Làm theo quy chuẩn
VNTN - Học viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội trong một ngày cuối năm, là hình ảnh những cửa hàng photocopy đông sin sít, phòng tiếp nhận luận văn, luận án chật cứng người. Không khí vội vã, căng thẳng bao trùm, hiện diện trên bàn tay thoăn thoắt như phát cuồng của những người đánh máy, đóng bìa, đôi mắt lo âu, dáo dác, điệu độ nhấp nhổm, thở ngắn than dài của những thượng đế bất đắc dĩ đang đứng ngồi vật vờ, lổm nhổm. Họ xếp hàng chờ đến lượt mình, người bình tĩnh thì dồn sức cùng chủ cửa hàng chỉnh chữ, căn nốt cái bảng. Kẻ yếu lòng thì lộ rõ sự mệt mỏi, mồ hôi vã ra như tắm dù đang giữa mùa đông. Có người cáu nhặng khi đến lượt mình thì bị kẻ khác chen chân hay đem sản phẩm đến ăn vạ vì luận văn đóng đi đóng lại, tốn một núi tiền vẫn bị trả lại vì không làm theo quy chuẩn!
Năm nào, tháng nào, và bất cứ ở đâu, khi đến hạn hoàn thành các thủ tục học vụ, hành chính, người ta cũng có thể bắt gặp không khí tương tự. Trong số những người khốn khổ đang xếp hàng chờ sửa luận văn kia, không phải ai cũng là người “nước đến chân mới nhảy”. Hầu hết họ đã hoàn thiện nội dung tiểu luận đến 99%, không ít người cẩn thận in ấn ở quê, thuê xe mang cả chồng, cả tập ra chờ nộp. Vậy điều gì khiến đến ngày cuối cùng, áp lực thời gian lại đổ dồn lên họ như vậy? Ấy là vấn đề vi phạm quy chuẩn: chuẩn về số trang, giãn dòng, phông chữ, thứ tự trình bày tài liệu tham khảo; chuẩn về cái bìa, cái gáy, cái khung, cái dấu chấm ngăn cách học hàm học vị và tên riêng trong các cụm từ ThS, PGS, GS…; thậm chí, chuẩn về màu bìa của luận văn khi quy định là “đỏ tươi chứ không được đỏ thẫm”… Những yêu cầu về hình thức mà người Việt thường dễ dãi cho qua vì nghĩ là tiểu tiết nay trở nên nghiêm trọng, nặng nề. Bởi thừa một trang, sai một lỗi, chậm một giờ…, người tiếp nhận sẽ không thu, đồng nghĩa với việc học viên ấy phải lùi hạn bảo vệ lại cả nửa năm hay ít nhất là sau tết. Tác phong làm việc hiện đại không cho phép “tháo khoán” hay “cao su” vào những giờ nước rút. Tất cả đều y án, đều tôn trọng chuẩn mực, dẫu đó chỉ là chuẩn mực về hình thức.
Bất chấp sự mệt mỏi, căng thẳng của những học viên đang xếp hàng chờ sửa luận văn, luận án ngoài kia, thì thiển nghĩ, việc thi hành và tôn trọng quy chuẩn là cần thiết và nên được nhìn nhận như một nếp sống văn minh. Đã từ lâu, người Việt quen với sự xuề xòa, dễ dãi trong hình thức. Mua bán thì tính bằng ôm, bằng bơ, bằng bó…; độ co giãn thời gian thì tính bằng giờ, bằng ngày, cho đến cả việc cho nhau vay, nợ cũng vì nể, vì ngại mà quy ước bằng niềm tin, bằng trí nhớ, lời hẹn, câu thề... Trong đời sống thường nhật, sự xuề xòa, linh hoạt có thể đem đến cảm giác thoải mái, dễ chịu nhưng ở xã hội văn minh, chuẩn mực mới thực sự đem lại thuận tiện cho tất cả mọi người.
Có thể nói rằng, quyển luận văn kia có thừa 20 trang cũng chẳng chết ai, nhưng một nghìn cuốn luận văn thừa 20 trang sẽ là vấn đề lớn về mặt quản lý, lưu trữ. Một dòng chữ không theo phông quy định trong luận án, một cách thức kẻ bảng, căn đầu dòng kiểu thủ công không theo nguyên tắc khi bị phát hiện sẽ được yêu cầu in lại toàn bộ, không phải là chuyện “hành” mà bởi đó là lỗi hiển thị rõ ràng trong quá trình số hóa. Đơn từ, thủ tục, hợp đồng, biên bản… cũng vậy. Có những sự lệch chuẩn về hình thức dẫn đến nhiều nhiêu khê về tổng thể mà nếu chỉ nhìn bằng ánh mắt xuề xòa, nếu chỉ đánh giá bằng tư duy dễ dãi, chúng ta sẽ không nhận ra được.
Kỷ luật là tự do! Chân lý ấy đã tồn tại và càng đúng hơn trong môi trường văn minh công nghiệp. Kỷ luật không chỉ nằm trong nội dung mà hiển thị cả ở hình thức với những quy chuẩn tiểu tiết đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Kỷ luật có thể đem đến những rối ren, căng thẳng như không khí của quán photocopy ngày cuối nộp luận văn kia, nhưng khi được tôn trọng và trở thành nếp sống của mọi người thì chắc chắn nó sẽ trở thành chìa khóa để mọi công việc trở nên thông suốt, kể cả lúc ngày rộng tháng dài lẫn khi năm cùng tháng tận.
Bắt đầu từ câu chuyện về những cuốn luận văn, hãy coi việc làm theo quy chuẩn, tuân theo kỷ luật, chính là một cách sống văn minh mà chúng ta nên học.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...