Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:53 (GMT +7)

Lan man chuyện “thả thính”

VNTN - Cách đây 2 năm, tôi quen trên facebook một bà bạn tuổi xấp xỉ sáu mươi. Bà khiến tôi ngưỡng mộ vì có làn da trắng bóng, không gợn nếp nhăn. Thế rồi chúng tôi gặp nhau ngoài đời. Tôi tưởng mình nhận nhầm người vì dấu thời gian lô xô trên mặt và dáng vẻ lam lũ của bà. Tôi thắc mắc, bà chìa cho xem cái điện thoại “Tôi nhờ con nó cài phần mềm chỉnh sửa ảnh, già mấy cũng thành gái 18. Nghe thiên hạ khen cũng thích tai bà ạ, ông nhà tôi bảo tôi thả thính chuyên nghiệp”. Nói xong bà cười rất vô tư.

Khoảng dăm năm trở lại đây, trong ngôn ngữ của nhiều người trẻ xuất hiện từ “thả thính”. Theo thời gian, thả thính được cả người cao tuổi sử dụng và ở nhiều hoàn cảnh khác xa ý nghĩa ban đầu.

Thực ra, thả thính là công đoạn không thể thiếu đối với bất cứ ai từng đi câu cá. Làm thính dễ lắm. Gạo hoặc ngô (đỗ) rang vàng cho dậy mùi thơm, giã nhỏ thành bột, gọi là thính. Trước khi buông câu móc mồi tung xuống nước, “cần thủ” thường rắc thính. Mùi thơm quyến rũ của hạt thính li ti khiến mũi đám cá hểnh lên và bơi đi tìm xem thức ăn ở đâu. Chúng nhìn thấy mẩu giun ngon lành chập chờn trước mắt bèn lao vào đớp, ngờ đâu ẩn trong miếng ngon là cái bẫy câu sắc lẻm. Chú cá đành chịu chết vì ham ăn.

Nghĩa đen là thế. Nhưng “thả thính” bây giờ nhiều người sử dụng lại thiên về nghĩa bóng. Người “thả thính” thường dùng cử chỉ, lời nói, gương mặt, quần áo, của cải… đẹp đẽ, bóng bẩy nhằm thể hiện mình giàu sang, quyền lực và tử tế, nhằm cuốn hút người khác để đạt được mục đích nào đó. Trên mạng xã hội, nhất là trên facebook, nhan nhản người “thả thính”. Người nhiều tuổi thì phô diễn sự trẻ trung, năng động, giàu có, thông thái làm “thính” để thu về sự ngưỡng mộ, lời khen ngợi của cư dân mạng. Họ thừa biết đó chỉ là những phút giây sống “ảo” nhưng chút “gia vị” ấy cũng khiến cuộc đời thêm hương sắc. Người trẻ “thả thính” chủ yếu để thu hút sự chú ý của đối phương. Bạn của cháu tôi làm nghề bán ốc luộc vỉa hè, nhưng trên mạng xã hội, nó post ảnh ngồi văn phòng, lái xe ô tô xịn, du lịch tận châu Âu. Thế mà cũng có chàng tưởng thật theo đuổi. Không biết mối tình “ảo” kéo dài được bao lâu?

Ảnh minh họa

Suy cho cùng, cái tâm lý “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, tâm lý sĩ diện cũng là lẽ thường ở đời. Người “thả thính” sẽ chẳng đáng trách lắm nếu như họ không tiếp tục lừa dối cả khi đối phương đã “cắn câu”. Tuy nhiên, nếu cứ “thả thính” mãi, tạo thành một thói quen, thì đến một lúc nào đó, cuộc sống hiện tại sẽ thế nào bởi quanh ta toàn hiện thực ảo và những lời khen ảo?

Lại quay lại câu chuyện của bà bạn tôi. Chỉ vì sở thích “thả thính chuyên nghiệp” của bà mà xuýt nữa con gái bà không được nhà chồng tương lai đón nhận, ông bà mất cơ hội kén được chàng rể quý. Bởi lẽ, đàng nhà trai ở nông thôn, thật thà và đầy tự trọng, khi thấy hình ảnh bà thông gia tương lai sành điệu quá, họ đâm hoảng, rồi từ chỗ ngần ngại, đến nhất quyết không dám kết tình thông gia, vì nghĩ “nhà mình không xứng”. May mà cậu con trai khôn ngoan kiếm cớ cho hai bên được giáp mặt nhau ngoài đời, thế là hai năm rõ mười, đôi trẻ đã dỡ bỏ được hàng rào cấm cản.

Giờ thì bà bạn tôi không còn hứng thú với trò “thả thính” trên facebook nữa. Bà ấy bảo, tí nữa thì chả những không gọi được cá vào mà lại đuổi mất cá đi.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước