Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:28 (GMT +7)

Lan man chuyện “tranh trừu”

VNTN - “Tranh trừu” là cách gọi tắt, cách gọi rất Việt Nam của giới họa sĩ khi nói về “tranh trừu tượng”. Với cách gọi này thì “tranh trừu tượng” dường như đã được công nhận là một dòng tranh Việt hiện tại.

Đôi nét về “tranh trừu”.

Vào những năm 1940- 1950, một trào lưu nghệ thuật mới được phát triển ở New York (còn gọi là trường phái New York), trong đó có một số họa sỹ trừu tượng người Mỹ (như Jackson Pollock, Mark Rothko và Willem de Kooning ...) đã tạo nên một trào lưu nghệ thuật mới, mà năm 1946 được nhà phê bình nghệ thuật Robert Coates đặt tên là “Biểu hiện trừu tượng”. Đó là trào lưu nghệ thuật đặc biệt được các nhà phê bình, các Gallery, các nhà sưu tập lớn cùng nhau cổ xúy.

Tranh trừu tượng hay “tranh trừu” dĩ nhiên cũng được giới hội họa Việt Nam đón nhận và “thử sức” từ nhiều chục năm nay. Có nhiều họa sĩ đã vẽ và cũng có nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc hay khu vực có những bức “tranh trừu” được trưng bày, đã nhận được sự quan tâm không chỉ trong giới họa mà còn của đông đảo công chúng. Những bức tranh trừu tượng do các họa sĩ Việt Nam vẽ cũng đã phần nào được “Việt hóa” nhằm đạt được “sự thẩm mỹ hiện đại” trong mỹ cảm của người Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu và nắm được cái hồn cùng bản chất thực của “tranh trừu”có lẽ đòi hỏi người vẽ và người xem tranh phải biết cách “mở nội dung”.

Để giải đáp những ý kiến và cả những băn khoăn này, tôi đã tìm gặp một số họa sĩ đã và đang vẽ tranh trừu. Họa sĩ Phạm Kiên, người đang có những say mê lớn lao với “tranh trừu” đã tâm sự: “Tôi muốn vượt qua cái đang hiển hiện trên thực tế. Từ vẽ thật, vẽ trung thực sang thể hiện theo một cách khác. Tôi muốn được vẽ theo cảm nhận của cảm xúc với tư duy tự do hơn và cũng phóng khoáng hơn”.

Rồi họa sĩ Phạm Kiên cho xem một số bức tranh ông và các đồng nghiệp đã vẽ. Quả tình sau một hồi chăm chú nghiêng đầu nghiêng cổ để “xem” đành phải thú thực “Tôi chưa hiểu”. Họa sĩ Phạm Kiên cười an ủi “Cũng là xem tranh bằng cảm nhận nhưng xem “tranh trừu” thì có một đòi hỏi cao hơn, đó là xem bằng cảm xúc, tức là khi đó trong đầu của người xem tranh đang nghĩ đến gì, đang nghĩ về gì và nghĩ như thế nào”. Tôi lại băn khoăn “Vẫn chưa hiểu?”.

Họa sĩ Phạm Kiên chỉ vào một bức tranh trừu tượng với hai mảng màu đen trắng “Tôi gợi ý cho anh nhé. Đó là một bức tranh vẽ phố”. Được lời gợi ý nên tôi mau chóng nhận ra đó là một góc phố với những ngôi nhà lô xô.

“Vậy tôi lại đưa ra gợi ý khác. Anh gạt bỏ đó là góc phố đi mà hãy nhìn nó bằng cảm xúc nào đó hiện có ở trong đầu anh”. Lại nheo nheo mắt nhìn lên “Không phải một góc phố mà đó là một rừng cây trụi lá. Mà không, đó là một cơn mưa rào”. Phạm Kiên cười: “Cũng có thể là một gương mặt ai đó. Đấy, tôi mê vẽ tranh trìu tượng bởi nó là như thế. Tùy vào trạng thái cảm xúc mà ta có thể thể hiện hoặc hiểu đó là gì”.

Tranh trừu có đánh đố người xem?

Có ý kiến cho rằng: Tranh trừu tượng là loại tranh mà ở đó người họa sĩ đã vượt qua cảm xúc thông thường hướng tới (vươn tới) một xúc cảm mỹ thuật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Một khi người họa sĩ không biết vẽ gì nữa thì vẽ tranh trừu tượng. Hiểu theo ý kiến đó thì tranh trừu tượng là một loại tranh rất khó xem và cũng rất kén người xem tranh, vậy “tranh trừu” có đánh đố người xem?

“Không có”. Họa sĩ Phạm Kiên đã trả lời ngay sau câu hỏi. Việc đón nhận và thưởng thức một bức “tranh trừu” trước hết phải hiểu một “nguyên tắc”, đó là: “Tranh trừu” là không được áp đặt cho người xem tranh xem theo ý của người vẽ. Nếu như để vẽ một bức tranh ta cứ gọi là “thông thường” hay là “truyền thống” thì người họa sĩ đã xác định trước nội dung sẽ vẽ bằng việc chọn đề tài, chọn đối tượng rồi vẽ. Những bức tranh như thế người họa sĩ dồn tâm huyết, tài năng và tình cảm của mình để thể hiện. Người xem tranh sẽ nhận ra luôn đó là bức tranh gì, tĩnh vật hay chân dung hay phong cảnh.

 

“Tranh trừu” lại khác, khi ngồi trước tấm toan trắng và cùng cây cọ và tấm bảng màu có khi người họa sĩ bắt tay vào vẽ bằng tâm trạng, bằng tư tưởng và cả nỗi khát khao của mình. Một bức “tranh trừu” được thể hiện thế nào sẽ dựa vào yếu tố “tinh thần” và yếu tố “tâm lý” của người họa sĩ. Ví dụ như lúc đang vẽ người họa sĩ có tinh thần phấn chấn thì anh ta sẽ thể hiện nên những vẻ phấn chấn. Và khi bức tranh được vẽ xong đưa ra cho người khác xem thì người khác nhận biết được lại cũng thông qua yếu tố tinh thần, yếu tố tâm lý của chính mình. Nếu người xem tranh khi đó có tinh thần không được tốt, tâm lý, tâm trạng đang không ổn thì anh ta sẽ thấy ở đó một hình ảnh buồn bã hay chán chường từ chính bức tranh đó. Việc “hình dung” ra nội dung của tranh hoàn toàn dựa vào những yếu tố cá nhân của người xem tranh chứ không phụ thuộc vào ý đồ, ý tưởng của người vẽ tranh.

Nói cách khác, một bức “tranh trừu” sẽ dẫn dắt người xem vào một thế giới của ngôn ngữ hội họa bao gồm: màu sắc và bố cục. Mỗi người có mỗi liên tưởng riêng, ở mỗi thời điểm riêng, ở mỗi một cảm xúc riêng. Khi xem một bức “tranh trừu” người xem sẽ tự cảm nhận để rồi tự xác định cho mình ra một nội dung đúng với trạng thái tâm lý của mình khi đó.

“Tranh trừu” có cần đặt tên?

Có lẽ là “không nên”. Bởi trừu tượng là sự khái quát hóa trong tư duy trên cơ sở dựa vào các thuộc tính và các quan hệ của sự vật nên nếu đã đặt tên cho một bức “tranh trừu” thì người xem và cả chính tác giả đã bị mất đi những cảm nhận tư duy khi mà đặc trưng đặc biệt của “tranh trừu” là sự đa chiều, sự đa dạng và sự biến thiên của dòng tranh giàu cảm xúc này. Đặt tên cho “tranh trừu” là người vẽ đã mặc định về nội dung cho người xem và khi đó bức tranh sẽ mất đi vẻ bí hiểm, mất đi sự hưng phấn, mất đi sức tưởng tượng và đôi khi sẽ không còn được đón nhận nữa.

“Tranh trừu” tốt nhất là đừng để lộ bất cứ một thứ gì bởi tự thân của “tranh trừu” đã là tự do, là phóng khoáng. Xem “tranh trừu” là xem ngẫm ngợi, là xem bằng tâm lý tình cảm, xem là để khám phá, là để cảm xúc được bay bổng, được tưởng tượng theo ý mình vì nội hàm của nó chính là: Không có gì cụ thể cả.

Do vậy bên cạnh việc không nên đặt tên cho tranh thì người họa sĩ có lẽ cũng không nên vẽ vào tranh những chi tiết dễ nhận biết. Ví dụ như người họa sĩ đã vẽ hình ảnh một con đò nhỏ vào một vị trí nào đó của bức tranh và dù hình ảnh con đò đó có được cách điệu đi chăng nữa nhưng ai cũng nhận biết được, thì người xem sẽ chỉ thấy bức tranh đã vô tình được giới hạn ở nội dung là về dòng sông, về đời sống hay về thân phận con người gắn với tâm lý tình cảm sông nước; trong khi nếu không có chi tiết “chỉ dẫn” đó thì người xem sẽ mặc sức tưởng tượng nên nội dung của tranh với tùy thuộc vào thời gian, không gian và tình cảm. Có thể bức tranh đó sẽ không có gì liên quan đến sông, đến nước. Lại ví dụ nữa, nếu người họa sĩ có những đường nét dễ liên tưởng thì người xem sẽ đinh ninh đó là bức tranh vẽ gì, bất di bất dịch. Hôm nay xem thấy thế. Ngày mai xem lại vẫn thấy thế. Và nhiều năm sau xem lại vẫn thấy thế. Trong khi “tranh trừu” là sự tưởng tượng về nội dung khác nhau ở mỗi thời điểm, ở mỗi con người và ở mỗi trạng thái cảm xúc.

Một số bức tranh trừu tượng do các họa sĩ ba miền sáng tác mới nhất.

Nói như vậy thì “tranh trừu” đúng như có ý kiến đã cho rằng “Vẽ tranh trừu là không biết vẽ gì ư?” Thưa không phải thế, bởi người họa sĩ khi vẽ “tranh trừu” đã gửi vào đó một thông điệp. Thông điệp của “tranh trừu”, nói như họa sĩ Phạm Kiên thì nó nằm ở màu sắc và bố cục của tranh. Người xem tranh cảm nhận từ màu sắc, bố cục rồi bằng mỹ cảm của mình, bằng tâm trạng của mình và cả bằng nỗi niềm riêng tư của mình mà dần dần hướng tới nội dung của tranh theo ý hiểu của mình cũng như hướng tới giá trị của “tranh trừu”.

“Tranh trừu” luôn cho người xem những khám phá nên tranh sẽ không bao giờ chán bởi nó luôn có những phát hiện mới. Điều này có cả ở ngay tác giả của nó. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Thịnh đã “thú nhận” rằng “Một bức tranh trừu do chính tôi vẽ ra nhưng khi xem lại chính tôi cũng nhận thấy những nội dung khác nhau”.

Do vậy, nghệ thuật đạt tới của “tranh trừu” là “Sự thay đổi của không gian và thời gian đã tự nhiên làm thay đổi cảm nhận”.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy