Làm từ thiện và “vi phạm pháp luật”
VNTN - Trong những ngày vừa qua, khi lũ lụt tàn phá một số tỉnh miền Trung, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã đồng lòng ủng hộ bằng tinh thần và vật chất, góp phần sẻ chia những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân vùng lũ lụt.
Cùng với sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, rất nhiều tổ chức và cá nhân đã đứng ra vận động quyên góp, trực tiếp đến tận các vùng bị lũ lụt tàn phá, trực tiếp phân phát hàng cứu trợ đến các đối tượng cần được giúp đỡ. Nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng, có uy tín và ảnh hưởng với cộng đồng đã làm rất tốt việc này, họ quyên góp được hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng tiền mặt và hàng hóa làm từ thiện. Thậm chí có một MC nổi tiếng đã lập kỷ lục trong việc huy động sự ủng hộ đồng bào miền Trung qua mạng xã hội Facebook, khi chỉ sau 1 tuần, số tiền ủng hộ qua tài khoản của anh đã lên tới gần 20 tỷ đồng.
Những nguồn huy động từ hảo tâm của các cộng đồng xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc giúp bà con vượt qua hoạn nạn.
Ảnh minh họa Nguồn: phununews.vn
Tuy nhiên, trong lúc các cuộc vận động ủng hộ đang ở cao trào thì xuất hiện một số quan điểm cho rằng, việc các tổ chức, cá nhân không có pháp nhân tự ý vận động, quyên góp tiền là vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Họ cho rằng cá nhân không được phép kêu gọi vận động tiền cứu trợ, cũng không được phép tiếp nhận, phải phối hợp với chính quyền địa phương nơi mình cư trú, phải mở tài khoản cứu trợ tại Kho bạc Nhà nước, phải thông qua đơn vị chủ trì phân phối là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…Thậm chí một số trang web, facebook cá nhân còn quy kết MC nổi tiếng nọ đã vi phạm pháp luật.
Sự việc này khiến cho nhiều người vốn rất tích cực trong hoạt động thiện nguyện cảm thấy lo lắng. Bởi không ai nghĩ rằng những việc mình đang làm tốt đẹp, nhân văn là thế mà bỗng dưng một ngày nào đó lại trở thành hành vi vi phạm luật pháp.
Dưới góc độ pháp lý, nhiều luật gia đã lên tiếng phân tích các văn bản luật, phân tích bản chất pháp lý của sự việc nhằm bảo vệ những người làm từ thiện, chứng minh rằng họ không vi phạm pháp luật, không vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Bản thân những người chủ trì các hoạt động từ thiện trong sóng gió dư luận cũng cẩn trọng và minh bạch các hoạt động thu chi tài chính để chứng minh sự trong sáng của mình.
Sự việc tuy tạm lắng nhưng chưa thật ngã ngũ, đã đặt ra những vấn đề thực tiễn đáng lưu tâm.
Thứ nhất, việc tuyên truyền hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện là rất cần thiết, và càng cần thiết hơn khi hoạt động thiện nguyện ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia. Các ngành, các cấp có thẩm quyền cần chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân tham gia làm từ thiện, hướng dẫn thực hiện đúng pháp luật; cùng với đó là cung cấp và chia sẻ thông tin, hướng dẫn, điều phối các nguồn lực cứu trợ sao cho hợp lý, hợp pháp.
Thứ hai, cần xem lại quy định chỉ có Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, chính quyền các cấp ở địa phương, và các tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân mới có quyền hạn trong vận động quyên góp, phân bổ tiền, hàng cứu trợ. Quy định này khiến công tác quản lý thuận lợi nhưng lại hạn chế việc khuyến khích các cá nhân, nhóm xã hội tự nguyện trong việc ủng hộ đồng bào khu vực thiên tai và gặp khó khăn đặc biệt
Nhà báo Trần Đăng Tuấn, người chủ trì Quỹ "Cơm có thịt" và rất nhiều hoạt động từ thiện cũng lên tiếng đề nghị xem xét, sửa đổi các văn bản luật cho phù hợp với thực tiễn. Ông cho rằng sự điều chỉnh này là cần thiết vì “không ai lại đi ngăn cản hoạt động thiện nguyện cho đồng bào hoạn nạn chỉ vì các hoạt động đó không hoàn toàn theo các quy định cứng”. Các quy định đang tạo ra sự bất cập hoạt động xã hội từ thiện cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tế, trên cơ sở phát huy tốt nhất quyền của người dân trong việc tham gia các hoạt động từ thiện, góp phần nhân lên lòng nhân ái để xây dựng xã hội.
Ở một đất nước thường xuyên bị thiên tai tàn phá, người dân giàu lòng nhân hậu, dân tộc có truyền thống "thương người như thể thương thân" như nước ta, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân làm việc thiện cần được xem là việc ưu tiên hơn cả, từ xây dựng pháp luật đến hoạt động thực tiễn. Không để cho những người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ đồng bào mình, vì những bất cập nào đó trong chính sách mà trở thành kẻ vi phạm pháp luật.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...