Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
06:15 (GMT +7)

Lan man chuyện mặc

VNTN - Bước vào hội trường, tôi sững người bởi đơn vị đăng cai tổ chức chương trình hoành tráng quá. Bàn, ghế bọc nhung đỏ thắm. Đội ngũ tiếp tân mặc áo dài đồng phục. Hoa tươi tràn ngập. Trên sân khấu đoàn nghệ thuật đang biểu diễn chào mừng hội nghị, trống phách rộn ràng.

Tôi lại sững người khi nhìn đại biểu được mời. Có người mang theo con nhỏ đùm túm bỉm sữa, người mặc áo sờn vai, người “đánh” chiếc áo đông xuân cũ như vừa bước từ ruộng lên… hội trường. Cạnh đó, một anh “nhà báo” khoác ba lô to sụ, mặc quần soóc lửng ngang bắp chân đang hí hoáy ghi chép.

Tôi tò mò hỏi một người trong ban tổ chức:

- Kia là những ai thế anh?

- Họ là đại biểu huyện lên, còn kia là anh nhà báo ở Trung ương về.

Ừ thì thôi, người nông dân “chưa quen cung ngựa đưa tới trường nhung” (thơ Nguyễn Đình Chiểu) thì đành thể tất, nhưng còn anh nhà báo Trung ương (thường người làm báo không phải của tỉnh được gọi chung như thế) thì sao không biết mình đang tác nghiệp ở nơi nào mà ăn vận như đi du lịch bụi vậy?

Lan man chuyện mặc, gần đây tôi được dự một cuộc tôn vinh doanh nhân tiên tiến. Nói đến doanh nhân là nghĩ ngay đến những người có tiền, sang trọng, lịch sự. Vậy mà không ít đại diện cho doanh nghiệp “ăn nên làm ra” lại vận quần áo quá xoàng xĩnh, thậm chí nhầu nhĩ. Nhiều nữ doanh nhân không trang điểm, váy xống lỗi mốt, mặt mày hốc hác. Thú thực, nhìn họ tôi chỉ thấy toát lên sự vất vả, lo toan quá đỗi, điều không cần thể hiện ở chốn tôn vinh sang trọng này?

Cách đây chưa lâu, bạn của tôi giao dịch vay tiền ở ngân hàng nọ. Ra về, bạn tôi “lăn tăn” mãi về việc nhân viên ngân hàng mặc cái áo… quá nhàu. Vốn là người thẳng tính, bạn tôi nhắc: “Em nên là áo trước khi mặc. Việc của các em là xuất hiện trước mặt người khác, cần giữ hình ảnh của mình và của đơn vị”.

Lan man tiếp về chuyện mặc, nhiều cơ quan, đơn vị may đồng phục cho cán bộ, công nhân viên để họ mặc trong những ngày “công to việc lớn”. Việc mặc đồng phục mang đến một vẻ đẹp đồng nhất, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung một ý chí từ lãnh đạo đến nhân viên. Thế nhưng, vẫn không hiếm người mặc khác đi, với đủ lý do: Sợ già, chật, béo, xấu… Sự khác biệt khiến họ lạc lõng trước các cộng sự và người quan sát.

Ấy là nói chuyện mặc khi… đến chỗ công cộng. Chuyện trang phục ở nhà còn nhiều chuyện đáng nói hơn. Mới đây thôi, tôi đang trò chuyện với một đồng nghiệp nam thì có chuông điện thoại. Bạn đó cầm điện thoại lên nói:

- Bà bổi nhà em gọi.

- Vợ xinh, sành điệu thế mà gọi là bà bổi - tôi phản đối.

- Ôi giời, ra ngoài thế thôi, về nhà quần áo lôi thôi, tóc tai bù xù lắm chị ơi. Nói rồi cậu lấy điện thoại cho tôi xem mấy cái ảnh “cô nàng sành điệu” ở nhà. Thú thực, tôi không tin nổi ở mắt mình khi nhìn thấy nàng xộc xệch váy áo, đầu tóc bù xù, da dẻ xám xịt khi… ở nhà.

Các cụ đã đúc rút “gái ham tài, trai ham sắc”, lại có câu “Trông mặt, bắt hình dong” để nói rằng từ xa xưa “sắc” quan trọng không kém gì “tài”. Thời hiện đại, “sắc” không chỉ ở giới nữ mà của tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. “Sắc” không chỉ là vẻ đẹp của gương mặt mà của cả trang phục.

Mặc lịch sự, phù hợp với tính chất, không khí nơi mình tham gia còn thể hiện “phông” văn hóa của người đó.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước