hết một gia đình, bắt đầu là bố mẹ đi học, xong đến các con. Mình trêu họ bảo: Thế này thì đúng là “mía ngọt đánh cả cụm!”. Niềm vui kế nữa là họ có được thêm những mối quan hệ trong xã hội, dường như đi đến đâu, khi cần họ cũng tìm được người giúp đỡ. “Đơn giản như đi đường chẳng may xịt lốp, học viên đi qua thấy thầy dừng lại ngay, chẳng ngần ngại xắn tay áo giúp thầy” - anh Nguyễn Hùng Phương (33 tuổi, cùng trường anh Hải) góp chuyện. Còn ông Kim Phương thì vui vẻ bảo: “Mình quen được bao nhiêu người, không chỉ mỗi học viên mà còn cả anh em, người nhà họ nữa. Con mình có việc làm ổn định ở Hà Nội rồi chứ nếu muốn làm ở Thái Nguyên thì có nhiều người nhận giúp đỡ lắm!”.

4. Thầy dạy lái xe lắm khi chả khác thầy dạy võ, phải đưa ra rất nhiều thử thách để qua đó có bao nhiêu kinh nghiệm, bí kíp sẽ dốc sạch cho học trò. Trong khi dạy, các thầy luôn đưa ra các tình huống giả định để học viên nâng cao cách xử lý nhanh nhạy. Anh Hải chia sẻ: “Tập đi đường trường, gặp chỗ dễ hay khó mình đều để học viên tự làm hết để bản thân họ hình thành sự chủ động trong mọi tình huống. Trong khi dạy kỹ năng mình cũng luôn lồng ghép giảng giải cả đạo đức người lái xe, để học viên hiểu mai này lái xe ra đường phải cẩn thận thế nào để không phải trả giá. Chưa nói đến đi ẩu, chỉ cần lơ là một chút cũng đã phải trả giá đắt rồi. “Sai một ly đi một dặm”, mà với ô tô sai một ly là đi cả nghìn dặm ấy chứ”!

Ông Kim Phương lại không quên nhắc nhở học viên: “Phải biết “nhường nhịn” và đi đúng luật, gặp tình huống thì nên xử lý “non” một tí, đừng có “già” quá. Càng cẩn thận và bình tĩnh bao nhiêu thì lái xe càng an toàn bấy nhiêu. Ý thức lái xe an toàn không phải chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và những người cùng tham gia giao thông với mình!”.

5. Có rất nhiều cơ duyên đưa đẩy họ đến với nghề, có thể vì đam mê sở thích... nhưng phần đa trong số họ là chọn nghề để mưu sinh, như ông Kim Phương, anh Thắng, anh Hải, hay anh Hùng Phương.

Hỏi chuyện “lương lậu”, anh Hải cười: “Học viên là người trả lương cho thầy. Học trò đông thì lương thầy khá, học trò ít thì thu nhập kém”. Chỉ mới 5 năm gắn bó với nghề, xong anh Hải cũng được coi là người có “tiếng” ở trường, là một trong số những giáo viên có số lượng học viên đông, mang về doanh thu cho trường tiền tỷ mỗi năm. Cộng lương cứng và tiền thưởng theo doanh thu, tổng thu nhập cả năm của anh Hải cũng vào khoảng 300 triệu đồng. Nếu như anh Hải là nhận xe do trường giao, thì ông Kim Phương lại là cổ phần xe vào trường. Ông bảo: “Trừ hết chi phí các loại, bao gồm cả chi phí hao mòn xe thì tính ra tháng ít tháng nhiều, bổ đều cũng khoảng hơn chục triệu”.

Đúc rút lại, họ đều có chung nhận định: Nghề này không giàu được nhưng mà không lo chết đói. Quan trọng là phải biết giữ cái “cần câu cơm” của mình - ấy là sự uy tín trong nghề.

6. Cậu em tôi ngay buổi đầu tiên tập đi đường trường đã được một phen hú vía! Thầy trò tập đi từ thành phố lên huyện, tới nơi thầy gặp bạn, chén chú chén anh đến tối muộn. Lúc về thầy để trò tự lái, còn bản thân say khướt ngồi bên. Cậu phải một mình lái xe trên đủ loại địa hình: đồi núi, dốc cao, khúc cua, ổ gà, đường đô thị... có đoạn xe tải chạy rầm rầm. Quãng đường khoảng 30km mà với cậu như dài ngàn cây số. Cậu run rẩy đi như bò trên đường trong nỗi sợ hãi tai nạn chực chờ. Chỉ khi về đến nhà cậu mới biết là mình còn sống!

Tôi kể chuyện này để muốn nói giống như mọi ngành nghề trong xã hội, nghề dạy lái xe ô tô cũng có thầy này thầy kia, không phải tất cả đều tốt. Song phần đông những người chọn nghề này đều ý thức rõ: Nếu họ dạy không tốt sẽ cho ra những sản phẩm lỗi - có thể cướp đi tính mạng của bao người. Họ sẽ không chỉ bị dằn vặt bởi lương tâm nghề nghiệp mà như đã nói ở trên nếu đánh mất uy tín của bản thân họ sẽ đánh mất cái “cần câu cơm” của mình!

BÍCH HỒNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước