Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:58 (GMT +7)

Làm sao chữa bệnh “lối mòn” cho nhiếp ảnh Việt?

VNTN - Qua các cuộc thi và triển lãm ảnh ở Việt Nam nhiều năm gần đây, kể cả một số cuộc liên hoan ảnh khu vực mới nhất, có thể thấy nhiếp ảnh Việt tồn tại nhiều căn bệnh cố hữu khó sửa. Khó nhưng vẫn sửa được, dĩ nhiên là với nỗ lực của các tay máy cùng sự thay đổi trong tư duy sáng tác của nghệ sỹ và cả tư duy thẩm định ảnh của ban giám khảo.

Bắt bệnh nhiếp ảnh Việt

Đối với các Liên hoan ảnh khu vực, bao giờ giám khảo trước khi chấm cũng phải xem lại ảnh đoạt giải các năm trước để xem năm nay có tác phẩm nào bị giống - đúng ra là copy ý tưởng cũ hay không. Buồn một nỗi là năm nào cũng có chuyện bắt chước, copy nhau, thậm chí gần y chang, chỉ khác một vài chi tiết gọi là… cho có. Thậm chí có anh thì chỉ làm mỗi việc là bản gốc ảnh màu, thì bản cũ đen trắng. Anh lại copy y hệt bố cục, cảnh sắc chỉ khác mỗi là thời gian chụp.

Chuyện sáng tác kiểu “bày đàn” cũng là một nguyên nhân của hiện tượng giống nhau. Cùng một sự vật, hiện tượng, cả mấy chục cái máy cùng “châu” vào chụp, đã thế bạn dùng ống gì, ta dùng ống đó, thành thử nhiều ảnh cứ na ná nhau, thiếu một mùi vị, cảm xúc riêng. Dĩ nhiên sáng tác tập thể có cái hay, cái vui, nhưng trong nghệ thuật cái riêng quan trọng hơn.

Kỳ lạ một nỗi, khi đứng trước hiện thực “không photoshop”, nhà nhiếp ảnh tự tin cảm nhận và chụp. Thế nhưng về nhà lại hì hục gia cố, chỉnh sửa ảnh sao cho hiện thực lung linh lên quá mức, thậm chí đánh lừa cả thị giác của chính mình, để rồi bị đam mê, cuốn theo cái đẹp “phồn vinh giả tạo” ấy. Với một số tay máy thì dường như photoshop vẫn luôn là phù thủy, cứu cho bức ảnh khỏi sự tầm thường, nhạt nhẽo. Thêm khói, thêm mưa, nhân bản thêm đồ vật, chép thêm người… không gì photoshop không làm được, miễn là bạn có ý tưởng. Nhưng sự chắp ghép kiểu “giả thực” này khác xa với việc sử dụng photoshop thông minh có ý đồ để tạo ra những tác phẩm ảnh “ý niệm” mang ý tưởng riêng, độc đáo. Một số tác giả lại không yên tâm với vẻ đẹp mộc bức ảnh hiện có mà lại dùng photoshop để “trát” thêm “son phấn” lòe loẹt lên hiện thực, hòng tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy hơn, nhưng khi mọi sự đi quá xa thì hiệu quả phản tác dụng.

Việc sử dụng thiết bị cũng vậy, ví như chuyện quá lạm dụng ống kính góc rộng, nhất là mắt cá một dạo đã giảm giờ lại trở lại, đem đến nhiều hình ảnh méo mó và chỉ giải quyết khâu “lạ” chốc lát mà không đóng góp gì vào việc tăng thêm giá trị biểu đạt nội dung bức ảnh. Hay như phong trào sử dụng flycam để tạo ra những bức ảnh “không ảnh” lạ mắt bao quát được cảnh vật. Phải thừa nhận có những bức ảnh chụp flycam đẹp, ấn tượng nhưng cũng rất nhiều bức ảnh bố cục mênh mông, lễnh loãng. Xét cho cùng, Flycam chỉ là một trò chơi công nghệ nhiều hơn…

 

Săn ảnh tập thể ở Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)

Có một thực trạng nữa, đó là việc tác phẩm không những đẹp mà còn đẹp lung linh nuông chiều thị giác người xem, nhưng xem thì thấy quen quen, vì hình ảnh đó xuất hiện quá nhiều.

Trong một vài cuộc thi gần đây, chúng ta thấy xuất hiện quá nhiều ảnh chụp thanh niên tình nguyện, bộ đội, công an… Thanh niên tình nguyện thì chủ yếu lo bới rác làm sạch môi trường hoặc hiến máu. Công an thì hướng dẫn giao thông, dắt cụ già qua đường, bộ đội thì luyện tập, diễn tập. Loanh quanh cứ vậy thôi, chả thấy gì phát hiện, mới mẻ. Rồi ảnh phong cảnh, con người vùng cao, motyp vẫn lặp đi lặp lại không mệt mỏi là những ruộng bậc thang ngoằn ngoèo các mùa, người dân tộc ôm chó, mèo, bên bếp lửa… Cảnh sân khấu hóa lễ hội hay các tiết mục vở diễn trên sân khấu… gần đây cũng xuất hiện ngày một nhiều. Nhà nhiếp ảnh chụp với ánh sáng, cảnh trí, diễn viên dưới bàn tay của đạo diễn chương trình đã dàn dựng sẵn thì ý tứ, sáng tạo của tác giả ở đâu, cũng là chuyện cần nói.

Giải pháp nào để chữa bệnh “lối mòn”?

Thực sự thì không ít người nghĩ rằng để có tác phẩm chỉ cần trang bị “vũ khí” tốt, đi nhiều, bỏ nhiều công sức chờ đợi, rình rập là thế nào cũng có. Và nhiếp ảnh là năng khiếu trời cho.

Khi có ai đó nói hội họa khó hơn ảnh, là nhiều người kêu toáng lên cho rằng so sánh thế là sai. Thực sự thì nhiếp ảnh không phải học bài bản như hội họa. Thế nên nếu họa sỹ chuyển sang chụp ảnh thường sẽ có con mắt tinh tường về bố cục và tạo hình cũng như cách phối màu, nên có những tác phẩm đẹp. Trong khi rất ít nhà nhiếp ảnh có thể cầm bút vẽ đàng hoàng.

Để nâng cao khả năng tạo hình, không thiếu những nhà nhiếp ảnh nước ngoài đi học hội họa, thiết kế và ảnh của họ có chiều sâu hơn nhiều. Cũng như việc xem phim kinh điển, phim thể nghiệm hay đọc tác phẩm văn học cũng đóng góp nhiều cho việc gợi ý tứ, cảm hứng cho các tay máy.

Đã có những nhà nhiếp ảnh chỉ loay hoay quanh nhà mà có tác phẩm tốt với tư duy, ý tứ mạch lạc, rõ ràng. Ngược lại có những người đi rất nhiều, chụp hàng ngàn GB ảnh trong mỗi đợt sáng tác nhưng tác phẩm lại như lẩn tránh họ. Ngày nào cũng chụp. Chụp nhiều quá, chụp liên tục sẽ có cảm giác mòn mỏi, chán chường thậm chí là xơ cứng tư duy. Ai đó đã nói rằng, ngày nào chụp ảnh cũng vẫn có cảm hứng. Điều này quả thực không đáng tin cho lắm, bởi chụp nhiều như vậy lấy đâu ra thời gian để “refresh” (làm tươi mới) bản thân.

Để giải phóng sự nhàm chán, hãy thử có lúc tạm gác máy lại để đi chơi, đi xem hay đi làm những công việc khác một cách đơn thuần, đừng dính dáng gì tới ảnh. Xét cho cùng nhiếp ảnh cũng chỉ là một trò chơi thú vị - dĩ nhiên với nhiều người nó còn là nghề mưu sinh. Nhưng rất cần những khoảng lặng để nhìn lại mình, để cho tư tưởng thảnh thơi, trước khi bắt đầu với những ý tưởng mới.

Việc chạy theo thành tích, giải thưởng cũng là một nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh bắt chước, đạo ảnh, nhái theo các tác phẩm đã ăn giải ở nhiều cuộc thi. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, việc một cuộc thi có nhiều chủ đề sẽ thu hút, làm tăng thêm số lượng thí sinh tham gia. Việc chia nhỏ chủ đề sẽ tạo ra nhiều sân chơi đa dạng cho nhiếp ảnh Việt và tổ chức nhiều ban giám khảo sẽ khiến công tác thẩm định dễ dàng và chính xác hơn. Việc này ở cuộc thi ảnh quốc tế hai năm một lần mang ký hiệu VN của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đã làm khá tốt.

Mặt khác, việc định hướng, tiêu chí cho ảnh thắng giải cũng cần chặt chẽ và cụ thể hơn, ví như tổ chức các hội thảo đánh giá chất lượng chuyên môn các cuộc thi lớn là cần thiết. Một điểm nữa cũng khá quan trọng mà hầu như ít ban giám khảo tính đến khi chấm các cuộc thi lớn là yếu tố hội nhập quốc tế. Tất nhiên do mặt bằng chất lượng cuộc thi và thực tế từng cuộc mà không phải lúc nào vấn đề này cũng nên đặt ra. Nhưng về lâu dài nên tính tới yếu tố hội nhập quốc tế khi chấm các ảnh đoạt giải cao, thì ảnh đó cũng phải có cơ may khi tham gia đấu trường quốc tế. Về cụ thể sẽ có những tiêu chí cụ thể khác nhau, nhưng chiếu theo câu nói của cố nhà văn nổi tiếng Nguyễn Minh Châu, thì “Đi tới tận cùng cái của ta sẽ gặp cái nhân loại”. Câu nói này luôn đúng, bởi cái của ta chính là bản sắc văn hóa, linh hồn của dân tộc Việt.

Việt Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy